Chân phước Anrê Phú Yên
Chân phước Anrê Phú Yên, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644
Chân phước Anrê PHÚ YÊN
Thầy giảng (1625 – 1644)
Ngày tử đạo: 26 tháng 7
Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bút tích nào cho biết tên gọi dân sự của thầy. Căn cứ vào năm thầy tử đạo (1644), cha Đắc Lộ xác nhận lúc ấy thầy 19 tuổi, chúng ta biết được thầy đã chào đời năm 1625. Trong bức thư viết năm 1641, cha Đắc Lộ xác nhận: “Đúng 3 năm trước khi chết, mẹ thầy dẫn thầy đến cho tôi, và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy”[1]. Như vậy, thầy được rửa tội năm 1641. Tên gọi Anrê Phú Yên là tên chính thức được Tòa Thánh công nhận, gồm tên thánh rửa tội và tên quê quán Phú Yên của thầy.
Chân phước Anrê Phú Yên là con út trong một gia đình nghèo tại xóm nhỏ ven biển, nay là giáo xứ Mằng Lăng, tỉnh Phú Yên, Giáo phận Qui Nhơn.
Tuy góa bụa nhưng bà Gioanna, mẹ thầy, đã giáo dục con cách tận tụy và khôn ngoan. Theo lời bà xin, cha Đắc Lộ nhận Anrê vào hội thầy giảng khi mới 17 tuổi. Sau thời gian được huấn luyện về giáo lý và văn hóa, thầy Anrê tuyên hứa tại Hội An năm 1643. Thầy có vinh dự đồng hành với cha Đắc Lộ cùng 9 người anh ưu tú trong cộng đoàn thầy giảng trên bước đường truyền giáo từ Phú Yên đến Quy Nhơn, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Bình. Thầy Anrê nhỏ tuổi nhất.
Tháng 7 năm 1644, Quan nghè Bộ trấn nhiệm tỉnh Phú Yên nhận được sắc chỉ từ phủ chúa Nguyễn ra lệnh cấm truyền đạo. Ông cho lệnh bắt giam một thầy giảng lớn tuổi cũng tên là Anrê và lùng bắt thầy giảng Ignatio, người anh cả trong nhóm[2].
Khi quân lính tới nhà cha Đắc Lộ để bắt thầy Ignatio thì chỉ có mình thầy Anrê trẻ ở nhà. Thầy Anrê nghĩ rằng mình là người em út trong nhóm thầy giảng, thầy có mất đi cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và sự sống còn của nhóm. Nhưng nếu thầy Inhaxiô, người anh cả khôn ngoan, bản lĩnh, mất đi thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cả nhóm. Do đó, thầy đứng ra nhận hết trách nhiệm. Quân lính bắt trói thầy và thu gom các ảnh thánh, đồ thờ phượng. Thầy Anrê vui vẻ đi theo họ, và trên suốt hành trình không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục và được lên trời.
Đến quan phủ, hai thầy Anrê được nhốt chung một chỗ. Cả hai thức đêm tâm sự, khích lệ nhau vững tin tiến về thiên quốc. Theo cha Đắc Lộ: “Trong cuộc nói chuyện đầy thương mến, họ khích lệ và nhắn nhủ nhau sẵn sàng cho trận chiến tương lai”.
Hôm sau, quan truyền đưa hai thầy Anrê ra tòa để kết án. Cha Đắc Lộ lại tìm cách can thiệp. Nhưng quan chỉ tha cho thầy già Anrê và nhất quyết phải xử tử chàng thanh niên 19 tuổi đã dám dõng dạc tuyên bố: “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống để hiến dâng tất cả cho Thiên Chúa hầu đền đáp ơn Người”.
Nghe bản án tử hình, thầy Anrê tỏ vẻ thanh thản và vui mừng. Thầy khích lệ những người đến thăm, xin họ cầu nguyện cho mình được ơn trung thành. Thầy lặp lại nhiều lần: “Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống”.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 26/07/1644, một toán lính 30 người áp giải thầy Anrê đi hành quyết. Thầy chào các bạn và nhanh nhẹn bước đi. Cha Đắc Lộ, nhiều tín hữu và dân chúng trong vùng cũng đi theo.
Đến nơi hành hình, quân lính đẩy thầy Anrê quỳ xuống và trói hai tay. Thầy nhắn nhủ các tín hữu đang hiện diện: “Hãy kiên vững trong đức tin, đừng buồn phiền vì cái chết của thầy, và hiệp lời cầu nguyện cho thầy được trung kiên đến cùng”. Sau đó thầy bị hành hình đang khi thầy vẫn không ngừng kêu lên danh thánh “Giêsu”.
Ít ngày sau cha Đắc Lộ đưa thi thể thầy Anrê xuống tàu về Macao. Linh cữu thầy an táng tại đây, còn thủ cấp được cha Đắc Lộ đưa về đặt tại nhà Bề trên Tổng quyền Dòng Tên tại Rôma cho đến ngày nay. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chính thức chấp thuận chọn ngày 26 tháng 07 làm Ngày Giảng viên Giáo lý Việt Nam.
Ngày 05/03/2000, Ðức Gioan Phaolô II đã suy tôn thầy Anrê Phú Yên lên bậc chân phước.
[1] Theo tài liệu “Các vị Tử Đạo của Giáo phận Qui Nhơn”, do Giáo phận Qui Nhơn cung cấp.[2] Ibid.
WHĐ