Làm thế nào để đạt tới sự khiêm nhường tận căn?
Làm thế nào để ta có thể đạt tới sự hiểu biết về mình trên đường tập nhân đức khiêm nhường? Ở đây, ta có thể dựa vào ánh sáng Lời Chúa và một số kinh nghiệm của thánh Têrêxa Avila để giúp soi dẫn và củng cố đức khiêm nhường của mình. Những kinh nghiệm thiêng liêng và những hướng dẫn của Têrêxa Avila có thể giúp ta hiểu biết về một phương diện của đức khiêm nhường theo đúng nghĩa và hiểu sự thật về mình và giới hạn “không là gì cả” của kiếp người.
Khiêm nhường trong chân thật và thành thực theo cái nhìn của thánh Têrêsa Avila, ngài viết: “sở dĩ Thiên Chúa yêu quý đức khiêm nhường chính vì Thiên Chúa là Đấng chân thật vô cùng, mà những tâm hồn khiêm nhường cũng chẳng làm điều gì hay ho, ngoài việc bước đi trong chân thật, thành thực. Chúng ta là khốn cùng và hư vô. Bao lâu chưa biết rõ như vậy, chúng ta còn bước đi trong dối trá tự phỉnh gạt chính mình” (Thánh Têrêsa Avila, Lâu Đài Nội Tâm, 4, 10). Trong cuốn Đối Thoại 10 có đoạn: “lần nọ, Chúa Giêsu hỏi thánh nữ Catarina “con có biết con là ai, còn Ta là ai không?” Rồi Chúa trả lời luôn: “con không là gì cả; còn Ta là Đấng hằng hữu.” Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi: “hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Blaise Pascal (1623-1662) người Pháp – nhà bác học kiêm triết gia kiêm văn sĩ đã từng nhận biết rằng: “sự cao thượng của con người là ở chỗ tự biết mình khốn cùng và thấp hèn”. Còn “sự cao sang của Thiên Chúa sẽ vạch rõ cái thấp hèn của chúng ta, sự tinh tuyền của Ngài sẽ trình bày cái nhơ bẩn của chúng ta, sự khiêm hạ của Ngài sẽ trình bày cái ảo tưởng của chúng ta… Một vật đen sẽ thấy rõ là đen hơn, khi để bên vật trắng tinh… đàng khác, nhìn lên những thiện hảo của Thiên Chúa sẽ đem lại nhiều phấn khởi khuyến khích hơn là nhìn xuống bùn lầy các khốn cùng của chúng ta” (Thánh Têrêxa Avila, Lâu Đài Nội Tâm, 1,2). Thánh Têrêxa còn cảnh tỉnh ta: “chúng ta hãy coi chừng thứ khiêm tốn giả hiệu do ma quỷ bày vẽ để lường gạt. Nó làm dậy lên những lo âu sợ hãi không cùng bằng cách xiên xỏ bàn bạc về những cái tày trời của tội lỗi chúng ta. Nếu nghe theo nó, linh hồn chúng ta tưởng như sắp mất đến nơi, không còn hy vọng gì nữa. Và như vậy thì tất cả những công đức và việc lành của chúng ta đều vô ích còn làm nữa làm chi. Đức khiêm nhường dù thẳm sâu đến đâu cũng không đem lại lo âu sợ hãi và rối loạn trong tâm hồn; trái lại nó luôn đi kèm với bình an nội tâm, với sự vui mừng và sự an nghỉ. Đã hẳn ai thấy rõ tội lỗi khốn cùng của mình, thì cũng khiếp sợ tội lỗi và hỏa ngục. Tuy nhiên khi đức khiêm nhường là chân thật, thì tâm tình sợ hãi ấy không hề gây rối loạn tâm hồn, mà trái lại còn làm cho chúng ta gắn bó tin tưởng vào (lòng thương xót) Thiên Chúa”. (thánh Têrêxa Avila, Đường Hoàn Thiện, ch 41).
Thánh Phêrô cho ta biết “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5b). Ta cần phải cảnh giác với thứ tri thức khiêm nhường mà ta tự sắm cho mình bằng những suy tư yếu đuối của mình… Những tri thức khiêm nhường này có khi đi ngược lại với tri thức khiêm nhường về Thiên Chúa, chưa kể có khi nó còn là một loại hình kiêu ngạo được ngụy tạo do vô tình hay hữu ý. Cần điều chỉnh tri thức khiêm nhường của mình sao cho nên giống những tri thức khiêm nhường của Chúa, cần khiêm cung về sự nhỏ bé thấp hèn của mình trước cái vô cùng của thiện hảo cao sang của Thiên Chúa. Ta cũng cần biết phối hợp giữa tâm hồn thống hối thảm thiết với yêu mến Chúa nồng nàn, tâm tình tôn thờ Chúa với khát vọng vươn lên khỏi bợn nhơ [1], ý thức về giới hạn yếu đuối bất lực của mình cách chân thành… Giống như thánh Têrêxa Avila luôn điều chỉnh chính mình, nhìn mình qua Thiên Chúa dưới ánh sáng Thiên Chúa. Nhờ thế thánh nhân đã nhận ra rằng “các ân huệ Thiên Chúa càng cao, chúng ta càng tự nhiên thấy mình thấp hèn.” (Têrêxa Avila, Tiểu Sử Tự Thuật, ch 15). Và thánh nhân vẫn thường thúc giục mọi người “hãy hướng nhìn lên Chúa Kitô là sự thiện hảo cho chúng ta. Chính nơi Ngài mà chúng ta học lấy bài học khiêm tốn và chân thành” (x.Têrêsa Avila, Lâu Đài Nội Tâm, 1,2). Khiêm nhường của chúng ta chỉ chân thật và tri thức về mình chỉ đúng đắn khi mặc lấy sự khiêm tốn và chân thành của Thiên Chúa. Vì chính nơi Chúa Kitô mới có sự khiêm nhường “chính cống” phát xuất từ Thiên Chúa là nơi nguồn mạch mọi sự: thánh thiện, bình an, quân bình, trầm tĩnh, tự do và giàu sức lan tỏa tốt lành./.
[1]Sự không tốt lành, sự không trong sạch, sự không tinh khiết; sự dơ bẩn, sự ô uế tội lỗi…
JB. Lâm Văn Trung