Chúa nhật tuần V Thường niên năm A

Bài đọc 1 Is 58,7-10
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.  
Đây là lời ĐỨC CHÚA phán:  
“Ngươi hãy chia cơm cho người đói,  
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;  
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,  
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?  
Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,  
vết thương ngươi sẽ mau lành.  
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,  
vinh quang ĐỨC CHÚA bao bọc phía sau ngươi.  
Bấy giờ, ngươi kêu lên, ĐỨC CHÚA sẽ nhận lời,  
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’  
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở  
gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,  
nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,  
làm thoả lòng người bị hạ nhục,  
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối,  
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” 
Đáp ca Tv 111,4-5.6-8a.9 (Đ.c.4a)
Đ./     Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng  
         chiếu rọi kẻ ngay lành.
Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng  
chiếu rọi kẻ ngay lành:  
đó là người từ bi nhân hậu và công chính.  
Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,  
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.    Đ./  
Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,  
thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.  
Họ không lo phải nghe tin dữ,  
hằng an tâm và tin cậy CHÚA,  
luôn vững lòng không sợ hãi chi.    Đ./  
Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,  
đức công chính của họ tồn tại muôn đời,  
uy thế họ vươn cao rực rỡ.    Đ./ 
Bài đọc 2 1 Cr 2,1-5
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.  
Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của THIÊN CHÚA. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng, mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng THIÊN CHÚA. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng THIÊN CHÚA. 
Tung hô Tin Mừng Ga 8,12
Alleluia. Alleluia.  
CHÚA nói: Tôi là ánh sáng thế gian.  
Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.  
Alleluia. 
Tin Mừng Mt 5,13-16
Tin Mừng CHÚA Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.  
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” 

Bài giảng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse

Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa dùng hai hình ảnh để dạy ta về vai trò và nghĩa vụ của người Kitô hữu giữa thế gian. Đó là: “Muối đất” và “Ánh sáng thế gian”. Sau đây, ta nói về hình ảnh thứ nhất “Muối đất”.

Muối là thể chất rất thông dụng ai cũng biết, đồng thời cũng rất cần cho sự sống mọi người. Người ta quen dùng muối để ướp các đồ ăn cho khỏi hư thối. Vì thế, phương ngôn ta có câu: “Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”. Muối cũng dùng để pha vào các món ăn cho có mùi vị đậm đà. Một món ăn dù ngon bổ, Nếu không pha muối cũng nhạt nhẽo khó ăn.

Tuy nhiên, để có tác dụng tốt, muối phải có hai điều kiện là: phải mặn và hòa tan vào các thức ăn. Nếu muối nhạt thì lấy gì ướp nó cho mặn được, nó không dùng được việc gì, chỉ còn cách là ném ra ngoài cho người ta dẫm đạp lên. Hơn nữa, khi pha vào muối ăn như một nồi canh chẳng hạn, nếu muối chỉ đóng cục dưới đấy nồi thì chỗ ấy sẽ mặn quá, mà chỗ khác lại nhạt phèo, nồi canh dễ mất hẳn mùi vị ngon ngọt. Vì thế, muối phải hòa tan và thâm nhập vào nước, vào rau để khi ăn canh, ta thấy tất cả đều có mùi vị đậm đà do chất muối pha vào, còn chính hạt muối thì biến tan rồi không trông thấy nữa.

Vai trò người Kitô hữu giữa thế gian cũng tương tự như thế. Muối ướp đồ ăn cho khỏi hư thối và đem lại cho nó tính chất đậm đà, thì người Kitô hữu sống giữa thế gian cũng phải gây ảnh hưởng tốt, phá tan gương xấu, đẩy lùi tội lỗi, làm cho người ta cải tà qui chính, cải ác hoàn thiện. Công đồng Vaticanô II dạy về vấn đề này như sau: “Khi cảnh sống của thế gian gây dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho cảnh sống đó trở nên lành mạnh để cho phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình và giúp phát huy các nhân đức khác. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thâm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người…Và nhờ đó, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Thiên Chúa và mở thêm nhiều cửa cho Giáo Hội đem sứ điệp hòa bình thấm nhập vào thế gian” (Hiến chế về Giáo Hội số 36).

Muốn gây ảnh hưởng tốt thì người Kitô hữu phải tốt, cũng như muối phải mặn mới có tác dụng ướp đồ ăn. Nhưng tốt là như thế nào? Bởi vì nhiều khi cũng một sự việc mà người này cho là tốt, người kia lại chê là xấu, vậy phải căn cứ vào đâu để đánh giá thật đúng? – Thưa phải lấy giới luật làm tiêu chuẩn. Tốt là người sống theo giới luật, mà giới luật Thiên Chúa thì qui về: mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình. Mến Chúa trên hết mọi sự là lấy Chúa làm hơn của cải, hơn người đời, hơn bản thân và thà chết chẳng thà phạm tội mất nghĩa cùng Chúa. Một người liều mình phạm tội để hưởng một sự vui xác thịt, để được một chút lợi vật chất, để đẹp lòng người đời, để tránh một sự phiền hà khó khăn thì không phải là mến Chúa trên hết mọi sự, và tất nhiên cũng không phải là người tốt được.

Yêu người như chính mình là “Ra sức làm cho người khác những sự ta mong ước cho mình, và đừng chủ ý thi hành, sự ta không muốn ai dành cho ta”. Một người sống ích kỷ, luôn làm những điều gian dối bất công, gây thiệt hại cho người khác để được lợi cho mình. Một người đóng chạt tâm hồn, không cảm thông với ai, không giúp đỡ ai thì không yêu người như mình, và tất nhiên cũng không là người tốt, cũng như muối nhạt thì không lấy gì ướp nó cho mặn được.

Điều kiện thứ hai để gây ảnh hưởng tốt là người Kitô hữu phải hòa mình với mọi người, như muối hòa tan trong thức ăn. Hòa mình không có nghĩa là đi xông xáo khắp nơi, làm thân với mọi hạng người, rập theo nết xấu không tốt của họ, ăn nói ba hoa, nghe đủ chuyện vớ vẩn. Hòa mình có nghĩa là ăn mặc, sinh sống, lao động như mọi người thuộc thành phần giai cấp mình, trong khu vực mình ở, ra sức nên giống họ trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, đem tinh thần Đạo xâm nhập vào mọi sinh hoạt, mọi mối quan hệ với người chung quanh, cùng san sẻ những nỗi vui buồn, vất vả mệt nhọc của họ, nhưng không tán thành tội lỗi, không cộng tác vào những việc gian dối, bất công, không đồng ý về những việc trái lương tâm, nghịch Đạo Chúa. Khi thấy ai phạm tội thì khuyên bảo và cầu nguyện cho họ.

Nhưng chúng ta đừng quên rằng: để ướp thức ăn, muối phải tan biến mình đi, đến độ không còn trông thấy nữa, người Kitô hữu muốn gây ảnh hưởng tốt giữa thế gian cũng phải quên mình đi, không tham lam địa vị, không tìm danh giá, không cầu tư lợi, sẵn sàng hy sinh mọi sự cho danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa trị đến.

Để kết luận, chúng ta nhắc lại đây lời một tác giả thiêng liêng như sau: “Người Kitô hữu không khác gì những người chung quanh về phương diện xứ sở, ngôn ngữ, y phục, người Kitô hữu luôn thích ứng với mọi phong tục địa phương về áo mặc, của ăn, nếp sống. Họ tuân thủ những lề luật trong xã hội, nhưng nếp sống của họ lại vượt lên trên mọi lề luật. Người khác khinh dể họ, nhưng họ lại tìm thấy vinh quang trong sự khinh dể. Người khác vu cáo họ, nhưng họ được xác minh là vô tội. Họ nguyện làm điều thiện mà bị trừng phạt như kẻ có tội và ngay cả khi bị trừng phạt họ vẫn vui mừng như được sinh ra trong một đời sống mới. Tắt rằng, linh hồn ở trong thân xác thế nào thì người Kitô sống giữa thế gian cũng như vậy. Linh hồn ở trong thân xác nhưng không thuộc về thân xác, người Kitô sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Linh hồn bị nhốt trong xác nhưng lại gìn giữ cho xác được sống, thì người Kitô hữu bị cầm hãm giữa thế gian nhưng lại gìn giữ thế gian khỏi hư vong “(A Doingète trong Loi du Christ quyển III trang 718).

 

SỐNG ĐỜI TỎA SÁNG MẶN MÀ DỄ THƯƠNG (Lm Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Chúa Giêsu bảo: Các con phải là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian nghĩa là gì?

  1. Gương sáng tốt đẹp. Muối và ánh sáng có chung đặc điểm là xóa xấu tăng tốt. Muối vừa giữ đồ ăn khỏi hư, vừa giúp đồ ăn thêm ngon. Không có muối thì dù là sơn hào hải vị cũng nhạt phèo. Ánh sáng vừa xua tan tăm tối, vừa chiếu sáng làm đẹp cuộc đời. Không có ánh sáng thì dù là hoa hậu cũng mờ tối như bóng ma. Hơn thế nữa, muối và ánh sáng đều hy sinh quên mình. Muối tan biến hết để làm cho đồ ăn ngon, và người ta chỉ khen các món ăn chứ không ai khen muối. Ánh sáng làm cảnh vật lung linh, nhưng người ta chỉ khen cảnh vật đẹp quá chứ không ai khen ánh sáng. Cũng thế, chúng ta làm gương sáng tốt đẹp không phải để thiên hạ ca ngợi mình, nhưng là để tôn vinh Thiên Chúa.
  2. Mặn mà dễ thương. Muối và ánh sáng trong đời chính là tình yêu. Tình yêu mang vị mặn mà như muối trong lời ca dao: “Tay bưng đĩa muối chấm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.” Sống yêu thương, thực thi những nghĩa cử yêu thương làm cho đời mình trở nên mặn mà dễ thương, thêm vào đó, tình yêu cũng như muối, có khả năng chữa lành những vết thương.
  3. Tỏa sáng yêu thương. Bài Đọc 1 nhấn mạnh khi thực thi những nghĩa cử yêu thương, thì “ánh sáng anh em sẽ bừng lên như rạng đông.” Muối và ánh sáng có mặt trong cuộc đời này luôn vì những cái khác. Thế nên khi chúng ta là muối và ánh sáng thì phải sống vì người khác, phải tỏa sáng yêu thương. Do đó, thay vì hỏi: Tin Chúa tôi được gì? thì sẽ hỏi: Tin Chúa tôi phải làm gì? Tôi phải làm gì cho gia đình, cho giáo xứ, cho cộng đoàn, cho Giáo Hội, cho quê hương, cho dân tộc, cho thế giới tốt đẹp lên.

Chúa là ánh sáng thế gian. Hãy đến với Chúa để nhận ánh sáng đem lại sự sống bởi vì: “gần đèn thì sáng”. Amen.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Muối và ánh sáng là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống. Muối mặn giúp đồ ăn có ý vị và không bị hư thối. Ánh sáng cần thiết để chiêm ngắm, để làm việc và tránh được những tai họa. Chúa Giêsu ví người môn đệ của Ngài như muối và ánh sáng. Ðức Giêsu muốn các môn đệ ở giữa đời phải giúp cho cuộc đời có ý nghĩa. Vì thế, nếu muối không còn mặn, đèn không còn sáng, thì còn gì vô dụng bằng?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang hiện diện trong mỗi người chúng con. Xin Chúa giúp chúng con biết gìn giữ cho đèn chúng con luôn sáng, muối chúng con luôn mặn. Sự hiện diện của chúng con ở đâu phải gây được một tác động làm đẹp cho đời. Ðời chỉ đẹp khi biết hướng về nguồn Thiện Mỹ Tối Cao. Xin Chúa luôn ở trong chúng con và ở trong cuộc đời. Amen.

Ghi nhớ:“Các con là sự Sáng thế gian”.