Người đàn bà ‘gàn dở’ dành hết tâm huyết bảo vệ thai nhi
Trên báo Cảnh sát toàn cầu online đăng ngày 17/09/2015, tác giả Nguyễn Thiên viết về một người Công Giáo là bà Nguyễn Thị Nếp trong nhóm Bảo vệ sự Sống của giáo họ Tiên Lục, xứ Mỹ Lộc. Dưới đây xin phép tác giả được đăng lại nguyên văn bài viết:
Nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Nếp (SN 1969, ngụ tại thôn Tây, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đã dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện công việc thiện nguyện là đi bảo vệ thai nhi. Song song với việc đó, bà còn thực hiện công việc khác là mang hơi ấm cuối cùng cho những em bé không may phải “chào đời”.
Người đàn bà “gàn dở”
Chúng tôi đến thôn Tây vào một buổi chiều muộn. Đây là một thôn nhỏ được bao bọc bởi nhiều ngọn đồi bát úp xanh ngút mắt. Biết chúng tôi hỏi về bà Nếp, một người dân không chút mảy may hay đắn đo gì, trả lời: “Bà Nếp “gàn dở” chứ gì. Tôi không biết bây giờ bà ấy có ở nhà không, hay lại đi gom xác thai nhi ở đâu đó rồi”.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ. Rất may, bà Nếp đang chuẩn bị sửa soạn hành trang để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Không phụ lòng khách xa đến thăm, bà Nếp có nán lại ít phút.
Biết chúng tôi tìm hiểu về công việc thiện nguyện, bà Nếp cười: “Tôi đã làm được công việc có ích gì đâu mà cần tuyên dương, nêu gương. Tôi chỉ làm công việc mà mình nghĩ là phải làm đó thôi”.
Bà Nếp tâm sự, ý định đi gom xác thai nhi đã hình thành từ lâu trong tâm thức bà. Nhưng mãi đến năm 2009, bà mới biến ước mơ đó thành hiện thực. Công việc này xuất phát từ việc, bà chứng kiến nhiều cảnh những em bé chưa được thành hình người không may chào đời. Đến việc từ giã cõi đời, mà những em này cũng không có nơi “sưởi ấm” đúng nghĩa thì thật đau lòng.
Bà Nếp nói về công việc thiện nguyện. |
Hoàn cảnh nhà bà Nếp không khá giả gì, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Nhà lại đông con, nên để cho chúng được ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng bà Nếp lại càng phải lao động cực nhọc hơn. Vậy mà người đàn bà này lại đi “đam mê” vào cái việc không đâu vào đâu. Một công việc “trời ơi đất hỡi”, đó là đi đến các bệnh viện để gom xác thai nhi rồi mang về nghĩa trang thôn Tây để chôn cất. Chính vì vậy, việc làm thiện nguyện của bà Nếp ban đầu khiến người dân nơi đây bàn tán xôn xao. Nhiều người nói vào nói ra, đa số cho rằng bà Nếp thật rỗi hơi, “gàn dở” mới đi làm cái việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này mà không chăm lo cho gia đình.
Cũng do cuộc sống mưu sinh mà hầu như thời gian ban ngày, bà Nếp đều cần mẫn làm việc ngoài đồng ruộng. Vì vậy, để thực hiện công việc thiện nguyện, người phụ nữ này thường phải đi đêm. Thời gian đi như vậy đã khiến chồng con phải lo. Nên ban đầu, gia đình, người thân cũng không ai đồng ý cho bà Nếp làm việc này. Nhưng quyết là thực hiện, nên người đàn bà này cứ thuyết phục dần người thân, đồng thời đi gom xác thai nhi. Những buổi đầu đi, người chồng khuyên rằng, vợ mình đi đêm rất nguy hiểm, ban ngày lại làm việc vất vả, nên tối thì ở nhà bên chồng con cho khỏe.
Ấy vậy mà, người phụ nữ này không chịu nghe. Đêm nào cũng trên chiếc xe máy đời cũ đi khắp nơi trong huyện Lạng Giang để gom xác thai nhi. Có những hôm, mãi tới gần sáng bà Nếp mới về. Do vậy, người chồng không lúc nào là không lo lắng. Có những hôm, ông phải thức trắng đêm để đợi vợ về. Rồi lâu dần, trước hành động cao cả của vợ, người chồng cũng chấp thuận đồng ý.
Để cổ vũ thêm tinh thần, nhiều lần người chồng còn giúp làm tài xế đưa đón vợ đi khắp nơi, không kể trời mưa to gió lớn, cốt mong sao mang được “hơi ấm” cuối cùng đến cho những em bé không may phải “chào đời” trong đau đớn.
Do đây là công việc thiện nguyện, nên mọi kinh phí đi lại, bà Nếp đều phải tự bỏ ra. Có những hôm bà Nếp phải đi đến rất nhiều nơi, nên tính ra có đêm, cả đi lần về, người đàn bà này đi cả trăm cây số mà như không. Nói về việc khi chứng kiến những xác thai nhi, bà Nếp không sao nói được tròn tiếng. Bà Nếp tâm sự: “Có những tháng, tôi gom được mấy trăm thai nhi. Những thai nhi này, có em mất tay, có em mất đầu, mất mắt… Nhìn qua thôi là tôi đã không cầm được nước mắt”.
Bà Nếp bên tủ đá đựng xác thai nhi. |
Ngừng một lát, bà Nếp nghẹn giọng: “Sau khi gom xác thai nhi, tôi bọc cẩn thận trong túi ni lông, rồi đem về nhà bỏ vào thùng đá, đợi đến một ngày nhất định trong tháng sẽ đem các em đi chôn cất. Nếu được may mắn ra, những thai nhi này sẽ thành người rồi lớn lên như bao người khác. Vậy mà các em lại phải chịu cảnh đớn đau như vậy. Tôi chỉ mong sao, mình đã mang được chút “hơi ấm” để sưởi ấm cho các em khi đã ở thế giới bên kia”.
Quyết liệt bảo vệ sự sống
Bà Nếp cũng cho biết, công việc thiện nguyện của bà ban đầu không những gặp khó khăn từ hàng xóm và người thân mà còn gặp sự phản đối của các bệnh viện, các bác sĩ đã tỏ ra không muốn hợp tác với người đàn bà này. Nhưng bằng trái tim và tấm lòng, bà Nếp cũng đã thuyết phục được những “người áo trắng” đồng ý giúp mình làm việc thiện nguyện. Nên mỗi khi ở các bệnh viện có thai nhi nào bị phá bỏ, bà Nếp lại nhận được các cuộc gọi, rồi tức tốc lên đường.
Không những làm việc thiện nguyện là đi gom xác thai nhi ở các bệnh viện đem về nghĩa trang thôn Tây chôn cất, bà Nếp còn dành hết tâm huyết để bảo vệ sự sống cho thai nhi. Đó là công việc mà người đàn bà nhỏ con này đang thách thức cả “thần chết”. Trong việc bảo vệ sự sống thai nhi, những năm qua, bà Nếp có rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được, khi đã cứu được những em bé thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc.
Bà Nếp kể, vào một đêm mùa đông, nhận được cuộc gọi từ bệnh viện. Mặc dù lúc này trời đang mưa lạnh, nhưng bà Nếp vẫn mặc áo mưa rồi khăn gói lên xe máy đến địa chỉ đã được báo trước. Tại đây, bà gặp cô gái “không may” có thai. Qua tâm sự, bà Nếp biết được cô gái này đang là sinh viên năm hai. Do đi quá đà trong tình yêu đã dẫn đến hậu quả như vậy. Bà Nếp đã nói những lý lẽ để thuyết phục cô gái không bỏ cái thai.
Nhưng cô gái đã khóc, rồi nói là nếu như không bỏ cái thai thì khi gia đình, bạn bè, hàng xóm biết được thì tương lai của cô sẽ đi về đâu. Cũng như khi sinh em bé này sinh ra, cô có đủ sức nuôi dưỡng không. Bằng trái tim chân thành, bà Nếp đã nói về tình mẫu tử, cũng như hứa sẽ giúp cô gái một phần sau khi đứa bé ra đời, nên cuối cùng cô gái cũng chấp thuận. Đứa bé này bây giờ sống rất khỏe mạnh. Một trường hợp khác nữa khiến bà Nếp cũng không sao quên được, đó là một cô gái trên địa bàn huyện Lạng Giang, đầu óc không được bình thường nhưng được cái đẹp người.
Do bị “Sở Khanh” lừa tình nên cô gái này đã mang thai. Khi gia đình biết được đã đưa con gái đi phá bỏ cái thai cho bằng được. Nhận được tin báo từ bệnh viện, người đàn bà này lại tức tốc lên xe. Bà Nếp đã phải nói trong nước mắt, cuối cùng gia đình mới để con gái mình giữ lại cái thai. Đứa bé của người mẹ không được khôn ngoan này giờ đã lớn lên rất bình thường và đang đi học lớp mầm non. Hiện cháu bé đã được giao lại cho một gia đình hiếm muộn trên địa bàn nuôi dưỡng.
Một trường hợp khác còn khiến bà Nếp nhớ như in, đó là vào một sáng mùa thu. Như thường lệ, bà dậy rất sớm. Lúc này, mặt trời còn chưa soi rõ mặt đất, bà Nếp vừa mở cửa ra thì phát hiện một đứa trẻ được quấn trong một chiếc khăn trắng. Bà nhìn trước ngó sau, cũng như gọi lớn một lúc không thấy ai nên bà đã bế đứa bé lên. Sau đó, bà đã báo cho chính quyền địa phương loan tin để ai đó đã để lạc đứa bé biết đến nhận, nhưng mãi mà không thấy ai.
Đứa bé này sau cũng được bà Nếp giao lại cho một cặp vợ chồng hiếm muộn trên địa bàn nuôi. Giờ cháu bé rất khỏe mạnh và phát triển bình thường. Nói về việc làm thiện nguyện của mình, bà Nếp chia sẻ: “Tôi chỉ mong sao sẽ không còn cảnh những em bé phải “chào đời” một cách đau đớn như vậy nữa. Các em lẽ ra sẽ được sinh ra đúng nghĩa như tạo hóa đã ban tặng cho những người mẹ. Xin đừng chối bỏ, dù đó là lỗi lầm mình đã gây ra”.
Nguyễn Thiên