Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII TNB

                          CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN-B

                         (Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30)

                                    “Giầu Có và Nước Trời”

Homily of 28th Sunday in Ordinary Time

Theo các nhà chuyên môn bình giải Kinh Thánh, Tin mừng hôm nay được chia làm ba phần:

1) Câu chuyện người thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu làm gì để được sống đời đời;

2) Lời dạy của Chúa Giêsu cho các Tông đồ về người giầu có khó vào Nước Trời;

3) Lời hứa phần thưởng của Chúa Giêsu cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Ngài.

Tuy nhiên, cả ba phần không tách biệt nhưng đều liên quan tới nội dung: giàu có và Nước Trời.[1]

Giầu có và Nước Trời luôn là sự đối lập. Ai muốn vào Nước Trời phải khước từ giàu có. Ai muốn giàu có thì thật khó vào Nước Trời. Người thanh niên đến hỏi Chúa: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Câu hỏi rất hay và có lý. Câu trả lời của Chúa cho anh xem ra không có gì mới lạ “từ phần thứ hai của Mười Điều Răn và sách Đệ Nhị Luật 5,16-21.”[2] Như: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ.” Nhưng khi Chúa đưa ra một thách đố chạm tới sự giàu có của anh: “Anh đi bán những gì anh có cho người nghèo, rồi đến theo ta,” thì “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” Như vậy người thanh niên này đã loại bỏ Nước Trời để giữ lại của cải mình. Trước thách đố này, Nước Trời đối với anh không cần phải quan tâm, người thanh niên chấp nhận mất Nước Trời chứ không thể mất của cải.

Qua trường hợp người thanh niên này, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Theo các nhà bình giải Kinh Thánh về “lỗ kim” như sau: “Tại bức tường thành luỹ Giêrusalem có một cái cửa nhỏ được là cửa Kim, những con lạc đà phải thồ qua lại rất khó khăn.”[3] Nhưng đây chỉ là giả thuyết. Điều căn bản chúng ta nên hiểu nếu người giầu có coi trọng của cải vật chất hơn giá trị thiêng liêng hơn ơn cứu độ thì họ rất khó vào Nước Trời. Tính tham lam và ích kỷ sẵn có trong con người. Người ta không dễ gì đem hết của cải mình cho người khác. Nên các Tông đồ mới nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Chúa trả lời: “Đối với loài người không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Chúa có thể cứu người giầu có theo cách của Ngài. Điều này gợi nên cho chúng ta hiểu rằng: “Quyền năng của Thiên Chúa và sự tin cậy vào Ngài là con đường duy nhất tới ơn cứu độ. Chỉ có từ bỏ của cải không thì chưa bảo đảm được ơn cứu độ.”[4]

Sau khi ông Phêrô lên tiếng về việc các ông đã bỏ mọi sự theo Chúa, Chúa Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Như vậy Chúa hứa phần thưởng cả đời này và đời sau. Phần thưởng đời này dĩ nhiên không phải Chúa bù đắp về sự giầu có, nhưng là niềm vui trong tâm hồn khi người ta không còn lệ thuộc vào của cải vật chất, không bị ràng buộc bởi của cải vật chất, không là nô lệ của cải vật chất, nhưng biết chia sẻ cho người nghèo, thì khi đó con người sẽ cảm thấy hạnh phúc và thấy sự giầu có trong tâm hồn, họ được ơn Chúa và tin tưởng vào Ngài. Do đó, họ sẽ nhận được phần thưởng đời sau là sự sống đời đời như Ngài đã hứa.

Giầu có và Nước Trời không thể tồn tại song song, người ta không thể có một lúc cả hai. Xin Chúa ban cho chúng ta thần khí khôn ngoan như bài đọc một đã nhắc tới và can đảm chọn Nước Trời là gia nghiệp. Xin Chúa cho chúng ta trái tim yêu mến lời Chúa thẳm sâu như thanh gươm hai lưỡi sắc bén mà bài đọc hai nhắc tới. Thanh gươm ấy sẽ chém đứt lòng tham và ích kỷ của con người. Khi đó con người sẽ chút bỏ được tất cả, không vướng víu của cải vật chất để tâm hồn thảnh thơi phục vụ Chúa và dân Ngài.

LM: Giuse Nguyễn Văn Nguyên

  

[1] TNJBC, tr.618

[2] Ibid.

[3] Ibid; LCCMN, tr.1705

[4] TNJBC, tr.618