Lược sử Giáo họ Thư Xá
- Thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Thư Xá.
Địa chỉ: Khu 6, Man Để, Tam Hồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Năm thành lập: Cuối thế kỷ XIX.
Bổn mạng: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (08/9).
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, Caritas – Bác ái xã hội, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.
Giáo dân: Giáo họ có 235 nhân danh sống trong khu 6, thôn Man Để, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Giáo dân trong giáo họ chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống kinh tế tương đối ổn định.
Nhà thờ: Nhà thờ Thư Xá được khởi công xây dựng năm 1922 và hoàn thành năm 1940. Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Gothic (tháp nhọn hai bên và vòm cửa theo lối Roman) với chiều dài 50m, chiều rộng 14m, mái cao 17m và một tháp cao 35m treo 2 quả chuông. Do ảnh hưởng của chiến tranh và thời tiết nên nhà thờ giáo họ được trùng tu hai lần (năm 1998 vàn 2003) nhưng vẫn giữ lối kiết trúc xưa. Tổng diện tích khuôn viên giáo họ rộng 4500m2
- Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Thư Xá thuộc giáo xứ Dân Trù, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 50km về hướng Tây. Giáo họ thuộc địa bàn hành chính khu 6, thôn Man Để, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Giáo họ Thư Xá có ngôi nhà thờ mang trên mình màu rêu là minh chứng sống động cho lịch sử đức tin lâu đời đã bén rễ trên mảnh đất này. Khoảng những năm 1881 – 1882, hạt giống Tin Mừng được gieo bên xứ Kẻ Chò (giáo xứ Dân Trù hiện nay), gia đình cụ Nguyễn Văn Hán và gia đình ông Phan Nhân cùng con cháu ở Thư Xá cũng được phúc đón nhận đức tin. Khi đó, mọi người quy tụ trong ngôi nhà nguyện dựng bằng tre, lợp lá mía để cầu nguyện và học kinh bổn từ các thầy giảng ở xứ Kẻ Chò. Đến năm 1922, bà con giáo dân đã cùng nhau khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ và hoàn thành năm 1940. Từ đó, giáo họ có các cha cố Tây đến dâng lễ và củng cố đức tin cho bà con giáo dân. Sau một thời gian, giáo họ Thư Xá có trên 50 gia đình với khoàng 200 nhân danh. Sau năm 1949, do ảnh hưởng của Pháp và ông quận trưởng Đề, Đạo Chúa phát triển mạnh ở nơi đây. Người dân trong các làng lân cận đã được đón nhận đức tin. Họ dỡ đình chùa đề xây nhà thờ. Khi ấy, ở Thư Xá còn có cụ đi dạy kinh cho các tân tòng tại xã Phù Lưu, Nho, Địa, Tiết Tô (còn gọi là Thư Xá, Lý Thượng, Nguyễn Hạ, Lâm Xuyên, Nho Địa, Yên Nghiệp, Đồng Mẫu). Tuy nhiên, sau biến cố năm 1954 và 1975, hơn một nửa giáo dân họ Thư Xá di cư vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp (giáo xứ Bắc Dũng, giáo phận Sài Gòn hiện nay). Giáo họ Thư Xá chỉ còn một số ít gia đình ở lại quê hương. Các sinh hoạt đức tin trong giáo họ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù người ở lại, kẻ ra đi nhưng giáo họ Thư Xá vẫn còn đó một đức tin sắt son và bền bỉ. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đức tin của giáo họ Thư Xá đang dần phục hồi và ngày càng vững mạnh.
- Đời sống đức tin
Hiện nay, giáo họ Thư Xá có 235 nhân danh. Hàng tuần, cha xứ đến giáo họ dâng Thánh lễ vào Chúa Nhật. Hằng ngày, bà con giáo dân vẫn duy trì đến nhà thờ đọc kinh sớm tối. Giáo họ cũng thành lập được các hội đoàn như: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, Caritas – Bác ái xã hội, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Các hội đoàn này đang hoạt động tích cực trong việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cũng như đời sống đức tin của giáo họ. Hy vọng hạt giống Tin Mừng nơi mảnh đất Thư Xá sẽ tiếp tục nảy mầm và không ngừng trổ sinh hoa trái.
BTT Giáo Phận