Tài liệu hội Mân Côi tháng 10 năm 2020
SUY NIỆM
MẦU NHIỆM MÂN CÔI
10/2020
**************
HMC 10.2020.A4 (pdf)
Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá, ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa.
Tập nhân đức: Trong tháng này, chị em hãy tập vác thánh giá bằng cách đón nhân những đau khổ trong bổn phận.
I – LỜI CHÚA Xin đọc Tin Mừng Lc 23,23-32
- GỢI Ý SUY NIỆM
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta nhận thấy Chúa bị hành hạ, bị tra tấn, bị đánh đòn thâu đêm. Đến sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội đồng, họ bắt trói Chúa Giêsu và áp giải cho tổng trấn Philatô xét xử.
Sau khi thẩm vấn, Philatô nhận thấy Chúa không có tội gì đáng bị xử tử như dân chúng tố cáo, nên ông tìm cách tha cho Người bằng cách đánh thêm một trận đòn cho dân hả giận rồi tha. Nhưng các thượng tế và đám đông dân chúng kêu lên rằng: “Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xê-da. Vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xê-da”.
Qua lời kêu la đó, Philatô hoảng sợ mang tội bất trung với hoàng đế Xê-da, nên ông ta không còn dám đứng ra bênh vực sự thật, bảo vệ chân lý, không dám tha cho Chúa nữa mà rửa tay phó mặc cho dân chúng điệu đi đóng đinh vào thập giá.
Con đường thập giá mà chúng ta suy niệm trong mầu nhiệm Mân côi này chính là con đường cứu độ duy nhất dẫn tới sự sống đời đời mà chính Chúa đã phải trải qua rồi mới bước vào vinh quang phục sinh.
Chính vì thế mà Giáo hội mời gọi chúng ta “hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa”. Nghĩa là, Giáo hội mời gọi chúng ta đón nhận con đường cứu độ của Chúa Giêsu, con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực trong Nước Trời.
Khi mời gọi ta vác thập giá, Giáo hội không có ý bảo ta tự tạo ra thập giá là sự đau khổ, cũng không có ý cổ võ chúng ta tôn thờ một dụng cụ mà người Do-thái dùng để tra tấn các phạm nhân. Nếu hiểu như thế thì đạo chúng ta là một thứ tôn giáo lập dị, một thứ tôn giáo quái gở, một thứ tôn giáo đi tìm đau khổ để hành hạ mình hay hành hạ người khác.
Vác thập giá theo chân Chúa là đón nhận những đau khổ chúng ta gặp thấy trên đường đời như; đau khổ trong bổn phận làm chồng, làm cha, làm vợ, làm mẹ, đau khổ trong bổn phận với con cái, đau khổ trong bổn phận với người thân, với tha nhân, đau khổ vì bệnh tật nan y bất trị, đau khổ vì bị hiểu lầm…. Đấy chính là thập giá mà Giáo hội mời gọi ta vác lấy để hoàn thành trách nhiệm và bổn phận Kitô hữu của mình.
Ở đời người ta muốn tìm một thứ vinh quang mau qua thôi, mà người ta còn phải trải qua khổ luyện mới mong đạt được, như người ta vẫn thường nói: “khổ luyện thành tài”, một thứ “tài” nay còn mai mất chứ không phải thứ vinh quang bất diệt. Chẳng hạn, một vận động viên thể thao đi thi đấu, muốn đạt được thành tích xuất sắc là một tấm huy chương vàng, họ phải tập luyện liên lỉ, phải kiêng kỵ đủ thứ, tuân giữ kỷ luật khắt khe… mới có thể đạt được một thứ vinh quang mau qua, vang bóng một thời mà thôi.
Chính vì vậy mà Giáo hội mời gọi chúng ta đừng tìm kiếm vinh quang mau qua nơi trần thế, nhưng hãy tìm kiếm thứ vinh quang bất diệt bằng cách vác thánh giá theo chân Chúa. Nghĩa là đón lấy con đường cứu độ, con đường mà Chúa Giêsu đã khai mở và mời gọi tất cả những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài thì buộc phải đi qua con đường ấy.
Khi chấp nhận vác lấy thánh giá, là chấp nhận bước vào con đường cứu độ, con đường khổ luyện với Chúa Giêsu để tiến về vinh quang thiên quốc.
Thế nhưng, theo tâm lý tự nhiên, người ta thường ngại khó, ngại khổ, ai cũng muốn tìm chỗ sung sướng nhàn hạ, chẳng ai muốn vất vả, khổ sở. Nhưng suy nghĩ cho kỹ thì đó là một ước muốn trái lẽ. Bởi vì, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, nhàn hạ, đau khổ, nặng nhọc dừa đẩy cho ai, không khổ luyện thì làm sao có thể thành tài.
Chẳng lẽ trong vai trò làm cha, làm mẹ, lại có thể đùn đẩy trách nhiệm, vất vả, nhọc nhằn cho con cái sao ? Chẳng lẽ trong vai trò người lãnh đạo, lại dừa đẩy cho thuộc cấp sao ? Bổn phận Kitô hữu lại cũng chối bỏ luôn sao ? Đừng bao giờ làm như vậy. Đấy không phải là tinh thần của người môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì chính Chúa đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mọi ngày mà theo”.
Do đó, muốn thực sự là môn đệ của Chúa, ta không được chối bỏ thập giá là con đường duy nhất dẫn tới sự sống đời đời. Bởi vì, chẳng có ai nên thánh bằng con đường nào khác ngoài con đường thập giá và cũng chẳng có ai bước vào vinh quang thiên quốc bằng con đường nào khác ngoài con đường thập giá Chúa Kitô.
Do đó, nếu ta chối bỏ thập giá là đồng nghĩa ta từ khước bước vào vinh quang thiên quốc, mà từ chối bước vinh quang thiên quốc là từ khước ơn cứu độ đem lại sự sống đời đời.
Trong cuộc đời, chẳng ai là người không có thánh giá, bất luận chúng ta ở bậc sống nào, tu trì tận hiến hay bậc sống hôn nhân gia đình, tất cả đều có Thánh giá, và mỗi Thánh giá nặng nhẹ khác nhau. Nhưng chắc chắn không có Thánh giá nào vượt quá sức chịu đựng của chúng ta.
Ước mong sao mỗi người chúng ta hãy cố gắng vác thánh giá của mình mọi ngày mà theo Chúa. Đừng bao giờ đẽo gọt, cắt bớt hay chối bỏ Thánh giá là cây đem lại sự sống và đem lại hoa quả phúc trường sinh cho chúng ta. Vì làm như vậy là chúng ta đã vô tình chối bỏ sự sống trường sinh Chúa dành cho ta.
III – GỢI Ý SỐNG VÀ CHIA SẺ
- Tôi có hèn nhát không dám làm dấu để tuyên xưng đức tin của tôi trước mặt người đời ?
- Tôi có trở thành gánh nặng thập giá cho chồng con hay cho những người xung quanh tôi không ?
- Tôi có đón nhận thập giá qua việc bổn phận, qua bệnh tật, qua những vất vả lao nhọc trong cuộc sống, hay tôi từ khước hoặc phàn nàn kêu trách Chúa về những đau khổ xảy đến với tôi ?
* Cầu nguyện cho các chị em đã được Chúa gọi về trong tháng.
1- Anna Thân Thị Quận, giáo xứ Thiết Nham, giáo hạt Bắc Giang
2- Maria Nguyễn Thị Soi, giáo xứ Hữu Bằng, giáo hạt Vĩnh Phúc
3- Maria Nguyễn Thị Hương Mơ, gx La Tú, giáo hạt Thái Nguyên
Thông báo:
Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nên Lễ Mân Côi, Bảo Trợ giáo phận năm nay được tổ chức tại các giáo xứ. Xin Ban Phục vụ trình bày với cha xứ để tổ chức lễ Bảo trợ cho chị em. Ngày 13/10 tại Từ Phong tạm hoãn.
Linh mục đặc trách
Hội Mân Côi giáo phận Bắc Ninh
Phêrô Mai Viết Thắng