Thương hiệu Giêsu

THƯƠNG HIỆU GIÊSU
(Suy tư Chúa nhật II Thường niên năm B)

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (14.1.2021) – Thời đại nào cũng thế, thương hiệu luôn là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Vấn đề tạo dựng thương hiệu, tên tuổi luôn là mối bận tâm của nhiều doanh nhân. Đó là câu chuyện kinh tế, kinh doanh. Đối với đức tin Công giáo thì sao?

Hẳn nhiên Giáo hội và mỗi người Công giáo cũng đang nỗ lực mỗi ngày để sống đúng với thương hiệu của mình. Chúng ta là những Kitô hữu, nghĩa là người có Chúa Giêsu Kitô. Đó là thương hiệu, là danh hiệu của chúng ta. Là giáo sĩ, các linh mục cũng sống sao cho đúng danh phận người mục tử. Là tu sĩ, các sơ, các thầy, các cha cũng chu toàn sứ mạng của mình xứng với danh hiệu những người dâng hiến. Là những giáo dân, mỗi người cũng ước ao sống xứng đáng với tước hiệu người con của Chúa.

Kể ra như thế để thấy mỗi người cũng hạnh phúc vì mang trong mình một thương hiệu đã rất nổi tiếng. Đó là thương hiệu Giêsu. Thương hiệu này không chỉ đơn giản là một cái tên, một biểu tượng, nhưng trên hết, đó còn là một con người sống động hằng yêu thương và ở với chúng ta. Hẳn nhiên thương hiệu Giêsu đã phổ biến, rất nhiều người biết. Chắc chắn Đức Giêsu không hài lòng khi người ta chỉ biết về Ngài bằng một cái tên, hoặc về câu chuyện ông Giêsu nào đó trong quá khứ. Trên hết, Đức Giêsu cần người ta đi theo Ngài, cùng với Ngài viết tiếp câu chuyện thương hiệu Giêsu cho nhiều người khác. Càng nhiều người lắng nghe, nhận biết và yêu mến Giêsu, họ càng được gần đến ơn cứu độ. Đó là niềm vui, là sứ mạng của Giáo hội, để làm sao dưới tầng trời này, ai cũng được nghe thấy và nhận biết danh thánh Giêsu.

Chúng ta nhận thấy câu chuyện thương hiệu Giêsu rõ nét hơn trong đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 02 thường niên hôm nay (Ga 1,35-42). Bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đi theo mình. Có lẽ lúc này nhiều người đã biết về Giêsu. Trước đó chính Gioan Tẩy Giả cũng làm cho danh Đức Giêsu vang khắp vùng thiên hạ. Có lần chính Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu với hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Câu này đã trở nên câu khẩu hiệu, một biểu tượng nổi tiếng liên quan đến Đức Giêsu. Trong lần giới thiệu này, chúng ta biết có ông Anrê và một môn đệ khác liền đi theo Đức Giêsu. Kể cũng lạ, mới vài câu giới thiệu mà họ đã bỏ Gioan Tẩy Giả để đi theo một thầy mới là Giêsu. Chắc Giêsu sẽ nổi tiếng hơn, sẽ hứa hẹn hơn và sẽ được nhiều thứ hơn.

Trong lần đi theo đó, Đức Giêsu đề nghị hai ông “đến mà xem” nơi Đức Giêsu ở. Quan trọng hơn, họ đã ở lại với Đức Giêsu và được Ngài nhận làm môn đệ. Chưa dừng lại ở đó, Anrê còn mau chóng giới thiệu Giêsu cho em mình là Simon. Anrê hãnh diện nói với em mình rằng: “Anh đã gặp được đấng Mêsia”. Không hãnh diện sao được khi Mêsia là Đấng mà toàn dân đang mong đợi. Đấng ấy sẽ cứu độ con người. Lúc này Anrê sao nhỉ? Chắc ông sung sướng được thốt lên hai tiếng: Kitô! Với Simon, Đức Giêsu đã chọn ông làm môn đệ, lại còn đổi tên ông thành Phêrô. Vậy là từ đây ông có danh hiệu mới. Trên danh hiệu Phêrô này mà về sau chính Đức Giêsu sẽ xây Hội thánh của Ngài.

Nếu đọc tiếp câu chuyện Tin Mừng này, chúng ta thấy các môn đệ giới thiệu Đức Giêsu cho nhiều người khác nữa. Trong đó, chính Đức Giêsu chọn đặc biệt mười hai người để ở với Ngài, và sai họ đến với muôn dân. Cũng từ lúc đó, danh tiếng Giêsu mỗi lúc một lan nhanh; nhờ vậy, những lời dạy của Ngài, ơn cứu độ của Ngài cũng đến được với nhiều người hơn.

Bạn thân mến,

Chúng ta được nhận một danh hiệu nổi tiếng một cách nhưng không. Với Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang danh Kitô, mang trong mình danh hiệu Mêsia, nghĩa là chúng ta được cứu độ. Chắc chắn Thiên Chúa không muốn người tín hữu để danh hiệu ấy trong lồng kính, đặt lên tủ thờ. Sẽ không đẹp lắm nếu danh Đức Giêsu chỉ lưu truyền trong cộng đoàn Công giáo. Ngược lại, Đức Giêsu đang làm việc và muốn chúng ta lan truyền danh hiệu ấy cho nhiều người. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” ((Mc 16,15).

Tiếc là thương hiệu Giêsu còn nhiều người chưa biết đến. Vậy Đức Giêsu mới tiếp tục mời gọi mỗi người “quảng bá, quảng cáo, giới thiệu” Giêsu cho những ai mình quen biết. Dĩ nhiên chúng ta không nói lời mị dân hoặc trống rỗng. Trên hết, lời quảng bá mạnh mẽ nhất bằng chính đời sống của mỗi người. Lý do là “con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy thì chính thầy dạy đó là chứng nhân?” (Đức Giáo hoàng Phaolô VI). Để với Đức Giêsu, chính bạn và tôi cũng trở nên môn đệ, giống các môn đệ đầu tiên, loan báo Thiên Chúa cho con người hôm nay.

Tới đây chắc có bạn đề nghị: “Việc loan báo Tin Mừng, giới thiệu Đức Giêsu, thôi… xin nhường lại cho các linh mục, tu sĩ!” Đúng là các linh mục và tu sĩ phải là người làm cho danh Đức Giêsu đến với muôn người, nhưng mỗi giáo dân cũng tham gia vào công việc trọng đại này. “Khó quá, phải bắt đầu từ đâu?”– như có người từng nói. Câu trả lời là: “Hãy đến gặp Đức Giêsu, cứ hỏi Ngài và để Ngài hướng dẫn.” Khi đó chúng ta mới giới thiệu đúng danh hiệu Giêsu cho người khác. Nếu không ở với Đức Giêsu, không nối kết với Ngài, chúng ta cũng chỉ là những người loa loa một danh hiệu cũ rích. Ngược lại, khi xác tín và đến gần Đức Giêsu, người ta có nhiều sáng kiến và tình yêu để trao cho người khác một Đức Giêsu sống động và trẻ trung.

Nói đúng hơn, hãy để Đức Giêsu trong tim bạn lên tiếng. Chúa sẽ có cách để đưa chúng ta đến với tha nhân. Với tâm hồn của người muốn loan Tin Mừng, bạn và tôi biết cách để nói về, giới thiệu về một danh hiệu Giêsu. Tuy chứng kiến các hoạt động của Đức Giêsu và nghe được lời dạy của Ngài, nhưng chắc các ông lúc đầu cũng bỡ ngỡ khi nói về danh hiệu Giêsu. Nhưng càng ở với, càng để Đức Giêsu huấn luyện, họ càng trở nên “bậc thầy” về “quảng bá thương hiệu Giêsu” đi khắp tứ phương thiên hạ. Với một mục đích trong lời giới thiệu này: Để ai nghe và đón nhận danh thánh Giêsu, họ được cứu độ. Mục đích này được thánh Luca ghi lại: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12)

Sau cùng, nếu thương hiệu là tài sản có giá trị nhất của một công ty, doanh nghiệp, thì thương hiệu hay danh hiệu Giêsu lại là tài sản lớn nhất của một con người, một linh hồn.

Nguồn: hdgmvietnam.com