Ánh Sáng Đức Tin chiếu soi muôn dân
Ánh Sáng Đức Tin chiếu soi muôn dân
Ánh Sáng Đức Tin chiếu soi muôn dân
Sưu tập những đoạn trích từ Thông điệp mới “Lumen fidei” (Ánh sáng đức tin)
của Đức giáo hoàng Phanxicô
Chúng tôi không thể tóm lược, hay tổng hợp hoặc giản lược tư tưởng sâu sắc của Thông điệp đầu tiên này của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong bản thảo, có dấu ấn đậm nét của Đức Ratzinger, những suy tư thần học, linh đạo và Thánh kinh xuất hiện đồng thời với tinh thần của đức cậy trông và xót thương vốn là đặc trưng của những bước đầu của triều Giáo hoàng Bergoglio.
Sau đây là một số đoạn có ý nghĩa do chúng tôi chọn trích ra, chúng khơi dẫn ta đến tìm đọc toàn bộ bản văn của Thông điệp. Tựa đề Ánh sáng đức tin muốn nói truyền thống của Hội thánh cho thấy hồng ân lớn lao do Chúa Giêsu mang đến, được trình bày trong Tin mừng thánh Gioan: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12, 46). Cả thánh Phaolô cũng diễn tả tương tự như sau: “Xưa Thiên Chúa đã phán: ‘Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm’, Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi” (2Cr 4, 6).
Năm Đức Tin và Công đồng Vatican II
Năm Đức Tin đã bắt đầu nhằm để kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II. Sự kiện này cho chúng ta thấy Công đồng Vatican II vốn là một Công đồng về đức tin (6), vì đã mời gọi ta đặt Thiên Chúa tối cao trong Đức Kitô Giêsu ở vị trí trung tâm điểm của đời sống của Hội thánh cũng như cá nhân.
Phải chăng là một ánh sáng ảo? Thử lặp lại lời tra vấn của triết gia trẻ Nietzsche khi phê bình Kitô giáo
“Tuy nhiên, khi nói đến ánh sáng đức tin, chúng ta có thể nghe thấy nhiều tiếng phản bác của thời đại chúng ta ngày nay. Thời hiện đại cho rằng ánh sáng đó có thể đủ cho xã hội thời cổ đại, nhưng không còn có ích gì trong thời đại mới hôm nay cho con người vốn đã trưởng thành, kiêu hãnh nhờ lý trí của mình, khát khao thám hiểm tương lai một cách mới mẻ. Theo nghĩa đó, xem ra đức tin như là một thứ ánh sáng ảo ngăn cản con người vun đắp cho tri thức can trường”.
“Trong tiến trình này, đức tin sau cùng rồi cũng bị gán ghép với bóng tối. Người ta cũng đã nghĩ có thể gìn giữ đức tin và tìm ra cho đức tin một không gian để chung sống với ánh sáng của lý trí. Không gian cho đức tin mở ra ở nơi nào lý trí không thể chiếu tỏ được, nơi nào con người không còn có thể nắm bắt được sự xác thực”.
Thế nhưng, “thực ra ánh sáng đức tin có một đặc tính khác thường, vì có thể soi sáng toàn thể hiện hữu của nhân sinh. Bởi có một năng lực như thế, nguồn cội của ánh sáng đức tin không thể phát xuất từ chính chúng ta, mà phải đến từ một Nguồn nguyên thủy nhất, xét cho cùng, là đến từ chính Thiên Chúa. Đức tin nảy sinh trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu gọi chúng ta và mạc khải Tình yêu của Ngài cho chúng ta, một tình yêu đi bước trước chúng ta và làm nền tảng cho ta đứng vững và xây dựng cuộc sống mình”.
Đức tin của Israel
“Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên dân Israel nhờ tưởng niệm những công trình của Đức Chúa, được ghi nhớ và tuyên xưng trong phụng tự, được thông truyền từ cha mẹ cho con cái. Chúng ta học biết rằng ánh sáng do đức tin mang lại được nối kết với việc tường thuật lại cuộc sống cụ thể, với ký ức đầy tâm tình tạ ơn về những phúc lành Chúa ban và những gì Ngài đã thực hiện dần dà những lời đã hứa”.
Đức tin viên mãn
“Đó là vì các tác giả Phúc âm đã đặt giờ Chúa chịu treo trên Thánh Giá như là chóp đỉnh của cái nhìn đức tin, vì trong giờ ấy chiếu tỏa rực rỡ chiều cao và chiều rộng của Tình yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan đưa ra lời chứng long trọng của ngài khi ngài cùng với Đức Mẹ, Mẹ của Đức Giêsu chiêm ngắm Đấng Bị Đâm Thâu (x. Ga 19, 37): “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19, 35). F.M. Dostoevskij trong tác phẩm Idiot phát biểu nhờ miệng của nhân vật chính, hoàng thân Myskin, khi chàng nhìn bức họa Đức Kitô chết được chôn trong Mồ, danh tác của họa sĩ Hans Holbein Trẻ (k. 1497-1543): “Bức tranh này có thể làm ai đó mất đức tin” (14). Người họa sĩ quả thực đã phác những hình nét rất thô thiển, vẽ thân xác Đức Kitô đã chết với những dấu tích hủy diệt kinh khủng. Thế nhưng, chính khi chiêm ngắm Đức Giêsu chịu chết mà đức tin của ta được củng cố và có được một ánh sáng chói lọi, chính khi nó mạc khải cho ta như một niềm tin vào Tình yêu không lay chuyển của Người dành cho chúng ta, một tình yêu có thể đi vào cái chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu này, vốn không tự miễn chước sự chết để bộc lộ Người yêu thương ta dường nào, là một tình yêu có thể tin được. Tình yêu ấy bộc lộ ra trong toàn thể thắng vượt mọi nghi ngờ và cho phép ta đặt hoàn toàn tin cậy vào Đức Kitô.
Được cứu độ nhờ đức tin
“Khởi đầu của ơn cứu độ là cửa ngỏ mở ra với một cái gì đó hiện hữu tiên thiên, với một hồng ân nguyên thủy xác định sự sống và duy trì hiện hữu. Chỉ khi nhìn nhận và mở ra với nguồn cội nguyên thủy này thì con người mới có thể được biến đổi, và đồng thời để cho ơn cứu độ hoạt động trong ta và làm cho cuộc sống của ta nên phong nhiêu, sinh nhiều hoa quả tốt lành”. … “Lôgich mới của niềm tin tập chú vào Đức Kitô”.
Chiều kích Giáo hội học của đức tin
Giáo hội – theo cách nói của Romano Guardini – vốn “là hiện thể lịch sử của cái nhìn viên mãn của Đức Kitô về thế giới”, nếu đức tin mà mất đi cái “thước đo” hay chiều kích Giáo hội của nó, thì sẽ không còn thế thăng bằng nữa, không còn không gian thiết yếu để tồn tại. Đức tin có một mô thức Giáo hội thiết yếu, được tuyên xưng từ bên trong Nhiệm thể Đức Kitô, xét như là sự hiệp thông cụ thể của các tín hữu.
Tình yêu thì vượt xa hơn nhiều một cảm tình
“Quả thật, tình yêu không thể được giản lược chỉ như là một thứ cảm tình đến rồi đi. Vâng, tình yêu chạm đến tình cảm của ta, nhưng lại mở nó ra trước một ngôi vị yêu dấu và bắt đầu từ đó một hành trình thoát ra khỏi bản ngã vị kỷ khép kín để bước tới với tha nhân của ta, kiến tạo một tương quan lâu bền. Tình yêu thì hướng tới kết hiệp với người mình yêu”.
Sự thật và tình yêu
“Nếu như tình yêu cần đến sự thật, thì sự thật cũng cần đến tình yêu. Tình yêu và sự thật không thể tách biệt nhau. Không có tình yêu, sự thật trở thành lạnh lùng, phi ngã vị, áp bức trên đời sống cụ thể của con người. Sự thật mà chúng ta tìm kiếm, sự thật đem lại ý nghĩa cho những bước đường ta đi, sự thật ấy sẽ soi chiếu chúng ta khi ta được tình yêu chạm đến. Ai yêu thương sẽ hiểu rằng tình yêu là kinh nghiệm sự thật, rằng chính tình yêu mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy toàn thể thực tại một cách mới mẻ, trong khi kết hiệp với người mình yêu”.
Đối thoại giữa đức tin và lí trí
“Đức Chân phước Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et Ratio, đã cho thấy đức tin và lí trí củng cố cho nhau như thế nào (27). Khi ta có ánh sáng viên mãn của tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng trong mỗi tình yêu của ta đã có mặt một tia của ánh sáng ấy rồi và chúng ta hiểu đâu là cùng đích của nó”.
Đức tin và sự tìm kiếm Thiên Chúa
“Ánh sáng của đức tin vào Chúa Giêsu cũng soi sáng hành trình của tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa, và góp phần mình cho Kitô giáo trong cuộc đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác”.
Đức tin và thần học
“Vì đức tin hình thành như một con đường, nó cũng liên hệ đến đời sống của những con người, dẫu không tin, vẫn khát khao được tin và không ngừng tìm kiếm. Chừng nào người ta còn chân thành mở lòng ra với tình yêu và tiến bước trên đường với ánh sáng mà họ có thể bắt gặp được, thì người ta đã sống, dẫu không biết, cuộc lữ hành tìm đến với đức tin”.
Giáo hội, Mẹ của đức tin của chúng ta
“Sự thông truyền đức tin, vốn chiếu sáng trên tất cả mọi người ở mọi nơi, cũng đi ngang qua trục thời gian, từ thế hệ này đến thế hệ kia. Vì đức tin sinh ra từ một cuộc gặp gỡ xảy ra trong lịch sử và chiếu soi cuộc lữ hành của chúng ta trong thời gian, nó phải được thông chuyển dọc theo các thời đại. Chính qua một chuỗi liên tục các chứng tá mà dung mạo của Đức Giêsu đến được với chúng ta”.
“Người ta không thể tin tự mình. Đức tin không chỉ là một chọn lựa cá nhân xảy ra trong nội tâm người tín hữu, mà không có liên hệ gì giữa “cái tôi” của người tín hữu và “Ngài”, giữa một chủ thể độc lập và Thiên Chúa.”
Đức tin là một tương quan
Nếu con người là một cá thể đơn độc, nếu chúng ta muốn chỉ khởi đi từ “cái tôi” cá biệt, vốn muốn tìm được nơi bản thân mình sự an ninh do tri thức mang lại, thì không thể có được sự chắc chắn này. Tôi không thể tự mình thấy được những gì đã xảy ra trong một thời đại cách xa tôi như thế. Tuy nhiên đây không phải là cách thức duy nhất con người nhận biết. Người ta luôn sống trong tương quan.
Các bí tích
“Khi cử hành các bí tích, Hội thánh chuyển thông ký ức của mình và nhất là tuyên xưng đức tin. Khi tuyên xưng đức tin điều quan trọng không phải chỉ là nói lên sự công nhận một tập hợp các chân lý trừu tượng. Mà ngược lại, khi tuyên xưng đức tin toàn thể đời sống của ta dấn thân trên hành trình hướng tới sự hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa hằng sống”.
Đức tin và cầu nguyện
Có hai yếu tố cốt yếu trong khi chuyển thông cách trung thành ký ức của Hội thánh. Thứ nhất là kinh nguyện của Chúa, Kinh Lạy Cha. Và điều thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là sự gắn liền giữa đức tin và Mười Điều Răn.
Đức tin và đau khổ
“Người Kitô hữu biết rằng đau khổ không thể bị tiêu hủy được, nhưng nó có thể có một ý nghĩa, có thể trở thành một hành động của tình yêu, phó thác vào bàn tay Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi chúng ta, và như thế, đó là một bước tăng trưởng của đức tin và tình yêu”.
Đức Maria và đức tin
“Chúng ta có thể nói rằng những gì tôi đã nhấn mạnh trên đây đều ứng nghiệm nơi Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, tức là người tin thì hoàn toàn dấn thân sống đức tin mình tuyên xưng. Đức Maria nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, sống sát với những gì mà chúng ta tin”.
Luca Rolandi, Roma biên tập
[Trích http://vaticaninsider.lastampa.it, thứ Sáu ngày 05/07/2013]
Lữ-y chuyển ngữ