Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXII TNB

                          CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN-B

                        (1V 17, 10-17; Hr 9,24-28; Mc 12,38-44)

                             “Kinh sư và người đàn bà goá”

The Homily of 32th Sunday in Ordinary Time B

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh Mác-cô đã vẽ một bức tranh thực tế trong đời sống tôn giáo người Do Thái với “hai sự kiện, tạo thành tranh bộ đôi, có tính cách đối lập”[1] giữa vị kinh sư và người đàn bà goá nghèo. Chúa Giêsu là người giải thích tình tiết bức tranh đối lập này.

*Với vị kinh sư, Chúa Giêsu nói:

-“Ưa dạo xung quanh và xúng xính với bộ áo thụng.” Theo các nhà luận giải Kinh Thánh, “Áo thụng là kiểu áo quần đề cao thanh thế và kính trọng các kinh sư.”[2] Nên họ thích đi xung quanh để mọi người biết sự cao quý của họ.

-“Thích được người ta chào hỏi nơi công cộng”. Họ tự tôn mình lên và việc chào họ là một bổn phận của người khác.

-“Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường.” Họ cảm thấy mình xứng đáng được ngồi vào ghế đó và phải giành cho được.

-“Thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc.” Họ cảm thấy mình đáng được kính nể và ưu tiên hơn người khác.

-“Họ nuốt hết tài sản các bà goá.” Theo bình giải Kinh Thánh, “ngày xưa kinh sư thường làm việc giám sát tài sản các bà goá. Lệ phí trả họ là họ được hưởng một phần tài sản đó.”[3] Có lẽ vì thế, do lòng tham và tính không chân thật, các kinh sư đã tìm cách rút hết tài sản của những người goá bụa.

-“Làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.” Lợi dụng việc đạo đức để che đi bộ mặt giả dối.

-Kết quả: “Kinh sư sẽ bị kết án nghiêm ngặt.”

Mỗi chúng ta là những người lãnh đạo tôn giáo và những người tín hữu, chúng ta có lợi dụng tôn giáo để vun vén và xây dựng một triều đại riêng cho mình không? Hãy xem lời Chúa Giêsu nói với các kinh sư như thể là Ngài đang nói với mỗi chúng ta. Nếu chúng ta mở lòng trí nghe tiếng Chúa, Lời Chúa sẽ gột rửa lòng tham, ích kỷ, kiêu căng, phô trương và giả tạo nơi chúng ta.

* Người đàn bà goá

Nghèo: Luôn bị người khác coi thường, không bao giờ được ngồi chung với người giầu, bị gạt ra ngoài lề xã hội, đôi khi người ta nghĩ người nghèo là bị Chúa phạt.

Bà đã đến: Bà can đảm không sợ người khác khinh rẻ và coi thường bà.

Bà bỏ hai đồng tiền kẽm, giá trị ¼ xu: Bà không ngại lộ cái nghèo của mình ra bên ngoài. Bà khiêm nhường thực tâm và tin Chúa sẽ hiểu được hoàn cảnh của bà.

-Kết quả: Bà được Chúa khen và công nhận bà là người bỏ tiền vào hòm nhiều hơn người khác. Chúa giải thích ngay điều này: “Bà bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Chúa không nhìn vào số lượng nhưng Ngài nhìn vào lòng thành thật và khiêm nhường của bà.

Chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta hãy sống tinh thần nghèo khó. Nghĩa là dâng cho Chúa tất cả những gì mình có để phục vụ Chúa và dân Ngài. Chúng ta không phụ thuộc vào của cải vật chất, nhưng sống tinh thần phó thác vào Chúa. Người quảng đại không chờ đến khi có điều kiện mới làm bác ái, nhưng họ làm bác ái ngay cả khi họ khó khăn nhất.

[1] TNJBC, tr.623

[2] Ibid.

[3] Ibid.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nguyên