Suy niệm về Thập giá

Cây thập giá là hình phạt tử hình cách khốc liệt nhất và nhục nhã nhất dành cho tử tội. Bởi vì người chịu đóng đinh phải chịu đau khổ cực độ trên thập tự nên trước khi đem đi đóng đinh phải chịu đánh đòn cho nạn nhân có thể nhanh chết hơn, nạn nhân khi chịu đóng đinh còn phải bị lột trần, bị đinh đóng vào chân và tay mà treo lên cây gỗ. Hình phạt này là một hình phạt tàn ác và bị nhiều người lên án, Ci-ce-ro đã cho rằng cây thập giá là “hình phạt kinh khiếp và tàn bạo nhất”, còn Kla-us-ner một tác giả Do Thái thì nhận định: “Hình phạt đóng đinh trên thập giá là cái chết thê thảm và tàn ác nhất mà con người nghĩ ra được để trả thù đồng loại mình” ông viết tiếp “tội nhân bị cột lên thập tự sau khi trải qua những trận đòn đẫm máu. Tử tội bị treo cho chết vì đói khát, vì sự đau đớn của vết thương bị ruồi nhặng bám vào, rúc rỉa trên thân thể trần truồng”. Hình thức cây thập giá có nhiều loại, có thể là hình chữ T, hình chữ X hoặc hình chữ +, nhưng chúng ta luôn thấy mọi người nói tới hình chữ + của cây thập giá. Tại sao lại như vậy, vì đây là hình thập giá mà chúng ta thấy nơi đạo Công giáo nhiều thế kỷ nay. Hình phạt thập giá được du nhập từ Ba Tư sau đó được Hy Lạp và Rô-ma áp dụng để xử phạt các tội nhân của mình. Hình phạt này được đế quốc Rô-ma áp dụng cho những tội nhân mang án phản loạn, trộm cướp hoặc là những kẻ nô lệ. Bởi vậy, hình phạt thập giá mang tính tàn nhẫn và sỉ nhục rất lớn, đặc biệt với những người Do Thái thì đây còn là một hình phạt mang tính cách tôn giáo nữa vì Kinh Thánh có chép rằng người chịu chết treo trên cây gỗ là kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ (xem Dnl 21,22-23).

Như vậy chúng ta có thể thấy Đức Giê-su tự nguyện mang lấy cho mình hình phạt này có ý nghĩa như thế nào. Điều đó có nghĩa Đức Giê-su nhận lấy nơi mình tội lỗi của một tên trộm cướp, là người mang thân phận nô lệ và mang danh là một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ. Một Thiên Chúa làm người nhưng lại bị mọi người tưởng là kẻ bị chính Thiên Chúa chúc dữ thật là một điều không thể nào tả xiết được, nhưng chính điều mà con người không thể hiểu được thì Thiên Chúa lại dùng để cứu độ chính con người tội lỗi chúng ta. Đức Giê-su đã tự đồng hóa mình với kiếp người tội lỗi khi hòa mình vào dòng người rửa tội trên sông Gio-dan. Sau hết, Đức Giê-su đã gánh lấy tội lỗi con người trên cây thập tự khi chịu chết như một kẻ  tội lỗi.

Cây thập giá vẫn luôn là hình phạt dành cho những tử tội, nhưng ngày nay chúng ta tôn thờ cây thập giá không phải vì tự cây thập giá đã mang lại ơn cứu độ cho con người. Vì chưng thập giá tự nó chỉ là một hình phạt dã man của con người dành cho con người, mà vì vậy nó chỉ là hình phạt đáng khinh miệt mà thôi. Nhưng người Ki-tô hữu ngày hôm nay tôn thờ thập giá vì lý do gì? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này rất đơn giản, chúng ta tôn thờ thập giá vì chính Đức Giê-su – Chúa chúng ta đã chịu chết trên cây thập giá đó. Là hình phạt dành cho tử tội nhưng chính Đức Giê-su đã đón nhận nơi mình và chịu chết trên cây thập giá, chính vì vậy mà ngày hôm nay chúng ta tôn thờ cây thập giá. Vào mỗi ngày thứ sáu Tuần Thánh, Giáo hội vẫn tung hô cây thập giá bằng cách vị linh mục sẽ hô to: “Đây là gỗ thánh giá, nơi treo Đấng Xóa Tội trần gian” và tất cả cộng đoàn cùng đáp lại: “Chúng ta hãy đến bái thờ”. Quả thực chúng ta tôn thờ thập giá vì từ nguồn mạch ấy, Con Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mỗi con người chúng ta. Nếu Đức Giê-su đã không chịu chết trên cây thập giá nhưng lại chịu chết bằng một hình phạt khác nào đó thì chắc hẳn là ngày hôm nay người Ki-tô giáo đã có những biểu tượng đại diện cho tôn giáo mình cách phong phú hơn. Nhưng Đức Giê-su đã không chịu chết như vậy nhưng là chết trên thập giá – hình phạt tàn bào nhất của con người, bởi đó chúng ta tôn thờ cây thập giá nơi Giáo hội, nơi gia đình và nơi mỗi con người chúng ta.

Ngày hôm nay, chúng ta nhìn lên cây thập giá để chiêm ngắm Chúa Giê-su chịu đóng đinh để cảm nghiệm và học tập nơi Ngài những nhân đức để thăng tiến đời sống của mỗi người chúng ta. Để mỗi khi chúng ta gặp được sự gì vui, chúng ta nhìn lên thập giá để thấy nơi đó Đức Giê-su chịu đóng đinh để chúng ta có được niềm vui đó. Mỗi khi chúng ta đạt được những thành công trong cuộc sống, chúng ta nhìn lên thập giá để chúng ta biết rằng, những thành công đó không phải chỉ nhờ những tài năng của chúng ta nhưng phải biết tạ ơn Thiên Chúa đã giúp ta và biết chắc rằng Ngài vẫn ở cùng chúng ta trong những công việc thường ngày. Mỗi khi chúng ta gặp những gian truân, vất vả chúng ta cũng nhìn lên thập giá để biết rằng Đức Giê-su là Chúa nhưng đã phải gặp những nỗi gian truân hơn chúng ta nữa. Mỗi khi chúng ta gặp sầu khổ, phiền muộn hãy nhìn lên thập giá và nhớ rằng Đức Giê-su là Chúa mà chính Ngài cũng đã chịu phiền muộn đến mồ hôi máu đã chảy ra nơi vườn Ghet-si-ma-ni. Mỗi khi chúng ta bị phản bội, bất trung hãy nhìn lên thập giá để biết được rằng chính Đức Giê-su là Chúa nhưng cũng bị người anh em mình phản bội và bán mình với cái giá để bán một tên nô lệ. Mỗi khi cuộc sống của chúng ta gặp sự nhục nhã, gặp bắt bớ hãy nhìn lên thập giá để thấy rằng chính Chúa chúng ta phải chịu nhục nhã, trần trụi và chịu phỉ báng của người đời. Mỗi khi chúng ta chúng ta chịu bách hại hay trà đạp, hãy nhớ rằng Đức Giê-su là Chúa chúng ta cũng đã bị đánh đập như thế. Và mỗi khi chúng ta hoặc người thân của chúng ta đang đứng trước cái chết, chúng ta hãy nhìn lên thập giá và thấy rằng chính Thiên Chúa đã chia sẻ cái chết ấy với con người chúng ta. Chúng ta được biết rằng Đức Giê-su là Chúa, mà Ngài còn chịu như vậy huống chi là chúng ta chỉ là những thụ tạo, là con cái, là tôi tớ và là bạn hữu của Ngài lại có thể hơn được Ngài hay sao. Mỗi khi chúng ta gặp bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống, hãy nhìn lên thập giá để biết rằng Thiên Chúa vẫn đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh nơi cuộc sống trần thế này.

Từ đầu đến giờ, chúng ta luôn nói đến một danh từ “thập giá”, nhưng thập giá chỉ mang một chiều kích là hình phạt và là một điều gì đó thật khó có thể chấp nhận được. Bởi vậy, làm sao để có thể chập nhận được cây thập giá? Thập giá chỉ có thể được chấp nhận khi nó trở thành cây thánh giá cứu độ con người mà thôi. Bởi vì, trên đồi Gongotha có ba cây thập giá, nhưng chỉ có một cây thánh giá, còn hai cây còn lại là khổ giá. Đúng như vậy, chỉ có một cây thánh giá duy nhất nơi Đức Giê-su treo mình trên đó mới được gọi là thánh giá mà thôi, vì Đức Giê-su đã nhận chịu những cực hình ấy cách tự nguyện và là hành vi cứu chuộc con người. Đức Giê-su đã đón nhận thay vì chấp nhận con đường thập giá như một hướng đi và phương thế mà Thiên Chúa Cha muốn Ngài mang vác. Ngài đã cộng tác và sống con đường thập giá để thánh hóa thập giá thành cây thánh giá cứu chuộc con người. Thánh giá là gì nếu không phải là nơi Con Thiên Chúa đã nằm chịu nạn. Thánh giá là gì nếu không phải là cách thức Thiên Chúa đã dùng và thánh hóa để cho con người được tha thứ và được sống với Ngài. Trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã mời gọi mỗi người chúng ta vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa. Đó chính là thập giá của mỗi người chúng ta trong cuộc sống của chính mình. Như vậy, mỗi người chúng ta đều mang vác một cây thập giá và chính Đức Giê-su đã kêu mời chúng ta vác theo Ngài mỗi ngày. Tin Mừng Luca nói về thập giá hằng ngày như là những bổn phận nhân sinh mỗi ngày của chúng ta, chúng ta cần mang lấy và chu toàn bổn phận của chúng ta như Đức Giê-su đã làm, để thập giá cuộc đời của chúng ta trở thành cây thánh giá có giá trị cứu chuộc chính mình và những người anh chị em mà chúng ta thương mến. Điều cần thiết là thánh hóa những bổn phận hằng ngày của mình và đem tất cả mà dâng cho Chúa như của lễ mỗi ngày dâng lên Chúa trong chức vụ tư tế cộng đồng của mỗi người. Cuộc đời mỗi người chúng ta đều có một cây thập giá để đồng hành, và bổn phận chúng ta là phải thánh hóa cho cây thập giá trở thành thánh giá cứu độ.

Thánh giá có một chiều kích sâu xa mà mỗi người chúng ta cần chiêm ngắm và cầu nguyện để được chính Thiên Chúa dẫn dắt. Một bài hát Công giáo cho thiếu nhi có lời thơ rất hay: “Thánh giá là chữ T, người nằm giang tay chữ Y là tình yêu, yêu đến tận cùng. Yêu nhân gian chiều ngang, yêu đời mình chiều sâu, yêu Chúa là chiều cao, để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu”. Thánh giá không chỉ là cây gỗ nhưng còn là cầu mỗi con người với nhau theo chiều ngang, cầu nối con người với Thiên Chúa theo chiều cao và đặc biệt chiều sâu là chiều kích của chúng ta đối với chính mình.

Tình yêu thập giá không phải là yêu thích sự đau khổ, nhưng tình yêu thánh giá là tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người để có thể biết và cảm nghiệm được Thiên Chúa ở cùng con người chúng ta trong mọi hoàn cảnh sống của mình, để chúng ta thấy được tình yêu Thiên Chúa và chính Ngài đã dùng khổ hình thập giá để biến thành thánh giá cứu chuộc chúng ta. Thiên Chúa có cách thế của riêng Ngài mà con người chúng ta không thể nào hiểu được. Ngài có thể biến đổi mọi sự và chúng ta cùng cầu xin Ngài biến đổi con người chúng ta để trở thành người mang vác thánh giá trong cuộc đời hôm nay.

Mục Đồng Nguyễn