Cử Hành Thánh Thể: Bài 45 Rước Lễ
WHĐ (26/8/2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 45: RƯỚC LỄ
I/ NGHI THỨC
Sau khi cộng đoàn đọc chung “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (NTTL 132), linh mục đứng hướng về bàn thờ, đọc thầm “Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con…”, và kính cẩn rước Mình Thánh Chúa Kitô. Ðoạn ngài cầm chén thánh, đọc thầm: “Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con…”, và kính cẩn rước Máu Thánh Chúa Kitô (NTTL 133; QCSL 158). Sau đó, vị tư tế cầm đĩa thánh hay bình thánh, tiến đến chỗ những người rước lễ thông thường đi lên theo hàng mà cho họ rước lễ (QCSL 160). Ngài nâng Bánh Thánh lên một chút trước mặt từng người và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”. Người rước lễ thưa “Amen” và rước lễ (NTTL 134). Trong lúc linh mục rước lễ thì bắt đầu hát ca hiệp lễ (NTTL 136; QCSL 86).
II/ LỊCH SỬ – Ý NGHĨA
A/ Mình Thánh Chúa Kitô – Amen
Về mặt lịch sử, trong thời kỳ đầu của Hội Thánh, cả Đức Giám mục và dân chúng đều rước Mình Máu Thánh Chúa cách đơn giản trong thinh lặng, nhưng do nhu cầu phải nói ra lời ý nghĩa của hành động rước lễ mà nảy sinh ra nhiều công thức khác nhau đi kèm với việc cho rước lễ. Ở Syria (thế kỷ IV), Phi châu và Rôma (thế kỷ V), khi trao Bánh Thánh, người ta dùng câu nói “Mình Thánh Chúa Kitô”; khi trao Máu Thánh, người trao nói: “Máu Thánh Chúa Kitô, thức uống của sự sống” nhằm diễn tả chính những lời của Chúa Giêsu khi thiết lập bí tích Thánh Thể; và người rước lễ đáp lại “Amen” như lời tuyên xưng đức tin. Công thức “Mình Thánh Chúa Kitô” – “Amen” lần đầu tiên được ghi lại bởi thánh tiến sĩ Ambrôsiô (+ 397). Tuy nhiên, vào đầu thời Trung cổ, tại Rôma, thói quen rước lễ với công thức kèm theo dường như biến mất.[1]
Vào thế kỷ thứ IX, khi trao Bánh Thánh thì chủ tế đọc: “Xin Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta gìn giữ linh hồn con”. Đến thế kỷ XI, Hội Thánh thêm vào “in vitam aeteram” thành ra câu “Xin Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta gìn giữ linh hồn con được sống muôn đời”. Những công thức trên đây là những lời cầu chúc hoặc ước nguyện hơn là lời tuyên xưng đức tin của người rước lễ. Đồng thời, các sách phụng vụ bắt đầu đưa vào những lời nguyện đi kèm với việc rước lễ của linh mục. Bản văn đó đã được chuẩn hóa và liệt kê trong Sách lễ 1570. Chúng là một bộ những công thức ngắn được vị tư tế đọc trước khi rước Mình Máu Thánh, mỗi phần bao gồm lời cầu xin Thánh Thể gìn giữ linh hồn của ngài được sống muôn đời. Còn trong lúc cho từng người rước lễ, vị tư tế nói: “Xin Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô gìn giữ con được sống muôn đời” và ngài cũng phải thêm câu đáp: “Amen.”[2]
Ngày nay, vị linh mục chủ tế, với tư cách chủ sự việc dâng lễ theo cách thức từ xưa, trước hết, như được mô tả trong QCSL 158/ NTTL133: “…ngài đứng hướng về bàn thờ, đọc thầm: “Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống đời đời” (công thức I), và kính cẩn rước Mình Thánh Chúa Kitô; Ðoạn ngài cầm chén thánh đọc thầm: “Xin Máu Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống đời đời” (công thức II) và kính cẩn rước Máu Thánh Chúa Kitô. Hai công thức trên (công thức I & công thức II) chỉ trở nên phổ thông từ thời Sách lễ 1474. Thật ra nguồn gốc của chúng là lời nguyện của linh mục đọc lên khi cho bệnh nhân hiệp lễ. Sau đó, chúng mới đựợc đem vào Sách lễ, nhưng thay đổi đại danh từ ngôi thứ II sang ngôi thứ I (Xin gìn giữ CON).[3]
Trong Nghi thức Thánh lễ gần đây, khi cho mỗi người rước lễ, thừa tác viên giơ cao Mình Thánh [trên đĩa (hứng) một chút] và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô.” Người lãnh nhận thưa: “Amen”, rồi lãnh nhận Mình Thánh. Khi rước Máu Thánh thì cũng làm như vậy, nhưng với câu nói “Máu Thánh Chúa Kitô” (x. NTTL 134). Cuộc đối thoại ngắn ngủi này có những ý nghĩa sau:[4]
1/ Thứ nhất, câu “Mình (Máu) Chúa Kitô” nghĩa là trong hình bánh (rượu) này thực sự có Mình (Máu) Thánh Chúa Kitô. Lời đáp “Amen” nghĩa là đúng như vậy, tôi tin chắc như vậy. Bởi thế, tiếng Amen ở đây thành một lời tuyên xưng đức tin và bày tỏ niềm vui cũng như sự sẵn sàng của tâm hồn để tiếp nhận tặng phẩm Chúa ban (De sacramentis IV, 25).[5] Amen lúc này là lời khẳng định căn tính của tín hữu lãnh nhận Thánh Thể rằng họ là chi thể của Thân Mình Đức Kitô cũng như cam kết dấn thân để sống như chi thể/thành viên của Nhiệm Thể này là Hội Thánh. Theo cha Jean Yves Garneau, SSS, Amen lúc này có nhiều ý nghĩa: (1) Vâng, lạy Chúa, con biết rằng Ngài đang đến với con và ban Mình Máu Ngài cho con dưới hình bánh và rượu; (2) Vâng, lạy Chúa, con đón rước Ngài và con yêu Ngài hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn và con”; (3) Vâng, lạy Chúa, con muốn đi theo Ngài và xây dựng Vương quốc của Ngài”; (4) Vâng, con muốn là môn đệ Ngài, và trở lên giống như Ngài. Con muốn dâng hiến đời mình cho hoà bình, cho công lý và cho sự cứu rỗi trần gian.[6]
2/ Thứ hai, vì Mình Thánh Chúa Kitô không chỉ nguyên sự hiện diện vật lý của thân xác phục sinh của Chúa, mà còn chỉ thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24), thân thể mà Người đã thiết lập và đang tiếp tục sống trong lịch sử, thân thể mà mỗi chúng ta là chi thể, và chúng ta đang xây dựng bằng đức ái. Nếu câu Mình Thánh Chúa Kitô hiểu theo nghĩa thứ hai này, tiếng Amen có một ý nghĩa thứ hai tương ứng là khi thông hiệp với Mình Thánh Chúa, tôi muốn góp phần xây dựng và củng cố sự hiệp nhất của thân thể Người là Hội Thánh. Như vậy, nghi thức nhỏ bé này vừa là việc tuyên xưng đức tin, vừa là một dấn thân trong đức ái (Thánh Augustinô).
B/ Rước lễ dưới hai hình
Ý định của Chúa Giêsu và của Hội Thánh là các tín hữu nên lãnh nhận cả Mình và Máu Chúa Kitô (x. Ga 6,53-56). Vì vậy, rước lễ dưới hai hình đã là một thói quen lâu đời trong Hội Thánh ngay từ thời sơ khai cho tới thế kỷ XII, ngoại trừ các trường hợp như bị đau nặng hay trẻ em được Rửa tội và Thêm sức.[7] Hầu hết các Hội Thánh Đông phương, Anh giáo và Cải chánh cũng đều thực hành việc rước lễ cả hai hình dù có những lý do thần học khác nhau. Từ chối không rước Máu Thánh bị coi là dị giáo hay mê tín.[8]
Nhưng rồi, đã có một thời gian, bắt đầu từ thế kỷ XII và tiếp tục trong thế kỷ XIII, bên Tây phương dần dần bỏ việc hiệp lễ dưới hình rượu, ngoại trừ linh mục chủ tế, các tín hữu Công giáo chỉ rước lễ dưới hình bánh mà thôi. Công đồng địa phương (Lambeth) đã ra quyết định (năm 1281) cấm các giáo dân rước Máu Thánh.[9] Đến thế kỷ XIV, kể như tập tục cho rước lễ dưới một hình bánh (sub una) trở nên phổ biến khắp Tây phương. Công đồng Constance năm 1415 đã tuyên bố hiệp lễ dưới một hình (sub una) là luật của Hội Thánh.[10] Công đồng Trentô (khóa XXI, ngày 16/07/1562) đã ấn định việc hiệp lễ một hình là hợp pháp và không làm cho bí tích bị giảm suy chút nào bởi vì dù chỉ chịu lễ một hình, các tín hữu cũng lãnh nhận trọn vẹn Chúa Kitô (totus Christus – DZ-Sch, 1729) và tất cả ân sủng của bí tích (QCSL 281-282).
Bên Công giáo, trong suốt nhiều thế kỷ, trừ linh mục chủ tế, các tín hữu chỉ rước Mình Thánh là vì những lý do:[11] (1) Thứ nhất, nhấn mạnh đến việc nhìn thấy và ao ước tôn thờ sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể hơn là lãnh nhận Thánh Thể. Các tín hữu chỉ có thể thấy Mình Thánh mà không thấy được Máu Thánh đựng trong chén, cho nên Máu Thánh thành ra như một yếu tố thứ yếu;[12] (2) Thứ hai, do phát sinh những lạm dụng bất kính đối với Chúa và vì sợ lây bệnh (lý do vệ sinh);[13] (3) Thứ ba, sợ làm đổ Máu Thánh; (4) Thứ tư, số giáo dân rước lễ mỗi ngày ít đi do quá nhấn mạnh đến thần tính của Chúa Kitô và đòi hỏi phải xưng tội trước khi rước lễ; đồng lúc với việc kiệu Mình Thánh cho bệnh nhân được đề cao, mà mang Mình Thánh thì dễ hơn là mang Máu Thánh; (5) Thứ năm, tư thế rước lễ chuyển từ đứng sang quỳ mà quỳ làm cho việc rước lễ từ chén thánh trở nên khó khăn; (6) Thứ sáu, làm mất nhiều thời gian hơn.[14]
Tuy vậy, chịu lễ dưới hai hình được coi như là một dấu chỉ có hình thức tròn đầy hơn (x. PV 55) và là cách thức ý nghĩa nhất cho những người lãnh nhận Thánh Thể tham dự vào Hy tế Tạ ơn. Vì theo hình thái này, dấu chỉ về bữa tiệc Thánh Thể xuất hiện một cách toàn vẹn hơn cũng gần như khi tham dự một bữa tiệc thông thường, thực khách không chỉ ăn hay chỉ uống.[15] Thêm nữa, nó còn biểu tỏ một cách rõ rệt hơn Giao ước mới và vĩnh cửu được xác nhận trong Máu Thánh cũng như diễn tả mối tương quan giữa bàn tiệc Thánh Thể với bàn tiệc cánh chung trong Vương quốc của Chúa Cha (TT 32; QCSL 281; x. Mt 26,27-29; Mc 10,38-39; Lc 20,22).[16]
Từ năm 1621 cho đến năm 1965, việc rước lễ dưới hai hình chỉ được giới hạn dành riêng cho các linh mục chủ tế. Việc phục hồi thực hành rước lễ bằng cả hai hình là một mục tiêu của phong trào phụng vụ thế kỷ XX. Điều này dẫn tới xác định của Công đồng Vaticanô II (x. PV 55) và sau đó là minh định của Hội Thánh trong: [i] “Huấn thị về việc tôn thờ mầu nhiệm Thánh Thể” (1965); [ii] “Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma” (1969); [iii] Sách lễ Rôma (các ấn bản từ năm 1970); [iv] Bộ Giáo luật (1983] (số 925).[17]
Ý nghĩa đích thực của hiệp lễ như sau: (1) Thứ nhất, biểu lộ tính cách bữa tiệc thánh;[18] (2) Thứ hai, hoàn tất sự tham dự của chúng ta vào Giao ước và vào hy tế của Đức Kitô bằng sự tự hiến bản thân chúng ta cho người khác;[19] (3) Thứ ba, chén thánh tượng trưng cho sự hiệp nhất, cho sự thân mật, vì tất cả chúng ta đều uống cùng một chén;[20] (4) Thứ tư, giúp chúng ta không những cảm nghiệm được niềm vui hiện tại mà còn biểu lộ lòng mong đợi vào ngày được chung chén với Chúa Giêsu nơi thiên quốc trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau (x. Mc 26,29; Mc 14,25; Lc 22,18);[21] (5) Thứ năm, khi rước Thánh Thể, chúng ta được mời gọi dùng lời nói và hành động thực hiện trước một tương lai mới, để tương lai đã có thể được ghép vào hiện tại và chúng ta đã có thể nếm hưởng trước những gì chắc chắn chúng ta sẽ trở thành.[22]
C/ Rước lễ bằng miệng hay bằng tay – đứng hay quỳ
Việc lãnh nhận Mình Thánh trong tay là một luật chung và được thực hành trong những vùng lãnh thổ khác nhau của Hội Thánh ngay từ những thế kỷ đầu tiên. Cách thức rước lễ bằng tay được thánh Cyrilô (+387) tại Giêrusalem giải thích như sau: “Anh em hãy tiến đến trước Chúa với lòng kính cẩn, hãy đưa tay trái với lòng bàn tay hơi trũng, còn tay phải đặt dưới tay trái, để hai bàn tay anh em trở nên như ngai tòa cho Vua Trời ngự xuống. Hãy đón nhận Mình Chúa Kitô trong lòng bàn tay với thái độ tón thờ và yêu mến. hãy thưa Amen khi người ta đưa Chúa đến cho anh em, rồi sau đó anh em hãy rước lấy Chúa” (Cat. myst. 5, 21).[23]
Hình thức rước lễ bằng miệng thay cho rước lễ bằng tay là một tiến trình diễn ra dần dần sau đó rồi trở nên phổ thông ở cả bên Đông lẫn bên Tây, ít là từ thời Trung cổ cho tới nay. Sở dĩ có sự thay đổi từ rước lễ bằng tay sang bằng miệng là vì những lý do sau: (1) Thứ nhất, để tránh nguy hiểm xảy ra tội phạm thánh (sacrilegus) như đã từng xảy ra những lạm dụng khi có người nhận Mình Thánh trong tay rồi không rước mà lại đem đi chỗ khác dùng vào việc ma thuật; (2) Thứ hai, Hội Thánh sử dụng bánh không men (từ thế IX và phổ biến vào thế kỷ XI) với kích thước nhỏ có thể rước lễ bằng miệng được; (3) Thứ ba, những vụn bánh li ti dễ dàng rơi vãi ra ngoài nếu rước lễ bằng tay và như vậy là bất kính; (4) Thứ tư, việc cử hành Thánh Thể được coi như độc quyền của các tư tế.[24]
Tại Tây Ban Nha, Công đồng Saragossa (năm 380) và sau đó là Công đồng Toledo (400) đã quyết định phải trao Mình Thánh vào miệng người rước, nhưng thực hành này chỉ trở nên phổ biến công khai từ Công đồng Rouen vào năm 878. Theo đó, ở phương Tây, từ thế kỷ IX, kể như rước lễ bằng tay đã chấm dứt. Qua thế kỷ X, chỉ các linh mục và phó tế mới được cầm Mình Thánh và rước lễ trong tay (Ordo IX, 62; Ordo X, 59.60).[25]
Có lẽ chúng ta nên biết về cái câu lơn/rào cản (de cancellis/communion rail) bao quanh bàn thờ để rồi giáo dân sẽ rước lễ ở đây. Dưới thời của Charlemagne, câu lơn cao độ một mét để các tín hữu đứng rước lễ, từ thế kỷ XIII thì được hạ thấp xuống hầu giúp tín hữu rước lễ trong tư thế quỳ. Nơi nào không có câu lơn, thì hai thầy giúp lễ sẽ cầm một khăn dài để người ta đến quỳ rước lễ, vì câu lơn chưa bao giờ được đề cập trong luật hay thậm chí trong chữ đỏ của nghi thức Tridentinô. Thế kỷ XVI, ngoài việc có câu lơn để quỳ rước lễ còn có khăn trải trên câu lơn để người rước lễ cầm khi rước lễ.[26] Và để tránh vụn Bánh Thánh có thể rơi xuống đất, tập tục sử dụng đĩa hứng (communion tray) khi cho tín hữu rước lễ đã nảy sinh từ giữa thế kỷ XIX, rồi từ năm 1929, Hội Thánh chính thức xác nhận thực hành này (Acta Apostolicae Sedis 1929, 638).[27]
Hiện nay, rước lễ bằng miệng hay bằng tay đều được phép và tùy thuộc vào sự chọn lựa của Hội đồng Giám mục mỗi nơi (x. QCSL 160-161, 284, 390). Có lẽ rước lễ trên tay là cách thức tự nhiên hơn và là cử điệu giúp cho mọi người nhớ rằng Hy lễ Tạ ơn là một bữa tiệc, nhưng phải thực hành với sự cung kính thích hợp. Các tín hữu có thể rước lễ trong tư thế quỳ hay đứng tùy theo quy định của Hội đồng Giám mục. Tại Việt Nam, các tín hữu đứng rước lễ. Tất nhiên, tư thế đứng được coi là thuận tiện và tự nhiên hơn vì người rước lễ đang bước đi trong đoàn rước và đang ca hát. Nếu đứng, họ nên tỏ một cử chỉ tôn kính, theo như luật định, trước khi nhận Mình Máu Thánh (QCSL 160; Inaestimabile Donum, số 11).[28]
III/ MỤC VỤ
1/ Chủ tế/các linh mục đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình và rước lễ trước khi trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân (x. Presbyterorum Ordinis, số 13; PV 55; BTCĐ 97- 98).[29] Các linh mục không thể cử hành/đồng tế luôn luôn được phép rước lễ dưới hai hình (BTCĐ 99).
2/ Các linh mục buộc phải rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ đang cử hành, thì cũng rất ước mong là các tín hữu cũng được rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ đang tham dự (x. PV 55; QCSL 85, 13; BTCĐ 97- 98); [30] Phó tế [làm nhiệm vụ trợ giúp tư tế cử hành] luôn luôn được rước lễ dưới hai hình tại bàn thờ từ chính tay chủ tế (x. QCSL 182, 244).[31]
3/ Chỉ có chủ tế và các linh mục đồng tế mới có thể tự rước lễ, còn phó tế và các thừa tác viên khác phải được rước Thánh Thể từ tay linh mục (tốt nhất là chủ tế) trước khi cho các tín hữu khác rước lễ (QCSL 244).[32] Phó tế giúp lễ và các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ không phải là vị đồng tế nên họ luôn phải rước lễ sau linh mục (x. BTCĐ 97).[33] Phó tế không giúp lễ cũng như các linh mục không đồng tế, khi trao Mình Thánh với tư cách là thừa tác viên thông thường (phải đeo dây stola trên áo alba/surpli), cũng không tự rước lễ. Nếu muốn rước lễ, họ vẫn phải nhận Mình và Máu Thánh từ tay chủ tế.[34]
4/ Khi trao Mình và Máu Thánh cho các vị đồng tế, linh mục/phó tế làm nhiệm vụ để cho các ngài tự lấy mà không nói công thức “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô” (x. QCSL 242).[35]
5/ Tất cả các tín hữu tham dự Thánh lễ dù là linh mục, giám mục, hồng y hay thậm chí đức giáo hoàng cũng không nên tự lấy/tự rước/tự chấm Mình Thánh vào Máu Thánh mà phải lãnh nhận Thánh Thể từ chủ tế hay các thừa tác viên trao Thánh Thể khác.[36]
6/ Vậy phải tránh thực hành một thừa tác viên cầm bình thánh hay để bình thánh trên một cái bàn rồi từng người đến cầm lấy Mình Thánh và rước, cũng không được chuyền tay cho nhau như xảy ra trong Thánh lễ hôn phối (x. BTCĐ 94, 104 và QCSL 160).[37]
7/ Trước khi lãnh nhận Thánh Thể, mỗi người nên làm một cử chỉ để tỏ lòng cung kính xứng hợp theo cách thức Hội đồng Giám mục đã quy định [như cúi mình], nhưng liệu sao để không làm cản trở việc lên xuống của các tín hữu khác (QCSL 160).[38] Với một nhóm nhỏ, tín hữu thực hiện cử chỉ tôn kính ngay trước khi rước lễ. Nếu có đông người rước lễ, tốt nhất, nên bày tỏ hành vi tôn kính Thánh Thể đang khi người phía trước tiếp nhận Mình Thánh.[39]
8/ Tiếng Amen của người lãnh nhận Mình Thánh Chúa không phải là một gợi ý để rồi nên hay không nên thưa do tùy thích, nhưng là yếu tố cần thiết để biểu lộ niềm vui khi rước Chúa cũng như tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô nơi bí tích Thánh Thể.[40] Vì thế, mọi người phải thưa Amen thành tiếng cách rõ ràng, mạnh mẽ và đầy tin tưởng sau khi thừa tác viên Thánh Thể nói: “Mình/Máu Thánh Chúa Kitô” (x. NTTL 134; QCSL 161).[41]
9/ Tùy theo lòng đạo đức, tín hữu có quyền rước lễ bằng miệng hay bằng tay, chủ tế hay thừa tác viên khác không được từ chối hay ép buộc mọi người phải rước lễ cách này hay cách khác (BTCĐ 92). Họ có thể tùy nghi rước lễ trong tư thế đứng hay quỳ (BTCĐ 91).[42] Trường hợp phải từ chối cho rước lễ là những người bị vạ tuyệt thông/cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; và những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai (BGL 915).
10/ Nếu rước lễ bằng miệng, vẫn có thể duy trì việc dùng dĩa hứng dưới cằm của tín hữu rước lễ để tránh bánh thánh, hay một mảnh/mụn bánh thánh, rơi xuống đất (x. BTTĐ 93). Nếu rước lễ bằng tay, hãy đón nhận Mình Thánh với thái độ tôn thờ và yêu mến bằng cách hai bàn tay đỡ nhau, tay trái với lòng bàn tay hơi trũng xuống chứ không phẳng lỳ, với những ngón tay khép lại chứ không xòe ra, còn tay phải thì đặt dưới tay trái ngai tòa cho Vua Trời ngự xuống (Cat. myst. 5, 21).[43]
11/ Để tránh nguy hiểm phạm thánh, khi cho rước Mình Thánh, thừa tác viên nên để ý xem người rước lễ đã bỏ vào miệng chưa hay đem về chỗ. Thỉnh thoảng nên nhắc họ bước sang một bên rồi mới dùng tay phải cung kính đưa Mình Thánh [đã nhận trên tay] vào miệng (x. DNTL 136).[44]
[1] X. Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 143; Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 110; Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 108.
[2] Ibid.; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 461.
[3] Paul Turner, At the Supper of the Lamb, 141.
[4] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 82; Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 97.
[5] Trích lại trong Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986),118; Jovian P. Lang, Ofm, Dictionary of the Liturgy (New York: Catholic Book Publishing Corp., 1989), 27.
[6] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 155-156.
[7] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012),270-271.
[8] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 209; A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 84; Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 110.
[9] X. R. P. Wladimir-Marie de Saint-Jean, “La Communion sous les duex espèces: Aspects Théologiques et Pastoraux” trong Vénération et Admnistraton de l’ Eucharistie (Center International d’ Etude Liturgiques, Notre Dame du Laus – Oct. 1996), 259-286.
[10] Peter E. Fink, ed. The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press, 1990), s.v. “Communion Under Both Kinds” by John M. Huels, 240-241.
[11] X. A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 84.
[12] R. P. Wladimir-Marie de Saint-Jean, 259-286.
[13] X. Ibid.
[14] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu 271.
[15] X. Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 216.
[16] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 86; X. Robert Cabié, “The Eucharist”, 119; Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 216.
[17] X. Peter E. Fink, SJ, ed., The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press, 1990), s.v. “Communion Under Both Kinds” by John M. Huels, OSB, 240-241.
[18] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 272.
[19] Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Collegeville: The Liturgical Press, 1994), 107; Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, 159.
[20] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 85.
[21] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 272.
[22] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012), số 120.
[23] Trích lại trong Lucien Deiss, The Mass, 98.
[24] Ibid., 275; Edward Foley, From Age to Age (Collegeville: The Liturgical Press, 2008), 167, 221.
[25] X. J. D. Crichton, Understanding the Mass, 3rd edition (London/New York: Geoffrey Chapman, 1993), 113.
[26] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 375-76; Lucien Deiss, The Mass, 98; Foley, From Age to Age, 252.
[27] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 465.
[28] X. J. D. Crichton, Understanding the Mass, 3rd edition (London/New York: Geoffrey Chapman, 1993), 113.
[29] X. Notitiae 45 (2009), 242-243; DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, no. 85; McNamara, “When the Priest Should Receive Communion” (03 Dec. 2009), https://www.ewtn.com/catholicism/library/when-the-priest-should-receive-communion-4504.
[30] X. DeGrocco, no. 85; Guidelines for the Concelebration of the Eucharist, no. 41; Norms for the Distribution and Reception of the Holy Communion, no. 30.
[31] McNamara, “When the Faithful Take the Host Directly” (12 Jan. 2010 & 26 Jan. 2010), https://www.ewtn.com/catholicism/library/when-the-faithful-take-the-host-directly-4508; Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 334.
[32] Ecclesiae de mysterio (15/08/1997), đ.8 no. 2.
[33] Ibid.
[34] André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l’usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 157.
[35] X. Elliott, no. 454; DeGrocco, no. 242.
[36] Arinze, “Responds to Questions on Liturgy,” Adoramus Online Edition (October 2003), vol. IX, no. 7, www.adoremuno.org/1003Arinze; Turner, Let Us Pray, no. 743.
[37] X. DeGrocco, no. 160; Phạm Đình Ái, SSS, Cử hành Hy lễ Tạ ơn, 329; McNamara, “Communion for Non– Celebrating Priests (01 Jan. 2019), https://www.ewtn.com/catholicism/library/communion-for-noncelebrating-priests-4921.
[38] X. Elliott, no. 336; Eucharisticum Mysterium, no. 4; Inaestimabile Donum, no. 11.
[39] McNamara, “When to Bow Before Communion” (11 Oct. 2005), https://www.ewtn.com/catholicism/library/when-to-bow-before-communion-4291.
[40] Jovian P. Lang, OFM, Dictionary of the Liturgy (New York: Catholic Book Publishing Corp., 1989), s.v. “Amen”, 27.
[41] X. Margaret Mary Kellecher, OSU, “Ministers of Communion” trong Celebrating Good Liturgy, ed. James Martin, SJ, 67; Turner, Let Us Pray, no. 729.
[42]Inaestimabile Donum, no. 11; X. McNamara, “Postures at Communion” (18 Oct. 2016), https://www.ewtn.com/catholicism/library/postures-at-communion-4826; “Penitential Rite and Absolution” (11 Oct. 2016 & 25 Oct. 2016).
[43] St. Cyrilli, Catechesis mystagogica V, xxi-xxii, ed. Touttee-Maran, St. Cyrilli Hierono. opera omnia, (Venice, 1763), 331-2; reproduced in Migne, PG 33; x. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 276.
[44] Elliott, no. 337, fn. 86.