Suy niệm mầu nhiệm Mân Côi tháng 11 năm 2020
SUY NIỆM
MẦU NHIỆM MÂN CÔI
11/2020
**************
HMC 11 A4 (Pdf)
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, ta hãy xin đóng đanh tính các thịt vào thánh giá Chúa.
Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập tiêu diệt các nết xấu bằng cách đóng đinh nó vào thánh giá Chúa.
I – LỜI CHÚA Xin đọc Tin Mừng Ga 19,16-30
- GỢI Ý SUY NIỆM
Trong 4 tháng qua, chị em đã chiêm ngắm các mầu nhiệm Mân Côi về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ việc hấp hối trong vườn Cây Dầu, cho tới việc Chúa chịu đánh đòn, đội mạo gai, vác thập giá và mầu nhiệm cuối cùng của mùa Thương là cái chết của Chúa trên thánh giá. Đó chính là đỉnh cao của ơn cứu độ mà Chúa dành để của vớt nhân loại tội lỗi khi Ngài nói: “Khi nào tôi được giương cao lên khỏi mặt đất thì tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.
Mỗi mầu nhiệm Mân Côi trong cuộc thương khó của Chúa, chúng ta đều nhận thấy nỗi thống khổ của Chúa khi Ngài chịu hành hạ, chịu đau khổ vì chúng ta và khi suy ngắm mỗi một mầu nhiệm đau thương ấy, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy tập luyện các nhân đức qua từng mầu nhiệm đau thương ấy, nhằm làm thay đổi những nết xấu, những tội lỗi nơi cuộc đời của chúng ta, ngõ hầu ta không chất thêm nỗi đau khổ cho Chúa bằng cách ăn năn sám hối, hãm mình chịu mọi sự khó cho nên, chịu khinh bỉ, chịu sỉ nhục, chấp nhận vác thánh giá theo chân Chúa và trong mầu nhiệm đau thương cuối cùng này, Giáo hội mời gọi ta triệt tiêu các nết xấu bằng cách đóng đinh chúng vào thập giá.
Tất cả những nỗi đau khổ mà chúng ta chịu ở đời này, không thể sánh tày với nỗi đau khổ mà Chúa phải chịu trong cuộc Thương Khó của Ngài vì tội lỗi của chúng ta. Lược qua các mầu nhiệm đau thương của Chúa, ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Giả sử, một cái dằm nhỏ do ta sơ ý mà đâm vào da thịt, ta còn không chịu nổi. Đàng này, Chúa đội cả một vòng gai sắc nhọn đâm sâu vào đầu, làm sao có thể so sánh cái đau đớn nhỏ nhoi ấy của ta với nỗi đau khổ của Chúa.
Nỗi đau khổ ấy không dừng lại ở việc Chúa chịu hành hạ nơi thân xác mà Chúa còn bị nguyền rủa, thách thức khiến Chúa hết sức đau khổ trong tâm hồn nữa. Khi chân tay đã bị ghim chặt vào thánh giá. Đứng dưới chân thập giá, kẻ la ó, kẻ nguyền rủa, có người còn thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy và tin”. Ngay cả tên trộm cùng chịu đóng đinh cũng nhục mạ rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với”. Kẻ qua người lại cũng sỉ nhục Ngài rằng: “Mi là kẻ phá đền thờ, nội trong ba ngày sẽ xây dựng lại, có giỏi thì xuống khỏi thập giá đi”…. Giả sử chúng ta bị đóng đinh như Chúa, chúng ta có thể kiềm chế được như Ngài không, hay chúng ta nguyền rủa đám đông bằng những lời thóa mạ, thô tục ?
Đứng trước tất cả những cử chỉ, những hành vi nhạo báng, thách thức của đám người đứng dưới chân thập giá, Chúa không hề nguyền rủa lại. Trái lại, Ngài đã cầu xin với Chúa Cha cho họ rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Một nỗi khổ tâm nữa mà Chúa phải chịu đó là Ngài cảm thấy như Chúa Cha cũng bỏ rơi Ngài.
Theo cái nhìn tự nhiên thì cái chết của Chúa Giêsu là một thất bại ê chề đối với Chúa và đối với những ai tin theo Ngài và là một sự chiến thắng vĩ đại, đem lại sự hả hê đối với giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái thời đó.
Nếu cuộc đời của Chúa Giêsu chấm hết bởi cái chết trên thập giá thì quả là một thất bại đau xót, không những cho chính bản thân Chúa mà còn cho tất cả những ai tin vào Ngài. Như thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em….. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. (1Cr 15,14-19).
Thế nhưng, Đức Kitô không dừng lại ở cái chết bi thương trên thập giá, mà cái chết ấy đã mở ra một sự sống khác, một sự sống bất diệt. Chính lúc Chúa bước vào cõi chết, là lúc Chúa đi vào sào huyệt của tử thần, để tiêu diệt tử thần và để giải thoát vong nhân khỏi sự thống trị của ma quỷ.
Khi chiêm ngắm Chúa chịu chết trên thánh giá, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy “đóng đanh tính xác thịt vào thánh giá Chúa”. Tại sao vậy ?
Thưa, bởi vì tội lỗi của chúng ta chính là nguyên nhân gây ra cái chết của Chúa chứ không phải do tội lỗi của Ngài. Bởi vì Ngài là Thiên Chúa, là nguồn mạch sự thánh thiện, Ngài không hề phạm tội, như trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ đã nói: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; Chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương để anh em được chữa lành”. (1 Pr 2,21-24)
Thành thử, nếu loài người chúng ta không phạm tội thì Ngôi Lời Thiên Chúa đâu có phải nhập thể làm người và đâu có phải chịu chết để cứu độ nhân loại. Nhưng chính vì con người tội lỗi, nên Con Thiên Chúa đã phải mang thân phận tôi đòi, nhận án chết thay cho họ, lấy mạng sống mình để đền bù tội lỗi thay cho tội nhân. Đúng là “con dại, cái mang”.
Ngài mang lấy tội lỗi của hết thảy mọi người vào trong thân thể Ngài để đóng đinh nó vào thập giá. Để từ nay, tội lỗi ấy không còn là sức mạnh thống trị con người nữa, nhờ sự cứu chữa của Đấng chịu đóng đinh.
Chính vì thế mà cây thập giá được gọi là cây trường sinh thay thế cho cây trái cấm, cây mà ông bà Nguyên tổ xưa kia đã giơ tay hái lấy tội lỗi, để rồi đẩy nhân loại tới sự chết. Cho nên, Con Thiên Chúa đã phải đền thay bằng cách chịu ghim chặt chân tay vào thánh giá, để từ đây nhân loại phải luôn ý thức rằng: Đừng giơ tay hái lấy tội lỗi nữa, kẻo chuốc lấy án phạt đời đời, nhưng hãy đóng đinh nó vào thập giá, để tiêu diệt tội lỗi, để đừng tiếp tục đóng đinh Chúa vào thập giá nữa.
III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ
- Tôi có ý thức kiềm chế tính nóng giận để khỏi dẫn đến phạm tội không ?
- Tôi có có gắng tiêu diệt tội lỗi ngay từ căn nguyên, để khỏi góp phần vào việc giết Chúa không ?
- Tôi có mau mắn sám hối để nối lại tình tương giao với Chúa bằng việc xưng tội, sau mỗi lần sa ngã phạm tội không ?
* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
1- Maria Nguyễn Thị Út, giáo xứ Vĩnh Ngọc, giáo hạt Tuyên Quang
2- Maria Tràn Thị Cài, giáo xứ Vĩnh Ngọc, giáo hạt Tuyên Quang
3- Anna Nguyễn Thị Diệp, giáo xứ Vân Cương, giáo hạt Tuyên Quang
4- Maria Nguyễn Thị Vinh, giáo xứ Vân Cương, giáo hạt Tuyên Quang
5- Maria Hoàng Thị Miễn, giáo xứ Yên Lãng, giáo hạt Thái Nguyên
*Thông báo: Căn cứ cuộc họp tổng kết ngày 29/10 vừa qua giữa BPV giáo phận với các giáo hạt, đã đi đến thống nhất như sau: Thay vì tập trung ngày 13/5 – 13/10 như mọi năm, kể từ nay, cứ thứ bảy đầu tháng, 1/2 giáo hạt sẽ về TTTM Từ Phong để dâng hoa kính Đức Mẹ vào lúc 1h00 chiều và hiệp dâng Thánh lễ với Đức Cha giáo phận vào lúc 1h30. Lịch từng tháng, BPV giáo hạt đã phân công và sẽ phổ biến tới chị em.
Linh mục đặc trách
Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh
Phêrô Mai Viết Thắng