Thư mục vụ Năm Thánh Lòng Thương Xót
Tòa Giám Mục Bắc Ninh
THƯ MỤC VỤ
Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016
Kính gửi: Quý cha, quý tu sĩ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa giáo phận Bắc Ninh
Đầu xuân Bính Thân, xin gửi đến quý cha, quý tu sĩ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa giáo phận Bắc Ninh cũng như con cái giáo phận đang sống khắp nơi, trong nước cũng như hải ngoại, lời chào thân ái. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho tất cả chúng ta một năm mới chan hoà lòng yêu mến và thương xót.
Thư mục vụ Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016 (PDF)
- Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều phương tiện giúp người ta gần nhau, nhưng đôi khi vẫn rất xa nhau. Với điện thoại, internet, truyền thanh và truyền hình, hầu như khoảng cách địa lý không còn là trở ngại để người ta gặp gỡ nhau. Tuy nhiên trong thực tế có khi chính những phương tiện hiện đại ấy thay vì làm cầu nối lại trở nên bức tường ngăn cách. Những thông tin không đúng sự thật có thể làm người ta nghi kỵ hoặc kết án nhau. Những lời nói không tử tế làm người ta xa lánh hoặc oán ghét nhau. Qua điện thoại hay internet, người ta có thể trò chuyện với những người cách nửa vòng trái đất, trong khi lại thờ ơ với người bên cạnh, thậm chí cả những người vốn là gần gũi nhất trong gia đình. Khi có người hỏi “Ai là người thân cận của tôi?”, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samaria nhân hậu (Lc 10,29-37), rồi hỏi lại người ấy: “Trong ba người ấy, ai trở nên người thân cận của người bị nạn?”. Người ấy đáp: “Chính là kẻ đã thực thi lỏng thương xót đối với kẻ ấy”, Chúa bảo: “Ông hãy đi mà làm như vậy.”
- Người thân cận nhất của chúng ta là những người trong gia đình: vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ, anh chị em với nhau. Kinh Thánh dạy: “Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin” (1 Tm 5,8). Nhờ ơn Chúa, thương yêu là nét nổi bật trong hầu hết các gia đình. Có những trường hợp khiến chúng ta phải cảm phục: chồng chăm sóc vợ bại liệt 18 năm cho đến khi vợ chết; con rể chăm sóc mẹ vợ bại liệt hơn 20 năm. Tuy nhiên đôi khi cũng có gương xấu, chẳng hạn một người vợ và mẹ bị chồng con đuổi khỏi nhà vì bệnh tật. Cũng có những người cha người mẹ bỏ bê con cái, không chăm sóc, không dạy dỗ, khiến con cái thiệt thòi và cả đên hư hỏng. Có những cha mẹ già cả phải sống trong buồn tủi vì con cái lơ là. Trong một thế giới nhiều người sống ích kỷ, có thể nói gia đình hạnh phúc chính là ngưỡng cửa thiên đàng, và có sức lan toả Tin Mừng đến những người chưa biết Chúa.
- Những người thân cận khác là những ai gần chúng ta về liên hệ họ hàng, bạn bè hay hàng xóm láng giềng cũng như những người chúng ta gặp gỡ thường xuyên trong công việc. Tương quan với họ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chúa muốn chúng ta làm “muối đất” và “ánh sang thế gian”: chính đó là môi trường để chúng ta làm chứng cho Chúa bằng đời sống nhân ái và thương xót. Yêu mến và giúp đỡ cả thù địch là nét đặc trưng của đạo Chúa Kitô. Chúng ta là hiện thân của Chúa đối với những người chung quanh: Chúa nhìn họ bằng mắt của chúng ta, yêu mến họ bằng tim chúng ta, đến với họ bằng chân chúng ta, nói với họ bằng miệng chúng ta và phục vụ họ bằng tay chúng ta. Chúa dạy: “Vui với người vui, khóc với kẻ khóc” (Rm 12,15) và “Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Không phải nhờ sức mạnh của tiền bạc hay gươm giáo mà Chúa chinh phục thế gian, nhưng chính là sức mạnh của lòng thương xót.
- Để có được sức mạnh thiêng liêng ấy, chúng ta cần đến ơn Chúa. Chúng ta hãy siêng năng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, sốt sắng lĩnh nhận các bí tích, đặc biệt bí tích Giao Hoà và bí tích Thánh Thể. Siêng năng và sốt sắng cầu nguyện là điều hết sức cần thiết và hiệu quả để Chúa “uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa”. Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta được liên kết với Chúa và cả Hội Thánh để trở nên gương mặt thương xót của Chúa Cha đối với mọi người, nhất là những người cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Đời sống trong xứ họ của chúng ta phải diễn tả lòng thương xót của Chúa dành cho nhau. Tương quan giữa mục tử và đoàn chiên cũng như giữa cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, giữa giáo họ với giáo họ, giữa giáo xứ với giáo xứ phải làm chứng chúng ta thương yêu nhau như Chúa đã thương yêu chúng ta. Đừng để thế gian xâm chiếm tâm hồn và xứ họ, nhưng để Chúa yêu mến và cứu giúp mọi người qua đời sống và hoạt động của chúng ta, nhờ đó tinh thần Tin Mừng thấm nhập đời sống xã hội.
- Trên đây chỉ là một vài bước khởi đầu. Chắc chắn cỏn rất nhiều điều phải làm để gương mặt thương xót của Chúa Cha trở nên rõ nét trong đời sống chúng ta. Chẳng hạn chúng ta phải tránh các tệ nạn hay những gì làm hại đến đời sống vật chất và tinh thần của người khác dưới mọi hình thức: cờ bạc, rượu chè, hàng giả, chất độc trong thức ăn thức uống, ma tuý, gian dối, nói hành nói xấu, kết án, vu cáo, v,v… Tích cực hơn, chúng ta nên thực hiện 14 mối thương người (thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối) trong gia đình và với những người thân cận, hoặc góp công góp của với những hoạt động từ thiện như trại phong, nhà khuyết tật, lớp khiếm thị, lớp học tình thương, nhà giúp chị em cơ nhỡ, nơi khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo, những người mắc bệnh hiểm nghèo… Chúng ta ghi nhớ lời Kinh Thánh: “Dù có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13,2), vì “Cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13).
- Trong ngày phán xét, Chúa sẽ không hỏi chúng ta về tiền bạc, địa vị, công việc, khen thưởng, chỉ hỏi chúng ta về lòng thương xót được diễn tả qua việc bác ái. Với Mùa Chay năm nay chúng ta bước vào năm mới cũng là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Mân Côi và các thánh tử đạo Bắc Ninh, xin Chúa ban cho từng người, từng gia đình, từng xứ họ và cả giáo phận được Chúa Thánh Thần đổi mới mạnh mẽ để mang rõ nét gương mặt Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và mọi người, nhất là những người cần đến lòng Chúa thương xót hơn.
Bắc Ninh, ngày 9.2.2016
+Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
Giám mục giáo phận Bắc Ninh