Kiếm tìm sự thánh thiêng trong đời sống

KIẾM TÌM SỰ THIÊNG THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG

Chúng ta đang sống trong thời đại mà xã hội có những biến chuyển không ngừng trong mọi lãnh vực. Trong xã hội ấy, con người vừa là tác nhân gây thay đổi nhưng đồng thời cũng bị chính dòng chảy của cuộc sống cuốn đi khiến họ nhận chịu một tầm mức ảnh hưởng không hề nhỏ. Có những thay đổi mang tính tích cực giúp cho nhân loại chuyển mình bằng những bước đi vững vàng, thế nhưng cũng có những đổi thay mang tính tiêu cực khiến cho các giá trị bị đảo lộn hay nhạt phai. Một trong những thay đổi ấy có thể nói đến trong xã hội hôm nay là tính thánh thiêng trong đời sống. Cùng với hiện tượng tục hóa của xã hội, có thể nói phần nào tính thánh thiêng ấy đang dần mất đi khiến cho các tương quan trong cuộc sống bị “mất giá” và ý nghĩa của cuộc sống cũng mất đi phần nào. Tính thánh thiêng ấy không chỉ được biết đến trong đời sống tâm linh nơi các tôn giáo, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy trong mọi lãnh vực của cuộc sống, mọi mối tương quan xã hội hay gia đình thì tính thánh thiêng ấy cũng ảnh hưởng và làm nên những chân giá trị của đời sống con người.

* Trong lễ hội và tín ngưỡng dân gian

Trước hết, chúng ta nhìn vào các lễ hội và tín ngưỡng dân gian. Trong những ngày tháng Giêng – tháng ăn chơi – này, không ở đâu nhiều lễ hội như ở các tỉnh miền Bắc. Trong suốt tháng, các lễ hội, hội đình, hội làng được mở ra để mọi người có cơ hội tham gia vào các trò chơi dân gian, hưởng một bầu không khí lễ hội cổ truyền hay đi kiếm tìm một khoảng riêng tư để gặp gỡ Ông Trời hay Thượng đế qua các nơi thờ tự. Nhưng đôi khi các lễ hội hay tín ngưỡng ấy lại bị nhuốm màu tục hóa, hoặc giả không có vậy thì lại bị người ta tín theo một cách máy móc hay huyễn hoặc.

Nhiều người trong những ngày giáp Tết cố tìm mua cho kì được vài quả sung trưng trong nhà với ước mong trong năm tới được “sung túc”, “sung sướng”. Họ lấy chữ cái của một thứ quả để ghép nên vận may cho mình. Cũng thế, nhiều người cố mua cho được cây mía để dựng góc nhà. Cây mía ấy không chỉ có “nhiệm vụ” là cây nêu để đuổi tà ma như cách hiểu trước đây, nhưng cây mía ấy còn là biểu tượng cho sự ngọt ngào. Họ ước mong trong một năm tới, gia đình họ chứa chan niềm vui, sự ngọt ngào như mía ấy. Không ít người còn cố vượt biển người để giành cho được “ấn” khi đi Đền Trần với ước mong sẽ được may mắn trong năm mới. Rồi cảnh hàng ngàn người nô nức, chen lấn nhau đến cãi vã khi chầu trực Đền Bà Chúa Kho để vay, để trả. Chuyện “vay giả, trả thật” ấy đã không còn là lạ, nhưng không ít người vẫn mặc cho những lễ hội ấy một thứ giá trị hão huyền khác lạ. Nếu quả thực ăn sung mà con người ta được sung túc thì chắc cứ mua một rổ sung về nhà muối ăn quanh năm thì sẽ không lo túng thiếu. Nếu mía có thể đem lại sự ngọt ngào cho gia chủ thì chắc hẳn tòa án không phải lo lắng chuyện ly dị và gia đình không phải bận tâm chuyện vợ chồng ly tán, con cái bị bỏ rơi. Sự ngọt ngào ấy liệu có đi vào lòng các gia đình Việt bằng việc trưng bày hay ăn vào mình sự ngọt ngào của đường, của mía?

Lễ hội đã mất dần tính thánh thiêng của nó và dần bị nhiều người lợi dụng trở thành một cơ hội để làm ăn, buôn bán, để trục lợi, kiếm lời. Lễ hội đôi khi trở thành cơ hội để những kẻ “du đãng” lợi dụng để hành nghề. Càng đông người thì càng dễ mất cắp.

Các lễ hội dần đánh mất đi giá trị của chính mình. Nhưng ai là người làm mất đi điều đó nếu không phải là chính chúng ta. Các nhà kiến trúc thì nói lễ hội đã bị người ta cướp đi thân xác khi đập phá, xây cất theo lối kiến trúc nửa tây, nửa ta. Các nhà văn hóa thì nói lễ hội đã bị người ta lấy đi phần hồn khi làm cho các giá trị của lễ hội biến thành cơ hội để trục lợi hay biến thể đi thành một thứ lễ hội hoàn toàn khác. Lễ hội hay các tín ngưỡng dân gian cần phải được hoàn trả lại tính thánh thiêng vốn có. Chỉ khi các lễ hội được người ta tham dự với một tâm tình thiêng thánh thì mới làm nên một không khí “lễ” và lòng người mới có thể “hội” được với người trong thần linh mà họ hướng đến.

* Trong các mối tương giao

Đời sống con người được xoay quanh bởi các mối tương quan giữa người với người. Trong các mối tương quan ấy, gia đình dường như là một quan hệ nền tảng để con người có thể vững vàng và trưởng thành. Mỗi người đều phát xuất từ gia đình và lớn lên trong gia đình. Nhưng nếu mối quan hệ gia đình mà mất đi tính thánh thiêng thì thật nguy hiểm. Dân gian Việt Nam có nhiều thật nhiều những câu ca dao hay tục ngữ nói về tình cảm đậm sâu của bố, của mẹ với con cái. Trong cái đậm đà của lòng người ấy thì tình cảm giữa cha mẹ và con cái đã trở thành thiêng liêng, cao quý đến độ người ta có thể nói “hiếu” là gốc của mọi thứ nhân đức nhân bản. Thế nhưng ngày hôm nay, dường như tính thánh thiêng của chữ “hiếu” ấy cũng bị nhạt phai. Bởi nếu họ coi chữ hiếu ấy thiêng liêng thì hẳn việc thảo hiếu đã trở thành một nhu cầu phải thi hành và chăm sóc đấng sinh thành trở thành điều cao quý. Thế nhưng chẳng may ngày hôm nay nhiều người lại không cho là đúng nữa. Họ thi hành đạo hiếu chẳng qua vì không muốn thế gian chê cười, sợ miệng lưỡi người đời mà phải hiếu. Có thể nói, chính bản thân con người không còn “cảm” được tình cảm dành cho nhau mà chỉ là các hành động ban phát mà không trao gửi các giá trị từ bên trong.

Cũng vậy, đạo vợ chồng cũng mất đi tính thánh thiêng tự bên trong. Chưa bao giờ các gia đình Việt lại gặp phải khủng hoảng nhiều như hiện nay. Số cặp vợ chồng cưới nhau thật nhiều và số chia tay cũng không ít. Người ta lấy nhau rồi bỏ nhau mà quên đi tính thánh thiêng của hôn nhân đòi hỏi sự thủy chung, son sắt và bền vững. Hôn nhân dường như chỉ còn là cái ách mà người ta khoác cho nhau để có thể hợp pháp và hợp lý hóa tình dục cùng gạt đi áp lực từ phía gia đình về chuyện vợ, chuyện chồng và con cái. Đôi khi hôn nhân cũng là cái kết của những “chuyện đã rồi” hay để giải quyết hậu quả của phút bồng bột. Chính vì người ta không chuẩn bị tốt cho hôn nhân nên cái kết ấy đôi khi không thể bền vững được. Khi mà người ta công nhận tính thiêng liêng của hôn nhân thì không bao giờ có thể sống trong tính thánh thiêng của nó được. Vì thế, việc thủy chung trong hôn nhân trở thành sự gượng ép và đôi khi đem lại gánh nặng cho nhau.

Bên cạnh các tương quan gia đình, chúng ta có thể nói đến tương quan bạn bè, đồng nghiệp và các mối tương quan khác. Chúng ta thấy không ít những tình bạn đẹp trong lịch sử cũng như văn chương. Chuyện Lưu Bình và Dương Lễ có lẽ đã để lại trong lòng người một tấm gương về tình bạn đẹp nhưng cũng thật thiêng liêng, cao quý. Ngày hôm nay, chúng ta thấy cũng có nhiều thứ tình bạn. Người trẻ nói “bạn thân”, thân đến độ “thân ai người ấy lo”. Có thể bạn hay đồng nghiệp được kết thân chỉ vì một mối lợi nào đó có được đàng sau đó hơn là bạn chỉ vì bạn. Dường như cái thứ tình cảm “vô vị lợi” đã lỗi thời với con người thời đại kinh tế thị trường. Mọi thứ được dựa trên giá trị mà nó mang lại cho người thụ hưởng và đôi khi các mối tương quan cũng bị đánh đồng như một thứ vật chất như thế. Vì thế, dường như tính thánh thiêng của loại tình cảm này cũng bị nhạt nhòa khiến cho người ta dễ “đá” nhau hơn, dễ phản bội nhau hơn và cũng dễ kiếm tìm một mối tương quan mới mẻ hơn…

*Trong cách ăn, nết mặc

Thời đại phát triển và các nhu cầu của con người cũng phát triển theo. Nếu như thời cha ông người ta ước mong “ăn no, mặc ấm” thì thời con cháu đã ước mong phải cao hơn là “ăn ngon, mặc đẹp”. Nhưng ngày hôm nay, người ta còn chủ trương phải “ăn sang, mặc trọng”. Tầm mức mỗi ngày phải lên cao hơn thì mới có thể hợp thời, hợp mốt. Nhưng cái tầm mà không có cái tâm thì chẳng khác gì những bước chân khập khiễng để đi vào thế giới.

Trước hết trong lãnh vực ăn uống. Chúng ta thấy rõ việc “nâng chén” để vui, để buồn cũng được các bậc “tiên tửu” nghiên cứu cách cẩn trọng. Nếu trong văn hóa rượu khi uống vang phải rót làm sao, lắc thế nào, ngửi, nhấp, uống… thì đôi khi mấy chuyện đó không quan trọng cho bằng uống cho nhiều, cho say. Chuyện “1,2,3 dzô”, “100%”, nâng ly rồi cạn chén. Người ta không còn quan tâm đến việc uống cách “nho nhã” cho bằng uống để giải quyết các công việc, uống để có cơ hội “chén tạc, chén thù” hay uống đôi khi chỉ để “say”.

Người ta không chỉ uống mà còn phải ăn để sống. Chẳng may thời đại hôm nay thật khó để kiếm đồ ăn cho ngon và lành. Đồ ăn thì nhiều nhưng không biết ăn đồ nào cho tốt. Bởi đồ nào thì cũng có chất hóa học, chất bảo quản, thuốc tăng trưởng hay các loại thuốc khác. Người ta không quan tâm đến người ăn cho bằng túi tiền họ có. Tính thánh thiêng trong ăn uống mất đi và tính thánh thiêng trong chính con người cũng mất khi không còn quan tâm đến người khác về những ảnh hưởng mà họ phải chịu.

Bên cạnh cách ăn là nết mặc. Con người và đặc biệt là người trẻ hôm nay làm cho tính thánh thiêng của thời trang bị ảnh hưởng nhiều. Thân thể vốn dĩ là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng chẳng may nhiều người lại muốn tặng lại món quà ấy cách miễn phí cho mọi người chung quanh. Nhiều người trẻ mặc mà như không mặc. Họ mặc những tấm áo, manh quần trong suốt hay bằng những loại vải mong manh khiến những chi tiết bên trong tỏ lộ cách tự nhiên. Đôi khi những chiếc áo, chiếc quần được sửa lại hoặc cách điệu để cố ý thể hiện một phần thân thể ra ngoài cách lộ liễu. Năm 1931, nhà tạo mẫu Cát Tường đã làm nên chiếc áo dài truyền thống làm nổi bật những đường nét cơ thể người nữ mà vẫn kín đáo. Nhưng người trẻ hôm nay làm cho tà áo dài ấy biến thể thành một thứ mốt hoàn toàn khác, đôi khi kệch cỡm, đôi khi biến dạng.

Cổ nhân dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Mỗi một thứ đơn giản nhất cũng phải học cho biết mới có thể làm được. Nhưng có thể cách ăn, cách mặc của con người hôm nay dần mất đi tính thánh thiêng của nó, mà vì thế cho dẫu con người hôm nay học nhiều nhưng vẫn chưa biết ăn, chưa biết uống, chưa biết cách để mặc cho đúng, cho đẹp. Vì mất đi tính thánh thiêng nên người ta dễ tự tạo cho mình những cách thế mới hoặc du nhập những hình thức vô lối của một trào lưu nào đó, tuy hấp dẫn vì mới lạ nhưng đôi khi lại đi ngược với nét văn hóa truyền thống hoặc làm mất đi cái “thần” trong con người và xã hội.

* Trong đời sống tôn giáo

Tôn giáo đáng lý là nơi để tính thánh thiêng cư ngụ, thì tiếc thay ngày hôm nay dường như người ta đã lãng quên điều ấy. Người viết không muốn nói về tất cả các tôn giáo hiện hành tại Việt Nam nhưng chỉ xin được giới hạn nơi đạo Công giáo mà người viết tin theo.

Trong những năm qua, chúng ta dễ thấy rằng tính thánh thiêng trong các cử hành đạo dần bị nhạt phai. Nhiều người giữ đạo vì là một tập tục hay vì truyền thống gia đình hơn là vì một tương quan cá nhân với Thiên Chúa cần thiết phải có. Người viết đang thắc mắc, khi thiếu đi sự thánh thiêng thì người ta sẽ cầu nguyện như thế nào? Bởi cầu nguyện là cách thức để con người có thể gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa, nhưng khi sự thánh thiêng đã mất đi thì sợ rằng người ta chỉ cầu nguyện để lấy thành tích, để mọi người khen ngợi, để cầu xin cho mình hết ơn này đến ơn khác. Bởi không còn thánh thiêng thì niềm tin vào Thiên Chúa dường như cũng nhạt nhòa. Có lẽ vì thiếu tính thánh thiêng và thiếu đức tin mà chúng ta dễ thấy nhiều người vào nhà thờ vẫn ý ới gọi điện thoại, nhắn tin, online facebook hay chơi điện tử. Ngồi trong nhà thờ mà đó đây vẫn có người vắt chân chữ ngũ, nằm dài trên ghế tựa, chuyện trò, cãi vã hay tiếp tục câu chuyện dang dở ngoài phố chợ.

Nếu trong đời sống đạo mà thiếu đi tính thánh thiêng thì tôi sợ rằng các bí tích lúc này chỉ là một thứ nghi thức vô vị mà đôi khi là một hình thức để người ta lạm dụng nữa. Bởi nếu thiếu đi tính thánh thiêng thì bí tích Thánh Thể được cử hành mỗi ngày dễ khiến người ta nhàm chán và coi việc rước Mình Thánh Chúa tựa thể ăn một tấm bánh nhạt nhẽo, không mùi vị, không đủ no. Nếu thiếu đi tính thánh thiêng thì việc người ta đến với bí tích hòa giải dễ bị trở thành một công thức máy móc, một cách thế để giải quyết chuyện gia đình, một cuộc tâm sự hay giải tỏa vấn nạn về tâm lý hơn là việc con người nhận ơn tha thứ và chữa lành của Thiên Chúa nơi sâu thẳm tâm hồn họ. Tôi cũng sợ rằng bí tích xức dầu bệnh nhân lúc đó chỉ còn là một nghi thức cho có để mọi người chung quanh không chê bai gia đình “thất đức” không lo cho ông cụ, bà lão vào phút cuối đời, chứ không phải để giúp cho người lâm cơn hấp hối lãnh nhận những ơn lành phát sinh từ bí tích của Thiên Chúa được Giáo hội cử hành.

Sẽ còn nhiều thật nhiều những ví dụ có thể nêu ra để chúng ta thấy được tầm quan trọng của tính thánh thiêng trong đời sống đức tin. Nhưng chắc hẳn mỗi người chúng ta có thể tự nhìn vào chính đời sống đạo của mình để nhận thấy sự thánh thiêng trong đức tin của chính bản thân mình.

* Con người đánh mất cảm thức về tội

Khi nhìn vào đời sống với sự thiếu vắng sự thành thiêng như thế, chúng ta tự hỏi vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng ấy? Theo thiển ý chủ quan của người viết nghĩ, nguyên nhân đó là do tình trạng con người đang dần đánh mất đi cảm thức về tội. Chính vì mất đi cảm thức ấy mà mọi thứ đều có thể bị tục hóa, bị giản lược những thứ bên trong để rồi chỉ còn lại cái vỏ bọc bên ngoài.

Vì dần đánh mất cảm thức về tội, người ta có thể nói dối cách dễ dàng. Thời thơ ấu, người bố, người mẹ sẵn sàng dạy con cái mình nói dối để vượt qua một khó khăn nào đó trong thi cử, hay phải đối diện với một hình thức kỷ luật nào khi đứa trẻ phạm lỗi. Dường như chuyện nói dối nhỏ ấy đã không làm cho người lớn bận tâm, vì thế, khi đứa trẻ lớn lên và trưởng thành, sự gian dối ấy đã có một mảnh đất cư ngụ tốt đẹp và lâu dài nên được cơ hội phát triển thành tham nhũng, gian lận trong kinh doanh hay thậm chí làm những hình thức tội ác ghê gớm.

Mất đi cảm thức về tội nên người dân Việt đa phần chỉ giữ luật vì có người kiểm soát. Khi dừng xe trước các ngã tư có cột đèn giao thông, chúng ta vẫn nhìn thấy một bộ phận không nhỏ những người vượt đèn cho dù có những người thi hành luật đứng điều khiển giao thông. Còn nếu không có công an giao thông tại các nút ấy, chắc hẳn việc dừng lại trước đèn đỏ là việc không cần thiết. Người ta giữ luật chỉ đơn giản là không để mình bị bắt chứ không phải vì chính kỉ luật ấy giữ cho mình. Người ta nói rằng: “giữ luật thì luật giữ ta”, nhưng tiếc thay nhiều người không thích được sự giữ gìn của luật lệ ấy. Không chỉ nói luật lệ bên ngoài, chúng ta còn thấy giá trị của kỉ luật cũng không muốn được người ta nhìn đến. Vì thiếu kỉ luật cho bản thân nên nhiều cậu bé, cô bé thay vì tập trung trong việc học nơi trường lớp trong tuổi tiểu học lại được bố mẹ chiều chuộng bởi những chiếc điện thoại thông minh, ipad hay các trò chơi điện tử. Nhiều em học sinh cấp ba thay vì ép mình trong tự kỉ luật để rèn đức, luyện tài cho tương lai thì lại muốn “thả ga” trong các hàng quán, dành hàng giờ để online facebook hay các môi trường của thế giới ảo. Cũng vậy, nhiều người trẻ thay vì tích thu cho mình kiến thức và kinh nghiệm làm việc, thì lại buông mình cho những trải nghiệm của ma túy, bạo lực hay tình dục… Chúng ta không muốn bị kìm tỏa nhưng muốn bứt mình cách tự do. Tình thánh thiêng của kỉ luật bị người ta giản lược chỉ còn lại là một thứ dây vô hình, thứ dây dợ ấy chỉ đem lại phiền phức và bực bội.

Có một điều mà ai trong chúng ta cũng thừa nhận là “sự sống là thánh thiêng” vì là món quà không đến từ chính mình nhưng là ân ban của Thiên Chúa. Thế nhưng chẳng may ngày nay sự thánh thiêng ấy dường như bị người đời đánh mất. Có thể vì vậy mà phá thai hay an tử hoặc tự tử được người ta hợp thức hóa cách đơn giản. Nếu ai đã đi qua đường Giải Phóng – Hà Nội thì sẽ thấy việc người ta chào mời để phá thai không còn là chuyện lén lút nữa. Tại sao người ta lại làm mất đi tính thánh thiêng của sự sống? Có thể nói nguyên nhân chính là do con người đánh giá con người dựa trên giá trị mà họ mang lại. Nếu một ai đó không có giá trị với tôi thì việc “tồn tại” của họ đối với tôi không cần thiết. Hơn nữa, nếu một “ai đó” đang đe dọa đến nguồn lợi của tôi thì việc loại bỏ họ là chuyện dễ thấy. Vì thế, khi một thai nhi không mang giới tính như bố mẹ mong muốn cũng bị loại bỏ, người ta cũng sẵn sàng phá thai khi đứa trẻ đó đe dọa tới tương lai của mình… Sự thánh thiêng đã bị con người đuổi ra khỏi mảnh đất của sự sống, vì thế người ta dễ hại nhau và dễ giết nhau hơn. Thật nguy hiểm khi món quà của Thiên Chúa đang bị con người đòi cho chính mình khi muốn toàn quyền trên sự sống của mình và của người khác.

* Liệu có một lối đi?

Để có thể khôi phục tính thánh thiêng trong các hoạt động sống của con người, thiết tưởng là một công việc lớn lao và khó khăn. Nhưng người viết mạo muội đưa ra ba gợi ý giúp chúng ta ý thức lại chính mình:

– Trước tiên, chúng ta cần nghiêm túc hơn trong lối sống. Sự nghiêm túc ấy thể hiện trong việc mỗi chúng ta cần biết chủ động trong việc rèn luyện bản thân, tự chủ trước các trào lưu tục hóa của thời đại. Khi làm được như thế, chúng ta biết cách vượt qua thái độ dửng dưng trước những vấn nạn của cuộc sống. Khi nghiêm túc trong lối sống, chúng ta chú ý hơn đến ý nghĩa của từng mối tương quan, đọc biết ý nghĩa và kiếm tìm một giá trị lớn lao trong đó. Khi tìm được giá trị của từng mối tương quan, của từng lãnh vực, chúng ta sẽ dần khám phá ra giá trị thánh thiêng của từng mối tương giao ấy.

– Thứ đến, chúng ta cần xác định lại chủ đích của công việc mình đang làm và tính hiện tại của công việc ấy. Đôi khi chúng ta tham dự vào các cử hành phụng vụ, nhưng dường như chỉ là thân xác mà tâm hồn đang lạc lối nơi nào. Đôi khi chúng ta làm một việc vì thói quen hay vì một thứ gì đó khác hơn là để ý đến chính các lời đọc, nghi thức mình đang tham dự. Trong đời sống gia đình cũng vậy, nhiều khi người ta sống với nhau nhưng tâm trí dường như đang ở một nơi nào xa xôi, có thể vì thế mà họ không tìm được giá trị thiêng thánh của đời sống gia đình họ mà chỉ giản lược gia đình ấy trong những điều giản đơn, vô vị.

Khi xác định lại sự hiện diện của chính mình trong giây phút hiện tại, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của những điều giản đơn chung quanh mình. Có thể nói trong tất cả thời điểm thì giây phút hiện tại là lúc quan trọng nhất, vì chúng ta không thể tác động vào một quá khứ đã qua, cũng như không thể làm gì một tương lai chưa đến, nhưng hiện tại, chúng ta có thể làm mọi chuyện để có thể tích thu một tương lai tốt đẹp nhờ học tập và yêu thương. Cũng có thể nói trong tất cả mọi người ta có duyên gặp gỡ, thì người đang đối diện, đang bên cạnh, đang nói chuyện với mình chính là người quan trọng nhất. Vì tất cả những người khác chúng ta chỉ có thể tương giao với họ qua nhớ nhưng, hoài niệm; trong khi người đối diện chúng ta có thể nhìn thấy, có thể trò chuyện và đi sâu vào mối tương quan với họ trong thân tình và gần gụi. Chính vì thế, chúng ta cần ý thức được sự hiện diện chủ động của chính mình trong mỗi công việc, trong mỗi cử hành phụng vụ, trong từng mối tương giao liên vị giữa ta và người khác. Có như thế, mỗi chúng ta mới tìm thấy giá trị cao cả của từng công việc và tìm về sự thánh thiêng cần phải có trong từng cử hành chúng ta tham dự vào.

– Cuối cùng, người viết muốn nói về hai lối thực hành đạo. Nếu nhìn cách sống đạo của người ki-tô hữu phương Tây, chúng ta thường cho rằng họ không đến nhà thờ nhiều nữa nhưng đời sống đạo của họ vẫn rất tốt. Họ không đến nhà thờ như cách của người Việt nhưng mỗi khi có cơ hội thì họ đến nhà thờ và cầu nguyện một mình hoặc với cộng đoàn bất cứ lúc nào. Cầu nguyện với họ lúc đó như một nhu cầu hơn là một điều gì bắt buộc từ bên ngoài. Khi nhìn thấy họ cầu nguyện với tâm tình và đời sống tốt lành thì chúng ta thấy được niềm xác tín của họ thật mạnh mẽ. Có thể nói họ sống đạo qua hành động đầy xác tín hơn là các thói quen. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta, mọi người chỉ đến với nhà thờ khi nghe thấy tiếng chuông chiều, chuông sớm; còn ngoài ra thì không mấy khi đến nhà thờ riêng tư. Vì thế, có thể nói người giáo dân Việt Nam sống đạo bằng thói quen nhiều hơn là xác tín.

Khi nói về hai cách sống đạo ấy, người viết muốn đề nghị mỗi người chúng ta phải tập cho mình không chỉ thói quen mà còn cả xác tín nữa. Muốn tìm lại sự thánh thiêng trong đời sống đạo thiết tưởng mỗi người chúng ta cần phải có cả “thói quen và xác tín” để có thể tìm thấy hình bóng của Thiên Chúa nơi các cử hành phụng vụ và trong đời sống thường nhật của mình. Muốn làm được điều đó, thiết tưởng cần khởi đi từ những việc làm nhỏ bé, đơn sơ nhưng với một niềm tin mạnh mẽ. Đức Giáo Hoàng Phan-xi- cô quả thật chí lý khi cho rằng những việc nhỏ ấy sẽ không có đủ sức để thay đổi cả thế giới rộng lớn, nhưng những công việc nhỏ mọn ấy lại có sức thay đổi chính bản thân mỗi người chúng ta. Nhờ thực hành những công việc nhỏ ấy, mỗi chúng ta mỗi ngày biến đổi mình nên hoàn thiện hơn.

Nhờ ý thức tính thánh thiêng trong từng công việc nhỏ ấy, chúng ta làm nên tính thánh thiêng trong đời sống của chính mình. Nếu mỗi người chúng tự làm nên cho mình một môi trường thánh thiêng cần thiết, thì thiết tưởng chúng ta cùng nhau đang làm nên một xã hội và một Giáo hội đầy thiêng thánh. Chỉ khi tìm lại tính thánh thiêng trong đời sống của chính mình, chúng ta mới có thể họa lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình cách sắc nét nhất.

Mục Đồng Nguyễn