Thánh chức Linh mục không phải là giấc mơ!

Hè năm 2009, tôi chuẩn bị được phong chức phó tế thành ra không còn cơ hội sống trong môi trường đào tạo ứng sinh chính thức của giáo phận. Tuy nhiên, cũng kể từ ngày thiết lập người viết cũng được cộng tác với công việc dạy học  và gắn bó với những sinh hoạt lớn nhỏ nơi đây. Năm nay, Nhà Thánh Tự tròn 10 tuổi, tôi mạo muội viết lên đây những tâm tình của mình về hành trình tu trì của bản thân cũng như việc đào tạo linh mục theo huấn giáo của Giáo hội để có thể gợi mở vài điều cho tương lai.

Đi tu như người cầm đèn dầu đi trong đêm

Có cha giáo sánh ví hành trình tu trì hệt như người dân quê cầm cây đèn dầu leo lét sáng bước đi trong đêm, đi tới đâu là biết tới đó, không hề biết phía trước sẽ ra sao. Ngẫm đi ngẫm lại rồi kiểm chứng trong hành trình tu trì của bản thân, tôi thấy có những khía cạnh rất đúng nhất là trong khi thời cuộc còn khó khăn. Điều quan trọng nhất là hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa.

Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi học xong cấp III (năm 1992), tôi xuống tòa giám mục Bắc Ninh xin đi tu. Lúc ấy, giáo phận chỉ có một vài linh mục nên đích thân Đức cha phó  Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến trực tiếp phụ trách về ơn gọi. Gặp gỡ và nói chuyện ít phút, Đức cha phó đã lập tức nhận tôi vào đội ngũ anh em dự tu của giáo phận và đương nhiên tôi được “phong” lên hàng các Chú mà chẳng qua một khóa tĩnh tâm định hướng hay sát hạch nào cả.

Kể từ giờ khắc ấy trở đi đức cha Giuse Maria là người cha tinh thần luôn đồng hành, dìu dắt tôi  trong bước đường tu trì. Tuy nhiên vì bận quá nhiều công việc nên có khi cả tháng Đức cha mới gặp các Chú được một lần. Mọi công việc và cầu nguyện hàng ngày Đức cha giao cho một anh trưởng và anh phó phụ trách.

Suốt trong 2 – 3 năm đầu đời tu của tôi, dưới thời “giám quản” của chú Ân (nay là cha Giuse Ân) làm “đại  đội trưởng” cùng chú Lịch (nay là cha Giuse Lịch) làm “phó đội trưởng”, thời gian biểu của anh em được sắp đặt như sau: 4g15 thức dậy vệ sinh cá nhân; 4g30 đọc kinh sáng và tham dự thánh lễ chung ở nhà thờ chính tòa; 6g30 ăn sáng; 7g30 -11g00 lao động tùy theo những công việc được phân công; 11g30 ăn trưa sau đó nghỉ trưa; 13g30 đọc kinh chiều tại nhà thờ chính tòa; 14g30 -17g00 tiếp tục lao động theo sự phân công; 17g30 ăn tối; 18g00 -19g00 chơi thể thao (phần đa là đá bóng); 19g30 đọc kinh chung với giáo dân ở nhà thờ chính tòa (sau đó vài năm tham dự thánh lễ chung); 20g45 họp lượng giá và đọc kinh tối; 21g30 đi ngủ.

Ngoài giờ giấc chung như trên còn thêm một số việc tùy hoàn cảnh. Chẳng hạn mỗi khi tới tuần giúp lễ của chú nào thì chú đó phải mang chăn, gối, chiếu ra buồng áo nhà thờ chính tòa ngủ để trông nhà thờ vì lúc đó thời buổi khó khăn trộm cắp vặt nhiều hơn ruồi muỗi. Rồi mỗi tuần anh  em phải phân công nhau chia sẻ Lời Chúa trước thánh lễ một lần. Hàng đêm cứ 2 người chịu trách nhiệm một ca gác chừng một tiếng đồng hồ. Cuối ngày phải ghi sổ nhớ Chúa hy sinh để cuối tháng tổng hợp lại nộp cho anh trưởng để anh trưởng nộp cho Đức cha phụ trách.

Về việc học tập thì hầu như trong năm không có ai dậy nên phải nói thật lòng là tất cả anh em không được học hành gì mà chỉ đi lao động; chỉ tới hè mới có cha giáo trong miền Nam ra giúp được khoảng 2 tuần hay 1 tháng nhưng cũng bập bõm. Sau đó vài năm được cải thiện hơn một chút khi một tuần có 2 đến 3 buổi được học tiếng Pháp do thầy Vương Đình Lương dậy hoặc học nhạc do anh Ân (cha Ân), anh Thắng hay anh Lịch (cha Lịch) dậy.

Còn nhớ vào đầu năm 1993, chú Giuse Lịch (cha Lịch), chú Giuse Phong (cha Phong) và một số anh em (trong đó có tôi) được Đức cha “biệt phái” cho đi xây dựng nhà thờ Na Lang ở chân Núi Tam Đảo thuộc tỉnh Thái Nguyên. Lúc đấy chúng tôi đều có kinh nghiệm về xây dựng vì vừa mới được “huấn luyện” tích cực hơn một năm trời trong việc xây Tòa Giám mục, nhất là anh Lịch và anh Phong là những “dũng sĩ” cường tráng trong việc tôi vôi đánh vữa. Hết thời gian này, anh em chúng tôi được cử từng nhóm một sang Xuân Hòa đào ao và xây tường. Hàng năm cứ vào vụ cấy và  gặt lúa, chúng tôi cũng đều được sang Xuân Hòa cày cấy và cắt lúa với các dì, thỉnh thoảng đi cắt lúa ở Đình Tổ để có lương thực cung cấp cho Tòa Giám Mục và có gạo làm tương.

Lúc này đường hướng của Đức cha chính là Đức cha Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và sau này là Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến là dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn phải huấn luyện các chú (linh mục tương lai) cách tốt nhất là thông qua công việc hàng ngày. Có lẽ vì thời cuộc khó khăn nên anh em dự tu chúng tôi thời ấy về mặt kiến thức có phần hạn chế nhưng bù lại đó là nhờ phương cách huấn luyện “lao động là chính,” theo tình thần của lớp học “gia đình Thánh Gia” ấy đã làm gia tăng tình huynh đệ trong anh em. Điều này cũng được  anh em các giáo phận khác đánh giá trong thời gian tu học tại chủng viện hay các học viện, anh em Bắc Ninh rất đoàn kết yêu thương nhau và thường không có tham vọng giành giật ngôi vị đầu bảng trong học tập.

Hôm nay nhìn lại, hành trình tu luyện của anh em chúng tôi giữa lúc thời cuộc khó khăn gặp muôn phần trắc trở, giống như người nông dân chân đất cầm ngọn đèn dầu leo lét mò mẫm trong đêm tối, không biết tương lai ra sao. Nhưng chỉ có ơn Chúa mới có thể dẫn dắt anh em chúng tôi băng qua mọi gian nan thử thách. Nhờ vậy, mà ngày nay giáo phận đang có những linh mục “bình dân” sẵn sàng dấn thân, không màng danh vọng, và dù có là cha tổng đại diện hay các cha cao niên đã nghỉ hưu thì ăn xong vẫn đi rửa bát và quét sân như thường.

Hành trình tu trì đã lộ giữa thiên thai

Bước sang thiên niên kỷ mới, các chính sách về tôn giáo của  ở Việt Nam, nhất là miền Bắc lúc này đã dần dần giảm bớt tính hà khắc. Anh em dự tu được học hành nhiều hơn, việc đi học chủng viện ngày một cởi mở hơn, thánh lễ truyền chức diễn ra thường xuyên hơn. Điều đó là một thuận lợi về mặt nào đó để hành trình theo đuổi ơn gọi linh mục bớt đi những gian nan thử thách không đáng có. Thế nhưng, chính lúc này việc đào tạo ơn gọi lại vấp phải những khó khăn nan giải hơn rất nhiều đó là việc xâm lấn của ý thức hệ duy vật, tính thế tục hưởng thụ len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống, không chừa một ai. Đó là một dấu hỏi lớn, một bài toán khó cho Giáo hội nói chung và giáo phận Bắc Ninh nói riêng.

Cùng với đó là dấu hiệu suy giảm đáng kể về ơn gọi thiên triệu. Thiếu ơn gọi là xu hướng chung của ngày hôm nay chứ không riêng gì giáo phận Bắc Ninh. Khó khăn tiếp theo là đời sống chung trong anh em, cũng dễ hiểu vì hầu hết các gia đình bây giờ chỉ có một đến hai con nên việc giáo dục ngay từ gia đình đã mang xu hướng về cá nhân. Cho nên khi đến sống chung là một điều cực kỳ khó khăn với nhiều ứng sinh. Một khó khăn nữa đối với các chú đó là kiến thức không đồng đều và kiến thức nền (kiến thức phổ thông) bị hổng hoặc có phần lệch lạc mất trọng tâm mà nguyên nhân có lẽ là do hơn chục năm trời các chú học tập trong môi trường giáo dục có quá nhiều tiêu cực…

Vì thế, mà một trong những công việc đầu tiên của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt khi về coi sóc giáo phận là thiết lập Nhà Ứng Sinh mang tên cha thánh tử đạo Phêrô Nguyễn Văn Tự, là nơi quy tụ và đào tạo các chú dự tu cách tập trung và bài bản. Lúc này cha Micae Trương Thanh Tùng dòng Tên được Đức cha mời ra giáo phận để cộng tác xây nền móng  cho Nhà Thánh Phêrô Tự, cùng với cha Tùng có cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu và cha Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận.

Khác với thời chúng tôi đi dự tu, đầu vào Nhà Thánh Phêrô Tự được tuyển chọn kỹ hơn, các chú phải qua kỳ tĩnh tâm định hướng, kiểm tra IQ và tâm lý. Tiến trình đào tạo bài bản theo hướng dẫn chung của của Giáo hội theo 4 chiều kích là nhân bản, tri thức, thiêng liêng và mục vụ. Thời gian huấn luyện cụ thể khoảng chừng 4 năm. Ban huấn luyện được tuyển chọn kỹ càng, các cha giáo, dì giáo và giáo viên có trình độ, phần nhiều đã được đào tạo cở bản ở nước ngoài.

Kể từ khi thành lập nhà thánh Phêrô Tự vào năm 2009 người viết rất vinh dự được cộng tác vào công việc huấn luyện ngay từ đầu trong tư cách “cha giáo thỉnh giảng”. Ngày ấy, khi được cha Micae Trương Thanh Tùng mời dậy môn Kinh Thánh, tôi cũng có chút phân vân do dự, phần vì lúc này tôi vẫn chưa là linh mục, phần chính là cha giáo Micae Tùng lại học chuyên về Thánh Kinh, nên nếu mình vào dậy thì khác gì “múa rìu qua mắt thợ”. Tuy nhiên sau khi suy nghĩ và cầu nguyện tôi quyết định nhận lời vì bản thân là người của giáo phận, lại được đi học nước ngoài về nên hơn ai hết tôi thấy mình có trách nhiệm với những anh em đi sau.

Cũng phải nói thêm rằng, ở miền Bắc trước năm 1954 và miền Nam trước năm 1975, tất cả các giáo phận đều có tiểu chủng viện để đào luyện các ứng sinh linh mục ngay từ nhỏ, sau đó thời gian dài vì hoàn cảnh khó khăn nên các vườn ươm ơn gọi bị đóng cửa, việc huấn luyện linh mục chủ yếu theo hình thức hàm thụ hoặc theo cách thực tế mà người viết đã kể phần trước. Qua đó mới thấy việc thành lập Nhà Thánh Phêrô Tự để  lấp vào chỗ trống của tiểu chủng viện xưa, nên việc huấn luyện ở Nhà Thánh Phêrô Tự cũng được gọi là Tiền Chủng Viện hay là vườn ươm ơn gọi linh mục tương lai.

Kể từ khi Nhà Thánh Phêrô Tự thành lập, các chú được đào tạo bài bản hơn rất nhiều. Các chú được lên lớp học đàng hoàng, thời gian lao động hầu như giảm đến mức tối thiểu, các công việc còn lại chỉ là dọn dẹp vệ sinh, nấu nướng, các công việc tăng gia sản xuất được lựa chọn kỹ càng chủ yếu là nhằm mục đích huấn luyện và gia tăng tình huynh đệ cho các chú. Dựa trên 4 chiều kích đào tạo, các chú được ban huấn luyện đánh giá năng lực và mức độ trưởng thành. Nếu hội đủ các yếu tố cần thiết sau quãng thời gian đào tạo tập trung, các chú sẽ được tham dự kỳ thi Đại Chủng Viện. Kết quả thi chủng viện được công bố rõ ràng, chú nào đỗ sẽ sang “Chủng viện Hà Nội hoặc Xuân Lộc”  học tiếp, chú nào trượt 2 năm liên tiếp sẽ hết cơ hội. Như vậy, từ khi Nhà Thánh Tự ra đời, hành trình tu trì của các chú đã được vạch ra rất rõ ràng, con đường đi được tỏ lộ giữa thiên thai. Điều này làm các chú an tâm cố gắng tu học để trở thành những linh mục như lòng Chúa ước mong.

Con tim và cái đầu của Linh mục thời 4.0

Người viết  không được sống trong mái trường nhà Thánh Phêrô Tự như nhiều cha, nhiều thầy và các chú bây giờ nhưng lại có cơ duyên được gắn bó đồng hành với các chú học môn Thánh Kinh. Nhờ đó, phần nào người viết nhận ra ít nhiều những thách thức trên hành trình ơn gọi của các chú để tiến tới thánh chức linh mục. Muốn trở nên những linh mục của Chúa trong thời đại 4.0 mà có người gọi là “linh mục chất lượng cao”, người viết nghĩ rằng các ứng sinh hôm nay phải biết sử dụng cái đầu và con tim cách uyển chuyển tức là phải có lý trí vững mạnh nhưng cũng phải dạt dào cảm xúc.

Có nhiều người thì con tim và cái đầu luôn được sử dụng cách đan xen nhau . Tuy nhiên, với người viết thì luôn sử dụng con tim và cái đầu trong mỗi hoàn cách khác nhau, nhất là trong việc huấn những linh mục tương lai. Còn nhớ những ngày đầu tiên lên lớp, tôi vẫn nói vui với các chú là đối với tôi trong học tập, hay công việc thì tôi chỉ biết sử dụng cái đầu thôi; còn trong quan hệ thường ngày thì lại chỉ biết sử dụng con tim.

Nói thì nói vậy, nhưng nhiều khi con tim lấn át cái đầu vì những năm đầu tiên chấm bài cho các chú, có những bài cứ phải suy đi nghĩ lại mãi, nên cho bài này điểm dưới hay trên trung bình, vì nếu cho dưới thì sợ các chú buồn, sợ cha giám đốc trách các chú; còn nếu cho trên trung bình thì lại sợ các chú tưởng mình đã giỏi rồi không cần học nhiều nữa. Suy nghĩ mãi cuối cùng cũng ra được một giải pháp dung hòa là cho điểm thực, nhưng cộng thêm một hoặc hai điểm cho tất cả các bài tính từ bài có điểm thấp nhất để có thể đặt được điểm trung bình không phải thi lại.

Những năm gần đây thì con tim và khối óc được phân định rõ ràng hơn. Trong học tập, người viết luôn chỉ biết sử dụng cái đầu lạnh, vì mong muốn cho các chú có nhiều kiến thức, qua đó giáo phận sẽ có nhiều nhân tài hơn trong tương lai, điều này được rút ra từ chính kinh nghiệm tu trì của người viết. Đôi lúc đùa vui với các chú, trong những thập niên 70-80 của thế kỷ trước thì các chú, các thầy không có chút cơ hội nào để học tập, nhưng các cha vẫn luôn trung thành với ơn gọi và tự đọc sách hay tự học để tích lũy kiến thức. Sau đó vào thập niên 90 hay những năm 2.000 thì điều kiện dễ dàng hơn, mùa hè có cha giáo ở miền Nam ra dạy các chú. Còn bây giờ, nhà Thánh Tự được thành lập, các chú được học thường xuyên, bài bản nên các chú phải có kiến thức hơn thế hệ cha anh….

Ngược lại với học tập, trong quan hệ thường ngày thì con tim lấn át hết cái đầu. Là linh mục và là một người anh đi trước, tôi luôn tự thấy trách nhiệm là phải truyền lại kiến thức cho các chú, vì “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20, 35) hay Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều” (Lc 12,48). Cho nên mỗi khi được cha giám đốc mời dạy các chú tôi luôn thưa “Fiat – xin vâng” cho dù nhiều lúc công việc cũng bừa bộn.

Người ta thường nói cách hài hước trong tương lai sẽ có những người có bộ óc bằng óc con kiến để ám chỉ những người lười sử dụng trí óc, trái lại có người có quả tim bằng tim con bò để chỉ những người luôn chỉ biết sử dụng tình cảm trong mọi lĩnh vực. Mong sao, các chú Nhà Thánh Phêrô Tự hôm nay, là những linh mục Giáo phận nay mai luôn biết quân bình qua việc làm chủ cũng như điều chuyển ý chí và cảm xúc. Nói cách dễ hiểu là các chú cần có cái đầu thông minh, uyên bác để giải quyết chu toàn công việc và con tim khổng lồ để yêu mến tất cả mọi người. Tiến lên thánh chức linh mục phải nhờ ơn Chúa giúp cộng với sự nỗ lực của mỗi người, thiếu một trong hai yếu tố trên sẽ không thể có được một linh mục như lòng Chúa mong ước. Hy vọng những dòng tâm tình nhỏ này sẽ giúp các chú nhận định tường minh thánh chức linh mục không phải là giấc mơ huyền bí nhưng là sứ vụ thực thể để trao Tin Mừng Phục Sinh tới muôn người.

Bắc Ninh, ngày Lễ kính Song thân Đức Maria 2019

Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng