Người ‘chuyển gió’ tới gia đình phong xứ Bắc
Tôi gọi anh là ‘cha Đamien da vàng’ giữa đất Bắc này. Một con người chu đáo, một con người vẫn tự cho rằng mình là người được Chúa nhờ ‘mang gió’ tới đến những bệnh nhân phong cùi.
Rời Hà Nội khi thành phố còn ngủ quên dưới ngọn đèn đường, chúng tôi bắt đầu hành trình đến với bệnh nhân phong, những dấu lặng giữa nhạc đời vồn vã.
Sau nhiều cú ngoặt ngoèo trên cung đường sệt màu Tây Bắc, đoàn đã đặt chân đến trại phong Đồng Lệnh thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Những ngôi nhà ngói che mưa, che nắng, che cả mảnh đời là điểm cuối của đoạn đường bê tông với chiều rộng chưa đến 1m.
Vừa vào trong sân, một số ông bà đã ra đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Ông cụ với đôi mắt màumừngcùng những ngón tay biến dạng, co quắp, một bên chân đã phải cắt đi vì những con hủi, chào lớn tiếng : “A! Anh Hòa đến rồi à!”. Rồi đến cụ bà đôi mắt lèm nhèm giọng thủ thỉ: “Bị ốm cả tháng nay rồi anh Hòa à!”. Anh tếu táo trêu lại: “Sao bà không ốm vào tháng 2 cho ít ngày!”. Còn nhóm trẻ con thì tíu tít cảm ơn khi nhận được kẹo,thứ mà anhluôn thủ sẵn trong ba lô của mình.
Đây là lần thứ hai tôi được đồng hành cùng anh đến với người phong cùi. Chuyến đi Phú Bình (thuộc tỉnh Thái Nguyên) hồi năm ngoái là ấn dấu đầu đời với những con người tôi chỉ nghe trong Kinh Thánh, vài mẩu chuyện truyền tai từ người này người nọ. Mùi tanh nồng khiến tôi chùn bước khi chân dừng lại tại cửa phòng bệnh nhân. Mỗi người ở một căn nhỏ, bát chén cộm màu đen vì lâu ngày chưa được kì cọ, vài đàn gà lắt nhắt chạy ra chạy vào chỗ cửa bếp. Những con người với đôi mắt bị ‘mất phần’, đôi tay dần ngắn lại, biến dạng và gọn lỏn. Đôi chân gỗ thay phần gánh lấy cơ thể đang hao đi vì ‘con hủi’ bên trong và cả ‘con hủi’ bên ngoài mình. Đó là hình ảnh in đậm trong tôi về cảnh đời của những con người nơi đây. Và sát cánh với những con người anh là hình ảnh anh Barnabê Nguyễn Xuân Hòa, “người thân” của tất cả người phong xứ Bắc. Mọi người nơi đây không gọi là trại như chúng tôi thường dùng mà thay vào đó, họ gọi là “gia đình phong”.
Nói về công việc đang làm của mình, anh bảo, âu cũng là cơ duyên hay còn là “ơn gọi” mà Chúa nhờ. Là người Nam gốc Bắc 54, năm 1997, anh lội ngược dòng trở lại Hà Nội để làm việc. Anh làm tại chi nhánh miền Bắc của công ty chuyên phụ tùng máy xúc. Làm được khoảng 4- 5 năm thì công ty giải thể, anh mua lại với giá cả thị trường và tự mình điều hành một cửa hàng chuyên phụ tùng như trước. Năm 2008, cha Phao-lô Phạm Văn Tuấn, linh mục Tuyên úy vùng Bắc Đức, cùng đoàn Việt Kiều ghé thăm anh tại Hà Nội. Sau đó, anh dẫn đoàn đi thăm trại phong Quả Cảm (thuộc tỉnh Bắc Ninh). Từ đấy trở đi, mỗi lần có dịp ghé trại phong, anh đều gửi ảnh cho cha xem và để nhiều người biết đến hoàn cảnh sống của các bệnh nhân tại Quả Cảm cũng như 9 trại phong khác ở miền Bắc.
Sau những lần qua lại và gửi hình như một sự “vô tình có chủ ý”, nhiều ân nhân là người Công giáo và không Công giáo, gia đình ẩn danh từ các vùng như Bắc Đức, Mỹ, Pháp và Úc gửi quà trợ cấp qua cha Tuấn rồi cha chuyển đến cho anh. “Số tiền họ muốn gửi đi đâu thì mình sẽ chuyển tới đó. Còn về tiền xe đi lại và chi phí phụ khác thì tự anh góp thêm cho mỗi chuyến đi. Sau những lần đi như vậy, anh ghi chép lại thành bảng thu chi từng chi tiết và gửi lại cho phía nhà hảo tâm. Anh vẫn hay đùa rằng, chiếc máy ảnh của mình là ‘cần câu cơm’ cho người nghèo. Về sau, một số người từ Đức về Việt Nam chơi, họ đều liên lạc với anh để tổ chức các chuyến thăm trại phong cũng như các nhà tình thương”, anh kể.
Vài năm đầu, anh thường đi một mình nhưng rồi thấy rằng, người phong có thiếu thốn về vật chất nhưng hơn hết, điều họ cần là sự chia sẻ. Sau rồi, anh rủ thêm đệ tử Dòng Phao-lô Hà Nội đồng hành cùng mình mỗi chuyến đi. Rồi đến các chú ứng sinh giáo phận Bắc Ninh và một số bạn sinh viên Công giáo. Anh nói: “Các sơ, các cha là những người có thể quan tâm lâu dài. Hơn thế, những chuyến đi thực tế cũng là một dịp để các em đệ tử nhìn nhận đời sống bên ngoài, đời sống cộng đoàn”.Mỗi mùa Chay, anh đi chừng vài nghìn cây số để chuyển quà tới bệnh nhân phong từ Nghệ An ngược lên Lạng Sơn. Anh sẽ là người chuẩn bị đồ ăn cho mọi người, chuẩn bị các phần quà cho bệnh nhân phong. Thường thường, anh sẽ mua mì tôm và một số đồ dùng thiết yếu cho họ như là giò, mắm muối, thịt…
Mỗi lần đi như thế, anh lại giao cửa hàng cho ông xe ôm trông giúp. Lúc lúc, anh Hòa lại nghe điện thoại của chú xe ôm để hỏi giá cả, giao hàng cho khách.Anh cười vẻ phó thác: “Mọi sự Chúa lo hết ấy mà. Mỗi chuyến đi như thế này, anh lại được nhận thêm nhiều điều, trong đó có niềm vui, bình an và hạnh phúc. Cuộc sống thời nay mà không quá bận tâm vào chuyện cơm áo gạo tiền thì còn gì hạnh phúc bằng?”.
Mỗi chuyến đi đều ghi lại một vệt kỷ niệm cho anh. Trước khi trao quà cho bệnh nhân, mọi người sẽ quy tụ tại phòng hội trường, chia sẻ và giao lưu văn nghệ với nhau. “Mỗi lần cầm micro đứng trước mặt mọi người, anh đều ứ nghẹn và chẳng nói được gì. Có lần, một bệnh nhân hỏi: ‘Chú không sợ lây sao?’ khi thấy mình ôm họ. Những lúc như thế, anh ôm họ chặt hơn và cố gắng chụp ảnh cùng họ mỗi lần gặp gỡ. Mặc dù, ảnh đem về cũng không để làm gì nhưng anh muốn rút ngắn khoảng cách giữa mình và bệnh nhân phong. Số ảnh trong máy đã lên đến 154GB sau những chuyến đi”.
Có một lần, khi đang chuẩn bị lên đường về Hà Nội, một bệnh nhân cầm sẵn nải chuối chờ sẵn anh ngoài cửa để làm quà. Anh kể, một bệnh nhân ở trại phong Ba Sao rón rén móc từ túi áo chai mật ong để gửi cho anh. Đó là những món quà vô giá mà anh nhận được qua những chuyến đi. Anh chia sẻ: “Nhiều lần, anh lạnh hết sống lưng khi cầm tay bệnh nhân. Những vết thương lở loét và anh đã phải cố gắng kiềm cảm xúc trước mặt họ’’. Nhưng, bên cạnh những biến dạng về cơ thế sống là một trái tim vẫn đập nhịp yêu thương, mạnh mẽ hơn cả những con người lành lặn.
Hôm đó, tôi được đồng hành cùng anh trong chuyến đi Đồng Lệnh. Từ cụ già tới những đứa bé đều in hình của anh. Bệnh nhân ở đây không phải là người Công giáo và đều được các sơ chăm sóc tận tình. Có ông cụ đôi mắt lèm nhèm, giọng run run bảo: “Ơ. Thế thầy Hòa vẫn chưa làm cha à?”. Chúng tôi thì cười lớn vì anh Hòa đã làm cha của hai đứa trẻ từ lâu rồi. Họ vẫn in đậm trong mình hình ảnh tận tụy, hy sinh của các linh mục và tu sĩ Công giáo. Vì thế mà họ tưởng anh Hòa là một thầy tu, vác ba-lô lên và đi khắp các nẻo mà những con người như vậy đang cần đến.
Thứ Bảy trước ngày đi cùng chúng tôi, anh đi thăm mái ấm Vinh Sơn Thất Khê tại Lạng Sơn cùng cộng đoàn nữ tu dòng Phao-lô Hà Nội. Đặt chân về nhà đã tối, anh tranh thủ nấu nồi xôi, kho thịt và chuẩn bị đồ ăn cho chuyến đi ngày hôm sau cùng đoàn. Tạm biệt Đồng Lệnh khi trời đã quá trưa. Mọi người trong đoàn khá mệt mỏi sau những cung đường vòng vèo. Vậy mà tôi vẫn thấy từ anh sự hăng hái, vui vẻ với những câu nói hài hước giúp mọi người khỏi say xe. Đấy là nội lực của những người phục vụ nhà Chúa một cách nhưng không, của con người với sứ mạng ‘chuyển gió’ tới các gia đình phong.
Ann Duyên