Ngày 13/1: Thánh Đa-minh Phạm Trọng Khảm

Ông Đa-minh Án Khảm sinh ở làng Quân Cống (Bùi Chu) tỉnh Nam Định. Ông là con ông bà ba Phiêu, một chức sắc khá giả trong làng. Ông Án Khảm đã được thừa kế tính quảng đại, tinh thần bác ái, ưa thích làm việc từ thiện của cha mẹ. Năm lên 18 tuổi, ông lập gia đình với một thiếu nữ đạo đức trong làng.

Lòng đạo đức và cách ăn ở của ông làm dân làng mến phục tín nhiệm, họ bầu ông làm Tiên chỉ và Trùm họ. Ông tận tâm lo công ích cho dân làng, ông tỏ ra là người biết điều khiển và cai trị. Ông luôn là gương mẫu trong mọi việc. Với con cháu ông lo liệu cho có danh phận trong làng, nhưng không bao giờ quên lãng phần hồn. Thời cấm cách, gia đình ông là nơi trú ẩn chắc chắn cho các Cha; chính Đức Cha Men-ki-ô Ga-xi-a Săm-pơ-đờ-rô[1] (Xuyên) đã ở nhà ông mấy ngày.

 

“Ai khóa quá sẽ bị loại ra khỏi làng”

Làng Quân Cống đang sống những ngày an vui, hòa thuận dưới quyền hướng dẫn khôn ngoan của ông Án Khảm, bỗng một hôm, vào tháng 6-1858, quan tổng đốc Nam Định chiếu theo sắc lệnh cấm đạo của nhà vua, đem quân về vây làng. Lệnh trước hết là các kỳ mục phải ra đình điểm danh. Sau đó quan bắt các ông phải bước qua ảnh Thánh Giá, lệnh vừa truyền ra đã có một kỳ mục sợ hãi bước qua Thánh giá đặt ở trước cửa. Chứng kiến cử chỉ nhát đảm đó, ông án Khảm mạnh bạo đứng lên tuyên bố: “Ai khoá quá sẽ bị loại ra khỏi làng”. Quan tổng đốc đùng đùng nổi giận quát tháo, nhưng ông Khảm bình tĩnh hiên ngang đưa ra những lời lẽ cứng cát khiến quan phải xấu hổ vì bị thua một người dân.

Sau cùng ông và bốn kỳ mục bất khẳng khóa quá phải trói giải về tỉnh.

Bị tống giam vào ngục, ở đây ông vui mừng gặp ông Giuse Cai Tả là bạn thân và ông Luca Cai Thìn là con trai.

Trước công đường, ông can đảm xưng Đức Tin, cương quyết không khóa quá. Khi ông Cai Tả và Cai Thìn bị tố cáo về tội phản quốc, ông dũng cảm phi bác những lời vu khống ấy, khiến mọi người dự phiên tòa đều hết lòng căm phẫn và tên vu khống bẽ mặt.

Trước đây ngục thất là nơi khóc than, rên xiết, thất vọng, chửi bới … Từ khi ông Án Khảm đến, ông đã biến thành một nhà nguyện, vang lên những tiếng đọc kinh, nhất là tràng kinh Mân Côi. Ông và các bạn tổ chức đọc kinh chung, xin Đức Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo giúp sức nhẫn nhục, bền chí, hy sinh.

Về thiên đàng ăn tết

Dưới những trận đòn ác liệt, những buổi tra tấn dã man, những lời chửi bới đe dọa, ông Án Khảm và các bạn không chút nao núng chỉ hiên ngang đáp lại: “Chúng tôi không bỏ đạo”. Rồi đến những lời dụ dỗ ngọt ngào, những hứa hẹn về hưởng ơn vua lộc nước cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Chúng tôi không bỏ đạo”, như một điệp khúc chiến thắng đối lại với mọi hoàn cảnh. Các ông ước mong chóng đến ngày được đổ máu làm chứng cho Chúa.

Cuối cùng các quan kết án ông Án Khảm phải xử giảo.  Ngày mong đợi đã đến vào buổi chiều ngày 13-1-1859. Đang đọc kinh, ông nhận được tin ngày mai sẽ bị xử cùng với ông Cai Thìn và Cai Tả. Ông vui mừng nhảy nhót như trẻ em và bảo con là ông Cai Thìn rằng: “Cha con mình năm nay được về thiên đàng ăn tết”. Thấy thế có người tưởng ông phát điên, ông trả lời: “Chết vì đạo là chết cho sự thật, là đi đúng đường ngay, có gì đáng buồn sao lại bảo là điên”.

Ông và các bạn sốt sắng dọn mình xưng tội với một cha đang phải giam trong ngục, còn bao nhiêu tiền bạc ông phân phát cho các bạn tù, nhất là những người túng thiếu.

Những đóa Mân Côi rắc trên đường về nơi vĩnh phúc

Một đêm hồi hộp chờ mong, vừa tảng sáng, ông Án Khảm, ông Cai Tả và ông Cai Thìn còn đang quỳ đọc kinh sáng, lính kéo đến điệu các ông đi xử. Trên con đường tới pháp trường, ba ông vui vẻ lần hạt Mân Côi, những lời kinh Kính Mừng Maria sốt sắng tha thiết vang lên đến tận pháp trường như những đoá hồng rắc trên đường về nơi vĩnh phúc, như khúc ca khải hoàn chiến thắng chỉ ngừng lại, khi linh hồn các ngài bay về cùng Thiên Chúa, nhưng dư âm còn vang dội trong tâm hồn những người dự cuộc xử cảm động ấy. Tới pháp trường, lính xô ngửa các ông ra, trói chân tay vào cọc, trong dây mây chập ba vào cổ. Tiếng chiêng lệnh nổi lên, họ xiết chặt hai đầu dây. Chưa chắc đã chết, lính lấy đuốc cháy đốt râu, tóc, dụi lửa vào xác các ông. Nhưng linh hồn các ông đã về trời, không còn cảm thấy đớn đau. Hôm ấy là ngày 14-11859.

Đến chiều, gia đình ông An Khảm đưa xác ông và ông Cai Thìn về Quần Cống, táng trong vườn nhà. Hài cốt ông hiện nay để ở nhà thờ Quần Cống.

Ngày 29-4-1951, Đức Thánh Cha Pi-ô XII phong chân phúc cho ông Đa-minh Án Khảm, và ngày 19-61988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn ông lên bậc hiển thánh.                                        


[1] Melchior Garcia Sampedro.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn