Chúa Nhật Tuần XXIX – Mùa Thường Niên

Bài đọc 1

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

10Đức Chúa đã muốn người tôi trung
phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.
11Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Đáp ca

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Bài đọc 2

Ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

14 Thưa anh em, chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Tung hô Tin Mừng

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng

Con Người đến để hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

35 Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” 37 Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” 39 Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Suy niệm 1: TGM Giuse Nguyễn Năng

Suy niệm: Vì địa vị, quyền hành đã gây chia rẽ giữa các môn đệ. Ðiều đó cho thấy mục đích theo Chúa Giêsu của các môn đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Ðức Giêsu về cuộc khổ nạn, các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba. Ðức Giêsu thì cương quyết lên Giêrusalem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Ðức Giêsu nói rõ: Con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của mọi người. Ðó là vinh quang đích thực của Ðức Giêsu và của những môn đệ Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ xưa đã không hiểu được con đường của Chúa. Chúng con hôm nay cũng không nhận ra giá trị của đau khổ. Trước khổ đau thử thách, chúng con vẫn than trách Chúa. Chúng con vẫn muốn địa vị, quyền cao chức trọng và muốn người khác kính nể, phục vụ mình. Xin dạy chúng con biết sống tinh thần khiêm tốn của Chúa: biết dùng tất cả những ân huệ Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, cụ thể nơi gia đình, xứ đạo của chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

Suy niệm 2: Lm. Phê rô Đỗ Đức Kiên, CSsR

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên hôm nay, nhân dịp nhóm mười hai môn đệ thân tín lục đục với nhau do hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin Chúa Giêsu hai vị trí danh dự trong “triều đình” tương lai của Ngài, một lần nữa Chúa kiên nhẫn giải thích cho các môn đệ hiểu rõ sứ mạng và phong cách làm “vua” của Ngài. Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Chúa cũng mời gọi các môn đệ thực hành cách tiếp cận quyền lực trái ngược với phong cách của thế gian này. Trở thành môn đệ Chúa Giêsu không đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền lực, trái lại, các môn đệ Chúa được mời gọi cố gắng hết sức trong cương vị của mình để phục vụ ơn cứu độ cho anh chị em.

Ơn gọi của mỗi người tin là trở thành môn đệ của Chúa Giê-su. Người tin hôm nay sống trong xã hội đầy tính cạnh tranh. Vì quyền, vì danh lợi người ta có thể sẵn sàng trù dập người khác. Mỗi người tin được Chúa kêu mời sống chứng tá qua đời sống hy sinh phục vụ. Chứng tá về sự hy sinh quên mình của anh chị em tín hữu Công giáo trong dịp chống dịch Covid và trong dịp cứu trợ bão lũ Yagi thực sự là tiếng nói có tính ngôn sứ cho anh chị em đồng bào chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian để hy sinh thân mình cứu độ nhân loại tội lỗi. Xin Chúa ban ơn thêm sức cho chúng con trên con đường bước theo Chúa để chúng con cũng biết từ bỏ cách sống ích kỷ, hẹp hòi, biết cúi mình xuống phục vụ anh chị em, đặc biệt là những người nghèo đói, bất hạnh. Xin Chúa ban ơn soi sáng để mọi thành phần trong Hội thánh Chúa không lãng quên sứ mạng làm chứng cho Chúa qua con đường phục vụ. Amen.

CHỨC QUYỀN VÌ AI? (Lm. Đaminh Nguyễn Xuân Trường)

Chức quyền luôn là niềm khao khát của nhiều người. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là chức quyền để làm gì? Để phục vụ bản thân hay tha nhân, để cho mình được vinh dự hay để làm vinh danh Chúa?

  1. VÌ MÌNH. Ngày xưa các cụ Việt Nam có câu đề cao danh dự:“Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Ngày nay nhiều người vẫn thích được “ăn trên ngồi trốc.” Trong đời sống chính trị thì chuyện giành ghế chức quyền danh lợi lại càng khốc liệt hơn. Không chỉ ngoài xã hội, mà ngay cả các tông đồ cũng ước muốn chức quyền nên Giacôbê và Gioan đã xin được vinh dự ngồi bên hữu bên tả Chúa Giêsu. Có chức quyền là có danh vọng quyền lợi, có kẻ hầu người hạ. Thế nên, người ta tìm mọi cách chạy ghế, giành ghế, giữ ghế. Đây là lối sống vì mình, đề cao mình, lo cho bản thân mình.
  2. VÌ NGƯỜI. Khi các tông đồ đang muốn giành ghế ngồi cho mình thì Chúa lại xoay đổi vị thế của ghế khi công bố:“Ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ, ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người, vì Chúa đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống cứu chuộc muôn người.” Chúa xoay đổi lối sống vì mình thành lối sống vì người. Tại sao vậy? Vì Chúa là tình yêu. Tình yêu thực sự thì luôn quên mình đi để chăm lo cho người khác như trái tim yêu thương ngày đêm miệt mài bơm máu đi phục vụ nuôi sống tất cả các bộ phận khác của thân thể.

Thực tế thì từ gia đình đến xã hội và Giáo Hội đều cần có chức quyền. Chính Chúa cũng là Đấng quyền năng, đầy vinh quang. Vấn đề là dùng chức quyền để làm gì: vì mình hay vì người? Đức Giêsu là Thiên Chúa mà lại hiến mạng sống cứu chuộc muôn người. Thế nên, đạo Công giáo không tôn thờ Chúa đang ngồi ghế uy nghi, mà tôn thờ Chúa chịu chết trên thánh giá vì yêu thương để cứu chuộc muôn loài. Amen.