SUY NIỆM
MẦU NHIỆM MÂN CÔI
08/2020
*****************
HMC 8.2020 A4 (pdf)
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn, ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập đức hãm mình.
I – LỜI CHÚA : Xin đọc Tin Mừng Lc 22,63-23,16
- GỢI Ý SUY NIỆM:
Khi suy ngắm Chúa chịu đánh đòn, chúng ta thử tưởng tượng, một hình hài đang quằn quại dưới những làn roi vọt dã man của những tên lính Rôma. Chúng đang hành hạ một con người mà trước đây đã từng đưa tay ra để thi ân giáng phúc cho những con người bần cùng, khốn khổ. Cho người đói có bánh ăn, cho người khát có nước uống, chữa lành những thương tích cho biết bao nhiêu con người. Cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, người phong hủi được sạch, người chết sống lại, cho người nghèo được đón nhận Tin mừng.
Vậy mà giờ đây, hai cánh tay ấy của Con Thiên Chúa đã bị con người độc ác trói chặt vào cột đá để hành hạ mà không cho thi ân giáng phúc, không cho thực thi những công việc tốt lành. Thay vào đó, chúng trả ơn bằng những trận mưa đòn dã man, tàn bạo không một chút xót thương. Quân lính bao vây xung quanh, la ó, quát nạt, gào thét, đánh đập, khạc nhổ đờm dãi vào mặt Chúa, làm cho khuôn mặt cực tốt cực lành, uy nghi sáng láng, giờ đây đang bị biến dạng, bị nhơ uế bởi tội lỗi ghê tởm của con người.
Ngài bị xâu xé tả tơi bởi những cây roi sắt giáng vào thân thể Ngài không một chút xót thương. Lính tráng đánh đập Ngài suốt đêm, đánh chán rồi, chúng bày trò bịt mắt Ngài lại, rồi hỏi: “hãy nói tiên tri xem, ai đánh ông đó”. Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Ngài.
Mặc dù bị đánh đập, bị nguyền rủa, bị thách đố, bị xỉ nhục, bị chế giễu như thế, nhưng Chúa không hề nguyền rủa lại một lời nào. Trái lại, Ngài hoàn toàn hãm mình, kiềm chế bản thân để nhận tội thay cho nhân loại. Đúng như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại. chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình”. Người sẵn sàng: “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, Ngài không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”.
Chúa chịu đau khổ, chịu mắng nhiếc, phỉ nhổ, chịu đánh đòn dã man tàn bạo như thế, tất cả là vì tội lỗi của mỗi người chúng ta và tội lỗi của toàn thể nhân loại gây ra, mà Ngài đã phải đón lấy để chịu tội thay cho họ. Đúng là “con dại, cái mang”.
Vì yêu thương, Ngài sẵn sàng mang thân đón nhận tất cả đòn vọt để đỡ đòn thay cho tất cả tội nhân. Những trận mưa đòn dã man tàn bạo ấy, cho thấy sức nặng của tội lỗi đè trên thân thể Ngài nặng tới mức nào.
Nếu Chúa không đem thân chịu đau khổ, không nhận tội thay cho nhân loại, nếu giá máu cứu chuộc của Chúa không có sức tẩy rửa tội lỗi, không có giá trị cứu độ thì muôn đời tội lỗi của nhân loại vẫn còn đó và sẽ khiến cho họ bị trầm luân trong hỏa ngục muôn đời. Nhưng thật may thay, giá máu cứu chuộc ấy đã thanh tẩy tội lỗi cho tất cả những ai thành tâm sám hối.
Khi suy ngắm mầu nhiệm Mân Côi này, Mẹ Maria mời gọi chúng ta hãy suy niệm giây phút Chúa bị đánh đòn, để cảm thông, chia sẻ những đau khổ tủi nhục mà Chúa phải chịu vì tội lỗi của chúng ta.
Mặc dù Mẹ không bị quân lính trực tiếp đánh đòn như Chúa phải chịu. Nhưng nỗi đau của Chúa cũng chính là nỗi đau của Mẹ. Bởi thân thể Chúa là máu thịt của Mẹ, là hoa trái từ lòng Mẹ sinh ra. Chúa là tất cả của cuộc đời Mẹ. Vì thế, mỗi lần quân lính giơ roi đánh vào thân thể Chúa, chính là những làn roi đánh vào sâu trong trái tim của Mẹ. Ai làm mẹ như Mẹ Maria, chắc chắn sẽ nhận ra điều đó. Chính vì vậy mà Mẹ trở nên Đấng hiệp thông cứu chuộc loài người với Con Mẹ.
Khi suy ngắm Chúa chịu đánh đòn, Giáo hội dạy chúng ta hãy tập sống hãm mình, kiềm chế bản thân, kiềm chế nết xấu để khỏi sa ngã phạm tội, để không giáng thêm những roi đòn vào thân thể Chúa.
Khi mời gọi chúng ta sống hãm mình, Giáo Hội muốn chúng ta hãy từ bỏ lối sống hưởng thụ, biết bằng lòng với những gì mà Thiên Chúa ban mà không so bì với người khác, đó chính là con đường hẹp để chúng ta đạt tới ơn cứu rỗi.
Khi hãm dẹp được những đòi hỏi của xác thịt chính là chúng ta chiến thắng nguyên nhân dẫn đến tội lỗi và là cất đi những cây roi đánh vào thân thể Chúa.
Ước gì khi suy ngắm mầu nhiệm Mân Côi này, mỗi chị em hãy triệt để thực hành việc sống hãm mình. Hãm dẹp đi một lời nói xấu để khỏi gây chia rẽ. Hãm dẹp đi một lời nói kiêu ngạo để đừng nâng mình lên, đừng hạ người khác xuống. Hãm dẹp đi thói gian tham để sống ngay thẳng thật thà. Hãm dẹp đi thói bủn xỉn, keo kiệt để biết sống quảng đại. Hãm dẹp đi thói giận hờn, ghen ghét để biết sống yêu thương tha thứ. Hãm dẹp đi thói mê ăn uống để giữ tâm hồn chay tịnh. Hãm dẹp đi nhưng đòi hỏi dục tính của xác thịt để thân xác được trong sạch, tình yêu vợ chồng được chung thủy. Hãm dẹp đi thói lười biếng việc đạo đức để siêng năng cầu nguyện, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa….
Khi chúng ta kiềm chế được bản thân, hãm dẹp được những đòi hỏi trái lẽ của xác thịt, chắc chắn chúng ta sẽ làm giảm đi sự đau khổ của Chúa. Hãy bằng lòng với những gì Chúa ban và những gì mình có, đừng so bì với người khác. Như thế, chắc chắn tâm hồn ta sẽ được bình an và mai ngày chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.
III. CÂU HỎI GỢI Ý
Hãm mình là tự kiềm chế những đòi hỏi của xác thịt nổi lên trong con người chúng ta.
1- Tôi có dẹp những suy nghĩ xấu xa gợi lên trong tâm trí tôi không ?
2- Tôi có dẹp bỏ đi những lời nói kiêu căng, thù hận, nói hành nói xấu gây chia rẽ sự hiệp nhất trong cộng đoàn không ?
3- Tôi có dẹp bỏ đi những ước ao trái lẽ không ?
4- Tôi có dẹp bỏ đi thói lươn lẹo, gian dối, lường gạt không ?
5- Tôi có dẹp bỏ đi thói ươn lười về đời sống thiêng liêng không?
6- Tôi có bằng lòng với những gì mình là hay mình có không?
* Tập hãm dẹp nết xấu và tập luyện nhân đức qua “Kinh Cải Bảy Tội Mối”
* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi trong tháng.
- Anna Nguyễn Thị Xuyến, giáo xứ Tiểu Lễ, giáo hạt Thái Nguyên
Thông báo: Vì ngày 13/9 trùng vào Chúa Nhật, nên chị em các Giáo hạt Thái Nguyên + Bắc Giang sẽ về TTTM Từ Phong vào thứ bảy ngày 12/9.
- Tháng 10: Giáo hạt Bắc Ninh + Tuyên Quang
Linh mục đặc trách
Hội Mân Côi gp Bắc Ninh
Phêrô Mai Viết Thắng
Tin liên quan