Phỏng vẩn ĐC Munib Younan chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới

Trong mấy ngày đầu tháng 3 này, ĐC Munib Younan, GM của Giáo Hội Luther Giordania và Thánh Địa, kiêm chủ tịch Liên Hiệp Luther thế giới, đã có mặt tại Firenze, trung bắc Italia, để tham dự đại hội về đề tài “Đọc hiểu trở lại cuộc Cải Cách”. Nhân dịp này ĐC đã dành cho phái viên Riccardo Burigana một bài phỏng vấn về cuộc đối thoại đại kết, được đăng trên nhật báo Quan Sát Viên Roma của Toà Thánh số ra ngày mùng 1 tháng 3 vừa qua. Chính ĐC là người đã chào đón ĐTC Phanxicô trong các lễ nghi kỷ niệm 500 năm Phong trào Cải Cách tại Lund bên Thụy Điển, trong hai ngày 31 tháng 10 và mùng 1 tháng 11 năm 2016.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài phỏng vấn này.

Hỏi:  Thưa ĐC Younan, cuộc đối thoại đại kết diễn tả điều gì đối với Liên Hiệp Luther thế giới?

Đáp: Đối với tín hữu Luther đại kết là trung tâm  cuộc sống đức tin, chính vì thế Liên Hiệp đã thăng tiến cuộc đối thoại song phương với Giáo Hội công giáo, Giáo Hội chính thống, các Giáo Hội cải cách, Giáo Hội anh giáo, và các cuộc nói chuyện với các anh em Pentecostal và Baptist, cũng như thăng tiến một lộ trình sám hối với anh em Menonít. Tuy nhiên, đại kết không phải chỉ là một việc đối chiếu thần học để hiểu xem phải thắng vượt các chia rẽ như thế nào. Nó phải thay đổi bộ mặt cuả các cộng đoàn nữa, nó phải đi sâu vào kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của từng kitô hữu. Một trong các câu hỏi còn bỏ ngỏ là việc tiếp nhận những gì đã làm được trên bình diện cuộc đối thoại thần học vào trong cuộc sống thường ngày: tinh thần cuộc gặp gỡ tại Lund có thể giúp các tín hữu kitô khám phá ra rằng đại kết có nghĩa là cùng nhau sống Chúa Kitô để cùng nhau đương đầu với các thách đố chung cho mọi kitô hữu.

Hỏi: Đâu sẽ là các đề tài của hội nghị lần tới của Liên Hiệp Luther sẽ đưọc triệu tập trong các ngày từ mùng 10 tới 16 tháng 5 tới này tại Windhock bên Namibia, thưa ĐC?

Đáp: Cứ 7 năm một lần Liên Hiệp Luther thế giới nhóm tổng đại hội để thảo luận các đường hướng chính cho các năm tiếp theo. Đây là thời điểm quan trọng, vì có sự tham dự của tín hữu Luther đến từ khắp nơi trên thế giới để chia sẻ các kinh nghiệm của các cộng đoàn địa phương. Năm nay chúng tôi sẽ thảo luận về việc Cải Cách, là gia tài tinh thần mời gọi mọi kitô hữu, chứ không phải chỉ các tín hữu Luther, suy tư về sự kiện “chúng ta đã được giải thoát bởi ơn thánh của Thiên Chúa “ là đề tài của hội nghị. Tại Windhock chúng tôi sẽ thảo luận 3 điểm chính: thứ nhất nhắc cho tất cả mọi người biết rằng ơn cứu rỗi là ơn nhưng không, và không thế chiếm hữu bằng bất cứ cách nào. Cần phải tránh xa ý tưởng cho rằng sự thịnh vượng của cá nhân là con đường dẫn tới ơn cứu độ, như có ai đó bị cám dỗ nói rằng bằng cách đọc vài trang Thánh Kinh là đủ. Khía cạnh thứ hai được thảo luận liên quan tới phẩm giá con người. Không thể chấp nhận nghèo đói, nô lệ và việc khước từ các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Các kitô hữu phải đặt để vào trung tâm việc tôn trọng đối với mỗi một người nam nữ, bằng cách lên án bất cứ hành động bạo lực và gạt bỏ ngoài lề nào. Điểm thứ ba đại hội sẽ thảo luận là việc cứu vãn thụ tạo: chúng ta đang ở tại “điểm không thể trở lại đàng sau được nữa”, như nhiều nhà khoa học đã lập đi lập lại. Sau các ký kết thoả hiệp quốc tế về môi sinh các Giáo Hội phải hoạt động để can thiệp vào các thay đổi khí hậu đang xảy ra. Đây không phải chỉ là điều liên quan tới các tín hữu Luther và công giáo, mà liên quan tới toàn thế giới: tạo dựng hoà bình và công lý, khởi hành từ việc cứu vãn thụ tạo là một bổn phận của tất cả mọi người.

Hỏi: Thưa ĐC sau cuộc gặp gỡ tại Lund các liên lạc giữa Liên Hiệp Luther thế giới và Giáo Hội công giáo đã ra sao?

Đáp: Cuộc gặp gỡ tại Lund đã là một trong những kinh nghiệm thay đổi cuộc sống. Nó thật là quan trọng sau việc soạn thảo tài liệu “Từ xung khắc tới hiệp thông “ đã giúp các tín hữu luther và công giáo luôn luôn tìm kiếm các điểm đồng quy, bắt đầu từ những gì nối kết chúng ta. Tài liệu đề ra 5 điểm cần hướng dẫn con đường đại kết, khởi hành từ việc thừa nhận phép rửa duy nhất trong Chúa Kitô. Trên con đường đại kết hiện nay giữa các tín hữu luther và công giáo việc phục vụ thế giới có giá trị ngôn sứ, bởi vì nó làm chứng cho dấn thân chung lo lắng cho các anh chị em rốt hết. Cuộc gặp gỡ tại Lund đã có thể, vì từ 50 năm qua các tín hữu công giáo và luther đã bắt đầu cuộc đối thoại đại kết sản xuất ra các tài liệu, nhưng nhất là đã khiến cho sự tin tưởng và tình bạn đối với nhau lớn lên. Giờ đây điều quan trọng là cuộc đối thoại này không chỉ được sống tại Roma hay tại Genève thôi, mà phải đi tới với mọi cộng đoàn địa phương. Trong các tháng tới đây chúng tôi sẽ duyệt xét các vấn đề còn phân rẽ các tín hữu luther khỏi tín hữu công giáo; chúng tôi sẽ bàn luận về giáo hội học, về bản chất của chức thừa tác, và sự hiệp thông giáo hội. Trong cuộc đối thoại này quá khứ của các thế kỷ thinh lặng đè nặng. Không thể thay đổi được quá khứ, nhưng nó không được xác định hiện tại và tương lai của chúng ta. Tôi chắc chắn là một ngày kia có thể thắng vượt được các chia rẽ này, và có thể chia sẻ bánh của bàn tiệc Thánh Thể: con đường đó không tuỳ thuộc nơi chúng ta, nhưng ở trong tay Chúa.

Hỏi: ĐC nghĩ các kitô hữu đang sống kỷ niệm 500 năm Cải Cách như thế nào?

Đáp: Có ba bình diện để kỷ niệm biến cố này: thứ nhất, cùng nhau cảm tạ Chúa, bằng cách nhớ rằng điều này đã chưa bao giờ được làm; thứ hai sám hối các tội lỗi và các chia rẽ của chúng ta, bằng cách biết rõ rằng như thế là chúng ta có thể trông thấy Chúa Kitô nơi gương mặt của người khác; và thứ ba sống kỷ niệm này trong tinh thần đại kết, nghĩa là thăng tiến một sứ mệnh chia sẻ trong thế giới, nhất là tại miền nam thế giới, nơi các tình trạng nghèo túng phổ biến nhất. Như vậy cùng nhau kỷ niệm Cải Cách có nghĩa là tự hỏi xem Cải Cách muốn nói với từng người trong chúng ta những gì, biết rõ rằng nó đã không chỉ kết thúc hồi thế kỷ XVI, nhưng vẫn sống động trong tinh thần của kiểu nói “Giáo Hội luôn luôn cải cách” quy chiếu sự năng động của Chúa Kitô, là Đấng mời gọi chúng ta đương đầu với cách thách đố hiện nay. Tôi đồng ý với ĐTC Phanxicô, khi ngài xin chúng ta “đem bục giảng ra ngoài đường” để nói với mọi người: thế giới cần Lời của Thiên Chúa trong một thời đại, trong đó người ta luôn ngày càng phổ biến việc tục hoá, và người ta nhận ra sự vắng bóng các người lãnh đạo quốc tế.

Hỏi: ĐC nghĩ gì về tình hình tại Thánh Địa hiện nay?

Đáp: Trong lúc này thì tôi không lạc quan, hoà bình xem ra xa vời . Trong các ngày qua giải pháp hai quốc gia đã bị thảo luận. Không có con đường nào khác ngoài con đường đối thoại: thành Giêrusalem không được chia cắt, mà phải được chia sẻ bằng cách trở thành nơi đối thoại. Tôi cũng lo sợ cho các kitô hữu vùng Trung Đông vì họ bị cám dỗ bỏ xứ này để đi đến một nước khác. Trước cám dỗ này đã khiến cho biết bao nhiêu kitô hữu ra đi, người ta phải tự hỏi vùng Trung Đông sẽ ra sao, nếu không còn các kitô hữu nữa. Chính để thử thay đổi lộ trình này, cần phải thăng tiến công lý và tái khẳng định các quyền con người và quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người. Kitô hữu toàn thế giới phải cảm thấy có trách nhiệm đối với số phận của các kitô hũu Thánh Địa; vì thế họ phải yểm trợ các tín hữu này trên bình diện tinh thần và vật chất, vì với sự hiện diện của họ họ có thể trợ giúp việc xây dựng hoà bình.

Hỏi: Thưa ĐC các kitô hữu có thể làm gì cho hoà bình?

Đáp: Hoà bình không phải chỉ là một vấn đề liên quan tới Thánh Địa: trên toàn thế giới hoà bình bị thảo luận, cũng bởi vì sự xuất hiện của biết bao chính trị gia nhân danh các lợi nhuận cá nhân và địa phương thổi cho ngọn lửa chia rẽ bùng lên, mà không hề nghĩ tới thiện ích của thế giới. Ích kỷ là một trong các tội kinh khủng nhất trong thế giới hiện nay. Các kitô hữu phải luôn luôn ý thức rằng việc xây dựng hoà bình là một bổn phận đã được Thiên  Chúa tín thác cho họ. Trước hoàn cảnh đó Giáo Hội phải làm một cái gì đó, phải trở thành lương tâm của các quốc gia, lãnh lấy trách nhiệm lãnh đạo luân lý, bằng cách cao giọng nói về công lý, mà không sợ hãi. Giáo Hội phải và có thể làm nhiều hơn là những gì kitô hữu đã làm cho tới nay, cả bởi vì trong năm 2017 này Giáo Hội hiệp nhất trong việc đòi hỏi công lý, bằng cách khiến cho thế giới chính trị lắng nghe như là một tiếng nói duy nhất.

Hỏi: Thưa ĐC có thể làm gì cho người tỵ nạn và di cư?

Đáp: Tôi coi chính sách của các nước âu châu từ chối không tiếp nhận người di cư tỵ nạn là một sự hổ nhục. Là một sự hổ nhục vì hai lý do: thứ nhất sau đệ nhị thế chiến toàn âu châu đã sống thảm cảnh di cư, và Âu châu có các trách nhiệm chính xác trong các cuộc khủng hoảng đảo lộn thế giới, khiến cho người ta trốn chạy khỏi quê hương mình, từ Siria cho tới Somalia cho tới Sudan. Trong viễn tượng này tài liệu “Tiếp đón người ngoại quốc” quan trọng, là tài liệu đã được biết bao nhiêu giới lãnh đạo tôn giáo đồng ký tên. Qua đó các vị đã muốn đáp trả cho một lời xin của cao uỷ tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, yêu cầu các giới chức chính trị làm một cái gì đó cho việc tiếp đón khác các người di cư tỵ nạn. Chính tôi cũng đã là một người tỵ nạn, và tôi rất hiểu đi tìm một cuộc sống, một phẩm giá cho cuộc sống có nghĩa là gì. Trên thế giới các tín hữu Luther trợ giúp hàng triệu người di cư mà không đòi hỏi gì. Trong điều này thì có một sự đồng điệu rất sâu xa. Cần phải lên án việc bài Hồi giáo, bài Do thái, bài Kitô giáo,  bài người nước ngoài, vì chúng không giúp xây dựng một nền văn hóa tiếp đón, là một lời đáp trả lại Thiên Chúa: ai cho một ly nước lã, không phải một chai nước, thì sẽ có phần thưởng trong nước Thiên Chúa.

Hỏi: Đức Cha nghĩ gì về dấn thân của ĐTC Phanxicô và sự liên lụy cá nhân của ngài trong phong trào đại kết?

Đáp: Truớc hết tôi tin rằng thật là quan trọng nhắc lại rằng Đức Gioan XXIII, với Công Đồng Chung Vaticăng II đã mở ra một mùa mới được các vị kế nhiệm tiếp tục. Tôi đã có niềm vui được gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI cũng như ĐGH Phanxicô, sống kinh nghiệm những gì các vị có trong tim, không  phải chỉ có con đường đại kết mà cả việc thăng tiến đối thoại với tất cả mọi người. ĐGH Phanxicô, người anh em của tôi trong Chúa Kitô, nhắc nhở rằng khi cùng tiến bước các kitô hữu mạnh mẽ hơn trong việc loan báo Chúa Kitô. Đối thoại là tương lai: ĐTC Phanxicô đã hiểu điều này,  ngài thực thi và nhập thể nó. Trong đối thoại và với đối thoại các kitô hữu được mời gọi cùng nhau sống hoà bình, công bằng, cứu vãn thụ tạo và yêu thương.

(Oss. Rom.1-3-2017)

Linh Tiến Khải

Nguồn: Đài Vatican