Lược sử Giáo họ Chân Sơn
- Thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Chân Sơn.
Địa chỉ: Chân Sơn, Hương Sơn, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Năm thành lập: 1925.
Bổn mạng: Thánh Phêrô (29/6).
Giáo dân: Tính đến năm 2021, giáo họ Chân Sơn có 67 nhân danh.
Nhà thờ: Năm 2009, cha Đaminh Nguyễn Xuân Hùng, chính xứ Hữu Bằng đã khởi công xây dựng nhà thờ họ Chân Sơn trên khuôn viên 300m2. Tháng 10/2009, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục giáo phận đã lên khánh thành và làm phép nhà thờ mới trong niềm hân hoan của giáo họ. Nhà thờ có chiều dài 15m, rộng 7m.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Năm 1962, cụ trùm Giuse Nguyễn Văn Lễ kể câu chuyện như sau: hơn 100 năm trước, ông Đỗ Đình Tiến, người huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định lên vùng này khai phá đất đai. Thời Pháp bảo hộ, ông được triều đình nhà Nguyễn cho hưởng một đồn điền trước đây của cụ Đề Kiều. Ông Đỗ Đình Tiến có bố làm quan trong triều là cụ Đỗ Đình Thống. Khi cụ về nghỉ dưỡng thì được vua ban nhiều ân lộc. Gia đình cụ Thống đến đồn Tam Lộng vào khoảng những năm 1895 – 1986. Họ xây dựng một đồn điền trù phú, chủ đồn điền là ông Đỗ Đình Tiến.
Vào những năm 1910 – 1920, ông Tiến chiêu dân lập ấp tá điền. Khi đó, cụ Giuse Nguyễn Văn Lễ đưa con cháu từ vùng Ý Yên lên Tam Lộng nhận ruộng lập ấp. Năm 1925, gia đình ông Đỗ Đình Tiến cùng cha xứ Hữu Bằng xây dựng một nhà thờ cạnh đồn Tam Lộng. Nhà thờ gồm 7 gian, dài 21m, rộng 7m, tháp cao 15m. Trên tháp có treo một quả chuông đồng. Dân ấp lúc này có trên 30 hộ, ngót 200 nhân danh. Cha xứ Giuse Hà Trọng Nhã đặt xin bề trên thành lập họ giáo, lấy tên là Chân Sơn vì làng ở chân núi.
Dân họ đang trên đà phát triển thì năm 1945, cách mạng bùng nổ, quân đội Việt Minh phá đồn Tam Lộng. Ông Đỗ Đình Tiến bị bắt về vùng chiến khu. Đồn Tam Lộng tan giã. Năm 1948 – 1949, quân đội Pháp chiếm đóng tỉnh Vĩnh Yên, lập bốt Tam Lộng trên núi. Tất cả các ấp tá điền phụ cận đều chạy về tạm trú tại làng Tam Lộng, Chân Sơn. Tháng 10/1950 (Canh Dần), trong chiến dịch Trần Hưng Đạo, quân đội Pháp và Việt Minh tham chiến tại đây 3 ngày đêm. Máy bay Pháp ném bom tàn phá Tam Lộng và Chân Sơn. Nhà thờ họ giáo này bị bom nổ phá thành bình địa. Năm 1951, dân họ mua 150m2 đất tại làng tạm xây 3 gian nhà nhỏ để làm nơi cầu nguyện. Nhà thờ dài 8m, rộng 5m.
Biến cố 1954 khiến giáo dân di cư vào Nam gần hết. Họ Chân Sơn chỉ còn 4 gia đình ở lại. Ấp Hương Vị cách đó 1km chỉ còn 1 gia đình, ấp Cầu Đá cách đó 2km chỉ còn 3 gia đình, ấp Chùa Tiếng còn 1 gia đình. Tổng số còn 10 hộ, 43 nhân khẩu xây dựng lại họ Chân Sơn. Đất nền nhà thờ cũ và đồn Tam Lộng chính quyền cho dân ở. Nền nhà thờ bây giờ nằm trong trường cấp I, II xã Hương Sơn. Nhà thờ tạm năm 1951 gần đường đi giữa làng, phần đất còn lại cạnh đó bị người dân lấn chiếm. Theo tháng năm, nhà thờ xuống cấp. Năm 1966, nhà thờ phải đóng cửa vì cụ trùm Lễ qua đời. Cộng thêm vào đó là chế độ hợp tác xã, thiếu vắng linh mục. Khó khăn bủa vây họ giáo Chân Sơn nhỏ bé, giáo dân không dám đi lễ. Mãi đến năm 1980, ông Giacôbê Hiếu được cha quản hạt động viên làm trùm họ. Ông động viên con cháu, dân họ tiếp tục giữ đạo. Tính từ cuộc cải cách ruộng đất đến năm 1980, họ Chân Sơn chỉ còn 20 hộ với 86 nhân danh. Họ chỉ đến nhà thờ đọc kinh vào ngày lễ trọng và ngày Chúa Nhật, 3 hộ đã bỏ đạo. Đến năm 1999, giáo họ này có 30 hộ với 116 nhân danh (53 nam, 63 nữ). Số giáo dân ít, cộng thêm việc thiếu vắng các linh mục, làm cho việc giữ đạo của giáo dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Muốn dự lễ, họ phải đi tàu, đi xe đạp, thậm chí đi bộ xuống tận Tòa Giám mục Bắc Ninh.
Năm 2000, ông trùm Hiếu đề nghị lên chính quyền chuyển số đất nhà thờ cạnh đường chật hẹp lên lấy 200m2 đất nhà trẻ cạnh nhà ông. Được chính quyền chấp thuận, mọi việc xong xuôi năm 2006 thì đúng lúc ấy, ông lâm bệnh và qua đời.
- Đời sống đức tin
Đời sống đức tin nơi đây dù gặp nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã có những khởi sắc. Hàng tuần, cha xứ vẫn tới dâng lễ cho dân họ. Ngày ngày, bà con giáo hữu vẫn tổ chức các giờ kinh nguyện rất sốt sắng, mặc dù số nhân danh không nhiều. Ước mong sao nhờ lời chuyển cầu của thánh bổn mạng Phêrô, Chúa luôn ban tràn đầy hồng ân để giáo họ luôn phát triển trong đức tin, kiên vững trong đức cậy và nồng nàn trong đức mến.
BTT Giáo Phận