Tài liệu hội trưởng gia đình tháng 04 năm 2021

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 4/2021

  1. LỜI CHÚA: Lc 24,13-35
  2. SUY NIỆM: CÕI LÒNG BỪNG CHÁY

HTGDGPBN T4-20201 (pdf)

Cõi lòng hai người môn đệ trên đường Em-mau bừng cháy lên khi được Đức Giêsu Phục sinh hiện ra, nói chuyện và giải thích Kinh Thánh. “Bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”.

Lòng bừng cháy là dấu chỉ của một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Phục sinh đã xua tan những mỏi mệt, sợ hãi, lo lắng và thất vọng. Người giải thích tất cả về Người, gỡ rối cho người môn đệ, làm con tim của người môn đệ bừng cháy đang khi sắp dần trở thành đống tro tàn vì sợ hãi và thất vọng.

Lòng bừng cháy thúc đẩy người môn đệ hành động. Sau khi đã hiểu được những gì liên quan đến Thầy của mình, “Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người”, người môn đệ khao khát được Chúa ở lại để làm cho con tim họ luôn bừng cháy. Đồng thời, người môn đệ ngay lập tức đứng dậy, quay trở về gặp gỡ nhóm bạn hữu để cùng nhau sống sứ mạng và làm chứng về một Đức Kitô Phục sinh giữa muôn vàn thách đố và khó khăn. Dù có nhiều thử thách, nhưng Chúa đã trỗi dậy, không gì có thể can ngăn được người môn đệ.

Cuộc sống hôm nay dễ khiến người ta nản lòng. Thất nghiệp, đói kém, bệnh dịch, chiến tranh, thiên tai, sự thiếu lòng tin tưởng giữa người với người, sự giả dối đang làn tràn khắp nơi. Thực tế chua chát của cuộc sống làm người môn đệ như chênh vênh, không tìm thấy hướng đi trong cuộc đời.

Trước bối cảnh ấy, hơn bao giờ hết, người môn đệ luôn cần đến Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng chiến thắng cái chết, cứu giúp con người ra khỏi gông cùm của sự dữ, của tội lỗi. Ánh sáng của Đấng Phục Sinh xua tan bóng tối, đem lại sự tươi sáng và cõi lòng bừng cháy cho những ai tin tưởng vào Ngài. Ngài mong mỏi mang lại cõi lòng bừng cháy cho những ai muốn gặp gỡ, tìm kiếm hạnh phúc và hy sinh bản thân để sống thánh ý Thiên Chúa.

Thánh Giuse là vị thánh như thế. Trước những công việc của cuộc sống, trong vai trò của một người cha dạy dỗ con cái, ngài luôn có cõi lòng bừng cháy. Ngài tìm được hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà còn ở sự tự hiến chính mình cho thánh ý Thiên Chúa. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ thấy niềm tin tưởng, thể hiện qua sự thinh lặng kiên nhẫn để lắng nghe tiếng Chúa nói và can đảm thực thi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng cái chết và sự dữ, như hai người môn đệ trên đường Em-mau, mỗi người gia trưởng chúng con cũng có những lúc yếu lòng, chúng con sợ hãi, chán nản, mệt mỏi trước thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được bừng cháy nhờ ánh sáng Phục sinh của Ngài. Amen!

* Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

  1. Tôi đang có những nỗi ưu phiền nào trong gia đình, Hội đoàn và Xứ Họ của tôi?
  2. Trong mùa Phục Sinh này, đâu là những điều tôi sẽ làm để diễn tả cõi lòng bừng cháy của niềm vui vì Đức Giêsu đã Phục Sinh, chiến thắng cái chết?

III. CẦU NGUYỆN CHO CÁC THÀNH VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Phêrô Đặng Trần Thái – Nhà xứ Lập Trí

2- Giuse Nguyễn Văn Thắng – Nhà xứ Đại Lãm

3- Giuse Nguyễn Văn Việt – Thanh Giã – Bắc Giang

4- Giuse Trịnh Hùng Thường – Thanh Giã – Bắc Giang

5- Tômasô Nguyễn Văn Chung – Nhà xứ Nghĩa Hạ

6- Đaminh Nguyễn Văn Thọ – Yên Cư – Bắc Giang

7- Antôn Nguyễn Văn Duyên – Yên Cư – Bắc Giang

8- Inhaxiô Nguyễn Văn Lưu – Yên Cư – Bắc Giang

9- Antôn Nguyễn Văn Long – Yên Cư – Bắc Giang

10- Giuse Nguyễn Văn Chí  – Nhà xứ Lục Hạ

11- Vicentê Nguyễn Văn Phúc – Nhà xứ Bến Cốc

12- Laurensô Linh Văn Thắng – Họ Phúc Linh – NX Đại Từ

13- Phêrô Nguyễn Tiến Đạt – Họ Tham Kha – Xứ Vĩnh Ngọc

14- Giuse Nguyễn Đình Định – Nhà xứ Tiên Lục

15- Giuse Phạm Văn Hanh –  Nhà xứ Yên Lãng

16- Tôma Nguyễn Văn Tiến – Họ Đại Lợi – Xứ phúc yên

17- Giuse Đặng Văn Chương – Nhà xứ Yên Mỹ

18- Giuse Trương Vĩnh Lân – Nhà xứ Dân Trù

19- Vicentê Đặng Quang Hùng – Họ Lan Tràng – Xứ Dân Trù

20- Vicentê Nguyễn Ngọc Thiện – Họ Ngọc Bảo – Xứ Hữu Bằng

21- Giuse Nguyễn Văn Nhung – Nhà xứ Hữu Bằng

22- Ông Giuse Nguyễn Huy Thế – Họ Bái Giang – Xứ Tử Nê

23- Ông Giuse Nguyễn Văn Sáu – Họ Xuân Bình –  Xứ Xuân Hoà

24- Giuse Phạn văn Quyên – Nhà xứ Thái Ninh – GX Thái Nguyên

25- Giuse Phạm Văn Canh – Nhà xứ Vân Cương

26- Phêrô Phạm Văn Lý – Nhà xứ Tân Cương

  1. HỌC TẬP VÀ SUY NIỆM VỀ THÁNH GIUSE: CÁC GIAI ĐOẠN CHÍNH VỀ CUỘC ĐỜI THÁNH GIUSE THEO KINH THÁNH

1- Thiên Chúa chọn Thánh Cả Giuse: Gia phả Thánh Giuse, bài Phúc Âm ngày 17-12 hằng năm nói về gia phả của Chúa Giêsu: “Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời” (Mt 1,17). Việc sắp xếp ba giai đoạn: từ Abraham – Đavit; từ Đavit – Lưu đầy; từ Lưu đày – Chúa Giêsu, mỗi giai đoạn có 14 đời. Đây là cách sắp xếp “thật đẹp” so với quan niệm của người Do Thái mà Thánh Matthêu là tác giả viết Phúc Âm “cho người Do Thái”. Sứ điệp Kinh Thánh chủ yếu là: sự tiếp nối huyết thống từ Abraham đến Chúa Giêsu là thực.

Thánh Matthêu đã giới thiệu Giuse: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16). Thánh Sử còn xác định ơn gọi làm chồng trinh khiết của Maria và là cha nuôi Chúa Giêsu.

2- Truyền tin cho Thánh Giuse: Đoạn văn Mt 1,18-25 diễn tả những sự kiện và những lời “báo mộng”: Giuse và Maria đã thành hôn -> Maria có thai do Chúa Thánh Thần -> Giuse định “rút êm”-> Sứ thần nói: “đừng ngại”. Tỉnh dậy “Giuse đã… đón vợ về nhà” và “đặt tên cho con trẻ là Giêsu” như lời tiên báo xưa: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai… Đấng Emmanuel”.

Hai trình thuật trên, chúng ta đã xác nhận được ơn gọi và sứ vụ của Thánh Giuse: Bảo vệ Maria và Hài Nhi Giêsu nhằm thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. (… Còn tiếp)

Lm. Đặc trách HTGĐGPBN   

Fx. Nguyễn Văn Huân