Ông cố Giuse Thục: Những vòng xe không mệt mỏi

Gần 200 trang về lược sử giáo hạt Vĩnh Phúc là những hoa trái sau bao ngày sương gió của ông cốGiuse Thục. Ít ai biết rằng, hành trình có được nó là những móc ghép từ xứ này sang họ khác trong suốt hơn 30 năm dài trên mảnh đất rộng với chiếc xe đạp.

Trong năm vừa qua, giáo phận bắt đầu thu thập thông tin giáo xứ giáo họ để làm kỷ yếu chung. Công việc tại giáo hạt Tây Nam (Vĩnh Phúc xưa) được xem là ‘nhẹ gánh’ đi rất nhiều nhờ những thông tin mà ông cố Giuse Thục đã ghi chép lại từ hành trình xưa.

1-1

Những cuốn sổ ghi chép cẩn thận của ông cố Giuse Thục về lược sử giáo hạt 

‘Bánh xe’ truyền giáo

Ước muốn dâng mình cho Chúa chưa trọn vẹn, ông cố Thục về xây dựng mái ấm riêng cho mình.Mọi người thường gọi ông là ông trùm Thục, ông cố Thục (vì có người con út làm linh mục) với sự kính mến và nể phục.

2-1Ông cố Giuse Hoàng Đình Thục (78 tuổi) là thân sinh của Lm Giuse Hoàng Anh Tuấn thuộc giáo xứ Hữu Bằng.

Năm 1973, ông làm thư ký ban phủ xứ của hạt Vĩnh Phúc. Tới năm 1974, ông được Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến giao cho danh sách các xứ họ để thống kê lại số liệu trong hạt Vĩnh Phúc. Những vòng xe lúc này thực sự khởi phát sau bao ngày chờ lăn bánh.

Hành trang của ông lúc đó rất đơn giản với chiếc xe đạp và túi mì phòng lúc đói. Mỗi chuyến kéo dài khoảng 3-4 ngày đi đường, nhiều khi lên tới  cả tuần nếu qua các giáo xứ đang xây dựng. Để thuận tiện, ông đi vòng theo một đường để  ghé các xứ họ nhiều nhất có thể.

Thời gian sau, khoảng từ năm 1994 trở đi, ông thường đồng hành cùng cha Giuse Trần Quang Vinh, khi đó là cha  xứ gần như toàn bộ hạt Vĩnh Phúc. Cha đưa cho ông quyển sổ để ghi chép lại thông tin về quá trình hình thành, phát triển cũng như nhân danh.

3-1

Ông kể, chuyến đi lên họ Bản Mạch là một trong những lần đi khiến ông nhớ nhất. Đạp xe gần 30 cây số, ông đến giáo họ khi trời đã tối. Vì lý do bị cản trở về mặt chính quyền, ông không ở lại nhà giáo dân mà ra canh đê ngủ trên manh chiếu… nilon. Ăn tạm miếng bánh chưng, ngồi lần hạt để xin Chúa ban thêm sức mạnh và có Mẹ đồng hành, ông ngủ tới sáng để bắt đầu công việc.

Một lần khác, ông bị công an bắt trên đường ra Liễu Thành. Họ giữ ông lại hai ngày vì sợ ông ‘vận động người ta đi đạo’. Ông giải thích rằng: “Tôi chỉ đến thăm hỏi mấy ông bạn già, hỏi han tình hình sức khỏe, cớ sao lại giữ tôi ở đây”. Không làm gì được nên họ phải  thả ông để tiếp tục ‘sứ vụ riêng’ của mình.

Dạt dào niềm vui

Khi kể về những gian lao, vất vả trong công việc, ông cố lại cười và bảo: “Thế thôi chứ chẳng có gì là gian khổ cả. Gặp công an liên tục cũng chẳng sao vì mình chẳng mắc lỗi gì”. Có lần, công an nói với ông: “Anh cứ lao vào như con thiêu thân vậy!”.

Đi tới các xứ họ, mọi người quý trọng ông như một vị linh mục. Ông mỉm cười: “Chỉ là mình không dâng được lễ thôi chứ làm hết mọi thứ. Từ dạy giáo lý, kinh bổn hay dâng hoa, dạy hát… Ông đều đảm đương hết!”.Ông nghĩ, mình có sức khỏe, có cơ hội nên cứ làm thôi.“Chứ, sau này có cha chính xứ hết rồi, mình muốn giúp cũng không được”.

Để có thể đi những chuyến dài ngày như vậy, ông chia sẻ thân tình về hậu phương vững chãi của mình là bà cố. Ông nói: “Bà cố là một người đảm đang, gánh vác mọi công việc trong gia đình. Từ việc kinh tế đến chăm sóc con cái đều do tay bà cả. Vì thế, ông mới yên tâm mà lo công việc mục vụ”.

4-1

Có lẽ, trong tay Chúa, Ngài sẽ an bài mọi sự nếu con người biết phó thác và tin tưởng. Ông cố Giuse nói lại câu mà ĐHY Phalô Phạm Đình Tụng đã động viên: “Con lo việc cho Chúa thì Chúa lo việc cho con”.

‘Nhà truyền giáo canh đê’ cho tới giờ vẫn tiếp tục ‘sứ vụ’ của mình dù tuổi đã gần 80. Ông cố Giuse nói, mình vẫn phải tìm tòi và đọc sách nhiều hơn trong những năm tuổi già để trau dồi tri thức cho bản thân. Giờ, ông không còn ‘được’ đạp xe đi tới họ này, xứ nọ để giúp đỡ nữa. Có những niềm vui và công việc an nhàn tuổi già Chúa gửi đến để ông ‘dừng chân’ sau những tháng ngày rong ruổi trên triền đê gieo giống./

5

Lưu Ly