Thông điệp Giáng Sinh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – “Tất cả chúng ta là anh chị em của nhau”

Trong ngày Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành toàn xá “urbi et orbi” (“cho thành phố Rôma và cho thế giới”). Đồng thời, ngài chân thành mời gọi sự kết nối “tình huynh đệ” giữa các dân tộc và các quốc gia trong một thế giới bị phân rẽ do các thế lực chính trị đang lợi dụng nỗi sợ hãi của con người và trong một thế giới đang có những xung đột, những cuộc chiến tranh xảy ra ở nhiều nơi như Syria, Yemen, Venezuela, Nicaragua, Ukraine và giữa Israel và Palestine.

Đức Giáo Hoàng nhắc nhở mọi người ở khắp mọi nơi thông điệp phổ quát của Lễ Giáng sinh “Thiên Chúa là Cha nhân hậu và tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau.” Ngài nói “chân lý này dựa trên nền tảng quan điểm của Kitô Giáo về con người.”

Đức Giáo Hoàng kêu gọi kết nối “tình huynh đệ giữa các cá nhân của mỗi quốc gia và mỗi nền văn hóa” và “tình huynh đệ giữa những người có những quan điểm khác nhau nhưng có khả năng tôn trọng và lắng nghe nhau,” cũng như “tình huynh đệ giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “nếu không có tình huynh đệ mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta, thì những nỗ lực của chúng ta cho một thế giới công bình sẽ mau chóng sụp đổ, và những kế hoạch và những dự án tốt nhất của chúng ta cũng có nguy cơ trở nên vô hồn và vô nghĩa.

Năm thứ sáu trong cương vị làm Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã gửi thông điệp mừng sinh nhật Đức Giêsu từ ban công trung tâm của Vương cung Thánh Đường Thánh Phêrô Giáng sinh vào một ngày Giáng sinh đầy nắng. Trong bài phát biểu được truyền hình quốc tế, ngài đã chia sẻ với khoảng 50.000 khách hành hương từ tất cả các châu lục tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô, và thính giả toàn cầu, ước tính hơn một tỷ người, “ước nguyện về một Giáng sinh hạnh phúc của cha là ước nguyện cho tình huynh đệ.”

Ngài nhắc nhở mọi người rằng “Chúa Giêsu đã đến để mặc khải khuôn mặt của Thiên Chúa cho tất cả những ai tìm kiếm Người” và khi được hạ sinh ở Bê-lem, “khuôn mặt của Thiên Chúa đã được biểu lộ trên khuôn mặt của một con người cụ thể.”

Đức Giáo Hoàng nói “khi trở thành con người, Con Thiên Chúa nói với chúng ta rằng ơn cứu độ khởi phát từ tình yêu, từ sự đón nhận, và tôn trọng đối với nhân loại đáng thương này, nơi mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ với nhau những khác biệt lớn về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Tuy vậy, tất cả chúng ta đều là anh chị em trong cùng một bản tính người!”

Ngài nói “do đó, sự khác biệt của chúng ta không gây tổn hại hay tạo nguy hiểm nhưng sự khác biệt ấy lại là một nguồn phong phú, giàu có”. Theo ngài “kinh nghiệm của gia đình dạy chúng ta điều này: là anh chị em của nhau, chúng ta sẽ có những khác biệt, chúng ta có thể không phải lúc nào cũng đồng thuận quan điểm của nhau, nhưng chúng ta có mối dây liên kết không thể cắt đứt và chính tình yêu của cha mẹ giúp chúng ta yêu thương nhau.” Đức Thánh Cha giải thích “điều tương tự cũng đúng với gia đình nhân loại phổ quát, nhưng ở đó, Thiên Chúa là “cha mẹ” của chúng ta, là nền tảng và là sức mạnh của tình huynh đệ giữa chúng ta.”

Sau đó, khi đề cập đến những nơi có xung đột cụ thể trên toàn cầu, Đức Phanxicô đã bắt đầu với vùng đất nơi Chúa Giêsu hạ sinh và cầu nguyện rằng “ước gì thông điệp Giáng sinh về huynh đệ có thể giúp người Israel và người Palestine nối lại cuộc đối thoại và cam kết một hành trình hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 70 năm tại mảnh đất Thiên Chúa đã chọn để biểu lộ gương mặt về tình yêu của Ngài.”

Kế đến, Đức Giáo Hoàng cũng cầu nguyện cho việc chấm dứt chiến tranh đã kéo dài 8 năm ở Syria đã gây ra cái chết cho khoảng nửa triệu người và khiến hàng triệu người phải sống lưu vong. Ngài cầu nguyện “Ước gì người Syria có thể tái khám phá tình huynh đệ sau những năm dài chiến tranh này”; và ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế một lần nữa “dấn thân một cách dứt khoát để tìm một giải pháp chính trị có thể gạt bỏ những chia rẽ và những lợi ích của các đảng phái, để người Syria, đặc biệt là tất cả những người Syria bị buộc rời khỏi vùng đất của mình, đang tìm nơi ẩn náu ở nơi khác, có thể trở về sống trong hòa bình trên chính đất nước của họ.”

Nghĩ về đất nước Yemen đang bị chiến tranh tàn phá, Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng “ước gì thỏa thuận ngừng bắn nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây có thể cứu giúp những trẻ em và những người kiệt sức vì chiến tranh và đói khát.”

Đức Giáo Hoàng cũng cầu nguyện cho sự chấm dứt xung đột và “buổi bình minh mới trong tình huynh đệ” ở Châu Phi, nơi mà hàng triệu người là người tị nạn hoặc di tán cần được hỗ trợ nhân đạo và bảo đảm lương thực.” Ngài cầu nguyện “Xin Chúa Giêsu chúc lành cho những nỗ lực của tất cả những ai đang lao tác để thúc đẩy con đường hòa giải trong đời sống chính trị và xã hội.” Đức Phanxicô sẽ viếng thăm lục địa này lần thứ hai vào mùa hè năm nay, và ngài mong đợi sẽ củng cố thông điệp này.

Đối với Châu Á, nơi Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm ba lần, Đức Phanxicô đã cầu nguyện rằng “Ước gì Chúa Giêsu có thể củng cố sợi dây liên kết tình huynh đệ hợp nhất của kết bán đảo Triều Tiên, và giúp cho con đường tái lập tình hữu nghị gần đây tiếp tục được thực hiện và đạt được các giải pháp đồng thuận để đảm bảo sự phát triển hưng thịnh cho mọi công dân.”  Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Nhật Bản vào cuối năm nay và cũng có thể thăm Bắc Triều Tiên nếu ngài nhận được lời mời chính thức.

Trở về Châu Âu, Đức Giáo Hoàng cầu nguyện “Ước mong Hài nhi Giêsu có thể mang lại niềm an ủi cho vùng đất yêu dấu của Ukraine, nguyện ước đất nước sẽ lấy lại được một nền hòa bình bền vững. Đây là một sự ám chỉ về cuộc xung đột với Nga đã tiếp tục tái diễn sau sự sáp nhập của Crimea. Ngài nhấn rằng “chỉ bằng sự tôn trọng hoà bình và quyền lợi của mỗi quốc gia, thì đất nước mới có thể phục hồi sau những đau khổ mà đất nước đang phải chịu đựng và khôi phục các điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá của các công dân trong đất nước.” Ngài bảo đảm ngài rất gần gũi với cộng đoàn Kitô hữu trong vùng này và ngài cầu nguyện để “họ có thể phát triển mối tương quan bằng hữu và huynh đệ.”

Đối với châu Mỹ Latinh, quê hương của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện cho đất nước Venezuela, một quốc gia đang trải qua những khủng hoảng của những cuộc xung đột nội bộ rằng “một lần nữa, ước gì đất nước có thể tái khám phá sự hài hoà xã hội và thúc đẩy mọi thành viên của xã hội cùng làm việc trong tinh thần huynh đệ vì sự phát triển của đất nước và có thể hỗ trợ những thành phần đang bị tổn thương nhất trong dân chúng.”

Tiếp theo, Đức Giáo Hoàng cũng cầu nguyện với Chúa Giêsu Hài đồng cho cư dân Nicaragua yêu dấu rằng “họ có thể coi nhau là anh chị em để sự chia rẽ và bất hòa sẽ không thắng thế, nhưng tất cả cùng cộng tác với nhau để thúc đẩy sự hoà giải và cùng nhau xây dựng tương lai của quốc gia.”

Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ mối quan tâm đến “tất cả những người trải qua các hình thức thực dân về ý thức hệ, văn hóa và kinh tế; những người mà sự tự do và căn tính của họ bị xâm phạm.” Ngài cũng quan tâm đến những người đang chịu đau khổ vì đói kém, thiếu sự chăm sóc về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cầu nguyện đặc biệt cho “tất cả anh chị em của chúng ta, những người mừng lễ Chúa giáng sinh trong những hoàn cảnh khó khăn, nếu không muốn nói là trong những cảnh huống có sự thù địch, đặc biệt là nơi cộng đồng Kitô hữu là thiểu số, thường dễ bị tổn thương hoặc không được để ý. Ngài xin Chúa Giêsu ban cho họ “tất cả những người thuộc nhóm thiểu số” được sống trong hòa bình, được tôn trọng quyền lợi, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.”

Đức Giáo Hoàng kết luận sứ điệp bằng việc nài xin Hài Nhi Giêsu “đoái thương đến tất cả các trẻ em trên thế giới, những người yếu đuối, dễ bị tổn thương và đang bị loại trừ” và giúp cho mọi người trên thế giới nhận biết rằng “chúng ta là anh chị em của nhau” và giúp chúng ta có thể “sống tình anh chị em thực”.

Chuyển ngữ: Phêrô Nguyễn Văn Đương, S.J.

Nguồn: dongten.net