Lược sử Giáo họ nhà xứ Bến Cốc
- Thông tin cơ bản
Địa chỉ: Thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Bổn mạng: Thánh Vinhsơn (05/04).
Giáo dân: Giáo họ Bến Cốc có 674 nhân danh, chiếm tỉ lệ 2,33% trên tổng số khoảng 29.000 dân cư địa bàn 2 xã Thanh Xuân và Phú Cường (năm 2022). Giáo dân Bến Cốc chủ yếu sống tập trung trong làng Đồi Cốc. Ngoài làm ruộng, người dân Bến Cốc mưu sinh bằng nhiều nghề, nổi bật là làm việc tại các công ty, xí nghiệp và đổ bê tông. Cần nói thêm rằng, nhờ nghề đổ bê tông, giáo dân Bến Cốc, Nội Bài, Bến Đông, Kim Anh… nhiều lần đóng góp công sức giúp giáo phận thi công những công trình quan trọng như: Trung tâm mục vụ, Nhà khách Nữ Vương Hòa Bình Tam Đảo, Nhà thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh…
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, huynh trưởng và giáo lý viên, hội Bảo vệ sự sống, 02 ca đoàn, đoàn trống và đoàn kim nhạc.
Nhà thờ: Nhà thờ Bến Cốc được xây dựng năm 2010 với kích thước: chiều dài 37m, chiều rộng 13,9m. Nhà thờ có 3 tháp chuông, trong đó tháp cao nhất khoảng 39,5m.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Thập niên 30 của thế kỷ XIX, để trốn tránh lệnh cấm đạo gắt gao của vua Minh Mạng, 4 gia đình ngư dân Công Giáo ngược dòng sông Cà Lồ đến Bến Đầu Đá (nay thuộc thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân) định cư. Cuối thế kỷ XIX, khi được tự do hành đạo và điều kiện sinh sống thuận lợi, có thêm một số gia đình Công Giáo đến định cư tại thôn Đồi Cốc. Bấy giờ, khu vực Đồi Cốc khoảng 50 nhân danh. Trong thời gian cha Vinhsơn Hiển coi sóc giáo xứ Nội Bài, ngài chọn thánh Vinhsơn làm đấng Bảo trợ giáo họ Bến Cốc. Như vậy, tính đến năm 2022, giáo họ Bến Cốc trải qua gần 200 năm kể từ ngày đón nhận Tin Mừng.
Nhà thờ giáo họ Bến Cốc tọa lạc bên cạnh dòng sông Cà Lồ, dòng sông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nhiều giáo xứ, giáo họ thuộc hai giáo hạt Nội Bài và Vĩnh Phúc. Năm 1881, giáo họ Bến Cốc xây dựng ngôi nhà nguyện tiên khởi với diện tích khoảng 40m2 bằng nguyên liệu tre, nứa và lợp mái rạ. Năm 1936, thời cha già Chung coi sóc giáo xứ Nội Bài, dân họ Bến Cốc xây dựng ngôi nhà phòng 3 gian với diện tích khoảng 100m2 làm nơi sinh hoạt đức tin và hội họp.
Năm 1941, một cuộc hỏa hoạn kinh hoàng thiêu rụi hầu như toàn bộ làng Đồi Cốc. Ngôi nhà nguyện giáo họ bị cháy tan tành mây khói. Năm 1944, với sự giúp đỡ và hướng dẫn của cha Gioakim Nguyễn Văn Toàn, giáo dân họ đạo Bến Cốc đóng góp công của xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng tường gạch và mái gói, với diện tích khoảng 150m2. Do ảnh hưởng tình hình chiến sự, cộng thêm nạn đói khủng khiếp năm 1945 và biến cố di cư 1954, sau gần 20 năm xây dựng, ngôi nhà thờ mới hoàn thành. Năm 1962, trong niềm vui khôn tả của bà con dân họ, cha Giuse Nguyễn Hữu Tất, cha xứ Yên Mỹ tới dâng thánh lễ khánh thành và làm phép nhà thờ Bến Cốc nhân ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Năm 2010, số giáo họ Bến Cốc khoảng 650 nhân danh. Hơn nữa, sau nửa thế kỷ, ngôi nhà thờ giáo họ xuống cấp trầm trọng. Do đó, cha Giuse Trần Quang Khiêm cùng dân họ chung tay xây dựng ngôi nhà thờ mới. Ngày 28/12/2010, giáo họ Bến Cốc khởi công xây dựng ngôi nhà thờ hiện tại. Trải qua 5 năm thi công với biết bao khó khăn lao nhọc, ngôi nhà thờ được hoàn thành trong niềm vui vô bờ bến bà con giáo họ Bến Cốc. Ngoài ngôi thánh đường khang trang, giáo họ Bến Cốc còn xây dựng đền thánh Vinhsơn trên dòng sông Cà Lồ. Cách xa hàng cây số, mọi người dễ dàng nhìn thấy ngôi thánh đường diễm lệ và đền thánh sừng sững bên dòng sông Cà Lồ thơ mộng.
- Đời sống đức tin
Xuyên suốt 200 năm hình thành và phát triển, giáo họ Bến Cốc trải qua biết bao biến cố lịch sử thăng trầm. Đã có lúc, đức tin của dân họ tưởng như tàn lụi bởi ngọn lửa tàn khốc thiêu rụi hầu như toàn bộ nhà cửa xóm đạo. Đã có lúc, bom đạn kinh hoàng như muốn phá tan tành mọi dấu vết Tin Mừng trên mảnh đất này. Tuy nhiên, “Lửa thử Vàng, gian nan thử đức”, đời sống đức tin giáo họ Bến Cốc trở nên vững vàng hơn nhờ thanh luyện trong gian nan, thử thách. Nhờ đức tin kiên cường của tiền nhân, hạt giống Tin Mừng được gieo trên mảnh đất Bến Cốc đã trổ sinh nhiều bông hạt trong vườn Giáo Hội. Giáo họ Bến Cốc đóng góp cho cánh đồng truyền giáo 01 linh mục và nhiều nữ tu trong cũng như ngoài giáo phận.
Ngoài ra, các hội đoàn trong dân họ không ngừng thăng tiến cả số lượng lẫn chất lượng. Giáo họ Bến Cốc đã thành lập được các hội đoàn: huynh đoàn Đaminh giáo dân, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, huynh trưởng và giáo lý viên, ca đoàn giới trẻ và ca đoàn Thánh Gia, đoàn trống, đoàn kim nhạc và hội Bảo vệ sự sống. Đặc biệt, Bến Cốc là nơi có nghĩa trang thai nhi lớn nhất miền Bắc với khoảng 76.000 thai nhi (số liệu năm 2017). Theo một thành viên trong hội Bảo vệ sự sống chia sẻ, mỗi ngày họ thu gom từ 20 – 50 thai nhi bị phá bỏ để chôn cất. Đây là công việc ý nghĩa, đầy tình người nhưng cũng đòi hỏi không ít sự hy sinh của giáo dân họ đạo Bến Cốc.
Hy vọng rằng, nhờ ơn Chúa và lời bầu cử của thánh Vinhsơn Quan thầy, mảnh đất Bến Cốc ngày càng sinh hoa trái, thể hiện qua đời sống đức tin sống động và công việc bảo vệ sự sống đầy tính nhân văn mà dân họ đang thực hiện.
BTT Giáo Phận