Bài giảng thánh lễ Truyền Dầu năm 2015 của Đức cha giáo phận
Lễ Truyền Dầu
Nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh
31.3.2015*
Thưa cộng đoàn thân mến,
Hằng năm vào Tuần Thánh, Dân Chúa kỷ niệm ngày Chúa Giêsu lập chức linh mục. Trong dịp này, các giáo phận tổ chức lễ làm phép ba loại dầu Dự Tòng, Bệnh Nhân và Thánh Hiến để dùng khi cử hành các bí tích trong suốt năm. Đây là dịp để toàn thể quí cha trong giáo phận tụ họp quanh giám mục và cùng nhắc lại lời hứa khi thụ phong linh mục. Hôm nay chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã ban cho giáo phận mỗi năm có thêm các linh mục để phục vụ đời sống Dân Chúa và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Xin dâng lên Chúa những cố gắng và hy sinh của các cha, những người đã hiến thân trọn vẹn và trọn đời cho Chúa, và cầu nguyện cho các ngài được luôn trung tín với Chúa và quảng đại với sứ mệnh.
Quí cha thân mến,
Như thường lệ, trước hết xin được cùng với quí cha tạ ơn Chúa về chức thánh linh mục cũng như về sứ vụ quí cha lãnh nhận để phục vụ Giáo Hội và xã hội. Toàn thể giáo phận cảm ơn quí cha về bao cố gắng và hi sinh mà chỉ một mình Thiên Chúa mới biết rõ và ban thưởng cân xứng. Trong năm Giáo Hội Việt Nam dành cho việc Tân Phúc Âm Hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn thánh hiến, xin chia sẻ với quí cha về vai trò người lãnh đạo Dân Chúa, như Chúa Giêsu đã ủy thác cho thánh Phêrô: “Hãy chăn dắt chiên của Ta” (Ga 21,17). Trong Mùa Chay, khi đọc các bài Sách Thánh của giờ Kinh Sách, chúng ta ôn lại lịch sử cách nay hơn 3 ngàn năm, dân Israel được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập và đưa đến đất Thiên Chúa đã hứa cho các tổ phụ. Trong hành trình ấy, nổi bật lên khuôn mặt ông Môsê, vị lãnh đạo được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện kế hoạch của Chúa. Trong vai trò lãnh đạo Dân Chúa ở cấp độ toàn thể giáo phận nói chung và ở các xứ họ nói riêng, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta qua ông Môsê học với Chúa Giêsu để dù ở đâu hay làm gì, chúng ta vẫn là ‘những mục tử như lòng Chúa mong ước’ (Gr 3,15).
Ông Môsê được Thiên Chúa kêu gọi và trao một sứ mệnh hết sức quan trọng, nhưng cũng hết sức khó khăn. Đồng bào ông là dân Israel lúc ấy đang phải làm nô lệ ở Ai Cập, một đất nước văn minh và hùng mạnh hạng nhất trong thế giới đương thời. Họ đau khổ vì bị áp bức và bóc lột, nhưng phần lớn bằng lòng với số phận. Ông được Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,12) và “Chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi và Ta sẽ chỉ cho ngươi phải nói những gì” (Xh 4,17). Ý thức mình yếu đuối, ông cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Đồng bào ông là một dân tộc ‘cứng đầu cứng cổ’ (Xh 32,9). Họ luôn kêu trách và đòi hỏi. Nhiều lần họ đòi trở về Ai Cập: “Thà làm nô lệ ở Ai Cập còn hơn chết trong sa mạc” (Xh 14,13). Đến cửa ngõ tây nam Đất Hứa:“Sau 40 ngày do thám đất, họ trở về… Họ thuật lại với ông Môsê rằng: Chúng tôi đã vào miền đất ông sai chúng tôi đến. Đúng là miền đất tràn trề sữa và mật, và đầy hoa trái.” (Ds 13,25.27). Tuy nhiên họ không chịu vào, vì sợ dân ở đó cao lớn, thành trì vững chắc. Ông phải dẫn họ đi theo đường vòng trong sa mạc suốt 40 năm để vào ngõ khác. Hơn nữa, họ còn đúc tượng con bò bằng vàng để thờ và nói đó là vị thần đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai Cập. Ông Môsê một mặt giữ trọn lòng trung thành với Thiên Chúa, mặt khác lại hoàn toàn gắn bó với đồng bào. Khi Thiên Chúa có ý định tiêu diệt dân và ban cho ông một dân khác ‘lớn và mạnh hơn’ (Ds 14,12), ông tha thiết cầu nguyện: “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Nhưng giờ đây ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không thì xin Ngài xóa tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32,31-32). Dân phạm tội, ông xin Chúa tha thứ, còn muốn phạt thì xin cứ phạt ông. “Ông Môsê phục xuống đất thờ lạy Đức Chúa và thưa: Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài” (Xh 34,8- 9). Ồng không nói tội lỗi của họ, nhưng tội lỗi của chúng con. Nếu ông được nghĩa với Chúa thì xin Chúa không chỉ đừng bỏ ông, nhưng cùng đi với chúng con. Thiên Chúa nói: “Suốt 40 năm, dòng giống này làm Ta chán ngán” (Tv 94/95,10). Nhưng ông chịu hậu quả: “Bên dòng nước Mơ-ri-va, họ trêu giận Người, khiến Môsê vì họ mà chuốc họa vào thân” (Tv 105/106,32).
Đức tin được củng cố nhờ ông Môsê thấy những việc kỳ diệu Chúa thực hiện, trong khi dân chúng chỉ nghĩ nghĩ đến lợi lộc vật chất và khó khăn tự nhiên. Thư gửi tín hữu Hipri ghi nhận những điều đáng cho chúng ta suy nghĩ và hoc hỏi: “Khi lớn lên ông đã từ chối không chịu cho người ta gọi là con của công chúa Pharaô; ông thà cùng chịu ngược đãi với Dân Thiên Chúa còn hơn là được hưởng cái sung sướng chóng qua do tội lỗi mang lại; ông coi sự ô nhục của người được xức dầu là của cải quí báu hơn các kho tàng của người Ai Cập.” (Dt 11,24-26). Cũng nhờ đức tin, “ông bỏ Ai Cập mà không sợ cơn thịnh nộ của nhà vua; ông vững vàng không nao núng, như thể xem thấy Đấng vô hình” (Dt 11,27). Thực ra đôi khi ông cũng băn khoăn tỏ bày với Chúa: “Có phải con đã cưu mang tất cả dân này không? Có phải con đã sinh ra nó không mà Ngài lại bảo con: Hãy bồng nó vào lòng, như vú nuôi bồng trẻ thơ, mà đem vào miền đất Ta đã thề hứa với cha ông chúng?” (Ds 11,13). Cũng có lúc ông muốn thấy mặt Chúa. “Ông Môsê nói: ‘Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài.’ Người phán: Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống… Khi vinh quang của Ta đi qua, Ta sẽ đặt ngươi vào trong hốc đá, và lấy bàn tay che ngươi cho đến khi Ta đã đi qua. Rồi Ta sẽ rút tay lại, và ngươi sẽ thấy lưng Ta, còn tôn nhan Ta thì không được thấy.” (Đnl 33,19-23). Thế là ông cứ phải “tiến bước vì tin chứ không phải vì thấy” (2 Cr 5,7). Cuối cùng ông hoàn thành sứ mệnh khi đưa dân đến được cửa ngõ Đất Hứa. Thánh vịnh cho biết: “Chúa tính chuyện sẽ tiêu diệt họ, nếu người Chúa chọn là Môsê chẳng đem thân cản lối, ở ngay trước mặt Người, hầu ngăn cơn thịnh nộ, kẻo Chúa diệt trừ dân” (Tv 105/106, 23). Tuy nhiên, ông chung số phận với những người cứng lòng, vì chết cùng với những người sinh ra ở Ai Cập: ngoài một ít người vững tin, chỉ thế hệ sinh ra trong sa mạc được đặt chân vào Đất Hứa. Ông được sách Huấn Ca cho biết: “Người thánh hóa ông vì ông tín thành và nhân hậu” (Hc 45,4). Từ kinh nghiệm lúc chăn chiên trên núi được Chúa gọi, sau này ông luôn luôn sống thân thiết với Chúa “diện đối diện” như sách Huấn Ca cho biết (Hc 45,5).
Ông Môsê được Thiên Chúa tiên báo: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (Đnl 18,18). Vị ấy trước hết là Đức Kitô, ‘Thượng Tế nhân từ và trung tín’ (Dt 2,17). Nhân từ với dân và trung tín với Thiên Chúa, đó chính là hai điều cơ bản nơi Chúa Giêsu mà ông Môsê là tiền trưng. Chúng ta tha thiết xin Chúa cho chúng ta được lòng nhân từ và trung tín của Chúa Giêsu như Thiên Chúa đã ban cho ông Môsê, nhờ đó chúng ta vượt qua mọi khó khăn nơi giáo dân cũng như hoàn cảnh bên ngoài, đưa cộng đoàn được ủy thác đến đất chảy sữa và mật như Thiên Chúa hứa. Cộng đoàn ấy là giáo xứ, là giáo phận cũng như toàn thể mọi người đáng sống chung quanh chúng ta. Trong những ngày vừa qua, ông Lý Quang Diệu qua đời đã để lại một câu di chúc bất hủ: “Tôi đã dành hết cuộc đời mình xây dựng đất nước này. Cuối cùng tôi được gì? Một đất nước Singapore thành công. Tôi đã từ bỏ điều gì? Cuộc đời của tôi.” Thiên chức linh mục lẽ nào lại thua kém bất kỳ sự nghiệp chính trị nào sao?
Anh chị em thân mến,
Linh mục là một ơn gọi cao quí, nhưng phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách, trước hết do chính bản chất mỏng dòn của con người, thứ đến là những trở ngại tự nhiên do người đời, cuối cùng là những hiểu nhầm, chống đối, bất trung của một số ít người ngay trong cộng đoàn, khiến các linh mục chẳng những vất vả, đau khổ, mà đôi khi phải chịu bất công, vu cáo và cả cám dỗ bỏ cuộc nữa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta được ơn nhân hậu và trung tín như chính Chúa Giêsu, đặc biệt trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Nguyện xin Đức Mẹ Mân Côi và các thánh tử đạo Bắc Ninh phù hộ chúng ta.
+ Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ
Giám mục Bắc Ninh