Ngày 26/11: Thánh Tô-ma Đinh Viết Dụ

Thánh Bờ-ru-nô[1] Việt Nam

Cha Đinh Viết Dụ sinh năm 1783 ở làng Phú Nhai, tỉnh Nam Định thuộc địa phận Bùi Chu. Cha dâng mình vào nhà Đức Chúa Trời từ khi còn bé, sau được chịu chức linh mục và khấn trọng thể trong dòng Thánh Đa-minh ngày 21-12-1814. Cha là tông đồ nhiệt thành hoạt động mở Nước Chúa cứu các linh hồn, lại là một tu sĩ chuyên cần suy ngắm, cầu nguyện, đến nỗi các bạn đồng tu đặt tên Cha là Thánh Bờ-ru-nô Việt Nam.

 

Trước hết Cha được cử coi sóc xứ Đông Xuyên, xứ Quất Lâm, sau về coi xứ Liễu Đề và bị bắt, vì có người báo với các quan, có đạo trưởng Liêm và nhiều đạo trưởng khác đang trốn ở đây. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đem quân đến vây làng Liễu Đề ngay. Trong làng có bốn Cha, ba Cha trốn thoát được, còn Cha Dụ vừa làm lễ xong mà hầm trú ẩn ở xa không chạy kịp. Cha bảo chủ nhà rằng: “Con cố giấu các đồ đạo đi kẻo phải vạ, nếu Cha bị bắt, Cha chịu bằng lòng, Cha không muốn các con phải khổ vì Cha”. Cha mặc áo cánh rách lẩn sang vườn nhà bên cạnh nhổ cỏ. Lính qua lại thấy người làm vườn không hỏi đến, nhưng tên tố giác chỉ chính Cha là cụ đạo, lính bắt trói Cha giải ra đình làng.

Roi đòn không làm nhụt lòng dũng cảm

Quan Trịnh Quang Khanh đang ngồi chờ ở đình làng, lính điệu Cha Du đến, áo rách tả tơi. Quan hỏi: “Tên phản tặc, ngươi làm gì?” Cha thưa: “Tôi coi sóc con chiên tôi”. Quan tra hỏi Cha đã ở nhà nào, nơi Cha Liêm và các Cha khác ẩn, Cha cương quyết không nói, quan nổi giận truyền đánh Cha 21 roi. Cha dũng cảm chịu đòn, không phàn nàn một lời. Ngày hôm sau, quan điệu Cha về Nam Định. Cha phải mang gông rất nặng và bị giam trong ngục. Ra công đường nhiều lần, các quan bắt Cha khóa quá, Cha chỉ thưa gọn: “Thà chết nghìn lần còn hơn phạm tội quái gở ấy”. Mỗi lần ra công đường là phải đánh đòn, lần thứ nhất Cha bị đánh đến 90 roi, đòn vặt thì nhiều vô kể có khi kéo dài đến 2 giờ liền. Có lần Cha thưa quan rằng: “Tôi không phải là trẻ con mà các quan hỏi đi hỏi lại mãi, tôi không khóa quá, xin khép án cho tôi”. Quan tức giận, truyền giam Cha vào ngục với những người bị khép án tử hình, nên Cha phải chịu xấu hổ nhục nhã, phải xỉ vả, Cha hằng suy ngắm sự thương khó Chúa Giê-su và dù khổ sở thế nào quyết vui lòng theo chân Chúa đến cùng.

Vì lính canh rất ngặt, có một bà bổn đạo cải trang thành hành khất lẻn vào ngục thăm Cha, thấy Cha khả kính thân hình tiểu tụy vì bị giam cầm, tra tấn. Bà khóc nức nở, giơ tay đỡ chiếc gông như muốn đỡ gánh nặng cho vị tuyên xưng đức tin. Cha an ủi bà: “Phần xác Cha đã kiệt sức nhưng có Chúa ban ơn nên Cha chịu được. Xưa Chúa Giê-su đã chịu khổ vì tội người ta, bây giờ Cha phải chịu một ít để nên giống Chúa”.

Lần thứ Hai, bà vào thăm, Cha tâm sự với bà: “Bị tra tấn dữ tợn, nhưng Cha không cảm thấy đau đớn mấy, bàn tay Chúa đã nâng đỡ Cha”. Rồi Cha dặn bà thêm: “Không biết con còn được gặp Cha nữa không, con nhớ cầu nguyện cho Cha được chịu khó bằng lòng, Cha mong về với Chúa lắm nhưng không biết ngày nào. Phúc tử đạo là ơn rất trọng, con hãy xin mọi người cầu cho Cha dọn mình xứng đáng lĩnh nhận ơn trọng Chúa ban.

 Người bạn đồng tu

Sau ba tháng trong tù, Chúa ban cho Cha niềm an ủi lớn, Chúa gửi đến cho Cha một bạn đồng tu, một bạn đồng hành trên đường Thánh Giá và cả hai người bạn cùng đồng hưởng vinh phúc trên trời trong một ngày: đó là Cha Đa Minh Xuyên, Cha dòng Thánh Đa-Minh. Hai Cha xưng tội với nhau, cầu nguyện nâng đỡ nhau sẵn lòng chết theo Thánh ý Chúa.

“Điên” vì Chúa Ki-tô

Sau 5 tháng bị đánh đập tra tấn, vua châu phê án, ngày 7-11-1838, bản án được tuyên bố: “Ta đã xét án đạo trưởng Gia-tô Đinh Viết Dụ. Tên này từ bé đã theo Tây dương đạo trưởng học làm đạo trưởng. Nó bị bắt, các quan đã khuyên dỗ, tra tấn doạ nạt, bắt phải khóa quá, tuân theo luật pháp, nhưng nó không chịu, giữ lòng chai đá, thà hết còn hơn bỏ đạo. Vậy nó là đứa điên khùng, bất trị, đáng ghét, phải xử trảm quyết ngay”.

Được tin, Cha Dụ vui mừng vì sắp được về cùng Chúa. Cha Xuyên cũng bị xử một ngày với Cha. Hai Cha giải tội cho nhau, khuyến khích nhau hiến dâng mạng sống vì đức tin.

Ngày 26-11-1839 tông đồ của Chúa Kitô phải điệu ra pháp trường Bẩy Mẫu Nam Định. Cha đi giữa đám rước có đoàn quân hùng dũng, quan Giám sát cưỡi voi oai vệ có cờ quạt chiêng trống, theo sau là đám đông dân chúng. Cha vai mang gông nặng, tay bị xích, bước đi rất nhọc mét nhưng nét mặt Cha nghiêm trang vui vẻ, mắt chỉ ngước lên trời. Tới nơi xử lính cởi gông và xiếng, Cha quỳ cầu nguyện sốt sắng dâng mình làm của lễ cho Chúa. Cha còn đang cầu nguyện, lính vùng gươm chém, đầu Cha rơi xuống đất, lính tung đầu lên ba lần cho mọi người trong thấy. Bổn đạo xông vào thấm mẫu vị tử đạo. Thi hài Cha được chôn ngay ở đây. Thánh giêng năm 1841 đưa về táng ở họ Lục Thủy.

Ngày 27-5-1900, đức Thánh Cha Lê-ô XII đã phong chân phúc cho Cha Tô-ma Đình Viết Dụ. Sau đấy hài cốt Cha được đưa về tôn kính ở nhà thờ Phú Nhai.

Ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn Cha lên bậc hiển thánh.


[1] Bruno

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn