Cử Hành Thánh Thể: Bài 44 – Mời Gọi Rước Lễ
WHĐ (19/8/2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 44: MỜI GỌI RƯỚC LỄ
I/ NGHI THỨC
Sau khi đọc thầm lời nguyện chuẩn bị rước lễ (NTTL 131), linh mục cúi mình, cầm bánh Thánh Thể trên đĩa thánh hay chén thánh cho các tín hữu thấy, quay về phía cộng đoàn để mời họ dự tiệc bằng việc đọc rõ tiếng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Sau đó, dùng lời Tin Mừng để bày tỏ lòng khiêm nhượng, ngài cùng với giáo dân đọc: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (NTTL 132; QCSL 84, 157).
II/ LỊCH SỬ – Ý NGHĨA
Nhằm dẫn tư tế và cộng đoàn bước vào phần rước lễ, có nhiều lời nguyện khác nhau từ phụng vụ miền Franc, đặc biệt là các lời nguyện đọc thầm, đã được đưa vào trong Thánh lễ thời Trung cổ, nhất là từ sau thế kỷ VIII cho đến thế kỷ IX. Số lời nguyện này càng ngày càng gia tăng nhưng rồi bị loại bỏ rất nhiều cùng với những bài hát rườm rà. Chúng được trình bày, chuẩn mực hóa và sử dụng ở cấp độ hoàn vũ vào thế kỷ XVI với Sách lễ 1570.[1]
Bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng kinh Đây Chiên Thiên Chúa (Ecce Agnus Dei) trước khi rước lễ dường như nằm trong quyết định của Synod Aix (1585). Nhằm đạt được mục đích là xác nhận niềm tin vào Thánh Thể, những lời trong kinh này thường được đọc bằng tiếng mẹ đẻ. Rất nhiều Synod cũng như các giáo phận thuộc Đức và Pháp, trong thế kỷ XVIII và sau đó, đã hạ lệnh phải sử dụng tiếng mẹ đẻ trong nghi thức này. Vào năm 1614, nhóm 3 công thức là: (1) kinh Tôi thú nhận (Confiteor) cùng với lời xá giải; (2) kinh Đây Chiên Thiên Chúa (Ecce Agnus Dei; (3) và kinh Lạy Chúa con chẳng đáng (Domine non sum dignus) đã được đưa vào nghi thức rước lễ của lễ nghi Rôma, tất nhiên là phải đọc chúng bằng tiếng La tinh. Khi lễ nghi Rôma thay thế các lễ nghi của giáo phận thì cũng dẫn đến việc loại trừ đọc các kinh này bằng tiếng mẹ đẻ. Cho đến trước Công đồng Vaticanô II, kinh Tôi thú nhận (Confiteor) được người giúp lễ đọc nhân danh đoàn dân, còn linh mục đọc kinh Lạy Chúa con chẳng đáng (Domine non sum dignus).[2]
Trong Sách lễ 1474, tư tế đọc lời kinh: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa…” 3 lần và ngài đấm ngực mỗi lần đọc. Tư tế đọc một chuỗi những lời nguyện ngắn khi ngài cầm lấy và rước Mình Thánh Chúa; rồi hai lời nguyện tiếp theo được đọc đang khi ngài tiếp nhận Máu Thánh. Nếu cộng đoàn lãnh nhận Thánh Thể, giáo dân tại các nhà thờ giáo xứ sẽ đọc kinh “Tôi thú nhận” (Confiteor) y như phụng vụ các dòng tu hồi thế kỷ XII-XIII và theo sau là công thức xá giải như trong “Nghi thức cho bệnh nhân rước lễ.” Đoạn tư tế cầm lấy Mình Thánh giơ lên cho dân chúng thấy và mời gọi họ rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa...”, và cộng đoàn lập lại 3 lần: “Lạy Chúa, con chẳng đáng…”.[3] Điều cần lưu ý ở đây là việc hiệp lễ của các tín hữu thời bấy giờ chỉ liên hệ một chút với phần còn lại của Thánh lễ và họ thường lãnh nhận Thánh Thể của những Thánh lễ trước được lưu giữ trong nhà tạm như cách thức rước lễ của bệnh nhân vậy.[4]
Sách lễ hiện nay (kể từ năm 1970) đã loại bỏ kinh “Tôi thú nhận” ra khỏi chỗ này vì đã được đưa vào nghi thức thống hối lúc đầu lễ; cũng loại bỏ hành động đấm ngực của tư tế vì xem ra dư thừa; chỉ còn lại một lời mời gọi đi trước nghi thức rước lễ dành cho cả tư tế lẫn dân chúng và thay vì lặp lại 3 lần, hiện nay dân chúng chỉ đáp lại lời “Đây Chiên Thiên Chúa, …” của linh mục bằng cách đọc bản văn “Lạy Chúa, con chẳng đáng…” cùng với tư tế một lần mà thôi nhằm tránh tình trạng tách biệt giữa hiệp lễ của tư tế và hiệp lễ của dân chúng. Như vậy, nghi thức này đã được đơn giản hóa.[5] Rõ ràng, tất cả các công thức ở đây bao gồm lời mời gọi và lời chuẩn bị cuối cùng để rước lễ đều được rút tỉa từ những lời của Thánh Kinh (x. NTTL 132; QCSL 84, 157).[6]
Câu mở đầu “Đây Chiên Thiên Chúa, Đây Đấng xóa tội trần gian” liên kết chặt chẽ với câu vừa hát trong bài Agnus Dei khi bẻ bánh, tức câu mà thánh Gioan Tẩy giả đã dùng để giới thiệu Chúa Giêsu (x. Ga 1,29.36). Qua câu này, Hội Thánh tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô nơi các yếu tố Thánh Thể: bánh và rượu được hiến thánh đã trở nên Mình và Máu Chúa Kitô đang hiện diện cách hữu hình giữa chúng ta như “bánh bởi trời …ban sự sống cho thế gian” (Ga 6,33).[7] Sự khác biệt đáng kể ở đây là bản văn phụng vụ dùng hạn từ “tội” ở số nhiều (peccata) chứ không ở số ít (peccatum) như trong bản văn Kinh Thánh. Do câu mở đầu chưa phải là lời mời gọi đúng nghĩa, nên phải thêm nửa câu sau “phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”: đây không những là lời mời chúng ta đến hiệp lễ mà còn đến dự bữa tiệc của Con Chiên trong nước trời.[8] Câu sau này được mượn từ sách Khải huyền (19,9) cốt để liên kết bữa tiệc với đề tài Con Chiên, nhằm giúp chúng ta hiểu rằng Thánh Thể vừa là sự chuẩn bị vừa là sự tiền dự vào bữa tiệc vĩnh cửu của Con Chiên, vào đời sống viên mãn cho tương lai chúng ta trên thiên đàng. Như vậy, nó gợi lên một lần nữa sự viên mãn của Hội Thánh sẽ được hoàn thành trên thiên quốc.[9]
Phụng vụ Đông phương ở chỗ này có một lời mời gọi dân chúng từ ĐGM, nhưng đồng thời cũng là lời khuyên phải canh chừng sự bất xứng của bản thân khi lên rước lễ, lời ấy là: “Của Thánh chỉ dành cho người thánh” (Sancta sanctis). Lời này được tìm thấy trong một số bản văn của thế kỷ IV, chẳng hạn trong tài liệu Hiến chế các Tông đồ (cuối thế kỷ IV). Sau lời của ĐGM, dân chúng đáp lại rằng: “Chỉ có một Đấng Thánh, một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, làm vinh quang Chúa Cha.”[10]
Phụng vụ Tây phương không quên bày tỏ niềm tin tưởng cùng với tâm tình cung kính và khiêm tốn thích hợp của cộng đoàn Dân Chúa đang ngước nhìn Thánh Thể – một bí tích quá cao vời – họ cầu xin mình được chữa lành, chỉ dám tiến tới gần bàn thánh để lãnh nhận Thánh Thể với tâm tình của viên sĩ quan tại Capharnaum, vì thế sau kinh Đây Chiên Thiên Chúa do linh mục loan báo, tất cả mọi người cùng đọc với linh mục những lời vốn dĩ được xác định là đã xuất hiện từ thế kỷ X: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con, nhưng xin Chúa chỉ phán một lời, thì linh hồn con lành mạnh”.[11]
Lời tuyên xưng này phỏng theo lời của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng, ông nêu gương cho những người tiếp nhận Thánh Thể bằng thái độ khiêm hạ và tin tưởng của mình vào quyền năng của Chúa. Quả thực, với lời lẽ khiêm tốn và đức tin của mình, ông đã thuyết phục Chúa Giêsu chữa lành cho tôi tớ của ông (x. Mt 8,8; Lc 7,6-7). Lời kinh này có những ý nghĩa sau: (1) Thứ nhất, thể hiện cộng đoàn như một thân mình; (2) Thứ hai, là hành vi tạ ơn và tuyên xưng đức tin của cộng đoàn; (3) Thứ ba, diễn tả sự khiêm nhường của cộng đoàn khi nhận mình bất xứng và tội lỗi nên cần đến ơn sức mạnh và chữa lành của Chúa: được chữa lành và làm cho mạnh sức không phải về phương diện thể lý (Mt 8,8), nhưng là được chữa lành phần hồn để được ơn cứu độ, được sống đời đời. Hiệu lực này vừa do bởi Lời được công bố (lời của viên sĩ quan) lẫn do bởi sự hiệp thông bí tích (hiệp lễ).[12] Như vậy, nó được coi là diễn tả một cách rõ nét nội dung của Hiến chế Phụng vụ Thánh về “Sự hợp nhất của Thánh lễ”: “Có thể nói Thánh lễ gồm hai phần, phần Phụng vụ Lời Chúa và phần Phụng vụ Thánh Thể. Hai phần này được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất” (PV 56 ). Đúng vậy, tất cả chúng ta đều bất xứng và là bệnh nhân trong tâm hồn, đang khi đó, gởi cho giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô cảnh cáo: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11,29). Bởi thế, chúng ta càng ý thức phải chuẩn bị cho thật kỹ lưỡng thế nào trước khi tiến đến bàn thánh để hiệp lễ.[13]
III/ MỤC VỤ
– Chủ tế cúi sâu trước lúc cầm Bánh Thánh nâng lên trên đĩa thánh/trên chén thánh như một dấu hiệu cung kính Thánh Thể mà ngài sắp rước lấy. Sau đó, nhằm mời gọi các tín hữu đến dự tiệc của Đức Kitô, chủ tế giữ Mình Thánh trên đĩa thánh/trên chén thánh ở độ cao của tầm mắt mình chứ không nâng cao quá,[14] ngài hướng mắt nhìn vào Thánh Thể và đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Các tín hữu đã quỳ vào lúc kết thúc kinh Agnus Dei trước đó nay vừa ngắm nhìn Thánh Thể trong đức tin và lòng mến vừa thưa đáp lại lời mời của linh mục: “Lạy Chúa con chẳng…” ( NTTL 132; QCSL 43, 150, 157, 179, 243, 268, 274, 276).[15]
– Chúng ta thường thấy chủ tế trưng Thánh Thể cho cộng đoàn thấy bằng cách khép hai phần Bánh Thánh vừa mới bẻ ra lại với nhau. Thực hành này là phổ biến nhất nhưng không bắt buộc, và rõ ràng, không thể thực hiện được khi Bánh Thánh lớn được bẻ ra làm nhiều miếng nhỏ hơn.[16]
– Chủ tế có thể giơ Mình Thánh Chúa trên đĩa thánh hoặc trên chén thánh, nhưng giữ Mình Thánh trên chén thánh là một biểu tượng mạnh mẽ hơn về hiệp lễ vì Thánh Thể được trưng ra với cả hai hình: bánh và rượu. Lưu ý rằng, không đưa Mình Thánh lên cao mà không có chén thánh/đĩa thánh cầm ở dưới (x. NTTL 132; QCSL 84, 157, 243; LNGM 163).[17] Các linh mục đồng tế không giơ Mình Thánh đã nhận lên cao như chủ tế mà chỉ đơn giản là giữ Mình Thánh trong tay mình (x. QCSL 243).[18]
– Lời đáp lại sau lời mời của chủ tế: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mt 8,8; Lc 7,6-7) cần được đọc lên cách trang nghiêm, chậm rãi để mọi người có thể ý thức tâm tình bên trong.[19]
_____
[1] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 109.
[2] Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 372-73.
[3] Ibid.; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 356, 370-71.
[4] Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 139-140.
[5] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 211.
[6] J. D. Crichton, Understanding the Mass, 3rd edition (Londong/New York: Geoffrey Chapman, 1993), 112-13.
[7] John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 177.
[8] Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 126.
[9] Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 211-12; John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist, 177; Turner, At the Supper of the Lamb, 140; Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992), 209.
[10] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 206-07, 211; Le Gall, La Mess au fil de ses rites,209; Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 117.
[11] X. A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 81; Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 109.
[12] X. David Power, “Theology of the latin Text and Rite” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 619; Kevin Irwin, Models of the Eucharist (New York: Paulist Press, 2005), 112.
[13] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 454-55.
[14] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 154; Edward McNamara, “Elevating the Host and Chalice,” (April 30, 2012), https://www.ewtn.com/catholicism/library/elevating-the-host-and-chalice-4626.
[15] Sean Swayne, Gather Around the Lord: A Vision for the Renewal of the Sunday Eucharist (Dublin: Columba Press, 1987), 93.
[16] André Mutel et Peter Freeman, 154.
[17] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 330; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 157; Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 675.
[18] X. DeGrocco, no. 243.
[19] X. DeGrocco, no. 157.