Tài liệu hội trưởng gia đình tháng 02 năm 2022

HỘI TRƯỞNG GIA ĐÌNH GPBN – Tháng 02/2022

  1. LỜI CHÚA: Thứ Tư sau CN IV TN: Mt 15,1-6

HTGDGPBN T2-2022 (pdf)

II. SUY NIỆM: GẶP GỠ TRONG YÊU THƯƠNG

Chúa Giê-su vạch mặt thói đạo đức giả của một số người Pharisiêu và kinh sư. Ngài nêu bật những mâu thuẫn của họ khi họ đến than phiền với Chúa về vấn đề: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”

Tất cả các nền văn hóa trên thế giới đều có truyền thống riêng của họ. Về nguyên tắc, không có gì sai khi tuân theo các truyền thống. Rửa tay trước khi ăn hoàn toàn có ý nghĩa tích cực, chắc chắn Chúa Giê-su không ác cảm với việc rửa tay trước khi ăn. Vấn đề nảy sinh khi ai đó nghĩ rằng truyền thống của riêng họ là chuẩn mực cho tất cả mọi người, như thể đó là thứ mà chính Chúa đã ra lệnh.

Vì thế, Ngài đặt lại câu hỏi cho những người Pharisiêu và kinh sư:“Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử’. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”.

Câu hỏi của Chúa cũng đặt ra cho chúng ta hôm nay: Ai có thẩm quyền xác định điều gì đúng và điều gì sai? Phải chăng luật pháp của Thiên Chúa là do con người áp đặt?

Thật sự, Chúa Giêsu muốn nêu bật một khái niệm rất đơn giản: cần phải phân biệt giữa điều răn của Thiên Chúa và điều luật chỉ là truyền thống của con người. Người đã dâng lễ phẩm cho Thiên Chúa thì không cần phải thờ cha kính mẹ nữa là một điều vô lý. Thật ra, một người thực sự kính sợ Chúa sẽ hiểu rằng, tình yêu thương đối với cha mẹ thậm chí còn quan trọng hơn lễ vật dâng lên đền thờ. Chúa Giê-su không coi thường truyền thống của con người nhưng mời gọi con người tránh trở thành nô lệ của những truyền thống đó.

Những ngày tết về là những ngày của những cuộc gặp gỡ. Đó là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt vì Tết là sum họp, là hàn huyên. Người ta có thể cảm thấy hân hoan phấn khởi vì đã có thể gặp gỡ, chu toàn một nghi lễ trong những ngày tết quây quần đoàn tụ. Nếu những cuộc gặp gỡ chỉ qua loa chiếu lệ thì có lẽ con người đang trở thành nô lệ của truyền thống. Nhưng nếu gặp gỡ nhau bằng con tim chân thành và trong suốt, đặc biệt là những cuộc gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình, thì ắt hẳn là lúc Thiên Chúa đang hiện diện vì “đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời”.

Lạy Chúa Giêsu, dịp tết là dịp của những cuộc gặp gỡ, xin Chúa cho mỗi người gia trưởng chúng con biết gặp gỡ nhau bằng con tim chân thành, trong sạch để có thể nhận ra những nét tốt đẹp nơi những người anh chị em của chúng con. Amen!

* Gợi ý Suy gẫm và Chia sẻ:

  1. Tôi sẽ gặp gỡ, thăm hỏi với những người thân trong gia đình, Hội Đoàn, Xứ Họ của tôi với thái độ nào? Câu nệ hình thức bề ngoài hay là bằng thái độ chân thành chia sẻ?
  2. Tôi mong muốn nhận ra những nét đẹp nào nơi những con người tôi gặp gỡ trong những ngày Tết Âm Lịch này để có thể nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa?

III. CẦU NGUYỆN CHO CÁC HỘI VIÊN MỚI QUA ĐỜI:

1- Giuse Nguyễn Văn Sơn – Nhà xứ Vinh Tiến

2- Phanxicô Xaviê Đặng Huy Lai – Nhà xứ Hữu Bằng

3- Anrê Đào Cương Quyết – Nhà xứ Bảo Sơn

4- Giuse Nguyễn Văn Lập – Nhà xứ Xuân hoà

5- Đaminh Nguyễn Văn Ứng – Nhà xứ Nhã Lộng

6- Giuse Nguyễn văn Thưởng – Họ Lực Hành – Xứ Lực Tiến

7- Giuse Nguyễn Văn Bài – Thanh Giã  – Bắc Giang

8- Đaminh Nguyễn Văn Nhi – Thanh Giã – Xứ Bắc Giang

9- Gioakim Nguyễn Ngọc Thắng – Ngọc Liễn – Xứ Ngọ Xá

  1. THÁNH GIUSE: Luôn để Chúa dẫn đưa

Ý Chúa, lịch sử và kế hoạch của Ngài vẫn hoạt động, ngay cả qua nỗi sợ hãi của Thánh Giuse. Vì thế, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng: đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng Ngài có thể hành động cả khi chúng ta sợ hãi, mỏng manh và yếu đuối. Ngài cũng dạy chúng ta rằng: giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn.

Người cha xót thương vì ta yếu đuối

Kẻ ác khiến chúng ta thấy được và lên án sự yếu đuối của chúng ta, trong khi Thánh Thần đưa nó ra ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng. Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không thể chấp nhận sự yếu đuối, sự mong manh của bản thân chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12,10). Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, nơi chúng ta cảm nghiệm được sự thật và lòng dịu dàng của Ngài là điều rất quan trọng. Nghịch lý thay, kẻ ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta, nhưng họ làm vậy chỉ để lên án chúng ta. Chúng ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta. Sự thật ấy luôn được bày tỏ cho chúng ta như người cha nhân hậu trong dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15,11-32).

(Trích Tông Thư Patris Corde, Bản dịch của HĐGM – Việt Nam)

Lm. Đặc trách HTGĐGPBN   

Fx. Nguyễn Văn Huân