Lược sử Giáo họ nhà xứ Yên Cư

1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Thôn Yên Cư, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Bổn mạng: Thánh Antôn Pađôva (13/6).

Giáo dân: Họ nhà xứ Yên Cư có khoảng hơn 800 nhân danh (2021). Giáo dân Yên Cư quanh năm gắn bó với ruộng động. Một phần người dân tham gia vào các nhà máy xí nghiệp. Đời sống kinh tế đang dần được cải thiện. 

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn, đoàn kim nhạc, đoàn trống, đoàn trắc, hội Cursillo, hội Caritas, huynh đoàn giáo dân Đaminh.

Nhà thờ: Nhà thờ hiện tại của xứ Yên Cư được xây dựng năm 2008 và khánh thành năm 2012. Nhà thờ có diện tích: chiều dài khoảng 31.5m, rộng 11m, mái cao 15m, tháp cao 27m. Nhà thờ có 2 quả chuông: 1 quả nặng 157kg, 1 quả nặng 400kg.

Các giáo họ trực thuộc: Bố Hạ

2. Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch sử hình thành và phát triển giáo họ Yên Cư gằn liền với sự phát triển giáo họ Sàn, giáo xứ Mỹ Lộc. Năm 1917, có 4 anh em nhà cụ Phanxicô Nguyễn Văn Biểu từ giáo họ Sàn lên vùng đất thuộc họ Yên Cư để lập nghiệp. Cùng đi với cụ Phanxicô Lệ còn có 7 gia đình khác: gia đình cụ Anna Nguyễn Thị Hẻo; cụ Phanxicô Nguyễn Văn Ngỗng; chi nhà bố ông quản Giới; gia đình nhà bố bà Anna Luật; cụ Giuse Đê; gia đình ông trùm Phanxicô Bình; gia đình nhà bố ông Khuông.

Đó là những tín hữu đầu tiên của giáo họ Yên Cư, phần đa trong số đó là những người đang sống và sinh hoạt tại giáo họ Sàn. Do đó, trong những ngày đầu hình thành giáo họ Yên Cư, mọi sinh hoạt về đức tin của người giáo dân nơi đây vẫn thường diễn ra tại giáo họ Sàn. Nhưng sau đó, những người tín hữu nơi đây đã dựng lên ngôi nhà nguyện đầu tiên bằng cây tre, tường đất và mái rạ. Có người cho rằng ngôi nhà thờ này nằm ngay trên mảnh đất của ngôi nhà thờ hiện tại. Một số khác lại cho rằng, ban đầu, các vị tiền nhân dựng ngôi nhà thờ bằng mái rạ cách vị trí hiện tại khoảng 300m, giáp với bờ sông Thương.

Quả thực, thật khó để xác định vị trí ngôi nhà thờ thứ nhất, vì hiện nay tất cả những người đầu tiên tới mảnh đất này đã trở về quê thật là Nước Trời. Hơn nữa, không còn bất kỳ một dấu tích nào minh chứng cho thấy vị trí dựng ngôi nhà thờ đó nữa. Tuy nhiên, qua một vài nhân chứng, đặc biệt là cụ Anna Nguyễn Thị Thái (sinh 1919), con cụ Phanxicô Nguyễn Văn Hội, cho biết trước khi ngôi nhà thờ thứ 2 được xây dựng năm 1942, mọi người đã tập chung đọc kinh cầu nguyện tại ngôi nhà nguyện bằng rạ này.

Vào giữa thế kỷ XX, đạo công giáo phát triển khá mạnh tại khu vực huyện Yên Thế. Trong giai đoạn này, có nhiều bằng chứng cho thấy tương quan giữa các tín hữu nơi đây với những người xung quanh diễn ra rất tốt đẹp. Năm 1942, có cụ Đinh Quang Chiểu, người làng Cầu Gồ, thuộc tôn giáo bạn, đã hiến tặng bộ khung gỗ giúp cho giáo họ Yên Cư dựng lên ngôi nhà thờ thứ 2 thay thế cho ngôi nhà thờ kiểu trình tường đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà nguyện này được hoàn thiện ngày 5/5/1946, do cha Niêm, cha xứ Mỹ Lộc làm phép (còn giấy tờ viết tay). Theo giáo dân nơi đây kể lại, trong khi dựng ngôi nhà thờ thứ 2 này, có nhiều người không cùng tôn giáo đã quảng đại đóng góp công sức và tiền của để giúp giáo họ sớm có nơi họp nhau cầu nguyện. Đó là những dấu chỉ tốt đẹp cho một tương lai tươi sáng. Hy vọng rằng, những tình cảm tốt đẹp giữa các tôn giáo trên mảnh đất Yên Thế và Tân Yên này, sẽ mãi mãi được gìn giữ và lưu truyền. Để rồi, mối tương quan đó sẽ trở nên những giá trị văn hóa thiêng liêng làm kim chỉ nam cho con cháu sau này.

Trải qua thời gian hơn 50 năm, ngôi nhà thờ bằng gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, số giáo dân trong dân họ ngày một gia tăng. Vì thế, năm 2008, cha xứ Giuse Nguyễn Văn Khiêm và mọi tín hữu trong dân họ đã chung tay khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới. Nhờ ơn Chúa giúp, cùng với sự giúp đỡ quảng đại của mọi người trong và ngoài Giáo phận, giáo họ Yên Cư đã hoàn thiện ngôi nhà thờ mới với diện tích khoảng gần 400m2 . Nhà thờ có tổng chiều dài khoảng 31.5m, rộng 11m, mái cao 15m, tháp cao 27m. Nhà thờ có 2 quả chuông: 1 quả nặng 157kg, 1 quả nặng 400kg. Ngày 20 tháng 12 năm 2012, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt về chủ sự Thánh lễ làm phép nhà thờ họ Yên Cư, cùng với hơn 20 linh mục đồng tế và hơn 2000 giáo dân trong và ngoài giáo xứ đến tham dự.

Trước năm 2014, giáo họ Yên Cư và Bố Hạ là hai trong 5 giáo họ thuộc về giáo xứ Mỹ Lộc. Ngày 15 tháng 5 năm 2014, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt bổ nhiệm cha Giuse Trần Đức Huyên làm cha xứ giáo xứ Lục Hạ. Từ đó, Yên Cư và Bố Hạ thuộc về giáo xứ Lục Hạ. Tuy vậy, vào năm 2021, cha Gioakim Nguyễn Văn Thoan đã xin Đức cha tách Yên Cư ra khỏi giáo xứ Lục Hạ và nâng giáo họ Yên Cư lên hàng giáo xứ và đã được Đức Cha chấp thuận. Vào năm 2022, Đức Cha đã bổ nhiệm cha Giuse Ngô Ngọc Đoàn về làm cha xứ của giáo xứ Yên Cư. Đến nay, giáo xứ có khoảng 206 hộ, với hơn 800 nhân danh nằm rải rác trên 5 xã thuộc 2 huyện Yên Thế và Tân Yên.

3.  Đời sống đức tin

Giáo xứ Yên Cư đến nay đã được 100 tuổi. Một thế kỷ không phải là dài nhưng thời gian đó cũng đủ để nói lên biết bao nhiêu thăng trầm đối với sự hình thành và phát triển của một giáo họ. Từ một nhóm người ít ỏi, Yên Cư hiện nay đã trở thành một giáo họ lớn mạnh. Từ một ngôi nhà thớ bé nhỏ và khiêm tốn khi mới lập họ, nay giữa lòng giáo họ đã mọc lên ngôi thánh đường rộng rãi và khang trang. Không chỉ dừng lại ở đó, từ khi có cha về quản nhiệm, giáo xứ Yên Cư có Thánh lễ tất cả các ngày trong tuần. Các hội đoàn được cha thành lập và củng cố. Cơ sở vật chất đầy đủ cho các nhu cầu của dân họ. Hy vọng rằng với ơn Chúa, qua sự hướng dẫn của cha xứ, cùng với nỗ lực sống đức tin trọn hảo, mảnh đất này sẽ làm cho hạt giống Tin Mừng của Đức Kitô sinh hoa quả gấp trăm.

BTT Giáo Phận