Ngày 28/11: Thánh An-rê Trần Văn Trông – Giáo hữu (1814-1835), tử đạo Việt Nam
Bà mẹ đạo đức
Cậu An-rê Trần Văn Trông sinh trong một gia đình đạo gốc ở xứ Kim Long gần Huế. Cha cậu là ông Trần Văn Hoan làm nghề thợ bạc, mẹ cậu làm nghề dệt lụa; ai đã quen biết bà đều hết lời khen ngợi bà là một người mẹ đạo đức, biết dùng tình yêu giáo dục con cái nhưng không kém phần cương quyết; ở đây rất hiếm có người mẹ nào giống như bà, bà lại còn thông thạo cả Hán văn. Để tiện việc làm ăn, ông bà đến ở họ Thợ Đúc gần đấy.
Như các trẻ em trong những gia đình sung túc, cậu đi học chữ Nho năm, sáu năm. Nhưng khi cha qua đời, cậu thôi học tập về tập dệt giúp mẹ.
Cậu nhã nhặn, cởi mở, sống hòa thuận với mọi người và tôn kính yêu mến cha mẹ.
Cậu đạo đức, siêng năng xưng tội rước lễ, chăm chỉ làm việc. Thú tiêu khiển của cậu là câu cá, thích sống vắng vẻ yên tĩnh hợp với bản tính trầm lặng của mình.
Bà mẹ thấy con nghiêm trang đứng đắn ngỏ ý muốn cậu lập gia đình khi cậu mới khoảng 19, 20 tuổi, nhưng cậu từ chối.
Năm 20 tuổi cậu phải sung vào đội quân Triều Tử chuyên dệt lụa cho nhà vua.
Tình nguyện nộp mình
Làm việc ở đây được chừng 8, 9 tháng thì có lệnh vua bắt giam hết các lính có đạo ở đội quân này để truyền họ khóa quá.
Có hai nguồn tin khác nhau, một số người cho rằng có chừng 8 người lính có đạo, một số khác lại nói có tới 12 hay 13 lính có đạo bị bắt. Trong số này có hai anh rể của An-rê Trông, còn anh vắng mặt khi công bố lệnh. Sau biết tin anh vội vàng tình nguyện đến nộp mình. Ngay chiều hôm ấy các lính dệt lụa bị trói giải sang tòa Tam Pháp.
Chỉ còn lại một mình
Năm quan đã ngồi chờ ở công đường, ngoài sân, lý hình cầm sẵn roi gân bò đợi lệnh, các bễ lò rèn lửa cháy rừng rực nung đỏ những dìu sắt. Quang cảnh rùng rợn đó cốt làm các giáo hữu khiếp sợ.
Quan án bắt đầu hỏi: “Chúng mày có bằng lòng đạp ảnh thập tự không?” Cả nhóm lính dệt lụa có đạo đồng thanh từ chối. Lập tức người ta trói mỗi người vào một cột đã chôn sẵn và đánh mỗi người ba gân bò. Quan án lại hỏi: “Chúng mày có bằng lòng đạp ảnh thập tự không? Và câu trả lời trên lại được nhắc lại. Trận đòn thứ hai bắt đầu, mỗi người phải ba roi nữa. Bốn người đã xiêu lòng. An-rê Trông và số còn lại vẫn cương quyết, nhưng dần dần chỉ còn mình anh vững vàng đến cùng.
An-rê Trông quỳ lạy các quan, nước mắt chan hòa. Anh không nói gì, nhưng có ý tỏ ra mình tôn kính các quan và việc nhất định không đạp ảnh không phải là mình có ý bất tuân lệnh. Các quan hiểu ý, thương hại bảo rằng: “Tất cả những ai đạp ảnh, chúng ta tha ngay; thôi, đừng dại dột nữa, khóa quá đi, sẽ được phóng thích”.
An-rê Trông lạy các quan nói: “Nếu các quan thương tôi, tôi xin nhớ ơn. Tôi bằng lòng chịu mọi khổ hình nhưng không bao giờ khóa quá”.
Các quan cố dỗ dành, nhưng vô hiệu, chiến sĩ Chúa Ki-tô không hề nao núng. Quan án thét lên: “Quân đâu, lôi nó qua thập giá”. Lính đổ xô lại, thi hành mệnh lệnh.
Môn đệ của Chúa hết sức chống lại, co chân lên để khỏi chạm vào tượng.
Các quan lúc thì đưa ra bao hứa hẹn tốt đẹp dụ dỗ, khi thì đưa ra những hình khổ dọa nạt. Quan này nói: “Anh là con một, sao không chịu khóa quá, sao lại thúc bách vua phải ra lệnh trảm quyết anh? Cách ăn ở của anh sẽ bị kết án thẳng nhặt, anh là người bất hiếu”. Quan khác bảo: “Mày là thằng bé nhất mà lại to gan đến thế! Mười người trưởng thành đã vâng phục lệnh của vua, còn mày, mày lại chống cưỡng! Sao dại dột thế! Đến phải chặt đầu thôi”. An-rê Trông quỳ lạy lần thứ hai và nói: “Các quan làm gì tôi, tôi cũng bằng lòng, còn khóa quá thì không bao giờ
Trước sự phản kháng mãnh liệt này, các quan tuyên bố: “Nó không tuân lệnh, hãy giam nó vào ngục Trấn Phủ.”
Trước khi vào ngục này, anh đã phải giam ở ngục Nam Xương gần cầu Vĩnh Lợi – Huế.
Một tù nhân đáng yêu, vui vẻ
Nhiều người trong ngục làm chứng rằng: “Anh An-rê Trông luôn luôn tỏ ra đáng yêu tươi vui, anh nâng đỡ các bạn tù, khuyến khích họ để họ bớt buồn phiền, làm nhẹ cảnh khốn khổ lầm than của họ, người ta thường thấy anh cầu nguyện và lần hạt”.
Họ hàng đến thăm nhiều lần, anh tiếp họ cách thân ái, không bao giờ thấy anh phàn nàn về lính canh hay về thực ăn trong tù; đôi khi anh còn an ủi họ nữa.
Một hôm anh nói với các bà cô, bà dì đến thăm rằng: “Đến thăm cháu, cô, dì đừng khóc, nếu quý cháu, xin cô, dì cầu nguyện cho cháu thì hơn”.
Các tù nhân ngoại giáo, trong số này có anh Ba, con quan Thống chế trong triều, khuyên anh Trông xuất giáo. Anh Trông kể lại rằng: “Lúc nào họ cũng dỗ dành tôi, đưa ra muôn vàn lý lẽ làm tôi xiêu lòng. Họ tìm mọi phương thế để tôi xuất giáo. Họ bảo tôi: “Anh xuất giáo cũng chẳng phạm gì đến đức tin hay đến lòng hiếu thảo. Trên đời anh chỉ có một mẹ và mẹ anh chỉ có anh là người con duy nhất”. Họ còn nói: “Ai đã trông thấy thiên đàng, người ta chỉ thấy anh là đứa con bất hiếu”.
Tôi bảo họ rằng: “Phần tôi, tôi biết rõ việc tôi làm; xin các ông đừng khuyên tôi nữa; tôi biết người ta hiểu thế nào là bất trung, bất hiếu”.
Anh bị giam 5, 6 tháng ở ngục Trấn Phủ và bị kết án tử hình giam hậu.
Một tù nhân được tín nhiệm
Sau khi bị tuyên án, anh phải chuyển sang ngục Khám đường. Ở đây anh vẫn thi hành đức hiền từ, quảng đại, chia sẻ cho các bạn tù quần áo, thức ăn.
Lính canh trở thành bạn hữu thân thiết với anh, đến nỗi họ cho phép anh ra khỏi nhà giam để đi xưng tội 2 lần, lần thứ nhất đến cầu Bạc Hổ, lần thứ hai về nhà quê anh. Hôm ấy, anh ra khỏi ngục, mặc chiếc áo cánh đen tay rộng che kín xiếng xích, ông Đội canh đi cùng với anh. Cả hai xuống chiếc thuyền nhỏ mà Cha Ngôn đang chờ sẵn ở đấy. Trên đường đi anh xưng tội, chịu phép giải tội xong, thuyền ghé vào bến, Cha Ngón lên bờ, còn anh tiếp tục xuôi về nhà mẹ. Đêm ấy anh ngủ ở gia đình và sáng hôm sau lại lên đường trở về ngục. Giữa đường qua Kẻ Văn, Cha Ngôn đón cho anh rước lễ.
Buổi sáng ảm đạm mưa phùn
Sau 9, 10 tháng giam giữ, anh được tin báo sẽ bị xử ngày 28-11-1835. Đêm trước ngày phúc Lộc ấy, anh cầu nguyện lâu giờ, dáng điệu bình thản, trí khôn rất minh mẫn. Một người anh họ đến khuyên anh rằng: “Này chú, anh nghĩ chú nên ở lại giúp đỡ cô dệt lụa”. Anh Trông điềm đạm trả lời: “Hạnh phúc của tôi là trung thành với Chúa đến cùng; mẹ tôi làm việc cũng đủ nuôi sống mình, mẹ tôi đã hiểu rõ và đã giữ cặn kẽ các giới luật của Chúa. Còn tôi số phận tôi đã được định đoạt, anh đừng lo gì, vô ích”.
Tờ mờ sáng, họ hàng đến từ biệt anh và hỏi anh muốn dùng gì trước khi chịu xử không. Anh trả lời: “Tôi không muốn ăn, tôi ăn chay để dọn mình về đời sau”.
Đoàn lính kéo đến, mang theo thẻ án, họ đưa thẻ này cho ông cai ngục, ông tập hợp các tù nhân và gọi anh An-rê Trông. Người ta đặt gông lên vai anh và bảo anh cầm theo chiếu. Anh ra đi với đoàn áp giải trong một buổi sáng ảm đạm mưa phùn, cảnh vật như thương khóc người thanh niên đang tuổi xuân đầy hứa hẹn đi đón cái chết. Còn anh An-rê Trông, trái ngược hẳn, anh như bông hoa rực rỡ trên nền trời âm u. Anh đi giữa toán lính nét mặt tươi tắn hớn hở lộ niềm vui thiên linh, tay lần tràng hạt Mân Côi.
Giữa đường anh gặp mẹ và chị em đang chờ sẵn, cả gia đình đi dâng của lễ toàn thiêu yêu quý của họ cho Thiên Chúa.
Đến Bắc Đình, quan giám sát cho phép nghỉ chân để chứng nhân Chúa Ki-tô từ giã mẹ và họ hàng. Người ta cũng mời anh ăn mấy cái bánh nhưng anh từ chối.
Bà mẹ dũng cảm đến trước mặt con hỏi rằng: “Ở trong tù con còn nợ ai không?” Anh trả lời: “Thưa mẹ, con không nợ món nào lớn, khi bị giam, con đánh cờ giải trí thua 40 xu, nhưng con đã trả các bạn tù một quan tiền rưỡi và một dây chuyền”.
Họ hàng bạn hữu chào biệt anh, anh im lặng cúi đầu đáp lại. Mẹ anh bảo: “Từ biệt con, hãy cầu cho mẹ” Vị tử đạo cung kính cúi chào mẹ nhưng vẫn không nói gì.
Vạt áo hứng đầu con
Đoàn áp giải lại khởi hành, đến chợ An Hòa là nơi xử thì dừng lại. Anh An-rê Trông nét mặt vẫn tươi vui khi lính cưa gông và bẻ xiềng. Anh cầm xiềng này đưa cho người lính và xin cho được nhìn mẹ lần cuối cùng.
Lý hình búi tóc anh lên đỉnh đầu, cởi áo đến nửa người, trói cánh tay anh ra đàng sau. Anh ngồi xuống chiếu các bạn đã trải sẵn.
Quan giám sát hỏi: “Xong chưa?” Lý hình đáp: “Thưa quan, xong rồi”. Quan ra lệnh: “Sau tiếng trống thứ ba, sẽ xử”.
Một người lính quỳ bên trái lấy tay che mắt vị tử đạo, còn lý hình kia giơ cao gươm, sau tiếng trống thứ ba đầu An-rê Trông rơi xuống đất.
Bà mẹ đến gần quan Giám sát thưa rằng: “Bẩm quan lớn, đây là con tôi, xin quan lớn cho tôi đầu của nó”. Quan bằng lòng, người phụ nữ có đạo dũng cảm này giơ vạt áo ra hứng đầu người con yêu quý mà lý hình ném vào.
Một nhân chứng là bà Maria Trần Thị Lai kể rằng: “Khi đặt vị tử đạo vào quan tài đưa về Thợ Đúc, thằng Sang con tôi bảo tôi rằng: “Mẹ ơi, anh ấy đẹp như thiên thần”. Tôi vội mở khăn che mặt anh, thì đúng thật mặt anh rất tươi rất đẹp. Tôi nhìn xuống chân anh, chân anh sạch sẽ trắng trẻo như vừa mới rửa, mà đường hôm ấy lầy lội, bùn đi đến ngang đùi. Tôi hỏi con tôi: “Chắc người ta rửa chân cho anh?” Nó thưa: “Vâng”. Tôi hỏi em tôi, là mẹ của đấng tử đạo rằng: “Có phải người ta rửa chân cho anh ấy không?” Bà đáp: “Không”. Hai nhân chứng khác là ông Phan-xi-cô Xa-vi-ê Thoại và Giu-se Của cũng kể lại việc này và cam đoan không ai rửa chân cho anh mà da bàn chân anh trắng lạ thường.
Đức Thánh Cha Lê-ô XIII đã phong chân phúc cho anh An-rê Trần Văn Trông ngày 27-5-1900, và Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho anh ngày 19-6-1988.
Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn