Trộm Tây còn có văn hóa
Hôm vừa rồi, đọc bài viết trên báo Vietnamnet: “Xem Tây, ngẫm ta” làm cho gười viết muốn chia sẻ câu chuyện nhỏ xảy ra cách đây chưa lâu, tuy không phải là vấn đề đao to búa lớn nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm. Điều trọng tâm mà người viết muốn nhấn mạnh đó chính là nền tảng đạo đức cơ bản đem lại cho xã hội nhiều giá trị thiết thực. Giữa hai cái xấu, người ta phải chọn cái ít xấu hơn. Và chính nền tảng luân lý cùng quá trình huấn luyện nhân bản đúng đắn đã tạo nên con người có văn hóa.
Trong chuyến đi thực thi công việc mục vụ vào tháng 10 năm 2014 tại châu Âu, tôi có dịp đặt chân đến thành phố Dortmund nước Đức. Từ thủ đô Pari nước Pháp, tôi bắt xe buýt đến Dortmund vào lúc hơn 11g đêm. Thời tiết lúc này vừa lạnh vừa mưa, chờ một hồi lâu mà không thấy người thân ra đón dù đã hẹn trước càng khiến cơn mệt tăng lên sau hơn 10 tiếng đồng hồ ngồi xe. Nhìn xung quanh thấy có duy nhất anh thanh niên cũng đang ngồi chờ, tôi đánh bạo ra mượn điện thoại gọi cho người thân. Vừa gọi điện thoại xong được vài phút thì thấy người quen bước đến, hóa ra cô đã đến từ lâu nhưng vì trời rét quá nên ngồi trong xe chờ. Cô mời tôi ra xe về nhà nhưng nhìn xuống thì trời ơi, chiếc vali xách tay không cánh mà bay.
Sau giây phút hoảng hốt bất thần, chúng tôi hỏi người thanh niên cho mượn điện thoại vì anh ta vẫn đang ngồi đó xem có thấy chiếc vali của tôi để đây đâu không. Người thanh niên nhún vai lắc đầu, trả lời không biết gì cả. Hỏi anh ta vài lần nhưng anh vẫn trả lời không biết vì lúc đó đêm muộn nên bến xe buýt chẳng có ai để hỏi han. Tôi và người thân lo lắng đi xung quanh khu vực bến xe cố gắng kiếm tìm nhưng chiếc vali vẫn biệt vô tăm tích. Vậy là tất cả tiền bạc, laptop, giấy tờ tùy thân đều không cánh mà bay chỉ trong vài phút lơ đãng. Có một cảm giác thất vọng và chán chường đang bủa vây tôi.
Sau hơn một tiếng đồng hồ tìm kiếm mà không có kết quả, chúng tôi đành đến đồn cảnh sát gần đó báo mất đồ. Viên cảnh sát tiếp chúng tôi cho biết luôn là khó có thể tìm lại được tiền bạc, đồ có giá trị nhưng giấy tờ tuy thân (hộ chiếu, visa) thì có thể tìm được. Tôi nghĩ, chắc cảnh sát ở đây có nhiều lần phải giải quyết những trường hợp tương tự nên có kinh nghiệm. Chúng tôi để lại số điện thoại và địa chỉ để cảnh sát liên lạc khi cần rồi ra về trong tâm trạng đầy lo lắng.
Trở về nhà người thân khoảng gần 4g00 sáng, nằm mãi mà không sao chợp mắt được, phần vì lo chuyện công việc, phần vì lo lắng về chuyện mất đồ. Vậy là một đêm thức trắng. Tám giờ sáng hôm sau, tôi tiếp tục lên đường lo công việc ở tận thành phố Stuttgart cách đó hơn 500 km. Suốt ngày đi trên ô tô mà lòng dạ rối bời, bất an. Ở giữa đất lạ xứ người mà không một mảnh giấy tùy thân. Không biết những ngày tiếp theo sẽ ra sao, công việc bề bộn còn mấy nước nữa phải đến, không có passport thì làm sao có thể tiếp tục được. Giờ mới biết, cảm giác mất đồ ở xứ người nó hoang mang đến cỡ nào. Mặc dù có mấy năm đi du học và nhiều lần xuất ngoại nhưng chưa bao giờ tôi gặp phải hoàn cảnh oái oăm như thế này.
Tôi lo công chuyện ở Stuttgart được hơn một ngày thì cảnh sát ở Dortmund gọi điện báo đã thấy passport và visa. Họ mời tôi đến nhận lại. Tôi chợt vỡ òa hạnh phúc như người phụ nữ trong Kinh Thánh tìm được đồng bạc. Lúc này tôi mới yên tâm và cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm vì mất tiền bạc thì có thể vay mượn được, còn giả như mất giấy tờ thì tôi sẽ trở thành kẻ vô gia cư ở xứ người và sẽ còn đủ thứ phiền toái kéo theo.
Sau ba ngày mất hành lý, tôi trở lại Dortmund trong tâm trạng hân hoan như kẻ mù được thấy. Tôi vui vẻ nhận lại hộ chiếu và visa từ phía cảnh sát, còn tiền bạc và đồ đạc thì mất sạch sành sanh. Thôi chẳng sao, coi như của đi thay người. Hỏi cô cảnh sát tại sao tìm lại được giấy tờ, họ vui vẻ cho biết là có một người phụ nữ mang giấy tờ gồm hộ chiếu và visa của tôi đến đồn giao cho cảnh sát và nói là nhặt được ở gần nhà. Tôi ngỏ lời cảm ơn cảnh sát, cô cảnh sát cười hiền hòa rồi nói với tôi, ở đây trộm chỉ lấy tiền không lấy giấy tờ.
Sau khi nhận lại được giấy tờ, tôi như mở cờ trong bụng. Giống như người phụ nữ trong Kinh Thánh tìm được đồng bạc, tôi hân hoan hội ngộ cùng cha Quý, cha Thủy và cô Phước nhâm nhi mấy ly bia Đức để ăn mừng vì giấy tờ đã mất nay lại tìm thấy. Vậy là ước mơ uống bia Đức của tôi đã thành hiện thực dù có lúc tưởng như bị gián đoạn vì chiếc vali không cánh mà bay. Tôi nói đùa, giá như mà mất giấy tờ thật thì có phải tôi được ngồi trong trại tị nạn uống bia Đức cả đời không, đúng là trong cái rủi lại có cái may mà trong cái may lại có cái rủi, chẳng biết thế nào. Cha Quý đưa ly bia Đức thơm lừng lên ấn sát vào tôi rồi bảo, bộ ông tưởng ông vào trại tị nạn dễ thế sao, bên này trộm nó lịch sự, trộm nó có văn hóa vì nó được giáo dục nhân bản đàng hoàng…
Tâm trạng tôi chợt trùng xuống. Tôi nghĩ về quê hương mình. Tôi buồn vì đâu đó trên quê hương Việt nam vẫn có rất nhiều “tên trộm” đang ngày ngày bòn rút xương tủy của quê hương nhưng vẫn bình an vô sự để mỗi khi có dịp chúng lại lên tiếng dậy dỗ dân chúng, và tôi buồn vì bên cạnh đó có nhiều tên trộm nghèo phải nhận lãnh cái chết tức tưởi chỉ vì một con chó. Bỗng nhiên, hình ảnh trộm lành – trộm dữ bị treo bên tả bên hữu Chúa Giêsu trên đồi Gôn-gô-tha năm nào chợt xuất hiện trong đầu. Tôi nhấp mạnh ngụm bia Đức nổi tiếng. Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ vị ngọt và vị đắng trong một ly bia như vậy.
Trên chuyến phi cơ trở về, tôi tự xét kiểm lại bản thân. Tôi đặt cho mình câu hỏi, tôi sẽ phải làm gì trong việc huấn luyện nhân bản để những đứa trẻ được trao phó cho tôi trở thành những người có văn hóa thực thụ. Chắc hẳn điều đó không hề dễ dàng thực hiện trong một xã hội nhiễu nhương với nền tảng đạo đức xuống cấp. Tôi cần phải cố gắng gấp trăm gấp ngàn lần. Tôi thầm tạ ơn Chúa về câu chuyện đã qua, các cụ xưa đã nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Hôm nay kể lại câu chuyện buồn buồn vui vui này, tôi không có ý ủng hộ việc ăn trộm hay ăn cướp, vì đó là việc xấu. Nhưng nhờ câu chuyện này, tôi nhân ra một điều rằng, cũng cùng một hành động, cho dù là xấu nhưng vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa “Trời Tây và Trời Ta”, kể cả trộm Tây vẫn rất đáng để ta suy ngẫm.
Lm. Fx Nguyễn Văn Thắng