Nhật Hồng ơi!

Trong hơn 10 năm trước và sau năm 2000, thỉnh thoảng tôi có dịp đến thăm và dâng lễ với các em Nhật Hồng ở Thị Nghè. Một trùng hợp khá bất ngờ: thánh Cosma là bổn mạng của tôi cũng là bổn mạng nhà Nhật Hồng.

Một hôm đến trước cửa, thay vì bấm chuông, tôi bịt mũi nói vọng vào nhà: “Có ai ở nhà không?” Bé Linh đáp lại ngay: “Cha ơi, đừng gạt chúng con!” Một hôm khác tôi lắc ổ khóa ở cửa, bé Loan hỏi: “Ai đó?” Tôi không nói gì, tiếp tục lắc ổ khóa. Em tiến ra cầm tay tôi nói: “Quen.” Rồi em reo lên: “Cha Đạt đến!” Khi còn  học cấp ba, tôi đã đọc quyển truyện Đêm dài một đời của Lê Tất Điều, nhưng chỉ hiểu lơ mơ về thế giới người khiếm thị, nhưng chính nhà Nhật Hồng đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý báu về các em khiếm thị.

Tôi được biết các em đi học chung trường lớp với các bạn “sáng”, trên đường em lớn giúp em bé đi bộ hay đi xe buýt. Ở trường các em chép bài bằng chữ nổi; về nhà làm bài bằng chữ nổi, rồi nhờ các dì “dịch” sang chữ thường. Ở nhà, các em được các dì lo chỗ ăn chỗ ở. Về việc học, có chỗ nào ở trường chưa hiểu, về nhà có các dì giúp. Khi có vấn đề ở trường lớp, các dì thay mặt phụ huynh đến giải quyết. Nói chung là các em chỉ có bổn phận học tập. Ngoài ra các em học nhạc: có nhiều em đàn hát rất hay. Một điều bất ngờ là các em biết sử dụng máy vi tính. Tôi đã thử viết bằng máy vi tính với mấy em, kết quả là nếu nhắm mắt lại thì tôi thua. Các em còn “xem” tường thuật bóng đá và cả đá bóng với nhau nữa. Đặc biết các em di chuyển không thua gì người sáng, kể cả lên xuống cầu thang.

Một lần tôi đố các em con trâu khác con bò thế nào, có em cho là trâu có sừng, bò không có sừng; trâu không kêu, bò kêu “bò”; trâu thích tắm, bò không thích tắm. Bỗng bé Loan nói: “Con trâu thì đen, con bò thì vàng.” Tôi thắc mắc: “Sao con biết?” Em trả lời: “Con bị mù năm 7 tuổi, trước đó con thấy.” Tôi bỗng cảm thấy đau nhói trong lòng. Ai bù đắp cho các em những thiệt thòi do khiếm thị? Một lần ở Pháp tôi lên núi Sainte-Odile ở gần Strasbourg vì được biết thánh nữ Odile vốn bị mù nhưng đã được hưởng phép lạ sáng mắt. Tôi nguyện xin ngài chuyển cầu cho các em được sáng mắt phần xác, nhất là phần hồn.

Hằng năm, vào đêm Giáng Sinh, tôi mời các em Nhật Hồng đến dự lễ với người bệnh phong ở Thanh Bình (quận 2 Sài gòn). Một em đọc bài Sách Thánh bằng chữ nổi trích trong sách ngôn sứ Isaia: “Dân đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng.” Tôi không biết các em có hiểu ánh sáng là gì không, nhưng các em lại đọc Lời Chúa loan báo ánh sáng thật là Đức Kitô đã đến trần gian. Tôi nghĩ có thể người tưởng mình là sáng lại bước đi trong u tối, còn các em tuy không thấy ánh sáng tự nhiên nhưng lại thấy ánh sáng của Chúa. Vì vậy mỗi sáng đọc kinh Chúc Tụng nhiều khi đến câu “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối…” tôi nhớ đến Nhật Hồng và gọi thầm: “Nhật Hồng ơi!”

Bắc Ninh 1.1.2015

+Cosma Hoàng Văn Đạt SJ

Giám mục Bắc Ninh

nguồn: happysuncenter.org