Ngày 7/11: Thánh Jacinta Castaneda Gia – Linh mục (1743-1773), Tử đạo

Sau khi hai Cha Phan-xi-cô Gin Phê-đê-tích (Tế) và Cha Mát-thê-ô Li-xi-ni-a-na (Đậu) đổ máu ra làm chứng đạo thánh Chúa. Giáo Hội Đàng Ngoài được tự do gần 20 năm. Chúa Trịnh Doanh sau khi giết hai tông đồ truyền giáo, đã rút lại sắc lệnh cấm đạo vì ông đang cần có sự cộng tác của các giáo sĩ Tây phương giúp ông chống lại Chúa Nguyễn Đàng Trong.

Bất ngờ, năm 1765, giông tố lại nổi lên. Chúa Trịnh kết án tử hình một nhà sư có tội nặng và ra sắc chỉ cấm mấy điều trong đạo Phật. Chúa sợ mang tiếng thiên tư đạo Gia-tô nên cũng ra sắc chỉ cấm đạo và bắt các đạo trưởng. Hai năm sau Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm lên nối ngôi cha, vẫn theo chủ trương ấy.

 

Trên đất nước Trung Hoa

Cha Hi-a-xanh Cát-ta-nơ-đa sinh năm 1743 ở Gia ti-va (Jativa) địa phận Va-lăng-xi-a (Valencia) nước Tây Ban Nha trong một gia đình đạo đức. Nhà viết sử đồng thời với Cha ví Cha hồi niên thiếu đẹp như thiên thần của họa sĩ danh tiếng Mu-ri-lô (Murillô). Thật đúng, hồi thanh niên Cha rất khôi ngô tuấn tú, duyên dáng, hấp dẫn những ai quen biết Cha, nhưng linh hồn của Cha còn giống thiên thần hơn nữa vì Cha đã tận hiến trót cả cuộc đời để phụng sự Chúa và rao giảng Tin Mừng ở nơi xa xôi.

Cha gia nhập dòng Thánh Đa-minh và vì lòng nhiệt thành muốn cứu các linh hồn, cha xin chuyển sang tỉnh dòng Mân Côi Phi Luật Tân năm 1756. Đến năm 1766, Cha vượt biển đến đất nước Trung Hoa.

Sau ba năm hăng hái hoạt động, Cha bị bắt, phải giam 15 ngày ở huyện Phú An, rồi phải giải lên tỉnh Phúc Kiến và bị trục xuất về Áo Môn.

Đó là ý Chúa quan phòng, Chúa sẽ đưa Cha đến một miền đất khác, miền đất ấy đang nổi cơn giông thời Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, ở đây triều thiên vinh quang đang chờ đợi Cha.

Trên đất nước Việt Nam

Sau khi bị trục xuất, Cha tình nguyện sang Việt Nam. Ngày 23-2-1770 Cha đến đất Trung Linh (Bùi Chu). Sau 6 tháng học tiếng, Cha lên đường truyền giáo phụ trách một khu vực rộng lớn.

Trong một lá thư, Cha kể lại rằng: “Hiện giờ tôi trông coi một khu vực có hơn 60 nhà thờ với sự cộng tác của hai Cha bản xứ, nhưng tôi không đủ sức khỏe để làm việc”.

Thực thế, vì 60 họ đạo này rải rác xa nhau, Cha Hi a-xanh phải đi ngược về xuôi quanh năm để giúp bổn đạo, sức khỏe bị sa sút trầm trọng, nhưng Cha vẫn không bỏ việc đi thăm các xứ đạo, nền giáo dân rất quý mến Cha.

Sa vòng lưới

Vì đi lại nhiều, kẻ ngoại luôn rình bắt Cha nộp quan lĩnh thưởng. Một lần Cha bị bắt hụt trên đường từ Bắc Trạc về Kẻ Điển nhưng ngày 12-7-1773, Cha đi làm phép xức dầu cho người ốm, trên đường trở về Lai Ổn, Cha đi cùng với thầy Tần sa vào lưới của quan Phủ. Thần Khê Lê Văn Đỗ. Biết ý quan phủ, ông chánh tổng Trần Văn Hiếu cho Cha biết nếu muốn được tha thì bảo bổn đạo nộp 3000 quan tiền. Cha Hi-a-xanh từ chối, Cha tuyên bố mình chấp nhận mọi sự, dù phải chết để làm chứng Đức Tin. Cha phải giải về cho quan trấn Sơn Nam ở phố Hiến – Hưng Yên và bị tống giam.

Ngày 2-10-1773 ông Chánh tổng lập thêm được một chiến công mới, ông bắt được Cha Vi-xen-tê Liêm ở họ Lương Đồng trong khi Cha đang chuẩn bị làm lễ Đức Mẹ Mân Côi. Cha cũng phải giải về phố Hiến giam một nơi với Cha Hi-a-xanh. Từ đây hai môn đệ của Chúa cùng nhau chia sẻ đau khổ để một ngày kia cùng nhau hưởng triều thiên chiến thắng.

Sau khi tâu vào kinh, và nhận được lệnh từ phủ chúa, ngày 20-10, quan trấn Sơn Nam truyền đóng gông hai Cha, gông có khắc chữ “Hoa Lang đạo sử (thời ấy người ta gọi đạo Ki-tô là đạo của người Bồ Đào Nha: Hoa Lang) và giao cho quan phủ Thán Khê giải lên Kẻ Chợ nộp cho Tĩnh Đô Vương cùng với hai chú giúp lễ của Cha Liêm.

Suy tôn Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ trong phủ chúa.

Ở kinh đô, hai Cha bị tra khảo và tranh luận với các quan về giáo lý nhiều lần, đặc biệt là buổi tranh luận mệnh danh là “Hội đồng tứ giáo danh sư”. Chính Chúa Trịnh Sâm cũng thích hỏi về đạo Thiên Chúa và các việc bên Âu Châu.

Một hôm nhà chúa yêu cầu Cha Hi-a-xanh mặc áo lễ cử hành một số nghi lễ bên đạo ngay trong phủ chúa để chúa và các quan xem thoả tính tò mò. Cha bằng lòng vào mặc áo lễ và khi trở lại Cha trịnh trọng với cây Thánh Giá lớn trong tay. Sau khi cắt nghĩa lễ phục và giảng giáo lý cho các quan, Cha lại đặt tượng Chuộc tội trước ngai vàng chúa Tĩnh Đô Vương, Cha quỳ xuống sốt sắng hôn kính và đọc to tiếng ba kinh Ăn năn tội, Tin Kính, Lạy Cha bằng tiếng Việt, rồi cầm ảnh Đức Mẹ và cũng quỳ xuống hôn kính rồi đọc kinh Lạy Nữ Vương. Mọi người có mặt đều cảm động đến nỗi sau đó không ai nghĩ rằng Cha sẽ phải tử hình.

Tin này từ phủ chúa lan truyền đến tai quan phủ Thần Khê là người giữ vai trò chính trong vụ bắt hai đạo trưởng. Ông cảm thấy mất thể diện và quyết tâm giết hai Cha. Ông làm một bản tường trình dâng lên chúa Trịnh đại ý nói: “Từ trước đến nay triều đình đã ra nhiều sắc chỉ cấm đạo Gia-tô, tới các đạo trưởng nay vẫn có âm mưu chiếm đoạt ngai vàng nước ta. Sở dĩ họ chưa làm được vì số tín đồ còn quá ít. Ngày nào con số họ đông như tín đồ Phật giáo, họ sẽ nổi lên chống triều đình. Hiểm họa này hiện giờ có thể tránh được nhưng nếu triều đình không thi hành những biện pháp ngăn chặn, thì một ngày kia chúa thượng khó giữ nổi ngai vàng”.

Bà mẹ Chúa Trịnh nổi giận

Sách lịch sử địa phận Trung còn ghi thêm câu chuyện này: “Bà mẹ Chúa Trịnh nghe biết có một Tây dương đạo trưởng khôi ngô, tuấn tú, nói năng hoạt bát đang cãi lẽ đạo ở công đường, bà ra xem.

Bà rất sùng đạo Phật nên khi Cha Hi-a-xanh nói chỉ có đạo Gia-tô là đạo thật. Bà tự ái hỏi “Nếu vậy, người không theo đạo Gia-tô thì sa hoả ngục cả sao?” Cha bình thản thưa: “Vâng, đúng thế, ai không thờ phượng Thiên Chúa thật, đều phải xuống đấy”. Nghe vậy, bà nổi giận đòi nhà chúa phải xử tử Cha.

Chúa Trịnh dù không tin lời quan phủ Thần Khê, nhưng vừa nể mẹ cũng vừa lo cho ngai báu nên ra lệnh giết hai Cha Hi-a-xanh và Vi-xen-tê Liêm.

Ngày 4-11-1773, bộ Hình họp kết án hai Cha phải trảm quyết vì tội giảng đạo Thiên Chúa. Hai chú giúp lễ là chú Mát-thê-ô Vũ và Giuse Bích phải chăn voi cho đến khi nộp đủ 100 quan tiền phạt.

Ngày 7-11 hai Cha phải xử ở pháp trường Đông Mơ ngoại thành Thăng Long. Cha Liêm phải chém một nhát còn Cha Hi-a-xanh phải ba nhát mới đứt đầu. Nhiều người xông vào thấm máu để làm di tích.

Cha Hi-a-xanh về trời với 30 tuổi xuân, sau 3 năm truyền giáo ở Trung Quốc và 3 năm ở Việt Nam, thời gian tuy ngắn, nhưng đã dư đầy công nghiệp đáng trọng thưởng.

Thi hài Cha và Cha Liêm được đưa về an táng ở Trung Linh. Ngày 13-11-1775 trong một bài diễn văn đọc trước Hồng Y đoàn, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã nhắc đến chiến công anh dũng của hai vị tông đồ tử đạo này.

Ngày 15-4-1906, Đức Thánh Cha Pi-ô X đã phong chân phúc cho Cha Hi-a-xanh Cát-ta-nơ-đa, và ngày 19-6- 1988, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II tôn người lên bậc hiển thánh.

Đức Hồng Y Giu-se Ma-ri-a Trịnh Văn Căn