Một lối nhìn về cuộc khổ nạn Đức Giêsu
NGÀY ĐỨC GIÊSU CHỊU CHẾT QUA NHỮNG DỮ KIỆN LỊCH SỬ
LÝ DO VÀ Ý NGHĨA VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU
- Dữ kiện lịch sử về cái chết của Đức Giêsu
Ngày tháng Đức Giêsu chịu chết và lý do thần học: những dữ liệu trong Kinh Thánh cho biết ngày tử nạn của Đức Giêsu vào hai thời gian khác nhau. Trong Tin mừng Nhất lãm (Mát thêu 26, 17-19, Luca 23, 7-14, Mác cô 14, 12-16), có lẽ theo kiểu nói bình dân, các tác giả này cho biết “ngày thứ nhất trong tuần Bánh không Men” Đức Giêsu sai các môn đệ đi dọn nơi ăn Lễ Vượt Qua: “các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn: “thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ”. Bữa ăn này cũng là bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu, và cũng là bữa tiệc Vượt Qua của Đức Giêsu. Trong khi đó, theo các nhà chú giải thì “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men” của người Do thái được tính từ sau Lễ Vượt Qua của họ. Lễ Vượt Qua của người Do thái được cử hành vào chiều ngày 14 tháng Nisan (tháng này tương đương với tháng 3 hoặc tháng 4 Dương lịch), để kỷ niệm biến cố Vượt qua, tức là cuộc xuất hành của tổ tiên họ ra khỏi Ai Cập, ngang qua biến cố Biển Đỏ, dưới sự lãnh đạo của Môi sen. Như thế, theo tác giả Nhất Lãm thì Đức Giêsu chết vào ngày 15 tháng Nisan. Còn theo Tin Mừng Gioan, Gioan cho biết Đức Giêsu chết vào ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua, trong lúc mà người ta sát tế các chiên vượt qua trong Đền thờ: “ hôm đó là ngày áp Lễ Vượt Qua, vào khoảng giờ thứ sáu”, Đức Giêsu bị người Do thái kết án và đem đi giết (x Ga 19, 12-30). Gioan chương 19 câu 31 cũng cho biết: “hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabát, mà ngày Sabát đó lại là ngày lễ lớn”, tức ngày Lễ Vượt Qua của họ. Như vậy Gioan cho ta biết Đức Giêsu chết vào buổi chiều trước ngày Lễ Vượt Qua. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì chính những lý do khác biệt giữa hai trình thuật Tin mừng này đã tạo ra sự phong phú: các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm muốn nêu ra ý tưởng bữa ăn cuối của Đức Giêsu là bữa tiệc Vượt Qua. Còn Gioan thì muốn miêu tả Đức Giêsu là Con Chiên đích thực của Lễ Vượt Qua. Người đã hy sinh mạng sống mình để tế lễ Thiên Chúa, và đã sống lại để dẫn đưa nhân loại từ thế giới sự chết đến thế giới sự sống viên mãn trong Thiên Chúa – Nước Thiên Chúa. Hai cách trình bày này cho ta cách nhìn đa dạng về sự kiện cái chết của Đức Giêsu mà Kinh thánh Tân Ước đã nói đến, nhưng nó cũng tạo nên một vấn đề tế nhị khó giải quyết. Tuy nhiên ngày nay các sử gia ưu tiên cách trình bày của Tin mừng Gioan.
- Lý do xã hội, chính trị, tôn giáo đưa đến cái chết của Đức Giêsu
Trong khi rao truyền Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại, Đức Giêsu gặp phải sự chống đối quyết liệt từ nhiều phía và đưa Người tới cái chết. Các cuộc xung đột của Đức Giêsu với người đương thời: sứ điệp của Đức Giêsu được xem như lời mời gọi sống tình huynh đệ, phá hủy mọi ngăn cách về nòi giống về giai cấp và tôn giáo, đặc biệt là làm cho giới lãnh đạo xã hội và tôn giáo mất ảnh hưởng trên quần chúng. Việc rao giảng của Đức Giêsu đụng chạm đến Lề luật, Người tương đối hóa Lề Luật, mà đối với thời bấy giờ lề luật là con đường duy nhất để người ta được cứu độ, ấy thế mà Đức Giêsu đã giảng dạy một cách rất tự do, dám xem nhẹ truyền thống của cha ông họ (Mt 15,10-20: vấn đề thanh sạch và ô uế), sửa đổi cả Lề luật và gán cho mình một quyền bính ngang hàng với Thiên Chúa (x. Mt 5, 31-43). Người còn như tước quyền bính của các kinh sư trong dân Israel qua việc giải thích lề luật, khiển trách nặng nề với các nhà chức trách tôn giáo (x. Lc 11, 39-53). Đối với người Do thái độc thần, việc của lễ trong Đền thờ là trọng tâm tôn giáo, ấy vậy mà Người coi những “của lễ chiên bò” không được Thiên Chúa ưa thích cho bằng những lời lời khen ngợi, những tâm tình đơn sơ như trẻ nhỏ đối với Người. Việc Đức Giêsu đuổi bọn người buôn bán ra khỏi Đền thờ (x. Mt 21, 10-17) làm cho các thượng tế và kinh sư thấy như là một lời đe dọa đến bản thân và quyền hành của họ. Và lời của Người như xúc phạm đến tôn giáo mà trọng tâm là Đền thờ của họ: “”hãy phá hủy đền thờ này…” (x. Ga 2,19) vv… Trong khi đó đối với dân chúng: theo Luca thì ban đầu dân chúng có thiện cảm với Đức Giêsu, nhưng sau đó họ thấy Người không đáp ứng những đòi hỏi của họ thì đâm ra thất vọng, vì hiểu lầm lời giảng dạy về Nước Trời của Đức Giêsu nên họ mong Người với tư cách là con Vua Đa-vit sẽ đứng lên chống quân La mã, đưa họ vào vinh quang trần thế. Còn đối với an ninh xã hội: từ sau buổi đuổi dân buôn ở Đền thờ, giới lãnh đạo muốn trừ khử Đức Giêsu vì sợ dân chúng nổi loạn rồi đế quốc La mã sẽ đàn áp… Lời của một thượng tế nói như để trừ khử Đức Giêsu để loại trừ hậu họa cho họ: “thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt.” (x. Ga 11, 50).
- Từ sự kiện cái chết của Đức Giêsu đã làm nổi bật những chiều kích sâu xa
Cái chết ấy không phải là sự bất lực của Đức Giêsu trước những người Do thái và những người La mã, nhưng là hành động cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại, vì sự hy sinh tự nguyện của Đức Giêsu là thể hiện tình yêu đối với bạn hữu của Người (x. Ga 15, 13) như Đức Giêsu đã quan niệm cái chết của mình là “hiến mạng sống cứu chuộc muôn người” (x. Mc 10, 45). Đi đến cái chết, Đức Giêsu đã giải thích sự thất bại của mình bằng ý hướng cứu độ nhân loại mãi mãi. Cho nên từ nay cái chết của Đức Giêsu trở thành biểu tượng mấu chốt cho tất cả công trình cứu độ của Người, cho những ai tin vào Người. Lời dạy của các Tông đồ về cái chết cứu độ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu đã chết vì chúng ta “, “chết vì tội chúng ta”, “vì phần rỗi chúng ta” vv…, đó là những yếu tố sơ khởi cơ bản, nền tảng cho mọi suy tư về ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại vì tình yêu và lòng thương xót. Vì thế ta chắc chắn rằng cái chết của Đức Giêsu có giá trị độc nhất vô nhị về ơn cứu độ phổ quát. Người thực hiện “một lần là đủ” (Dt 7, 27). Ta hãy yêu mến tôn thờ và sống kết hiệp với Đức Giêsu vì Người đã chết vì yêu thương ta.
Thứ Sáu Tuần Thánh 2019
Lâm Văn Trung