Lược sử Giáo họ Nghĩa Thượng

1. Thông tin cơ bản

Địa chỉ: Thôn Nghĩa Thượng, xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Năm thành lập: Đầu thế kỉ XIX.

Bổn mạng: Thánh Đaminh (08/08).

Giáo dân: Giáo họ Nghĩa Thượng có khoảng 38 nhân danh, sống chủ yếu tại thôn Nghĩa Thượng, xã Minh Đức. Giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp, công nhân. Đời sống tương đối ổn định.

Nhà thờ: Nhà Thờ Nghĩa Thượng được hoàn thành năm 2002 với kích thước: dài 17m, rộng 8m, hai cánh thánh giá rộng 12m, mái cao 6m, hai tháp cao 12m treo 01 quả chuông nặng 120kg. Tổng diện tích khuôn viên 3.041m2.

2. Lịch sử hình thành và phát triển

Nghĩa Thượng vốn là một ngôi làng bắc việt đã có lịch sử lâu đời. Theo nghiên cứu của cha giáo sư Đaminh Thân Toàn Vũ (người con quê hương Nghĩa Thượng), hai cụ tổ lập nên hai làng Nghĩa Thượng và Nghĩa Hạ vốn là hai anh em ruột. Lúc đầu hai làng này chỉ là một. Tuy nhiên sau này vì bất hòa, một cụ ở lại Trại Giẻ (tức Nghĩa Hạ ngày nay), một cụ chuyển đi, lập nên Trại Mới (tức Nghĩa Thượng ngày nay). Theo nghiên cứu của cha Giuse Nguyễn Mạnh Tăng (người con quê hương Nghĩa Thượng), cái tên Nghĩa Thượng ngày xưa để chỉ một địa bàn dân cư công giáo toàn tòng từ thời vua Minh Mạng năm 1820.

Lịch sử đón nhận Tin Mừng của giáo họ Nghĩa Thượng hiện nay không còn sổ sách nào ghi lại cách đầy đủ. Tuy nhiên, dựa vào một số dữ kiện lịch sử thì giáo họ Nghĩa Thượng được đón nhận đức tin vào khoảng cuối thế kỉ XVIII. Giáo họ Nghĩa Thượng gần với các xứ họ có truyền thống đức tin lâu đời như: Trung Lai, Rèn, Nghĩa Hạ, Thiết Nham, Như Thiết. Các xứ họ này được lãnh nhận Tin Mừng bởi các cha thừa sai Đaminh Manila vào những năm cuối thế kỉ XVIII. Hơn nữa, từ khi hình thành Nghĩa Thượng vốn thuộc về giáo xứ Thiết Nham, trong sử liệu về cha thành Giuse Đặng Đình Viên có nói về việc cha từng mục vụ tại giáo họ thuộc Rèn, Thiết Nham, Như Thiết vào khoảng năm 1821-1838. Như vậy, giáo họ Nghĩa Thượng là một giáo họ có lịch sử lâu đời, được đón nhận Tin Mừng và hình thành từ nửa sau thế kỉ XVIII.

Tư liệu về những ngôi nhà thờ được dựng lên đầu tiên tại Nghĩa Thượng thì hiện nay không còn. Năm 1930, Alle Kính (OP) khi đó là cha xứ Thiết Nham đã cùng dân họ Nghĩa Thượng hoàn thành ngôi nhà thờ khá lớn. Nhà thờ có chiều dài 27m, rộng 12m  Trong thời gian chiến tranh, ngôi nhà thờ đã bị bom đạn đã tàn phá phần lớn. Ngày nay chỉ còn bức tường mặt tiền nhà thờ còn đứng vững với thời gian. Đến năm 1950, Nghĩa Thượng là một giáo họ lớn có 160 hộ với khoảng 850 nhân danh (theo nghiên cứu cha Giuse Nguyễn Văn Tăng). Năm 1952, hầu hết giáo dân Nghĩa Thượng phải chịu chung cảnh với giáo dân các xứ họ lân cận, bị lính pháp dồn lên ở quanh bốt quân sự, tại núi Mỏ Thổ.

Biến cố năm 1954, hầu hết giáo dân Nghĩa Thượng di cứ vào miền nam khiến cho họ đạo Nghĩa Thượng gần như bị xóa sổ. Những tín hữu di cư vào miền nam lập lên xứ Bắc Hoà (Giáo phận Xuân Lộc) và xứ Tử Đình (TGP Sài Gòn). Chỉ còn duy nhất gia đình cụ bà Maria Thân Thị Phúc còn ở lại để gìn giữ, bảo vệ những gì còn sót lại của nhà thờ sau bom đạn. Vì chỉ còn lại một mình, nên gia đình bà Maria Phúc gặp muôn ngàn khó khăn, bị theo dõi, nghi kị, phân biệt đối xử của xã hội. Tuy nhiên, bà vẫn một lòng tín thác nơi Chúa. Về sau, có một số gia đình công giáo đến Nghĩa Thượng sinh sống, nhưng rồi phần lớn cũng bỏ đi. Năm 1999, cha Đaminh Nguyễn Xuân Hùng làm phép rửa cho một số gia đình trở lại đạo. Lúc bấy giờ, số nhân danh họ Nghĩa Thương lên tới 60. Tuy nhiên, sau có nhiều người không còn giữ đức tin.

Năm 2002, với sự giúp đỡ của bà con giáo dân miền Nam gốc Nghĩa Thượng, đặc biệt là hai cha quê hương: Giuse Nguyễn Mạnh Tăng và Đaminh Nguyễn Thế Hoạt, giáo họ Nghĩa Thượng đã xây dựng ngôi nhà thờ mới dựa trên nền ngôi nhà thờ cũ. Năm 2003, bà con giáo dân từ nam ra bắc hân hoan chào đón Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến về khánh thành và làm phép ngôi nhà thờ mới này. 

3. Đời sống đức tin.

Hiện nay, Giáo họ có Thánh lễ vào 6h00 sáng Chúa Nhật hằng tuần. Hàng ngày, cộng đoàn đọc kinh tối chung tại nhà thờ. Giáo họ Nghĩa Thượng có số nhân danh rất khiêm tốn giữa những cộng đoàn anh chị em tông giáo bạn nên đời sống đức tin còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng bỏ đạo, không sống đức tin hoặc giữ đạo cách hời hợt vẫn còn nhiều.

BTT Giáo Phận