Suy niệm mầu nhiệm Mân Côi tháng 9 năm 2020

SUY NIỆM

MẦU NHIỆM MÂN CÔI

09/2020

*****************

      Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mạo gai, ta hãy xin cho được chịu mọi sự xỉ nhục bằng lòng.

       Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập sự nhịn nhục.

I – LỜI CHÚA :   Xin đọc Tin Mừng Mt 27,27-31

  1. GỢI Ý SUY NIỆM:

Khi suy ngắm màn kịch “tôn vương”, chúng ta thử tưởng tượng thái độ ác ôn, dữ tợn của những tên lính Rôma đang hành hạ một con người mà trước đây đã từng đưa tay ra để thi ân giáng phúc cho những con người bần cùng, đói khổ: Cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, người phong hủi được sạch, người chết sống lại, cho người nghèo được đón nhận Tin mừng. Không những đời sống thiêng liêng của họ được chữa lành mà Chúa còn hóa bánh để cho người đói có bánh ăn, cho người khát có nước uống.

Chính vì được ăn bánh no nê, được nghe Chúa giảng dạy, giáo huấn, nên dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, để họ tiếp tục được nghe Chúa giảng dạy, tiếp tục hóa bánh để cho họ ăn no nê. Thế nhưng, Chúa đã không nhận thứ vinh dự hõa huyền ấy. Ngài đến thế gian không phải để làm vua theo kiểu các vua chúa trần gian. Sứ mệnh của Chúa là giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, khỏi tay ma quỷ, khỏi sự hủy diệt đời đời. Cho nên, Ngài đã trốn lên núi, không nhận thứ vinh quang do loài người phong tặng. Hơn nữa, Ngài lên núi cầu nguyện để nối kết tình liên đới với Chúa Cha và để khỏi sa vào cạm bẫy của bả vinh hoa, danh vọng trần tục.

Vì những tên lính biết được rằng trước đây dân chúng muốn tôn Chúa lên làm vua, mặc dù Chúa không nhận. Nhưng chúng vẫn cố tình bày ra chiêu trò “phong vương” để sỉ nhục Chúa, để nhạo báng và hành hạ Chúa bằng cách kết một vòng gai sắc nhọn để đội lên đầu Người. Chúng còn trao cho Người một Cây Sậy làm vương trượng, tượng trưng cho quyền cai trị của một vị vua.

Chúa cả trời đất không thèm nhận bất cứ tước vị gì do con người phong tặng. Bởi vì, cho dù thụ tạo có thành tâm thiện chí, cũng không thể nào phong vương cho Đấng Sáng Tạo. Ấy thế mà những kẻ ngạo mạn, ngông cuồng, không những không thành tâm thiện chí mà là ác ý lại dám nhạo báng Đấng Sáng Tạo bằng cách kết vòng gai sắc nhọn làm vương miện đội lên đầu Vua các vua, Chúa các Chúa, để nhạo báng và sỉ nhục Người. Vòng gai sắc nhọn ấy chính là tội kiêu ngạo của loài người.

Khi con người xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, thì con người càng rơi vào tình trạng kiêu ngạo. Bởi vì trên đầu họ không có thần thánh nào hết, mà chỉ có con người là trên hết. Chính vì coi mình là trên hết, nên con người dám làm bất cứ điều gì họ muốn, miễn là đạt được mục đích.

Tội kiêu ngạo chính là nguyên nhân dẫn con người tới  cảnh bất hòa, từ bất hòa dẫn tới bất hạnh và cuối cùng sẽ phải lãnh lấy hậu quả là sự sống đời đời bị hủy diệt.

Nguyên tổ loài người vì kiêu ngạo muốn cho mình giỏi giang, muốn mình được ngang hàng với Thiên Chúa, nên Con Thiên Chúa đã phải đội mão gai để đền thay cho tội kiêu ngạo đó. Nguyên tổ A-đam, E-và xưa giơ tay hái trái cấm, nên Chúa đã bị giương cao và bị ghim chặt chân tay vào cây thập giá thay cho con người, để từ nay loài người đừng giơ tay với lấy trái cấm là tội lỗi, đừng giơ tay hái lấy sự chết  đời đời nữa.

Chính vì tội kiêu ngạo của loài người mà dung nhan sang láng, thánh thiện của Chúa giờ đây trở nên nhuốc nhơ, ô uế bởi hứng lấy đờm dãi do con người khạc nhổ. Ngài bị sỉ nhục bởi chiêu  trò “phong vương” bằng cách đội mão gai trên đầu Chúa, để những gai nhọn cắm sâu vào đầu Người, rồi chúng hả hê nhạo cười, chế giễu. Vì kiêu ngạo mà bao nhiêu tội lỗi của nhân loại đã đổ hết lên đầu Chúa.

Khi suy ngắm tấn kịch “tôn vương” của những tên lính Rôma bày ra để nhạo báng và sỉ nhục Chúa, trong lòng chúng ta không khỏi sôi lên sự tức giận vì sự độc ác, tàn nhẫn, vô nhân tính của quân lính Rôma trút lên đầu Chúa. Chúng ta tự hỏi; Tại sao Chúa không trừng phạt nhãn tiền vì những hành động độc ác, man rợ của chúng.

Nhưng suy nghĩ cho kỹ để truy tìm nguyên nhân, thì tội lỗi của chúng ta chính là nguyên nhân gây ra hậu quả là sự đau khổ và cái chết của Chúa. Bởi vì, cái chết của Chúa Giêsu là cái chết để đền thay cho tội lỗi của toàn thể nhân loại.

Chính vì vậy, khi ta gây ra thói ghét ghen, khinh bỉ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng,  mưu toan, gian tham, lươn lẹo, lường gạt, độc ác, tà dâm, trộm cướp, thù oán…. Chính là ta đang bện những tội lỗi ấy lại thành vòng gai sắc nhọn để đội trên đầu Chúa, để sỉ nhục, để làm khổ và giết chết Chúa.

Đức Mẹ Maria vẫn tha thiết kêu gọi chúng ta đừng phạm tội nữa, đừng trở thành những tên lính đánh đòn nhạo báng Chúa Giêsu nữa. Mẹ kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và hy sinh thật nhiều. Bởi vì, mỗi lần ta chừa được một nết xấu hay một tội lỗi, là ta nhổ được một cái gai ra khỏi đầu Chúa, và án phạt của Thiên Chúa cũng sẽ bớt đi hoặc khỏi giáng xuống đầu chúng ta sau này.

Khi suy ngắm “Chúa Giêsu chịu đội mão gai” Giáo hội mời gọi chúng ta cầu xin Chúa cho ta có đủ sức chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng. Bởi vì, chỉ khi chấp nhận chịu sỉ nhục bởi người khác thì chúng ta mới có thể tiêu diệt hay đánh tan được thói kiêu ngạo đã ăn sâu vào trong tâm hồn ta. Khi ta biết chấp nhận bị hiểu lầm, bị ghen ghét, bị nguyền rủa, bị xúc phạm, bị mất uy tín, mất danh dự, bị chống đối vì chân lý, ta mới có thể chấp nhận đội mão gai khiêm nhường như Chúa. Khi vì Chúa mà ta bị nguyền rủa vô cớ, bị bôi nhọ nhân phẩm, danh dự, uy tín,… khi đó ta mới thực sự cùng chết đi cho tội lỗi của ta với Chúa. Đó chính là con đường hẹp dẫn đưa chúng ta đến nguồn ơn cứu độ đời đời.

III. CÂU HỎI GỢI Ý 

1- Tôi có sẵn sàng chịu sự sỉ nhục của người khác đối với tôi không?

2- Tôi có sỉ nhục, làm mất danh dự của người khác không?

3- Tôi có giễu cợt trên sự đau khổ, khuyết tật của người khác không?

4- Tôi có tiêu diệt thói kiêu ngạo nổi lên trong tâm trí tôi không?

5- Tôi có khinh bỉ, coi thường người khác để nâng mình lên không?

* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi trong tháng.

  1. Anna Vũ Thị Mai- giáo xứ Yên Tập, giáo hạt Bắc Giang

2- Maria Nguyễn Thị Huê-gx Đồng Chương, giáo hạt Tuyên Quang

Thông báo: Do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát trở lại, nên việc tập trung về TTTM Từ Phong vào ngày 13 hàng tháng tạm hoãn cho tới khi có thông báo mới.

Linh mục đặc trách

                                                                                                 Phêrô Mai Viết Thắng

Tin liên quan