Món quà corona

Lễ Truyền Tin thường rơi vào Mùa Chay, đặc biệt năm 2020 này, thánh lễ được cử hành ngay giữa cơn đại dịch Covid-19. Rất nhiều nhà thờ trên thế giới đã đóng cửa, vậy tín hữu sẽ dâng lễ ở đâu? Và dâng lễ như thế nào? Thoạt nghe những âm vọng của sự trầm buồn, nhưng sứ thần truyền tin cho Đức Maria đích thực lại là một Tin Mừng – Tin Vui cho Đức Maria và toàn thể nhân loại: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”(Lc 1,28). Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai…”(Lc 1,31), “Người sẽ nên cao cảvà sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32) “và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,33).

Điều đáng lưu tâm ở đây là tin vui vĩ đại này lại được loan báo cho một con người rất đỗi bình thường. Thiên Chúa đã đưa mắt ghé đến một thiếu nữ ngay giữa một xã hội trọng nam, một con trẻ trong một thế giới tôn kính tuổi tác và sự khôn ngoan. Dường như Thiên Chúa làm theo cách riêng, sắp xếp mọi sự vượt ngoài trí hiểu của con người.

Sợ hãi hay tin tưởng?

Cô Maria đặt câu hỏi là chuyện rất tự nhiên Việc ấy sẽ xảy ra cách nào(Lc 1,34a). Tuy nhiên, rất khác với Dacaria“Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? (Lc 1,18a). Rõ ràng, cùng một sứ thần Gaprien được sai đến, loan báo cùng một tin vui về việc sinh con, Dacaria đã tỏ sự nghi ngờ và ông đã bị câm bởi không tin (Lc 1,20). Trong khi đó, Maria tỏ sự bối rối, διαταράσσω, cần một lời giải thích rõ hơn và Cô đã được sứ thần đáp lời. Dacaria nghi ngờ đòi một dấu lạ, ông đã bị phạt. Còn thiếu nữ Maria không đòi dấu lạ nào cả, thì lại được thấy dấu lạ hiển hiện của Elisabeth.

Thật dễ dàng để mỗi người chúng ta thốt lên ‘tin vui ở đâu!?’ ‘việc đó xảy ra thế nào!?’ khi chưa ai tìm ra được vacxin trong khi dịch bệnh cứ cấp số nhân lan rộng? Tuy cùng một sự kiện nhưng sẽ có nhiều câu hỏi khác nhau. Liệu chúng ta thể hiện một sự lúng túng khó hiểu của niềm tin hay tra vấn Thiên Chúa đầy nghi ngờ?

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa..”(Lc 1,38). Đức Maria không đòi hỏi một sự xác nhận thay vào đó là bước đi trong niềm tin. Chính câu trả lời này của Đức Maria đã biến Mẹ thành môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu. Khi cử hành Lễ Truyền Tin năm nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tra vấn bản thân: Trong biến cố lịch sử này của nhân loại, thái độ tôi đối với Covid-19 như thế nào? Nếu khởi đitừ sự sợ hãi hơn là tin tưởng vào đường lối của Chúa, thì chúng ta quả là những môn đệ đáng thương.

“Đối với Chúa, không có gì là không thể làm được”(Lc 1,37)

Tin Mừng  – Tin Vui cho chúng ta là những người đang lần bước trong bóng đêm, trong hiện trạng Covid-19 hoành hành, chúng ta như bế tắc hoàn toàn không lối thoát. Thiên Chúa yêu thương quan phòng lẽ nào không biết những gì đang diễn ra sao!? Chúng ta vẫn đang nỗ lực bằng cả đôi tay và khối óc cố tìm ra vacxin để khống chế dịch bệnh. Nhưng ắt hẳn, cứ tới thời tới buổi, chính Thiên Chúa sẽ hoàn thành. Thiên Chúa khát khao, không chỉ những tài năng từ đôi tay mà còn tình yêu từ trái tim loài người. Ý Người sẽ được thể hiện, danh Người ắt được vinh danh hơn và vương quốc tình yêu của Người sẽ hiển trị đến vô cùng vô tận.

Thiên Chúa là Tình Yêu

Chúng ta luôn tin tưởng vào tình Chúa yêu thương. Nhưng ‘được yêu thương’ này không hứa hẹn một hành trình êm ả, dịu dàng. Maria được mời gọi “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc, 1,28). Cô được Chúa yêu thương tuyển chọn nhưng Người không đem đến thịnh vượng hay thoải mái. Thay vào đó, cô đã thụ thai khi chưa chính thức lập gia đình, rồi trốn sang Ai Cập để thoát khỏi kế hoạch sát hại của Hêrôđê (Mt 2,13). Hơn hết, là Maria chứng kiến con mình chết trên cây thập giá (Ga 9,25-27).

Maria được mệnh danh là người “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Maria ‘suy đi nghĩ lại’, trong tiếng Hy Lạp συμβάλλουσα, có nghĩa là so sánh. Maria đã gom chung tất cả các biến cố liên quan đến tin vui hôm nay lại, so sánh chúng, để thấy hiểu toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Lời Fiat thứ nhất trong buổi truyền tin hôm nay không tách rời với lời Fiat thứ hai dưới chân thập giá. Hành trình Xin Vâng này không thiếu những lúc cam go gần như bế tắc. Tuy vậy, không một dấu hiệu nào cho thấy sự than phiền trên môi miệng của Maria. Cô không hề trốn chạy khỏi ơn gọi của mình, nhưng “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Một khi ta song hành với Chúa, bước đi với Người, thì không một hoàn cảnh hay biến cố nào nằm ngoài ơn cứu độ, bởi “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Chúa”(Rm 8,28a)

Món quà thời gian

Ngay trong lúc này, chúng ta thỉnh cầu Thiên Chúa điều gì? Muốn người chữa lành tinh thần hay thể xác của chúng ta?

Chính lúc con người đang chờ đợi được chữa lành thể xác, Thiên Chúa đã và đang không ngừng tuôn đổ những ân huệ chữa lành tâm linh. Nhờ Coronavirus mà dường như cả nhân loại đang tận hưởng Mùa Chay một cách đúng nghĩa nhất. Mọi thứ dường như chậm lại và người người đang cảm nếm món quà thời gian. Bản thân được chữa lành từ những khiếm khuyết mà bấy lâu nay cuộc sống xô bồ không cho phép ta chăm sóc, yêu thương chính mình một cách đúng nghĩa.

Gia đình được chữa lành từ sự hiện diện bên nhau, san sẻ những buồn vui và tìm lại hơi ấm có thể đã vô tình đánh mất từ lâu. Loại bệnh lây lan hay ngay cả cái chết cũng không phân ly được họ, như trường hợp của đạo diễn Thường Khải (Chang Kai)bên Hoa Lục, ông không ngần ngại lo cho người thân nhiễm Covid-19. Từ cha, mẹ, rồi đến chị lần lượt qua đời, rồi vợ và con ông cũng bị nhiễm bệnh, và rồi cuối cùng ông cũng ngã gục vì Coronavirus.

Tình người được chữa lành là thế, đẹp biết bao từ hình ảnh linh mục Alberto Debbi khoác lại chiếc áo bác sĩcùng với đội ngũ thiên thần áo trắng khác để phục vụ. Tính cho tới nay, đã đến 50 linh mục tuyến đầu đã bị Coronavirus lấy đi sinh mạng. Quả thực, họ là những mục tử mang lấy mùi chiên!

Hơn thế nữa, ngay cả nền phụng tự cũng được chữa lành. Tín hữu khát khao đến nhà thờ hơn bao giờ hết, bù cho những lần thực hành hay tham dự nghi lễ với sự rỗng tuếch bên trong. Tin mừng tuần III Mùa Chay soi sáng: “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem…” (Ga 4,21) nhưng “người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật…” (Ga 4,23). Đây là cơ hội tình yêu và lòng khát khao Thiên Chúa thực lên đến đỉnh điểm. Nhà thờ (church) đóng cửa chứ Giáo hội (Church) không hề đóng cửa. Tín hữu là Giáo hội, vẫn mở cửa, vẫn hoạt động và vẫn đang cầu nguyện sốt mến không ngừng. Những giờ cầu nguyện cho nhau liên tục vang lên từ cá nhân, cộng đoàn…vươn rộng đến tầm vóc thế giới cùng chung một nhịp thở của con tim. Họ đang sát cánh bên nhau hơn bao giờ hết…vươn ra khỏi những rào cản của khu cách ly, vượt qua khỏi biên giới của các quốc gia.

Thời khắc này là món quà vô giá để con người lắng lại, để quay về, về với lòng mình và với mọi mối tương quan. Họ chưa từng có nhiều thời gian như vậy để chuẩn bị thật chuđáo cho cái chết của mình. Ngay cả họ không đến được nhà thờ hay không gặp được linh mục cho những gì cần thiết cuối đời, nhưng lại là cơ hội cho họ ăn năn cách trọn như Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn cụ thể vaticannews.va. Thực ra, đâu biết rằng họ là những người ra đi trong sầu khổ hay bình an hạnh phúc thật? Covid-19 có thể khiến họ khó thở cho đến khi hụt mất hơi, nhưng biết đâu Đức Kitô đã cho họ dồi dào dưỡng khí thần linh trong tâm hồn!? Không gì có thể tách họ ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, dù là gian truân, khốn khổ…hay ngay cả cái chết (Rm 8,35-39) Một khi để Thiên Chúa bước vào cuộc đời mình và bước vào lịch sử nhân loại như Maria đã làm, thì dù là đang sống hay sắp lìa đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi mà luôn sẵn sàng ra đi bình an. Không gì có thể thống trị chúng ta, bởi lẽ Coronavirus cũng chỉ “giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10,28)

Món quà tình yêu

Corona (κορώνη, crown) trong tiếng Latin có nghĩa là vương miện. Coronavirus tạm dịch là là loại virus có hình thù giống vương miện. Vương miện thường dành để tôn vinh cái đẹp, biểu hiện sự vinh thắng, nhất là được đội trên đầu cô dâu trong ngày cưới. Vương miện thuộc về những người hạnh phúc, đang sống trong tình yêu. Thế mà Coronavirus dường như đang có khả năng công phá nhân loại, đang huỷ hoại mọi lãnh vực từ kinh tế, chính trị, du lịch, giáo dục…Tuy nhiên, đừng quên rằng nó không có khả năng lật đổ tinh thần người ta. Người người đang thể hiện cái đẹp cho nhau, họ vượt thắng chính mình cũng như vượt biên cương mọi ngăn cách. Mùa Chay 2020 trở thành mùa ân sủng khi mọi thứ được trầm mình trong tĩnh lặng và cô tịch thực sự của sa mạc, nơi đó, con người được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ nhau và gặp gỡ cả chính mình. Họ đang sống trong Tình Yêu viết hoa đã nói trên. Họ đang yêu bằng một tình yêu dạt dào, nồng nàn nhất. Quả vậy, Coronavirus dù là tự nhiên hay là sản phẩm do con người tạo ra, nó đang gieo rắc tai hoạ trên thân xác con người, nhưng corona – vương miện, đã được Thiên Chúa trao tặng cho những ai đang sống tình yêu, sự bình an và hạnh phúc ắt tràn ngập tâm hồn. Chính Người chiếu ánh sáng vào giữa bầu khí u ám tối tăm đang bao trùm thế giới, Người biến đổi sự dữ trở nên lành thánh trong tình yêu quan phòng. Người vẽ một đường rất đỗi thẳng ngay băng ngang qua những quanh co rối bời.

Nhân loại sẽ không còn dễ dàng ngã quỵ trước Coronavirus nữa, mà sẽ dùng nó như là cơ hội quý báu để chiêm ngưỡng Chân, Thiện, Mỹ và để tận hưởng món quà Tình Yêu cứu độ như Tin Vui Đức Maria đã nhận được trong ngày truyền tin. Bởi lẽ, sau khi nỗ lực hết sức trong khả năng của mình, con người tin rằng Thiên Chúa có cách riêng để làm cho triều đại hoà bình và tình yêu của Người được hiển trị. Cho dù Coronavirus có lấy đi sinh mạng của nhiều người, nó vẫn không thể cướp đi tình yêu của họ được. Họ là những người hân hoan ra đi trong an bình với nụ cười mãn nguyện trên môi, bởi nơi họ tình yêu đánh bại sự chết. Quả vậy, giữa đại dịch Covid-19, khắp thế giới đang lao đao thổn thức, thì dưới ánh sáng của các bài đọc Mùa Chay cũng như qua cung cách hành xử của Đức Maria, đôi mắt tâm linh của chúng ta như được khai mở để đọc và đón nhận biến cố thời đại này như dấu chỉ của ân sủng, cho bản thân và cho toàn nhân loại, có phải thế không?

Emma Do, Fmsr

Nguồn: mancoichihoavn.com