Lược sử Giáo họ nhà xứ Đại Điền
- Thông tin cơ bản
Tên gọi: Họ nhà xứ Đại Điền.
Địa chỉ: Thôn Đại Điền, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm thành lập: Năm 1912.
Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03).
Cha chính xứ: Luis Gonzaga Maria Nguyễn Văn Đại – Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc.
Giáo dân: Họ nhà xứ Đại Điền có 364 nhân danh, chiếm tỉ lệ khoảng 3% dân cư trên địa bàn thị trấn Đại Đình (năm 2022). Giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi.
Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, Thiếu nhi Thánh Thể, huynh trưởng – giáo lý viên, đoàn trống trắc và ca đoàn.
Nhà thờ: Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1998 và hoàn thành năm 2000 với kích thước: chiều dài 30m, chiều rộng 9m, chiều cao 6m; tháp chuông cao 27m, 1 quả chuông 150kg. Diện tích khuôn viên nhà thờ khoảng 10.400m2.
Các giáo họ trực thuộc: Hợp Châu, Liễn Sơn, Sơn Đình, Sơn Nam, Sơn Thanh.
- Lịch sử hình thành và phát triển
Theo các bậc cao niên trong giáo họ kể lại, hạt giống Tin Mừng được gieo xuống vùng đất Đại Điền từ những năm 30 của thế kỷ XIX. Thời đó, bởi chính sách cấm đạo hà khắc của vua Minh Mạng, những người Công Giáo miền xuôi rời quê hương đi nơi khác lập nghiệp. Nhiều gia đình quê Nam Định chạy lên miền ngược. Lúc đó, Đại Điền là vùng rừng núi hoang vu nên quan quân triều đình không tới được. Giáo dân trốn chạy tới đây và bắt đầu khai phá rừng rậm để canh tác. Thời bấy giờ, vùng đất Đại Điện có khoảng 20 gia đình Công Giáo. Cuộc sống ban đầu đầy những gian lao, nhưng bù lại, các tín hữu được bình an và tự do thờ phượng Chúa.
Năm 1862, khi triều đình cho phép tự do hành đạo, giáo dân vùng Đại Điền cùng nhau quy tụ và góp công của để dựng nên ngôi nhà nguyện 5 gian nằm giữa rừng, với kích thước: chiều dài 13m, chiều rộng 5m. Mãi tới năm 1870, thi thoảng mới có cố đạo (linh mục) ở Việt Trì đi thuyền tới làm phúc vài ngày. Như thế, từ khi lưu lạc tới vùng đất này, sau gần 40 năm sống đức tin trong âm thầm, sợ hãi và khát khao, giáo dân Đại Điền mới có Thánh lễ đầu tiên.
Năm 1902, cụ trùm đại diện cộng đoàn tìm đường về gặp cha xứ Vĩnh Yên để trình bày về sự hiện diện của làng Công Giáo Đại Điền và mời cha tới thăm. Mãi tới năm 1908, các cha mới tới thăm giáo dân Đại Điền. Kể từ đây, Đại Điền được biết tới trên bản đồ giáo phận. Năm 1912, Đức cha Maximino Velasco Khâm chính thức thành lập giáo xứ Đại Điền. Lúc này, giáo xứ có khoảng 300 nhân danh. Cha Phêrô Nguyễn Văn Khang được cử về coi sóc cộng đoàn. Từ đây, đời sống đức tin giáo xứ Đại Điền không ngừng thăng tiến. Cha xứ cùng giáo dân dựng lại ngôi nhà nguyện đã xuống cấp để có nơi thờ tự xứng đáng.
Cuộc sống bình yên của giáo xứ tiếp diễn đến đầu những năm 1940. Bước sang giai đoạn 1943 – 1945, nạn đói hoành hành khiến cuộc sống khó khăn chồng chất, đời sống đức tin cũng theo đó bị ảnh hưởng. Hơn nữa, chiến tranh bom đạn tàn phá khiến đời sống người dân càng trở nên bi đát hơn. Năm 1949, quân đội Pháp tấn công tỉnh Vĩnh Yên. Giáo xứ Đại Điền cũng nằm trong vùng địch càn quét nên mọi người phải bỏ tài sản, ruộng vườn, nhà cửa đi tản cư. Chiến tranh phá huỷ tất cả. Nhà thờ, nhà chung, trường học, nhà cửa biến thành nơi hoang tàn, đổ nát. Đời sống người dân đói khổ, cơ cực. Giáo xứ Đại Điền gặp muôn vàn sóng gió.
Biến cố năm 1954 chia đôi đất nước. Dân miền Bắc ùn ùn kéo nhau vào Nam. Theo dòng người di cư, giáo dân Đại Điền vào Nam gần hết. Cha xứ cũng đi Nam. Chỉ còn 18 gia đình Công Giáo bám trụ lại quê hương. Cuộc sống những người ở lại thật vô vàn khó khăn. Họ dường như phải bắt đầu mọi thứ từ con số không tròn trĩnh. Đức tin thêm một lần bị thử thách.
Tưởng như sau hòa bình, người dân có thể yên ổn làm ăn, nào ngờ phong ba bão táp một lần nữa ập tới cộng đoàn Đại Điền. Năm 1955, cuộc cải cách ruộng đất khiến một số gia đình Công Giáo bị quy vào thành phần địa chủ. Họ bị tịch thu tài sản và bị đuổi vào rừng. Nói sao hết những cay đắng mà cộng đoàn tín hữu Đại Điền phải chịu.
Những thách đố lớn lao tưởng chừng nhấn chìm đời sống đức tin giáo xứ Đại Điền, thế nhưng, họ vẫn kiên vững tin tưởng và cậy trông nơi Chúa. Dù nhà thờ không còn, giáo dân vẫn cố gắng sửa sang, thu dọn trường học cũ làm nơi cầu nguyện. Tại ngôi nhà tạm bợ ấy, cộng đoàn sớm tối quy tụ nhau đọc kinh, chúc tụng Thiên Chúa.
- Đời sống đức tin.
Vì thiếu linh mục coi sóc, giáo xứ Đại Điền chịu nhiều thiệt thòi về đời sống đức tin. Từ sau năm 1954, giáo xứ có duy nhất một thánh lễ vào năm 1959. Kể từ đó đến năm 1990, nơi đây không có thánh lễ. Do cách xa Toà Giám Mục, mọi người không có cơ hội tham dự thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích. Đời sống đức tin bị mai một nhiều. Sau khi có thánh lễ vào năm 1990, giáo xứ phải chờ thêm 6 năm nữa khi cha quản hạt Giuse Trần Quang Vinh tới giáo họ dâng lễ và ban Bí tích.
Từ năm 1996 trở đi, giáo họ đều có các cha tới dâng lễ và cử hành Bí tích hàng năm. Tuy vậy, giáo họ chưa có nơi thờ phượng. Ngôi thánh đường năm xưa giờ chỉ là đống đổ nát, hoang tàn. Năm 1998, Đức cha cố Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến kêu gọi giáo hữu Đại Điền khắp nơi chung sức xây dựng lại ngôi thánh đường giáo xứ. Việc xây dựng diễn ra thuận tiện nhờ sự quảng đại của mọi thành phần trong giáo xứ, đặc biệt là con cái Đại Điền xa quê. Ngày 15/12/ 2000, trong niềm vui hân hoan của cộng đoàn giáo xứ, Đức cha Giuse Maria tới cắt băng khánh thành và chủ sự thánh lễ thánh hiến nhà thờ.
Sau hơn 60 năm vắng bóng mục tử, năm 2005, giáo xứ vui mừng chào đón cha Giuse Phạm Văn Phương về trực tiếp ở cùng để đồng hành với giáo xứ. Từ đây, đời sống đức tin dân họ ngày càng thăng tiến. Các hội đoàn được thành lập và củng cố ngày thêm phát triển.
Năm 2012, giáo xứ Đại Điền bước sang một trang sử mới. Đức cha giáo phận giao việc chăm sóc mục vụ giáo xứ cho Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. Với nhân sự dồi dào cùng với lòng hăng say nhiệt thành, cũng như tinh thần đạo đức của các ngài, giáo xứ được thay da đổi thịt qua từng ngày. Một sức sống mới đang bừng lên nơi vùng đất thanh bình này.
BTT Giáo Phận