Thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho các Linh mục

Anh em Linh mục thân mến,

Đã hơn 160 năm trôi qua từ ngày qua đời của cha thánh Curé xứ Ars, người mà Đức Giáo hoàng Piô XI đã chọn làm đấng bảo trợ của các linh mục giáo xứ trên toàn thế giới[1]. Vào ngày lễ của ngài, tôi viết thư này không chỉ cho các linh mục quản xứ, mà cho tất cả, những anh em linh mục của tôi là những người đã âm thầm “bỏ lại tất cả” để dấn thân trong cuộc sống hàng ngày nơi các cộng đoàn của anh em. Giống cha sở họ Ars, anh em phục “trong những chiến hào”, phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. (x. Mt 20,12), phải đối mặt với vô số tình huống, với nỗ lực của anh em để chăm sóc và đồng hành với dân Thiên Chúa. Tôi muốn nói một lời với từng anh em, thường là những người không phô trương và không tính toán, trong nỗi nhọc nhành, bệnh tật và khổ đau, anh em thực hiện sứ mạng phục vụ dân Chúa và với mọi người. Bất chấp những khó khăn của hành trình, anh em đang viết lên những trang đẹp nhất của đời linh mục.

Cách đây không lâu, tôi chia sẻ với các giám mục Ý về lo lắng của tôi rằng: ở một vài nơi, các linh mục của chúng ta cảm thấy bị tấn công và vu oan những tội lỗi mà họ không phạm phải. Tôi đã nói rằng các linh mục ấy cần tìm đến giám mục của mình, như người anh và người cha trấn an họ trong những thời điểm khó khăn này, khuyến khích và hỗ trợ họ trên bước đường[2].

Là người anh và người cha, tôi cũng muốn gửi thư này để tri ân các anh em trong danh xưng của dân Chúa trung thành và thánh thiện mà những gì anh em làm cho họ; và để khuyến khích anh em đừng bao giờ quên những lời Thiên Chúa đã nói cho chúng ta với tình yêu lớn lao trong ngày chịu chức Linh mục. Những lời đó là nguồn vui của chúng ta: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ….Thầy gọi anh em là bạn hữu.” (Ga 15,15)[3]

Nỗi Đau

“Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta.” (Xh 3,7)

Trong những năm này, chúng ta chú ý nhiều hơn đến những người than khóc, thường họ chịu im lặng và bị đàn áp. Anh chị em của chúng ta là những nạn nhân của lạm quyền, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục từ một số thừa tác viên linh mục. Đây là thời gian đau khổ tột cùng trong cuộc sống của những người trải qua những lạm dụng như thế, nhưng trong cuộc sống gia đình họ và của toàn thể Dân Chúa cũng vậy.

Anh em đã biết, chúng ta cam kết thực hiện công cuộc cải cách cần thiết để khuyến khích một nền văn hóa chăm sóc mục vụ, để văn hóa lạm dụng sẽ không còn chỗ phát triển, mỗi ngày ít hơn. Nhiệm vụ này không nhanh cũng không dễ: nó đòi hỏi cam kết từ mọi phía. Nếu trong quá khứ, chính những thiếu sót có thể là một loại phản ứng, thì ngày nay chúng ta khao khát biến đổi, minh bạch, chân thành và đoàn kết với các nạn nhân. Để từ đó chúng trở thành đường lối cụ thể giúp ta tiến về phía trước. Điều này sẽ giúp đánh thức chúng ta chú ý hơn đến mọi hình thức đau khổ của con người.[4]

Nỗi đau này cũng đã ảnh hưởng đến các linh mục. Tôi đã thấy nó trong các chuyến thăm mục vụ trong giáo phận của tôi, và ở nơi khác, trong các cuộc họp và cuộc trò chuyện cá nhân với các linh mục. Nhiều người đã chia sẻ với tôi sự phẫn nộ của họ về những gì đã xảy ra và sự thất vọng của họ. Vì mọi việc khó khăn của họ, họ phải đối diện với thiệt hại đã gây ra, sự nghi ngờ và không chắc chắn đã phát sinh. Và nhiều vị cũng cảm thấy nghi ngờ, sợ hãi và thất vọng.[5] Tôi đã nhận được nhiều thư từ các linh mục bày tỏ những cảm xúc đó. Đồng thời, những lần gặp gỡ các cha xứ đã an ủi tôi. Các cha ấy nhận ra và chia sẻ nỗi đau, cùng sự khốn khổ của các nạn nhân và của Dân Chúa. Và các linh mục ấy còn cố gắng tìm những lời và hành động có khả năng truyền cảm hứng hy vọng.

Không phủ nhận hay bác bỏ rằng một số anh em của chúng ta bị ám hại. Sẽ bất công nếu không bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả những linh mục đó. Họ trung thành và quảng đại dành cả cuộc sống của họ để phục vụ tha nhân (x. 2Cr 12,15). Họ là hiện thân của người cha thiêng liêng có khả năng khóc với người khóc. Vô số linh mục làm cho đời sống của họ thành công việc của lòng thương xót trong các lĩnh vực hoặc tình huống, thường là thù địch, bị cô lập hoặc bị bỏ qua, thậm chí nguy hiểm đến cuộc sống của họ. Tôi thừa nhận và đánh giá cao tấm gương can đảm và kiên định của anh em; trong những lúc hỗn loạn, xấu hổ và đau đớn, anh em chứng tỏ rằng anh em đã vui tươi đặt cuộc sống của mình vào làn ranh vì lợi ích của Tin Mừng.[6]

Tôi luôn tin chắc rằng chúng ta vẫn trung thành với thánh ý Chúa. Những thời điểm thanh tẩy Giáo Hội này sẽ khiến chúng ta vui mừng và khiêm nhường hơn, và chứng minh rằng trong tương lai không xa, sẽ sinh hoa kết quả. “Chúng ta đừng nản lòng! Chúa đang thanh tẩy Hiền Thê của Người và biến tất cả chúng ta thành chính Ngài. Thiên Chúa đang để chúng ta chịu thử thách để làm cho chúng ta nhận ra rằng: Không có Ngài, chúng ta chẳng là gì. Ngài đang giải cứu chúng ta ra khỏi giả hình, thiêng liêng bề ngoài. Ngài đang thở hơi Thần Khí để khôi phục lại vẻ đẹp của Hiền Thê, là người bị bắt quả tang ngoại tình. Chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đọc lại chương 16 của sách Ezekiel. Đó là lịch sử của Giáo hội, và mỗi chúng ta có thể nói đó cũng là lịch sử của chúng ta. Cuối cùng, qua cảm giác xấu hổ của anh em, anh em sẽ tiếp tục hành động như người chăn chiên. Lòng khiêm nhường, hối cải của chúng ta thể hiện trong những giọt nước mắt thầm lặng trước những tội lỗi tàn bạo này và sự tha thứ vô ngần của Thiên Chúa là khởi đầu cho sự canh tân đổi mới lòng thánh thiện của chúng ta.”[7]

Lòng Biết Ơn

“Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em.” (Ep 1,16)

Hơn cả sự lựa chọn của chúng ta, ơn gọi là lời đáp trả tiếng Chúa mạnh mẽ. Thật tốt để chúng ta liên tục trở lại những đoạn Tin Mừng mà chúng ta thấy Chúa Giêsu đang cầu nguyện, tuyển chọn và kêu gọi những ai “để ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,14).

Ở đây tôi nghĩ về một bậc thầy vĩ đại của đời sống linh mục trong đất nước của tôi. Đó là cha Lucio Gera. Trong khi trò chuyện với nhóm linh mục vào thời điểm hỗn loạn ở Châu Mỹ Latinh, cha ấy nói: “Luôn luôn, nhưng đặc biệt là trong thời gian thử thách, chúng tôi cần trở lại những khoảnh khắc sáng suốt. Ở đó khi chúng ta trải nghiệm lời kêu gọi của Chúa để dâng hiến đời mình cho sứ mạng của Ngài.” Bản thân tôi muốn gọi đấy là “bộ nhớ ơn gọi của chúng ta- the deuteronomic memory of our vocation”. Nó khiến mỗi chúng ta quay trở lại “với ánh sáng rực rỡ mà ân sủng Thiên Chúa đã chạm vào tôi kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình. Từ ngọn lửa đó, tôi có thể thắp lên một ngọn lửa cho ngày hôm nay và cho mỗi ngày, đồng thời mang lại sức nóng và ánh sáng cho anh chị em của tôi. Ngọn lửa nhóm lên niềm vui khiêm nhường, một niềm vui mà nỗi buồn và đau khổ không thể lấy đi, một niềm vui tốt lành và thanh thản.”[8]

Ngày nọ, mỗi người chúng ta đã thưa tiếng “xin vâng”, “lời xin vâng” ấy đã đâm trồi nảy lộc trong lòng mỗi cộng đoàn Kitô hữu để cảm ơn “những vị thánh hàng xóm”[9]. Họ là người chỉ cho chúng ta thấy đức tin đơn sơ của họ thật đáng để cam kết trọn vẹn với Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài. “Lời xin vâng” có ý nghĩa rất quan trọng đến nỗi chúng ta thường khó tưởng tượng được tất cả điều tốt đẹp mà nó tiếp tục tạo ra. Thật đẹp biết bao khi một linh mục lớn tuổi nhìn thấy hoặc được những đứa trẻ đến thăm – bây giờ chúng đã lớn – người mà vị linh mục ấy đã rửa tội lâu lắm rồi, và bây giờ người ấy còn biết ơn giới thiệu gia đình của chính họ! Vào những lúc ấy, chúng ta nhận ra rằng chúng ta được xức dầu để xức dầu cho người khác, và việc xức dầu của Chúa không bao giờ khiến ta thất vọng. Tôi được dẫn đến nói với các Tông Đồ: “Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em.” (Ep 1,16) và vì tất cả những điều tốt đẹp mà anh em đã làm.

Giữa những thử thách, sự yếu đuối và ý thức những hạn chế của chúng ta, “cám dỗ tồi tệ nhất là tiếp tục gặm nhấm những rắc rối của chúng ta”[10], để rồi chúng ta đánh mất quan điểm, phán đoán tốt và lòng can đảm của mình. Vào những thời điểm đó, điều quan trọng – Tôi thậm chí muốn nói là rất quan trọng – hãy trân trọng ký ức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của ta và ánh mắt thương xót của Ngài đã truyền cảm hứng cho chúng ta để chúng ta trao đặt đời mình cho Ngài và cho Dân của Ngài. Và để tìm thấy sức mạnh giúp duy trì, với tác giả Thánh Vịnh, chúng ta hãy ca lời chúc tụng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 136).

Lòng biết ơn luôn là một vũ khí mạnh mẽ. Chỉ khi chúng ta có thể chiêm ngắm và cảm nhận lòng biết ơn chân thành đối với tất cả những cách mà chúng ta đã cảm nghiệm về tình yêu Chúa, lòng quảng đại, hiệp nhất, cũng như lòng tha thứ, kiên trì, nhẫn nhục và lòng trắc ẩn Thiên Chúa. Khi ấy, chúng ta mới để Thần Khí Chúa ban cho chúng ta sự tươi mới, điều ấy có thể canh tân (và không chỉ đơn giản là vá lại) cuộc sống và sứ mạng của chúng ta. Giống như thánh Phê-rô vào buổi sáng diệu kỳ của mẻ cá, chúng ta có thể để mình nhận ra mọi chúc lành mà chúng ta nhận được, khơi lên trong chúng ta sự kinh ngạc và lòng biết ơn; từ đó chúng ta nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Liền sau đó, hãy nghe Chúa lặp lại lời rằng: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.” (Lc 5,10). “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Thưa các anh em linh mục, tôi cảm ơn lòng trung thành của anh em với những cam kết anh em đã thực hiện. Đó là dấu hiệu cho thấy, trong một xã hội và văn hóa tôn vinh sự phù phiếm, vẫn có những người không ngại thực hiện những lời hứa trọn đời. Thực tế, chúng ta cho thấy rằng chúng ta tiếp tục tin vào Chúa là Đấng chưa bao giờ phá vỡ giao ước, mặc dù chúng ta đã biết bao lần phá vỡ. Theo cách này, chúng ta tôn vinh lòng trung thành của Thiên Chúa, là Đấng tiếp tục tin tưởng chúng ta, tín nhiệm và tin tưởng vào chúng ta, vì tất cả tội lỗi và thất bại của chúng ta, và Ngài vẫn mời chúng ta hãy trung thành trở về. Nhận ra rằng chúng ta giữ kho tàng này trong những bình sành (x. 2Cr 4,7), chúng ta biết Thiên Chúa chiến thắng nhờ sự yếu đuối (x. 2Cr 12,9). Ngài tiếp tục gìn giữ chúng ta và làm mới lời kêu gọi của Ngài, trả lại cho chúng ta gấp bội (x. Mc 10,29-30). “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em vì niềm vui mà anh em đã dâng hiến đời mình, thể hiện tấm lòng trong nhiều năm qua đã không chấp nhận khép kín và cay đắng, nhưng đã lớn lên trong tình yêu dành cho Thiên Chúa và dân Người. Một trái tim, giống như rượu ngon, đã không trở nên chua chát, nhưng nên phong phú theo tháng năm. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em đã làm việc để gia tăng tình liên kết huynh đệ và tình bạn với các anh em linh mục khác và với giám mục của anh em, nhằm giúp đỡ và khích lệ lẫn nhau, chăm sóc những người bị bệnh, tìm kiếm những người xa cách, thăm hỏi người già và tham vấn họ, chia sẻ với nhau và học cách cười và khóc cùng nhau. Những điều này chúng ta cần biết bao! Nhưng cũng cảm ơn anh em vì sự trung thành và kiên trì của anh em trong việc thực hiện các sứ mạng khó khăn, hoặc vì những lúc anh em phải ra lệnh. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em vì những chứng từ về sự kiên trì và sức chịu đựng khoan dung trong việc mục vụ. Thông thường, với tiếng nói của chủ đoàn chiên[11], chúng ta thấy mình đang tranh luận với Chúa trong cầu nguyện, như Mô-sê đã can đảm cầu xin cho dân (x. Ds 14,13-19; Xh 32,30-32; Dt 9,18-21). “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em đã cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Vì là những mục tử nhân lành trong Bí tích Hòa giải, anh em không khắt khe cũng không lỏng lẻo, nhưng quan tâm sâu sắc đến đoàn chiên của anh em và đồng hành với họ trên hành trình biến đổi sang cuộc sống mới mà Chúa ban cho tất cả chúng ta. Chúng ta biết rằng trên nấc thang của lòng thương xót, chúng ta có thể đi xuống chiều sâu của điều kiện con người – gồm cả sự yếu đuối và tội lỗi – đồng thời trải nghiệm chiều cao của sự hoàn hảo thiêng liêng: “Hãy thương xót như Cha là Đấng xót thương.”[12]Theo cách này, chúng ta “có khả năng sưởi ấm trái tim của tha nhân, đồng hành với họ trong đêm tối, trò chuyện với họ và thậm chí bước vào màn đêm và bóng tối của họ, mà chúng ta không lạc lối.”[13] “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em đã xức dầu và nhiệt tâm tuyên bố với mọi người, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (x. 2Tm 4,2) Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, tìm kiếm lòng cộng đoàn của anh em “để biết khám phá những nơi mà ước muốn cho Thiên Chúa sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại, trước kia rất thân thương, nay đã bị thui chột và cằn cỗi.”[14] “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cảm ơn anh em vì những lúc, với cảm xúc tuyệt vời, anh em đã ôm lấy tội nhân, chữa lành vết thương, sưởi ấm trái tim và thể hiện sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của người Samari nhân hậu (x. Lc 10,25-27). Không có gì cần thiết hơn điều này: khả năng tiếp cận, gần gũi, sẵn sàng để gần gũi với anh chị em đau khổ của chúng ta. Thật mạnh mẽ biết bao với tấm gương của một linh mục sống giây phút hiện tại và không bỏ mặc vết thương của anh chị em![15] Nó phản ánh trái tim của người mục tử gia tăng hương vị thiêng liêng để nên một với đoàn chiên[16], một mục tử không bao giờ quên rằng mình đến từ đoàn chiên và bằng cách phục vụ đoàn chiên, vị mục tử ấy sẽ tìm thấy và thể hiện căn tính thuần khiết và đầy đủ nhất. Trở lại, điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng một lối sống đơn giản và khổ hạnh, từ chối các đặc quyền không liên quan đến Tin Mừng. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Cuối cùng, chúng ta hãy cảm tạ sự thánh thiện của Dân Chúa, người mà chúng ta được mời gọi để chăn dắt. Qua đó, Chúa cũng chăn dắt và chăm sóc chúng ta. Ngài chúc phúc cho chúng ta bằng cách chiêm ngưỡng Dân trung thành  “trong việc cha mẹ họ nuôi dạy con cái với tình yêu thương vô bờ bến; trong những người nam và người nữ làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình họ; nơi những người bệnh, người già không bao giờ mất đi nụ cười. Trong sự kiên trì hàng ngày của họ, tôi thấy sự thánh thiện của Giáo hội chiến đấu.”[17] Chúng ta hãy biết ơn từng người trong số họ, và trong những chứng từ ​của họ, hãy tìm sự hỗ trợ và khuyến khích. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”

Lòng Can Đảm

“Tôi muốn họ được phấn khởi trong tâm hồn.” (Cl 2,2)

Mong muốn lớn thứ hai của tôi là, theo lời Thánh Phaolô, để khích lệ khi chúng ta cố gắng canh tân đời sống linh mục của chúng ta. Đó là trên tất cả, hoa trái hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Đối mặt với những trải nghiệm đau thương, tất cả chúng ta cần được an ủi và khích lệ. Sứ mạng chúng ta được gọi không giúp chúng ta tránh khỏi đau đớn, sầu khổ và thậm chí hiểu lầm[18]. Hơn thế, sứ mạng ấy đòi hỏi chúng ta phải đối diện cách thẳng thắn và chấp nhận những điều ấy, để Chúa có thể biến đổi chúng, và để chúng ta bén rễ sâu trong Thiên Chúa. “Cuối cùng, việc thiếu lòng biết ơn chân thành và cầu nguyện về những giới hạn của mình cũng ngăn cản ân sủng hoạt động cách hiệu quả hơn trong ta, vì không để chỗ cho tiềm năng tốt lành là một phần của cuộc hành trình đích thật của sự phát triển.”[19]

Cách tốt để kiểm tra tấm lòng của chúng ta với tư cách là mục tử là hãy hỏi xem chúng ta đối diện với đau khổ như thế nào. Chúng ta có thể thường hành động như thầy Lêvi hoặc những vị tư tế trong dụ ngôn. Họ bước sang một bên và phớt lờ người đàn ông bị thương (x. Lc 10,31-32). Hoặc chúng ta có thể phạm sai lầm gần như cách của họ, xem các tình huống trong trừu tượng và ẩn náu trong kiểu nói chung chung. Chẳng hạn như: “Đó là cuộc sống mà…”, hoặc “Chẳng có gì để làm!” Theo cách này, chúng ta rơi vào chủ nghĩa của thuyết định mệnh. Hoặc nếu không, chúng ta có thể gần rơi vào một loại xa cách mang tính cô lập và loại trừ. “Như ngôn sứ Giôna, chúng ta liên tục bị cám dỗ chạy trốn vào một nơi trú ẩn an toàn. Nó có thể mang nhiều tên: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thiêng liêng, sống trong một thế giới nhỏ bé…”[20] Điều ấy khiến chúng ta không còn nhân hậu từ bi. Điều này cuối cùng khiến chúng ta không thể đối diện với vết thương của chính mình, vết thương của người khác và do đó là chính vết thương của Chúa Giêsu.[21]

Dọc theo những điều tương tự, tôi muốn đề cập đến một thái độ tinh tế và nguy hiểm khác, như Bernanos ưa dùng, đó là “liều thuốc quí nhất của quỉ”[22]. Nó cũng gây tác hại nhất cho chúng ta là những người sẽ phục vụ Chúa, bởi nó gây ra sự chán nản, trống vắng và tuyệt vọng[23]. Thất vọng với cuộc sống, với Giáo hội hoặc với chính chúng ta, có thể cám dỗ chúng ta bám vào nỗi buồn hay nỗi đớn đau ngọt ngào mà các Giáo Phụ Phương Đông gọi là “acedia”. Đức Hồng Y Tomáš pidlík mô tả nó theo các thuật ngữ sau: “Nếu chúng ta bị tấn công bởi nỗi buồn phiền trong cuộc sống, khi đồng hành với tha nhân, hoặc chính chúng ta cô lập mình, thì đó là vì chúng ta thiếu niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa và công trình của Ngài…Nỗi buồn làm tê liệt mong muốn của chúng ta trong việc làm và cầu nguyện; nó khiến chúng ta khó sống với… Các tác giả ẩn tu đã chữa trị căn bệnh này từ xưa rồi. Họ gọi đó là kẻ thù tồi tệ nhất của đời sống tâm linh.”[24]

Tất cả chúng ta đều nhận thức được một nỗi buồn có thể biến thành thói quen và khiến chúng ta từ từ chấp nhận cái ác và sự bất công bằng kiểu nói: “Nó luôn là như thế”. Một nỗi buồn kìm hãm mọi nỗ lực thay đổi và hoán cải bằng cách gieo oán hận và thù địch. “Đó không phải là cách để chúng ta sống một đời sống xứng đáng và sung mãn; đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa đối với chúng ta, cũng không phải là đời sống trong Thần Khí bắt nguồn từ trái tim của Đức Kitô phục sinh.”[25], mà từ đó chúng ta được kêu gọi. Các anh em thân mến, khi nỗi buồn ngọt ngào đó đe dọa, chiếm lấy cuộc sống của chúng ta hoặc cộng đoàn của chúng ta, mà không sợ hãi hay gặp khó khăn gì, nhưng với quyết tâm vững chắc, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa Thánh Thần, để “đánh thức ta khỏi tình trạng đờ đẫn, giải thoát ta khỏi sự ì ạch của ta. Ta hãy nghĩ lại các làm việc của ta; hãy mở mắt mở tai và nhất là mở lòng, để đừng hài lòng với sự việc sao cứ để vậy, mà hãy để cho lời hằng sống và hiệu quả của Chúa phục sinh khuấy động ta.[26]

Tôi xin nhắc lại: những lúc khó khăn, tất cả chúng ta đều cần sự an ủi và sức mạnh của Chúa, cũng như của anh chị em chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ những lời cảm động mà Thánh Phaolô gửi đến các cộng đoàn của ngài: “Tôi xin anh em đừng nản chí khi thấy tôi phải gian truân vì anh em.” (Ep 3,13), và “Tôi muốn họ được phấn khởi trong tâm hồn.” (Cl 2,2). Bằng cách này, chúng ta có thể thực hiện sứ mạng mà Chúa trao mỗi ngày: “Hãy công bố Tin Mừng trọng đại cho toàn dân.” (Lc 2,10). Không phải bằng cách trình bày các lý thuyết thông thái hay các lố đạo đức phải làm, phải sống. Ngược lại, như những người ở giữa nỗi thống khổ, được Chúa biến đổi và biến hình, cũng như Gióp, họ có thể thốt lên: “Con biết rằng việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà lại không thành tựu.” (G 42,2). Nếu không có kinh nghiệm nền tảng này, tất cả công việc khó khăn của chúng ta sẽ chỉ dẫn đến sự thất vọng và thảm bại.

Trong cuộc sống, chúng ta đã thấy “cách mà với Chúa Kitô, niềm vui không ngừng phát sinh.”[27] Mặc dù có những giai đoạn khác nhau trong kinh nghiệm này, nhưng chúng tôi biết rằng, tuy có những yếu đuối và tội lỗi, nhưng “với một sự dịu dàng không bao giờ gây thất vọng nhưng luôn luôn có sức phục hồi niềm vui của chúng ta, Ngài làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại.”[28] Niềm vui đó không phải là kết quả của những suy nghĩ hay quyết định của chúng ta, mà là sự tự tin sinh ra với ý thức về lời chân thật của Chúa Giêsu dành cho Thánh Phêrô. Những lúc không chắc chắn, hãy nhớ những lời đó: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.” (Lc 22,32). Chúa phải là người đầu tiên để ta cầu nguyện và chiến đấu cho các bạn và cho tôi nữa. Và Ngài mời chúng ta nhập cuộc trong lời cầu nguyện của chính Ngài. Cũng có khi chúng ta cũng phải dự phần vào “lời cầu nguyện của Vườn Giếtsemani. Đó là những lời nguyện rất người và kịch tính nhất của Chúa Giêsu… Để từ đó, chúng ta tìm thấy lời cầu xin, đau khổ, khốn cùng và thậm chí là hoang mang. (Mc 14,33)[29].

Chúng ta biết rằng không dễ để đứng trước Chúa và để ánh mắt của Ngài chất vấn cuộc sống của chúng ta, chữa lành vết thương lòng của ta và làm sạch đôi chân của ta với bụi bặm trên bước đường, vốn ngăn cản ta không thể tiến lên. Trong khi cầu nguyện, chúng ta trải nghiệm “sự bất an” của người có phúc. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là môn đệ cần sự giúp đỡ của Chúa. Và chúng ta cần được giải thoát khỏi thuyết Pêlagiô có khuynh hướng “của những người ỷ vào sức riêng của mình và coi mình hơn những người khác vì biết được một số qui luật.”[30]

Anh em thân mến, Chúa Giêsu, hơn ai hết, nhận thức được những nỗ lực và thành quả của chúng ta, những thất bại và sai lầm của chúng ta. Ngài là người đầu tiên nói với chúng tôi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28-29).

Trong lời nguyện này, chúng ta biết rằng chúng ta không bao giờ cô đơn. Lời nguyện của một mục tử ôm lấy cả Chúa Thánh Thần, là Đấng giúp ta thưa: “Abba, Cha  ơi!” (x. Gl 4,6), và cả những người được giao phó cho ta chăm sóc. Sứ mạng và căn tính của chúng ta có thể được xác định bởi phép biện chứng này.

Lời nguyện của mục tử được nuôi dưỡng và thực hiện trong lòng Dân Chúa. Nó mang dấu ấn của những đau khổ và niềm vui của dân Ngài, những người mà mục tử âm thầm dâng lên Chúa để được xức dầu bởi ơn Chúa Thánh Thần. Đây là hy vọng của mục tử, người có lòng tin và van nài Chúa chăm sóc cho những yếu đuối của chúng ta với tư cách cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhận ra rằng trong lời cầu nguyện của dân Chúa, trái tim người mục tử cần tìm thấy vị trí thích hợp. Điều này giúp chúng ta tự do tìm kiếm câu trả lời nhanh chóng, dễ dàng, sẵn sàng; nó cho phép Chúa được trở thành một – không phải là cách thức và mục tiêu của riêng chúng ta – để dẫn đến một con đường hy vọng. Chúng ta đừng quên những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc sống của cộng đoàn sơ khai, như chúng ta đọc trong sách Công vụ Tông đồ. Nơi đó, cầu nguyện thực sự nổi lên như một kim chỉ nam để hướng dẫn.

Thưa các anh em, chúng ta hãy thực sự thừa nhận những điểm yếu của mình, nhưng cũng hãy để Chúa Giêsu biến đổi chúng; và một lần nữa, xin Ngài gửi chúng ta vào sứ mạng. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất niềm vui khi biết rằng chúng ta là “con chiên trong đàn chiên của Ngài” và Ngài là Thiên Chúa và là Mục Tử của chúng ta.

Để khuyến khích tâm hồn, chúng ta không nên bỏ qua phép biện chứng xác định căn tính của chúng ta. Đầu tiên, mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Bất cứ khi nào chúng ta quay lưng lại với Chúa Giêsu hoặc bỏ bê mối tương quan với Ngài, dần dần nhưng chắc chắn, cam kết của chúng ta bắt đầu phai mờ và đèn của chúng ta cạn dầu cần thiết để thắp sáng cuộc sống của chúng ta (x. Mt 25,1-13):  “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế,nếu không ở lại trong Thầy…vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5). Theo đó, tôi khuyến khích anh em đừng bỏ bê chuyện linh hướng. Hãy tìm một người mà anh em có thể nói chuyện, phản tỉnh, thảo luận và nhận định, chia sẻ với sự tin tưởng hoàn toàn và cởi mở trong hành trình của anh em. Một người anh em khôn ngoan cùng chia sẻ kinh nghiệm làm môn đệ. Tìm người anh em ấy để vui thỏa sự hướng dẫn, đồng hành và tư vấn của anh ta. Đây là một trợ giúp không thể thiếu để giúp anh em thực hiện chức vụ trong việc tuân theo ý muốn của Chúa Cha (x. Dt 10,9). Và để cho trái tim của anh em “có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu.” (Pl 2,5). Chúng ta có thể thấy ích lợi từ sách Giảng Viên: “Hai người thì hơn một,… Người này ngã đã có người kia nâng dậy. Nhưng khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả!” (Gv 4,9-10).

Khía cạnh thiết yếu khác của phép biện chứng này là mối tương quan của chúng ta với giáo dân. Hãy thúc đẩy mối quan hệ đó và mở rộng nó ra. Đừng tách rời với giáo dân, chức linh mục và cộng đoàn của anh em, hạn chế tìm nơi ẩn náu trong các nhóm kín và cục bộ. Cuối cùng, điều ấy khiến kìm hãm và đầu độc các tâm hồn. Một mục tử có trái tim của người được khuyến khích là một mục tử luôn luôn di chuyển. Trong “sự tiên phong” của chúng ta, đôi khi chúng ta “đi trước, thỉnh thoảng đi giữa, đôi khi đi sau: Đi trước để hướng dẫn cộng đoàn; đi giữa để khích lệ và nâng đỡ, và đi sau để giữ gìn sự hiệp nhất, để không ai lạc mất ở đàng sau… Cũng có nguyên do khác: bởi giáo dân của chúng ta có “mũi” cho nhiều thứ. Họ đánh hơi, khám phá, khai mở những con đường mới; họ có cảm thức đức tin – sensus fidei  (x. Lumen Gentium, 12)… Còn điều nào có thể đẹp hơn điều này?”[31] Chính Chúa Giêsu là hình mẫu của lựa chọn truyền giáo này; điều ấy dẫn chúng ta đến trái tim của giáo dân. Thật tốt biết bao khi chúng ta thấy vị mục tử chú ý đến mọi người! Sự hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá không gì khác hơn là đỉnh cao của phong cách truyền giáo. Điều đó là đặc trưng của đời sống Chúa Giêsu.

Thưa anh em linh mục, nỗi đau của rất nhiều nạn nhân, nỗi đau của dân Chúa và nỗi đau cá nhân của chúng ta, không thể đùa cợt hay xem thường. Chính Chúa Giêsu đã mang gánh nặng này lên thập giá, và bây giờ Ngài yêu cầu chúng ta canh tân sứ mạng nhằm đến gần những người đau khổ, đến gần mà không bối rối trước sự khốn cùng của con người, và thực sự biến tất cả những kinh nghiệm này thành của chúng ta, như là bí tích Thánh Thể.[32] Thời đại của chúng ta được đánh dấu bằng những vết thương cũ và mới. Nó đòi chúng ta phải là người xây dựng các mối tương quan và hiệp thông, cởi mở, tin tưởng và chờ đợi với hy vọng sự mới mẻ mà vương quốc của Thiên Chúa mong muốn mang lại cho đến ngày nay. Vì đó là vương quốc của những tội nhân được tha thứ, được kêu gọi làm chứng cho Lòng thương xót Chúa hằng hiện diện. “Vì Lòng thương xót Chúa tồn tại đến muôn đời.”

Ngợi Khen

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.” (Lc 1,46)

Làm thế nào chúng ta có thể nói về lòng biết ơn và khuyến khích, nếu không hướng về Đức Maria? Mẹ là người phụ nữ có trái tim bị đâm thâu (x. Lc 2,35), dạy chúng ta lời tán dương có khả năng nâng tầm nhìn của ta đến tương lai và khôi phục hy vọng đến hiện tại. Toàn bộ cuộc đời của Mẹ được chứa đựng trong bài hát ca Magnificat (x. Lc 1,46-55). Chúng ta cũng được mời hát bài đó như một lời hứa của sự hoàn thành trong tương lai.

Bất cứ khi nào tôi đến thăm một ngôi đền Thánh Mẫu, tôi thích dành thời gian nhìn vào Đức Mẹ và để Mẹ được chúc phúc nhìn tôi. Tôi tin tưởng cầu nguyện như trẻ thơ, niềm tin của những người nghèo đơn giản, người biết rằng mẹ của họ đang ở đó, và họ có một vị trí trong trái tim mẹ. Và khi nhìn Mẹ, để nghe một lần nữa, như Juan Diego, người Ấn Độ: “Chuyện gì xảy đến cho con trai út của tôi? Đừng để nó làm phiền lòng bạn. Tôi có ở đây không, tôi có vinh dự được làm mẹ của bạn không?”[33]

Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, “chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng. Nơi Mẹ ta thấy rằng lòng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của kẻ những kẻ yếu đuối, nhưng của những người mạnh không cư xử tồi tệ với người khác để cảm thấy mình là quan trọng.”[34]

Có lẽ đôi khi ánh mắt của chúng ta có thể bắt đầu mỏi mệt, hoặc chúng ta có thể cảm thấy sự thờ ơ lôi kéo ta mạnh mẽ, hoặc tự thương hại bén rễ trong trái tim chúng ta. Hoặc cảm thức về sự sống và thuộc về một phần Dân Chúa, bắt đầu khiến chúng ta mệt mỏi, và chúng ta cảm thấy bị cám dỗ rơi vào một nhóm thượng lưu. Vào những lúc đó, chúng ta đừng ngại quay sang Mẹ Maria và cất lên bài hát ca ngợi của Mẹ.

Có lẽ đôi khi chúng ta có thể cảm thấy bị lôi kéo, rút vào chính mình và các vấn đề của chính mình, an toàn khỏi bụi đường của cuộc sống hàng ngày. Hoặc hối tiếc, phàn nàn, chỉ trích và mỉa mai lấn át và khiến chúng ta mất đi khao khát để tiếp tục chiến đấu, hy vọng và yêu thương. Vào những lúc đó, chúng ta hãy nhìn vào Maria để Mẹ có thể giải thoát ta khỏi cái nhìn “bế tắc – clutter”. Điều đó ngăn ngừa chúng ta khỏi tình trạng đề phòng và cảnh giác; và do đó, chúng ta có khả năng nhìn thấy và tôn vinh Chúa Kitô sống động giữa dân Ngài. Và nếu thấy chúng ta sắp lạc lối, hoặc thất bại trong nỗ lực hoán cải, thì chúng ta hãy hướng về Mẹ như một linh mục giáo xứ vĩ đại nọ ở giáo phận trước đây của tôi, ngài cũng là một nhà thơ. Linh mục ấy hỏi Mẹ với nụ cười: “Tối nay, thưa với Mẹ /con xin hứa chân thành/ nhưng để khỏi bị quên / con để khóa ngoài cửa.”[35] “Mẹ là người bạn luôn luôn quan tâm để cuộc đời chúng ta không thiếu rượu. Mẹ là người phụ nữ có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu và đồng cảm với những nỗi đau của chúng ta. Là mẹ của mọi người, Mẹ là dấu hiệu hi vọng cho các dân tộc đang quặn đau để sinh ra công lý… Là người mẹ thực sự, mẹ đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ các phấn đấu của chúng ta và hằng bao bọc chúng ta bằng tình thương của Thiên Chúa.”[36]

Các anh em thân mến, một lần nữa, “tôi không ngừng cảm ơn anh em.” (Ep 1,16), vì sự cam kết và chức vụ của anh em. Vì tôi tin chắc rằng “Thiên Chúa lấy đi những viên đá chai cứng nhất, cái khiến hy vọng và mong đợi của chúng ta sụp đổ: cái chết, tội lỗi, sợ hãi, trần tục. Lịch sử nhân loại không kết thúc trước nấm mồ, vì ngày nay, lịch sử ấy gặp “viên đá sống động” (x. 1 Pr 2,4), là Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta xét như là Giáo hội, được xây trên Ngài; ngay cả khi chúng ta chán nản và bị cám dỗ để phán xét mọi thứ dưới ánh sáng của những thất bại, Chúa Giêsu đến làm cho mọi sự nên mới mẻ.”[37]

Ước sao chúng ta để lòng biết ơn bùng lên thành lời khen ngợi và hết lòng canh tân sứ vụ xức dầu của ta dành cho anh chị em của chúng ta với niềm hy vọng. Ước mong cuộc sống của chúng ta nên chứng tá cho lòng trắc ẩn và thương xót mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta.

Xin Chúa Giêsu chúc lành cho anh em và Mẹ rất thánh Đồng Trinh gìn giữ anh em. Và xin anh em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Thân mến,

Phanxicô.

Rôma, tại Đền Thánh Gioan Laterano, ngày 4 tháng 8 năm 2019, lễ kính nhớ thánh Curé of Ars

Chuyển từ Anh Ngữ: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Cf. Apostolic Letter Anno Iubilari (23 April 1929): AAS 21 (1929), 312-313.

[2] Address to the Italian Bishops’ Conference (20 May 2019). Spiritual fatherhood requires a bishop not to leave his priests as orphans; it can be felt not only in his readiness to open his doors to priests, but also to seek them out in order to care for them and to accompany them.

[3] Cf. SAINT JOHN XXIII, Encyclical Letter Sacerdotii Nostri Primordia on the hundredth anniversary of the death of the holy Curé of Ars (1 August 1959): AAS (51 (1959), 548.

[4] Cf. Letter to the People of God (20 August 2018).

[5] Meeting with Priests, Religious, Consecrated Persons and Seminarians, Santiago de Chile (16 January 2018).

[6] Cf. Letter to the Pilgrim People of God in Chile (31 May 2018).

[7] Meeting with the Priests of the Diocese of Rome (7 March 2019).

[8] Homily at the Easter Vigil (19 April 2014).

[9] Apostolic Exhortation Gaudete et Exsultate, 7.

[10] Cf. JORGE MARIO BERGOGLIO, Las cartas de la tribulación (Herder, 2019), 21.

[11] Cf. Address to the Parish Priests of Rome (6 March 2014).

[12]  Retreat to Priests. First Meditation (2 June 2016).

[13] A. SPADARO, Interview with Pope Francis, in La Civiltà Cattolica 3918 (19 September 2013), p. 462.

[14] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 137.

[15] Cf. Address to the Parish Priests of Rome (6 March 2014).

[16] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 268.

[17] Apostolic Exhortation Gaudete et Exsultate, 7.

[18] Cf. Apostolic Letter Misericordia et Misera, 13.

[19] Apostolic Exhortation Gaudete et Exsultate, 50.

[20]  Ibid., 134.

[21] JORGE MARIO BERGOGLIO, Reflexiones en esperanza (Vatican City, 2013), p. 14.

[22] Journal d’un curé de campagne (Paris, 1974), p. 135; cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 83.

[23] BARSANUPH OF GAZA, Letters, in VITO CUTRO – MICHAŁ TADEUSZ SZWEMIN, Bisogno di paternità (Warsaw, 2018), p. 124.

[24] L’arte di purificare il cuore, Rome, 1999, p. 47.

[25]  Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 2.

[26] Apostolic Exhortation Gaudete et Exsultate, 137.

[27] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 1.

[28] Ibid., 3.

[29] JORGE MARIO BERGOGLIO, Reflexiones en esperanza (Vatican City, 2013), p. 26.

[30]  Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 94.

[31] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 268-270.

[32] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 268-270.

[33] Cf. Nican Mopohua, 107, 118, 119.

[34]  Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 288.

[35] Cf. AMELIO LUIS CALORI, Aula Fúlgida, Buenos Aires, 1946.

[36] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 286.

[37] Homily at the Easter Vigil (20 April 2019).

Nguồn: dongten.net