Tâm sự của một đảng viên bị bệnh phong
Ông Nguyễn Duy Chương là một cán bộ đang hoạt động hăng say tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Một tiếng sét đánh ngang tai làm ông kinh hoàng khi ông biết mình đã bị mắc bệnh phong. Người Đảng viên hai mươi mốt tuổi này đã vô cùng đau đớn và nghĩ rằng cuộc đời mình đã đặt một dấu chấm hết.
Ông đã tuyệt vọng hoàn toàn. Đã có lúc ông tìm đến cái chết. Nhưng nhờ người vợ hiền ân cần động viên, ông đã đi điều trị tại Trại phong Quả Cảm. Sự chung thuỷ đó đã giúp cho vợ chồng ông sinh được hai con trai và một con gái. Bà đã nuôi dạy ba người con trưởng thành, các anh chị đã khôn lớn, xây dựng gia đình và yên bề gia thất, con cháu yên vui. Còn ông yên tâm ở Trại phong Quả Cảm, ông giữ chức chủ tịch Hội đồng bệnh nhân ba mươi bảy năm để phục vụ các bệnh nhân ổn định cuộc sống cùng với Ban Giám đốc.
Năm 1988, hoàn cảnh xã hội còn khó khăn, chính ông đã làm đơn lên Sở y tế tỉnh Hà Bắc xin cho tôi chính thức được về sống với người phong tại Trại phong Quả Cảm. Đơn ông viết như sau:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập tự do hạnh phúc
Kính gửi Ban Lãnh đạo Sở y tế Hà Bắc.
Thông qua Ban Giám đốc khu điều trị Quả Cảm.
Thưa quý ban,
Trước hết xin cho phép chúng tôi gồm toàn thể bà con đang điều trị trong Quả Cảm – Yên Phong – Hà Bắc, trân trọng gửi lời kính thăm Ban lãnh đạo Sở. Chúc các bác kính mến luôn dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc.
Sau đây xin Ban Lãnh đạo Sở cho phép chúng tôi được bày tỏ đôi dòng nói lên nguyện vọng của bệnh nhân về việc cô Nguyễn Thị Xuân, người xã Đại Xuân, huyện Quế Võ tình nguyện xin vào phục vụ người bệnh tại khu điều trị Quả Cảm.
Thưa quý ban! Sở dĩ chúng tôi được biết tin này tuyệt nhiên không phải là do tò mò vô ý thức mà là nhận thấy sự ước muốn thiết tha của cô Xuân đã nhiều lần bày tỏ muốn được vào công tác phục vụ người bệnh phong từ tháng 02 năm 1989. Cô Xuân là một người trong đoàn khách của Toà Giám mục Bắc Ninh đến thăm. Rồi từ đó, cô đã tỏ ra có nhiều thiện cảm đối với bệnh nhân chúng tôi. Hàng tuần hàng tháng cô đều đến tận giường bệnh giúp đỡ động viên an ủi bệnh nhân, nhất là cô tỏ ra quan tâm đặc biệt đến các cụ già yếu Khu trọng điểm.
Tháng 09 năm 1989 đến tháng 12 năm 1989, cô xin phép lãnh đạo mở lớp đan cói cho một số con em của bệnh nhân nghề đan làn mỹ nghệ. Rồi sau đó cô xin vào học lớp y tế chuyên phong tại khu điều trị Quy Hoà. Hết khóa trở về Miền Bắc, cô lại tiếp tục dành nhiều thời gian thường xuyên đến thăm viếng và giúp đỡ bệnh nhân chúng tôi. Quá trình hơn hai năm qua từ buổi tiếp xúc ban đầu cho đến nay chúng tôi nhận thấy cô Xuân là một người rất tốt rất thực, giàu lòng nhân ái vị tha đặc biệt đối với người bệnh. Dù đau yếu tổn thất thế nào cô Xuân cũng tỏ ra quý mến bằng những cử chỉ thân thương tuyệt nhiên không hề thấy cô sợ sệt hoặc xa cách.
Chúng tôi còn được biết cô còn dành nhiều huyết để vận động quyên góp ủng hộ giúp đỡ về vật chất cho người bệnh, và đã có nhiều hiệu quả. Nay cô có đơn xin vào công tác ở khu điều trị Quả Cảm. Về phía bệnh nhân chúng tôi mạnh dạn đề nghị Ban lãnh đạo Sở xét và xin đặc cách cho phép cô Xuân được chính thức vào công tác tại khu điều trị Quả Cảm. Và đó cũng là nguyện vọng thiết tha của những người bất hạnh chúng tôi, hằng ao ước được gần gũi những tấm lòng nhân ái mến thương !!!
Kính mong Ban lãnh đạo cứu xét và chiếu cố.
Kính bút
Thay mặt bệnh nhân
Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Duy Chương
Ban Đại diện bệnh nhân khu 2: Đỗ Nho
Ban Đại diện bệnh nhân khu 3: Nguyễn Bá Bính
Xác nhận chữ ký đề nghị
của ba đồng chí Chương, Nho, Bính là đúng.
Ngày 21 tháng 05 năm 1991
Kí tên đóng dấu
Giám đốc Hoàng Bảo
Sau đó, đến ngày 14 tháng 12 đơn của các cụ được chấp nhận. Ông Chương vô cùng phấn khởi và cùng tôi bàn các kế hoạch để xây dựng và củng cố Trại phong Quả Cảm. Lúc này đời sống của bệnh nhân rất thiếu thốn. Tôi đã về Toà Giám mục xin tiền Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng đào một ao cá lớn để nuôi cá, để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân. Đức Hồng Y đã ủng hộ và nói với tôi câu tục ngữ của người Trung Quốc: Cho người ta cá thì người ta ăn hết. Còn cho lưới thì người ta có thể kiếm cá ăn lâu dài. Vì thế mà cho đến tận hôm nay, những ao cá này đã trở thành nguồn thu rất hiệu quả cải thiện đời sống cho bệnh nhân.
Ông Chương cũng rất trăn trở về những ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Khi thấy nhà của bệnh nhân dột nát. Những ngày mưa gió, mỗi bệnh nhân phải trùm những tấm nilon trên đầu cho khỏi ướt. Những cánh cửa sổ được nẹp bằng những cây sắn khẳng khiu. Những cánh cửa nhà được ghép bằng nhiều mảnh, nhiều chất liệu khác nhau như mảnh rá mảnh cót. Trước tình cảnh tang thương ấy, ông Chương băn khoăn: không biết cách nào sửa chữa đây?
Tôi đành liều về trình với Đức Hồng Y. Ngài sẵn sàng mời gọi các ân nhân giúp đỡ. Chính ngài đã tận tâm với những người ở Trại phong Quả Cảm. Mỗi lần làm được một dãy nhà, ngài đích thân vào thăm và bàn giao lại ngôi nhà cho Ban Giám đốc để cho bệnh nhân sử dụng. Cũng rất may là Ban Giám đốc hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chuyên môn xây dựng của đội thợ của Giáo xứ Ngô Khê. Từng ngôi nhà được được cải thiện dưới sự nhiệt tình giúp đỡ của các ân nhân và khả năng lo liệu về thủ tục giấy tờ của ông Chương.
Những năm chuẩn bị nghỉ việc, ông ao ước được xây một ngôi Nhà Nguyện sạch sẽ thoáng mát cho các bệnh nhân Công giáo sớm tối đọc kinh cầu nguyện. Ông nói: “Cô lo tiền, mọi thủ tục khác để tôi lo”. Công việc được tiến hành nhanh chóng nhờ sự tận tình của Cha xứ và Giáo xứ Ngô Khê. Năm 1998, ngôi Nhà Nguyện được hoàn thành, ông Chương nói trong sự mãn nguyện: “Giờ tôi hoàn toàn thanh thản, tôi có nghỉ hay có chết cũng không còn gì áy náy gì. Lúc chưa được sống với người Công giáo chúng tôi được nghe về người Công giáo khác hoàn toàn, nhưng giờ được sống với người Công giáo, chúng tôi hoàn toàn thay đổi về cách nhìn. Tôi rất quý trọng các Đức Cha, các Cha và các Thầy, các Sơ”.
Chính ông cũng âm thầm mong ước được làm con Chúa nhưng vì đang là một Đảng viên, nên ông còn đôi chút e dè. Cũng giống như ông Nicôđêmô xưa kia chỉ dám đến gặp Chúa Giêsu trong đêm cách kín đáo. Ông đã ươm trồng một cây vạn tuế bên cạnh Nhà Nguyện để cây vạn tuế này có thể thay ông thường trực bên Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho ông.
Sau hơn một năm, chính ông đã can đảm ngỏ lời xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Sau khi đã lãnh nhận các Nhiệm tích, ông thành thực tỏ bày: “Những điều tôi ao ước bao nhiêu năm Chúa đã cho tôi được toại nguyện”. Bí tích Xức dầu bệnh nhân đã chữa lành cả cơn đau thể xác lẫn những vết thương trong tâm hồn. Ông sống trong bình an, thanh thản lúc tuổi già.
Sáu tháng từ lúc chịu phép rửa cho đến lúc qua đời, ông đã sống trong niềm vui chan hoà và hạnh phúc. Ai đến cũng cảm nhận được sự bình thản tận đáy lòng ông. Cơn đau vẫn dữ dằn nhưng không làm cho ông buồn phiền than trách. Mỗi lần rước Chúa Giêsu Thánh Thể, khuôn mặt ông sáng lên một niềm tin yêu phó thác trọn vẹn trong bàn tay nhân lành của Chúa. Và ông đã thốt lên: “Cha ơi, con nghĩ chắc lên thiên đàng cũng chỉ hạnh phục đến mức độ này thôi”.
Ngày 13 tháng 09 năm 2006, ông đã ra đi trong bình an. Bảy mươi bảy mùa xuân cuộc đời trên dương thế của ông thật có ý nghĩa đối với ông và với những người đồng bệnh. Không những ông đã dùng tài trí của mình để phục vụ và tương lân với những người cùng cảnh ngộ, nhưng cao cả hơn ông đã có một tấm lòng rộng mở để nhìn ra được cái chân cái thiện nơi người khác, nơi các tôn giáo khác.
Vì thế mà chính ông đã làm cầu nối để phá tan sự ngăn cách ác cảm của mọi người đối với Chúa, với Đạo, với các Cha các Sơ đến thăm và phục vụ trong trại. Có thể nói, có được sự thiện cảm của xã hội và bệnh nhân phong trong Trại Quả Cảm đối với người Công giáo là nhờ sự nỗ lực không ngừng của ông Chương, một người suốt đời vì sự nghiệp của Đảng và sự thăng tiến con người, nhất là những con người bất hạnh.
Anna Nguyễn Thị Xuân