Lược sử giáo họ Sen Hồ

1.     Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Tổ dân phố Sen Hồ, Phường Nếnh, Thị xã Việt Yên, Thành phố Bắc Giang.

Bổn mạng: Nhà thờ ngoài (Nếnh Trần) Phanxicô Xavier (03/12), nhà thờ trong (Nếnh Sen) Vicente (05/4)

Giáo dân: Hiện nay, giáo họ Sen Hồ có khoảng 250 nhân danh. Công việc chính yếu của bà con là làm nông nghiệp, buôn bán và làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp.

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, đoàn trống, Caritas.

Nhà thờ: Nhà thờ ngoài (Nếnh Trần) được tiến hành trùng tu và nối dài từ năm 2012 đến 2017,nhà thờ trong ( Nếnh Sen ) cũng được tiến hành Đại trùng tu từ năm 2019 dến 2021. Khu đất nhà chung phía nhà thờ trong ( Nếnh Sen) có diện tích 2,654,3m2

2.     Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo họ Sen Hồ được hình thành từ khá muộn, khoảng năm 1983. Tuy nhiên, trước khi giáo họ Sen Hồ được Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng thiết lập năm 1983, thì hạt giống Tin Mừng đã được gieo trồng trên mảnh đất Sen Hồ từ khá sớm.

Hiện nay, không ai còn nhớ rõ Lời Chúa đã được loan truyền trên mảnh đất này từ khi nào. Nhưng dựa vào danh tính 4 vị Đầu Mục trong giáo họ bị bắt thời vua Tự Đức khoảng năm 1859 đến 1862[1] là: cụ Bùi Danh Phác (Gioan Hai Phác), lương y, 60 tuổi thuộc họ Nếnh Trần; cụ Bùi Khoái (Phanxicô Nghiêm), 40 tuổi thuộc họ Nếnh Trần; cụ Trần Văn Tỉnh (Giuse Tỉnh) quân nhân, 30 tuổi thuộc họ Nếnh Sen; và cụ Trần Văn Thuận (Phêrô Nghi) nông dân, 30 tuổi thuộc họ Nếnh Sen, có thể suy đoán rằng, trước năm 1862, hạt giống Tin Mừng đã được gieo trồng trên mảnh đất này khoảng gần 200 năm trước.

Mặc dù được đón nhận đức tin từ khá sớm nhưng cây đức tin Sen Hồ có lúc tưởng như đã chết khô vì bom đạn và ly tán. Năm 1954, hầu hết tín hữu thuộc hai giáo họ Nếnh Sen và Nếnh Trần theo dòng người di cư vào Nam. Số còn lại hoặc là vì ốm đau không thể đi hoặc vì chữ hiếu nên bám trụ lại quê hương để chăm sóc cha mẹ già. Từ đó, nhà thờ không có người đến đọc kinh. Những người ở lại chỉ biết sống đức tin trong âm thầm bằng việc đọc kinh riêng tại gia đình.

30 năm sau( năm 1983), nhờ ơn Chúa việc sống đạo được dễ dàng. Đồng thời, vì khu vực Sen Hồ là nơi khá thuận lợi để làm ăn và phát triển kinh tế, cho nên có thêm nhiều tín hữu từ nơi khác đến đây lập nghiệp. Nhờ đó, Cây Đức Tin Sen Hồ dần được hồi sinh. Năm 1983, đánh dấu một thay đổi lớn trong cơ cấu tổ chức giáo họ khu vực Sen Hồ. Năm ấy, Đức Giám mục Phaolô Phạm Đình Tụng đã quyết định gộp hai họ Nếnh Sen và Nếnh Trần thành giáo họ Sen Hồ. Đó cũng là lý do tại sao hiện nay, giáo họ Sen Hồ trở thành giáo họ duy nhất trong Giáo Phận có 2 nhà thờ khang trang.

3.     Đời sống đức tin

Hiện nay, giáo họ Sen Hồ được coi sóc bởi cha Giuse Nguyễn Văn Nguyên. Hằng tuần, cha đến dâng lễ tại giáo họ vào tối thứ Tư và thứ Bảy, mỗi tuần tại một nhà thờ của giáo họ. Kể từ khi giáo họ có các cha về dâng lễ hằng tuần, đời sống đức tin trong dân họ ngày một tăng triển.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển Cây Đức Tin Sen Hồ, chúng ta cùng tạ ơn Chúa với giáo họ, vì ngay từ khi hình thành với tiền thân là giáo họ Nếnh Sen và Nếnh Trần, cây đức tin nơi đây đã trổ sinh những “hoa trái tốt lành” là 4 vị Đầu Mục, các ngài đã sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đức tin tinh tuyền. Lòng can đảm của các ngài không chỉ là niềm tự hào của thế hệ trẻ giáo họ Sen Hồ nhưng đã trở thành nguồn độc lực giúp cho nhiều thế hệ con cháu quảng đại dâng mình phục vụ Chúa và tha nhân. Trong số những người con ấy có cha Vicente Trần Thế Thuận, cha Phanxicô Trần Văn Khánh, linh mục dòng Biển Đức; Sơ Nghi dòng Tiểu Muội; Sơ Vui dòng Tiểu Muội; Sơ Quỳnh và Sơ Sáu dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức; và thầy phó tế Phanxicô Trần Văn Vinh. Hy vọng rằng, cây đức tin nơi đây tiếp tục trổ sinh nhiều bông hạt. Để rồi nhờ hương thơm tỏa ra từ đời sống bác ái yêu thương của người tín hữu nơi đây, niềm vui Tin Mừng Cứu Độ được lan tỏa đến hết mọi người dân xung quanh mảnh đất Sen Hồ thân yêu.

[1] Đinh Đồng Phương, Giáo Phận Bắc Ninh, 1993, tr.55