Ngày 28/1: Thánh Thomas D’Aquin

Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Vì ngày 07.03, ngày qua đời của thánh Tôma Aquinô, luôn rơi vào Mùa Chay, nên lễ nhớ của ngài được dời lại ngày 28.01, kỷ niệm ngày chuyển di hài thánh nhân về tu viện Đaminh ở Toulouse ngày 28.01.1368.

Con của một công tước ở miền nam nước Ý và người mẹ gốc Đức, thánh Tôma sinh năm 1226 tại lâu đài Roccasecca (Aquin) gần Mont-Cassin, thuộc vương quốc Naples. Từ thuở bé đã đi tìm Chúa, nên đến Đan viện Mont-Cassin để được giáo dục. Sau đó được gởi đến đại học ở Naples : dưới ảnh hưởng của các thầy xuất sắc, người thanh niên này có được những khởi đầu thật tốt về khoa học tự nhiên và luận lý.

Vào năm 1244, lúc 18 tuổi, chống lại ý muốn của cha mẹ, ngài đã vào Dòng Đaminh tại Naples để sống đặc sủng của thánh Đaminh : “Rao giảng Lời Chúa bằng cách chiêm ngăm say sưa, cử hành cách long trọng và học hỏi cách khoa học”. Sau những khó khăn do gia đình gây nên, Tôma lên đường đến Cologne, nhưng ngài bị bắt và bị nhốt trong một lâu đài 15 tháng. Khi được trả tự do, lúc 21 tuổi, Tôma được phép sống lý tưởng Đaminh, mà ngài rất tha thiết.

Năm 1245, thánh Tôma học tại Paris trong trường của thánh Albertô Cả, ngài cũng theo thánh nhân đến Cologne. Trở về Paris năm 1252, ngài được gọi làm giáo sư thần học (1256) và bắt đầu giảng dạy. Trở về Ý, từ năm 1259 đến 1269, ngài phục vụ Đức Giáo Hoàng Urbain IV. Trong các tác phẩm, ngài đã soạn quyển “Dây xích mạ vàng” để giúp hàng giáo sĩ hiểu được Lời Chúa ; “Tổng luận chống lại kẻ ngoại” để cung cấp cho các nhà truyền giáo nơi người Hồi giáo một giáo lý đại kết vững vàng ; “Phụng Vụ lễ Thánh Thể”, được Đức Giáo Hoàng Urbain IV thiết lập.

Trong những năm 1269-1272, ngài ở Paris để bảo vệ tính hợp pháp của những trường Dòng mới được Hội thánh chấp nhận, cũng như tính chính thống riêng của đường hướng triết và thần học. Đường hướng này dựa trên thuyết Duy thực của Aristote, gây nghi ngờ với phái cổ điển theo Augustinô mà trường phái Phanxicô đang đại diện. Trong thời gian này, ngài viết tác phẩm “Dẫn giải các tác phẩm của Aristote” ; trong quyển này, ngài minh chứng cách áp dụng tư tưởng triết học Aristote vào việc giảng dạy thần học. Từ đó ngài soạn thảo tác phẩm vĩ đại “Tổng luận thần học” (1266-1273) trình bày hợp đề mà ngài đã khổ công làm việc và cho thấy rõ tư tưởng của mình.

Được gọi về Naples, nơi Charles D’Anjou tái lập đại học tại đây, Tôma đã giảng dạy tại đây. Khi được Đức Giáo Hoàng Grégoire X mời tham dự Công đồng đại kết thứ 2 tại Lyon (1274) như cố vấn thần học để kết nối lại các Kitô hữu của Constantinople và Rôma, ngài ngã bệnh trên đường đi đến Lyon và qua đời tại Fossanova, gần Rôma ngày 07.03.1274, lúc 48 tuổi. Ngài vừa viết xong một chuyên khảo về “Đức tin vào Chúa Ba Ngôi”.

Được Đức Giáo Hoàng Gioan XXII phong thánh vào năm 1323, khi tuyên bố thánh Tôma đã làm nhiều phép lạ cũng bằng các đề tài ngài viết ; Thánh nhân được tôn vinh làm tiến sĩ Hội thánh vào năm 1567. Được gọi là “tiến sĩ Thiên thần – Docteur angélique” vào thế kỷ XVI vì đời sống thánh thiện, và “tiến sĩ chung – Docteur commun” về khả năng tổng hợp và sự hiểu biết Thánh Truyền. Năm 1880, ngài được nâng lên làm thánh quan thầy các đại học và các trường Công giáo.

Trong mỹ thuật, thánh Tôma Aquinô được trình bày trong tu phục Đaminh, cầm một quyển sách và một ngôi sao toả sáng trên ngực. Ngài cũng được vẽ chung với các thánh trong bức “Đội triều thiên cho Đức Trinh Nữ” (Fra Angelico), trong bức “Tranh luận về bí tích Thánh Thể” (Raphael, Vatican), trong bức “Khải hoàn của thánh Tôma Aquin” (Zurbaran, Séville).

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh Tôma Aquinô được gọi là “tiến sĩ Thiên thần”, cũng được gọi là “người khôn ngoan trên tất cả các thánh và người thánh nhất trên các kẻ khôn ngoan”. Lời cầu nguyện riêng công nhận Thiên Chúa đã tạo ngài “thành một mẫu gương kỳ diệu trong việc tìm kiếm một đời sống thánh thiện và tình yêu với khoa học thánh”.

Khao khát sự thánh thiện từ khi còn thơ bé, ngài thực tập một kỷ luật nghiêm khắc trong suốt cuộc đời, đặt việc cầu nguyện và chiêm ngắm trên hết. Theo gương Chúa Giêsu là mục tiêu đời sống của mình. Trong một lần đối thoại hàng ngày với Đức Giêsu, ngài đã nghe Thầy Chí Thánh dạy : “Tôma, ngươi đã viết nhiều điều tốt đẹp về Ta, ngươi muốn ta thưởng gì cho ngươi ? – Lạy Chúa, không gì cả, ngoài chính Ngài.”

Đấng chịu đóng đinh vào thập giá là quyển sách mà thánh nhân rút mọi nguồn khoa học của mình, ngài nói, “Người ta chỉ chuyển đạt cho kẻ khác điều mà người ta đã suy niệm”. Trong một cuộc thảo luận về Kinh Tin Kính, thánh nhân động viên các học sinh của mình : “…Không một mẫu gương nhân đức nào mà lại thiếu vắng thập tự. Nếu anh muốn tìm một gương bác ái… một gương kiên nhẫn…một gương khiêm nhường, hãy nhìn cây Thánh giá”. Chúa luôn là Đấng được phục vụ, là Đấng đầu tiên được yêu mến. Câu đáp của kinh Benedictus : “Thánh Tôma yêu Người trong kinh nguyện, trong lao động và trong sự tìm kiếm chân lý.” Thánh Tôma Aquinô luôn tìm chân lý, nhưng rất nhân từ, ngay với kẻ thù. Peckham, giáo sư Dòng thánh Phanxicô, đánh giá thánh Tôma “một người tranh luận tuyệt vời, nhưng vẫn luôn nghiêm khắc, đạo đức và nhân ái trong khi tranh luận”.

“Tình yêu đối với khoa học thánh” thúc đẩy thánh Tôma trước hết học Thánh Kinh ; ngài đã viết nhiều tập giải thích Thánh Kinh : về các Ngôn sứ, về nhiều Sách Thánh, không kể đến quyển “Sợi xích vàng” hay là quyển thu tập các tác phẩm Giáo phụ về đoạn giải thích Thánh Kinh. Chống lại thuyết Averroisme đang lan tràn, tác phẩm của thánh Tôma là một cố gắng lớn để kiến tạo giáo lý Kitô giáo, hòa hợp giữa đức tin và lý trí, các tín điều Kitô giáo với lý thuyết của Aristote.

Tác phẩm vĩ đại của thánh tiến sĩ Thiên thần được tô vẽ trong một bức tranh mà người ta có thể chiêm ngắm trong thánh đường Santa Maria Novella ở Florence (Chiến thắng của sự khôn ngoan : thế kỷ thứ XIII). Giữa bức tranh, thánh Tôma ngồi, cầm quyển sách đang mở và người ta đọc được hàng chữ: Tôi cầu nguyện và Chúa đã ban sự khôn ngoan cho tôi. Tôi van xin, Thần trí khôn ngoan đến với tôi. Tôi ưa thích Thần trí này hơn mọi ngai vàng hay vương trượng ; bên cạnh sự khôn ngoan này, tôi không coi sự giàu sang là cái gì cả”. (Kn 7,7-8)

Theo thánh Tôma Aquinô, sự khôn ngoan là điều kiện của cả tình yêu, chỉ vì, theo ngài, “sự hạnh phúc của một tạo vật có lý trí được tìm thấy trong sự khôn ngoan”.

Trong Lời nguyện nhập lễ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu những lời giảng dạy và noi gương sáng của thánh Tôma. Vì thế, về việc đào tạo hàng giáo sĩ, điều 252 của Giáo luật, ghi chú về vị thánh tiến sĩ này : “Cần có các lớp về thần học Tín Lý, luôn luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với thánh Truyền, nhờ vậy, với thánh Tôma làm tôn sư, các chủng sinh học biết tường tận mầu nhiệm cứu độ.”

Sứ điệp của thánh Tôma Aquinô được tóm tắt trong đáp ca của kinh Magnificát ban chiều : “Sự khôn ngoan được ban cho những ai khao khát ; ai chiếm hữu được sự khôn ngoan, sẽ trở thành bạn của Thiên Chúa.” Thánh tiến sĩ Thiên thần, qua mẫu gương đời sống của ngài, cho chúng ta thấy phải khao khát sự khôn ngoan như thế nào để có thể đạt được nó : chiêm ngắm, cầu nguyện và học hỏi không ngừng, vì “Ánh sáng của Thần trí tràn đầy tình yêu” chỉ có thể được ban cho những ai luôn sống trong khổ hạnh.

Enzo Lodi