Ngày 4/7: Thánh Giu-se Nguyễn Đình Uyển -Thầy Giảng, tử đạo Việt Nam

Thày Giu-se Nguyễn Đình Uyển sinh ở làng Ninh Cường tỉnh Nam Định.

Khi đến tuổi khôn thày dâng mình trong nhà Đức Chúa Trời, được Cha Nhân coi sóc, đến sau về giúp Đức Cha Hê-na-rét (Minh). Vì thày sốt sắng, giữ các luật phép nên được khấn và được mặc áo dòng Ba Thánh Đa- minh.

Từ ngày ấy thày càng siêng năng giữ luật dòng, cả trong những điều nhỏ mọn không dám coi thường. Thày nên gương sáng về đàng nhân đức cho mọi người bắt chước, không ai chê trách được thày điều gì. Thày ở xứ Tiên Chu lâu năm, bề trên thấy thày có lòng đạo đức sốt sắng thì chọn lên bậc Thày giảng. Tuy thế thày cũng không dám cậy mình kiêu ngạo hay trễ nải việc bổn phận, nhưng càng chăm chỉ làm các việc bậc mình hơn nữa.

Áo dòng Ba

Khi có sắc chỉ cấm đạo ngặt, các cha phải ẩn trốn hết, Đức Cha Hê-na-rét sai Thày Uyển coi sóc xứ Tiên Chu. Hồi ấy quan tỉnh Hưng Yên đưa quân về vây làng Tiên Chu để bắt Đức Cha Hê-na-rét, nhưng Đức Cha không có ở đấy. Quan bắt dân làng ra điểm mục, Thày Uyển cùng đi với họ vì thày nghĩ quan không biết mình là ai.

Khi quan tra hỏi xong, sắp rút quân về, thì có người trông thấy Thày Uyển mặc áo dòng Ba Thánh Đa-minh vội báo quan. Quan hỏi thày rằng: Ông có phải là đạo trưởng không?” Thày thưa rằng: “Không phải”. Một tên lính gần đấy, sờ mũi thày kêu lớn tiếng: “Ông này đúng là Tây dương đạo trưởng vì mũi ông dài”. Thày lắc đầu. Quan truyền thày khóa quá rồi tha về, nhưng thầy không bằng lòng, quan tức giận quát: “Nếu mày không khóa quá tao sẽ chém đầu”. Thày bình tĩnh trả lời: “Thưa quan, tôi có phải chém chết mới mong được sống lại”. Quan càng nổi giận quát rằng: “Chết để được sống, đồ gàn”.

Chiều hôm ấy lính giải Thày Uyển về tỉnh Hưng Yên, đến nơi phải điệu đến trước mặt quan Tuần ngay, quan hỏi thày rằng: “Ồng có phải là đạo trưởng không, hay giữ chức tước gì? Có biết các đạo trưởng trốn ở đâu không? Thày thưa không, nên quan truyền đóng gông thày bỏ vào ngục.

Giảng kinh 10 điều răn Đức Chúa Trời ở công đường

Hôm sau thày phải ra trước toà án, quan án tra hỏi thế nào thày cũng không chịu khóa quá hay ít ra là ký vào giấy nhận đã xuất giáo. Quan án báo cho quan Tuần biết tên “từ” này cứng cổ, bướng bỉnh. Thấy thế quan Tuần truyền đưa thày đến Toà Hội đồng xét. Các quan dùng mọi cách dụ dỗ, đe doạ, hứa hẹn và sau cùng phải dùng đến roi vọt; thày phải 39 roi đau đớn lắm, nhưng nhân chứng của Chúa vẫn can đảm vững vàng.

Các quan hỏi thày về sự đạo, lợi dụng dịp may, thày cắt nghĩa cho các quan nghe kinh 10 điều răn Đức Chúa Trời cách rõ ràng, minh bạch. Rồi các quan lại tra khảo Thày phải khai chỗ ở của Đức Cha Hê-na-rét và Cha Viên, nhưng dù phải tra tấn khổ cực thế nào thày cũng không chịu khai.

Mười lăm ngày sau, thày lại phải điệu ra tòa. Quan Tuần ngọt ngào bảo thày rằng: “Này ông Uyển, xuất giáo đi rồi ta tha cho về với vợ con”. Thày thưa rằng: “Tôi không có vợ con”. Quan lại hỏi: “Ông không xuất giáo để được sống ư? Loài chim muông còn biết tiếc sự sống, huống chi ông là con người, mà ta có truyền điều gì khó đâu, ông chỉ bước qua thập giá một bước, ta sẽ tha ngay”. Thày Uyển một mực nói rằng: “Quan thương tôi được sống, quan truyền chém tôi bằng lòng, còn sự khóa quá thì không bao giờ”.

Quan truyền hai người lính kéo thày qua ảnh, thày ngồi xuống đất, dù lính kéo hết sức, lấy gậy đánh đập dã man cũng không làm cho thày nhích đi một bước. Quan nổi giận, truyền nọc thày đánh 18 roi đôi rất đau, lúc ấy có một người lính tuốt gươm như định chém thày, thầy nghiêm trang bảo anh rằng: “Chú có chém thì chém, tôi có sợ chết đâu?” Người lính hỏi lại: “Tôi chém đầu ông không sợ sao?” Thày mỉm cười bảo: “Chú có chém đầu này, tôi lại được đầu khác”. Thấy vậy các quan lại giam thày vào trại.

Từ ngục thất bay thẳng về thiên đàng

Dù Thày Uyển đã nhiều lần xưng đạo cách mạnh bạo can đảm mà các quan vẫn chưa thất vọng. Thày còn phải ra toà nhiều lần, lần sau cùng bị các quan thúc bách khóa quá, thày trả lời cách dịu dàng nhưng không kém cương quyết rằng: “Thưa các quan, ảnh này là ảnh Chúa tôi thờ, là Chúa cả trên trời dưới đất, là Đấng Thánh cao trọng mọi người phải thờ phượng kính mến, các quan đừng ép tôi, các quan tha tôi xin đội ơn, các quan truyền xử, tôi bằng lòng, dù tôi rất quý mạng sống của tôi nhưng tôi sẵn sàng hy sinh dâng mạng sống cho Thiên Chúa, mạng sống mà Chúa đã ban cho tôi. Vì thế để trung thành với Chúa, sự sống của tôi chẳng đáng là gì!”

Các quan nghe lời khôn ngoan ấy thì động lòng thương nhưng không quan nào dám trái lệnh vua. Các quan truyền bốn người lính cầm gông khiêng thầy qua. Không thể chống cự nổi, thày cố cọ chân lên khỏi chạm vào ảnh, thấy thế lính cầm gậy, cầm roi đánh thầy cách dữ tợn đến nỗi máu chảy chan hoà ướt đẫm cả Thánh giá; trong lúc đau đớn ấy thày luôn luôn kêu van xin Chúa và Đức Mẹ giúp sức cho mình chịu khổ vững vàng.

Các quan đổi lòng thương ra lòng ghét, truyền lính hành hạ thày hơn nữa và khi thấy thày sắp chết, họ tưởng thày chẳng còn sức cưỡng lại nữa, nên truyền thày khóa quá. Thày Uyển tuy hơi sức đã tàn, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt. Thày cứ một mực dù sống chết cũng không dám phạm tội nặng ấy. Các quan không biết làm cách nào nữa, truyền đóng gông xiềng rất nặng rồi giam thày vào ngục những người bị án tử hình.

Đây là bản án Thày Uyển:

“Nguyễn Đình Uyển, người bản quốc, đi dông dài, theo Gia-tô tả đạo, dối trá mọi người, xưng mình là thầy đạo. Dù biết vua ra sắc chỉ cấm đạo ngặt, nó chẳng xem sao, cứng cổ khinh chê luật nước, bị bắt, đã bị quở trách, tra tấn sửa phạt rất nặng nhiều lần, song nó bướng bỉnh không chịu khóa quá, nó là người u mê dại dột, nên đáng phải chết”.

“Ngày 29-4 chúng tôi đã vâng lệnh vua xử tên Đỗ Minh Chiểu là người bản quốc, nó đã bị người ta dỗ dành tin theo những sự dối trá, nó bị bắt, bị tra tấn cũng không chịu xuất giáo nên nó đáng chết và đã phải xử”. “Vì thế chúng tôi cũng luận cho tên Nguyễn Đình Uyển này phải trảm quyết như vậy”.

Các quan đệ án vào kinh, Thày Uyển biết tin, mừng rỡ dọn mình để lĩnh nhận ơn trọng ấy. Nhưng Chúa công bằng vô cùng thấy thày đã thắng nhiều trận cả thể nên rước linh hồn thày về thiên đàng trước khi vua châu phê án. Thày bị bệnh nặng và chiều ngày 4-7-1838 thày qua đời. Từ nơi ngục tối trần gian, thày bay về nơi hạnh phúc vô biên.

Bổn đạo lấy xác thày về táng ở xứ Tiên Chu là nơi thày đã ở

Thày Giu-se Nguyễn Đình Uyển được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII phong chân phúc ngày 27-5-1900.

Ngày 19-6-1988 Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn Thày lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn