Con rắn thời đại

Con người đang sống trong một môi trường bị tục hóa với những vấn nạn được đặt ra cho chính mình. Từ những vấn đề về cơm áo gạo tiền, những toan tính sinh nhai, đến những vấn nạn trong việc hưởng thụ cuộc sống với những thú vui mau qua, chóng tàn. Chính trong môi trường ấy, con người đang cần một chút thinh lặng để nhìn lại cuộc sống, để trầm lắng tâm hồn hầu tìm ra một nhịp sống, định hướng một lối đi và tìm về một nền tảng cho chính cuộc sống mình. Nhưng nền tảng đó là gì? Có người cho đó là tiền bạc, bởi châm ngôn “có tiền mua tiên cũng được”; có người cho đó là hưởng thụ cũng vì “sáu mươi năm cuộc đời” sẽ mau chóng vụt qua mà ta chưa kịp tận hưởng thì thật là uổng phí. Thế nhưng đây đó vẫn có những con người kiếm tìm cho mình một nền tảng không dựa vào những đánh giá nơi vật chất ấy mà lại đặt nền tảng ấy trên tình thần và tâm linh. Nếu đặt nền tảng cuộc sống dựa trên những giá trị tâm linh, vậy thì đâu là điểm tựa nếu không phải là Thiên Chúa hay một thần linh nào đó. Người Á Châu có những dân tộc tìm kiếm tâm linh trong nhiều thế kỉ qua và tâm thức ấy đã in sâu trong lòng người dân cho dẫu là nông thôn hay thành thị. Họ luôn tin vào một Đấng nào đó vô hình nhưng biết nghe, biết nói, biết những tâm tư của họ và sẵn sàng đáp trả mọi lời cầu xin mà con người kêu lên đến Thượng đế. Chính trong tâm thức ấy, con người cũng tìm cách để củng cố mối tương giao của mình với Thượng đế để có thể nối kết tình thân với Ngài, nhưng đồng thời cũng là thái độ xứng hợp phải có của tạo vật với Đấng đã tác tạo nên mình. Thế nhưng cho dẫu cố gắng đến đâu, mối tương quan con người với Thiên Chúa vẫn bị rạn nứt vì những lỗi lầm của con người, những nết xấu và những bất tuân luôn làm cho con người phải xa lìa Thiên Chúa. Những điều ấy xảy ra bởi chung quanh con người luôn có những cơn cám dỗ, những dịp tội hay những cơ hội lôi kéo chúng ta phạm tội. Những điều mà ta gọi là những lôi kéo của ác thần ngay từ thưở ban đầu khi muốn tách con người ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Lời kinh Đức Giêsu dạy các môn đệ trong Thánh Kinh cho ta biết rằng con người không cầu xin Thiên Chúa loại trừ những cám dỗ, thế nhưng chúng ta xin đừng để mình sa chước cám dỗ và xin Thiên Chúa gìn giữ chúng ta khỏi tay Ác thần. Ác thần được Thánh Kinh mô tả như Con Rắn đã cám dỗ ông bà Adam và bà Eva phạm tội thuở ban đầu. Con Rắn tự nó không phải là một thần linh, thế nhưng vào thời đó, các dân chung quanh đã tôn thờ như một vị thần để cầu xin hết ơn này đến ơn khác. Thế nhưng Thiên Chúa mới thực là thần linh duy nhất được người Do Thái tôn thờ, mà bởi vậy họ lấy hình tượng con rắn như dấu chỉ của các tà thần khác. Con rắn được Thánh Kinh mô tả như một thế lực lớn mạnh của ác thần cám dỗ con người chống đối lại Thiên Chúa. Thế nhưng con rắn không chỉ xuất hiện một lần trong Thánh Kinh với sách Khởi Nguyên mô tả về một thời đại xa xôi, nhưng nó còn hiện diện ngay trong đời sống của chúng ta vào thời đại này, vào lúc này ngay trong môi trường chúng ta sinh sống. Bởi đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thế lực mà con rắn đại diện và những xu hướng lệch lạc mà con rắn lôi kéo con người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

* Con rắn thuở ban đầu: Bộ Thánh Kinh bắt đầu với sách Sáng Thế kí mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng vạn vật và cả con người trong thời gian và không gian. Thánh Kinh cũng cho biết về thời gian hồng phúc mà con người có được trong vườn địa đàng khi có được tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Ngày ngày, con người đi dạo với Thiên Chúa, con người được làm chủ mọi tạo vật mà Thiên Chúa dựng nên cho mình. Chính trong cảnh thiên đường ấy, con rắn đã bước vào thế giới con người, chúng đến bên người đàn bà và bắt đầu chiến dịch của chính mình. Con rắn hỏi người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?”. Con rắn thật ranh mãnh, nó hỏi một câu hỏi gợi lên cho con người sự tò mò. Nó đã biết về một lệnh cấm, một cây ở giữa vườn không được đụng tới, thế nhưng nó lại hỏi một câu hỏi về tất cả. Nó khơi gợi lên trong lòng con người một lời đáp trả, tập trung tâm trí họ vào một vấn đề mà nó đang nhắm tới: “Cây ở giữa vườn”. Và Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Con rắn đã hướng tâm trí người đàn bà về thứ cây ở giữa vườn. Và người đàn bà đã nhắc lại chính mệnh lệnh của Thiên Chúa về thứ cây cho biết điều thiện điều ác. Con rắn ranh mãnh đã tráo đổi định nghĩa cách tài tình. Từ cây cho biết điều thiện điều ác, chúng mời gọi con người hướng về một cây khác cũng ở giữa vườn là cây trường sinh. Con rắn đã nói: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Quả thực con rắn đã nói sự thật, nhưng chỉ là một nửa của sự thật. Con người đã không chết ngay sau khi ăn trái cây, thế nhưng con người sẽ nhận lấy cái chết trong tương quan với Thiên Chúa sau khi ăn trái cây đó. Với một nửa của sự thật, con rắn đã đưa con người đến với điều gian trá. Con người sa ngã không phải bởi hành động ăn trái cây ở giữa vườn theo nghĩa đen của câu chuyện, thế nhưng tội của con người là đã không đến với cây trường sinh mà lại đến và hái trái cây biết lành biết dữ, điều mà chính Thiên Chúa đã ngăn cấm. Việc biết lành biết dữ không phải là việc đơn thuần biết phân biệt đâu là điều tốt, đâu là điều sai trái; nhưng việc biết lành biết dữ mà Thánh Kinh nói đến chính là việc con người muốn tự định đoạt, tự cho rằng điều này là tốt, điều kia là xấu mà bất kể đến những chuẩn mực chung mà Thiên Chúa đã ban định. Con người ngày hôm nay cũng không đi ra ngoài phương hướng ấy, bởi chưng chính con người hôm nay cũng muốn tự định đoạt về hành vi luân lý của mình mà cho rằng những việc chúng ta làm không phải là xấu cho dẫu nghịch với lề luật. Chúng ta muốn tự mình đặt định một chuẩn mực luân lý của riêng mình cho dẫu không phù hợp với những chuẩn mực xã hội và Giáo Hội. Chúng ta muốn thuận theo xu hướng thời đại và những đam mê trần thế để xác định đời sống và những quyến luyến lệch lạc. Để rồi chúng ta tự cho rằng trộm cắp, gian dối không phải là tội, phá thai hay đam mê khoái lạc là những việc làm được phép để thụ hưởng cuộc sống hay để gia tăng hương vị cho cuộc sống mình. Chúng ta muốn một cuộc sống dễ dãi và không muốn bị bất cứ một chuẩn mực bên ngoài nào áp đặt chúng ta, thay vào đó, chúng ta muốn tự đề ra những luật lệ, những chuẩn mực cho riêng mình hoặc áp đặt lên người khác những chuẩn mực ấy để người khác sẽ phải tuân theo những điều luật do chính chúng ta đặt ra. Như thế, thay vì sống theo chuẩn mực được Thiên Chúa thiết định, chúng ta muốn sống theo chuẩn mực của riêng mình, hay nói cách khác, con người muốn dành cho mình quyền của Thiên Chúa trong việc thiết định lề luật và trật tự trong thế giới. Con rắn đến với người đàn bà, nó mời gọi không phải một thứ gì ghê tởm bề ngoài, nhưng là một thứ: “ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn”. Chính vì thế, những cám dỗ mà ác thần gửi đến cho con người không phải là những điều mà chúng ta có thể từ chối ngay khi được gieo rắc, không phải chúng ta có thể nhận ra sự dữ ngay trong lời cám dỗ, mà cần biện phân cách cẩn trọng, cần nhìn lại và dừng lại để nhận ra và biết từ chối những cám dỗ ngọt ngào ấy.

* Con rắn trong đời sống: Cuộc sống con người được đan xen bởi những mối tương quan rất gần gụi. Ai ai cũng được sinh ra trong một mái nhà, được lớn lên trong một cộng đồng xã hội. Bởi đó, chúng ta ai cũng có những mối tương quan với con người và thế giới. Chẳng may thế giới mà chúng ta đang sống đã bị vẩn đục bởi hậu quả của tội nguyên tổ đã phạm, sự dữ đã tràn vào thế giới ấy và làm cho thế giới tìm cách trốn tránh Thiên Chúa. Thêm vào đó, chúng ta cần kể đến một thực trạng rất quan trọng hôm nay khi phong trao tục hóa tràn lan trong thế giới, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tương đối đã làm lệch lạc khái niệm về tội lỗi và mở rộng cánh cửa cho những cám dỗ của ác thần. Con rắn thời đại được khơi rộng lối đi, không những thế nó còn được mời gọi để chiếm chỗ hay bước vào cuộc đời con người qua sự dễ dãi và những khoái lạc nó đem lại. Con rắn ấy đã len lỏi vào trong xã hội qua từng lãnh vực cụ thể. Chúng ta nói đến một lãnh vực quan trọng nhất như giáo dục cũng là nơi cư ngụ và sinh sôi của con rắn ấy. Ngày hôm nay, giáo dục nói chung và đặc biệt tại nước ta đang bị xuống cấp cách trầm trọng. Chúng ta ước mong rằng giáo dục sẽ là nơi nuôi dưỡng những nhân tài, hơn thế nữa nơi đó còn phải là nơi con người được rèn luyện về nhân đức và phát triển về phẩm giá. Vậy mà giáo dục hiện nay lại là nơi con người dạy nhau sự gian dối. Nếu như xã hội phát triển là nhờ những con người lớn mạnh và tin tưởng lẫn nhau, vậy mà nơi giáo dục lại đào tạo nên những người trẻ ngay từ nhỏ đã tập tành một thói xấu tận căn là gian dối thì mai ngày chúng ta liệu có còn được chữ tín? Chúng ta sẽ sống với nhau như thế nào trong tương lai khi thế hệ này đến thế hệ khác được gieo vào lòng những điều như thế?

Con rắn không chỉ đi bên ngoài xã hội nhưng nó còn đi vào trong đời sống của Giáo Hội. Chúng ta không nói đến tác động của nó về mặt gian dối, nhưng nơi Giáo hội, con rắn hoạt động cách khác biệt khi gieo rắc trong từng người ước muốn chống lại Thiên Chúa. Thời đại hôm nay, con rắn không chỉ đến với chúng ta những cám dỗ trực tiếp chống lại Thiên Chúa, thế nhưng con rắn ranh mãnh đã đi vào con người với chủ nghĩa tương đối. Khi mà tất cả chỉ còn là tương đối thì mọi sự đều được phép làm. Khi mà đời sống vật chất và nhu cầu hưởng lạc được coi là thiết yếu thì đâu có gì là không thể. Con người đang sống trong thế giới như thể vắng bóng Thiên Chúa. Sự vắng bóng ở đây không phải vì Thiên Chúa không còn hành động trong thế giới, thế nhưng vắng bóng ở đây là việc con người không còn muốn Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời mình nữa. Cũng giống như triết gia Friedrich Wilhelm Nietzsche ngang nhiên tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết”. Con người hôm nay không còn bàn luận về sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại ước mong Thiên Chúa chết đi, Thiên Chúa vắng mặt khỏi cuộc đời của tôi và thế giới để tôi có thể sống theo chuẩn mực của riêng tôi. Thiên Chúa “chết” để tôi trở thành chúa trong mọi toan tính và việc làm. Chúng ta không muốn lệ thuộc vào một Thiên Chúa khác nhưng lại muốn chính mình trở thành Thiên Chúa.

Bên cạnh đó, con rắn còn bước vào cuộc sống của Giáo Hội khi cản bước những người giáo hữu đến với các bí tích và những việc đạo đức bình dân khác. Con người ngày hôm nay coi thường những việc đạo đức, việc cầu nguyện và cho rằng không có nhiều thơi gian cho việc đó, hoặc đôi khi cho rằng những việc về tâm linh là không cần thiết. Sức mạnh của bạc tiền và xu hướng thực dụng khiến họ buông mình theo những thú vui trần thế. Không còn nhiều người trong các cử hành phụng vụ, không còn nhiều người tìm kiếm Thiên Chúa trong sự cô tịch nhưng lại tìm kiếm sự bình an giả tạo nơi những đam mê và lạc thú. Con rắn cám dỗ con người định hướng sai lối đi của chính mình đồng thời khiến cho nhiều người sống không có mục đích. Những cám dỗ đến với con người không còn là để phạm tội giết người hay dâm loạn, trộm cướp hay bạo lực; nhưng cám dỗ ngày hôm nay là con người không còn có cảm thức về tội, không còn muốn cho lương tâm mình áy náy trước những hành vi lầm lỗi của mình. Chúng ta cho dẫu là ai cũng cần nhìn lại cuộc sống mình, thêm một lần định hướng, thêm một lần sửa đổi, thêm một lần làm phục sinh Thiên Chúa trong chính cuộc đời mình; để chính Ngài sẽ ngự trị và làm chủ. Chỉ khi Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta, chúng ta mới không vấp phải tội xưa của nguyên tổ Adong khi muốn trở thành Thiên Chúa vì đòi quyền đặt định lại trật tự thế giới cũng như luật lệ luân lý trong đời sống của con người.

Con rắn ấy không chỉ len lỏi vào trong cuộc sống của xã hội và Giáo hội, nhưng nó còn len lỏi vào trong đời sống của từng gia đình, từng tập thể nhỏ và là thành tố của xã hội. Nơi gia đình hôm nay, từng thành viên trong gia đình bị cám dỗ sống cho chính mình hơn là cho người khác. Thay vì đặt lợi ích của gia đình lên trên nhất, chúng ta, mỗi người đều muốn coi mình như cái rốn của vũ trụ mà bắt mọi người khác phải phục vụ và nghe theo mình. Người con trong gia đình, thay vì để cho mình được giáo dục và uốn mình theo sự chỉ dạy của cha mẹ thì lại muốn tự mình tìm đường hướng cho cuộc sống ngay khi còn là con trẻ. Chúng không muốn để mình trong tư thế của người học trò để được chỉ dẫn và học hỏi, một người học trò luôn mở lòng mình để được lớn lên không chỉ về thân xác nhưng cả về chiều sâu trong tâm hồn. Những người cha, người mẹ nơi gia đình dần đánh mất vai trò gương mẫu của mình. Thay vì trở nên gương mẫu cho con cái, họ lại biến gia đình như một thứ dịch vụ, nơi đó tiền bạc giải quyết thay cho tình thương, bạo lực thay cho lời chỉ dạy và những nỗi lo âu thường trực thay cho sự bình an. Những người vợ, người chồng nơi gia đình cũng dần đánh mất tình yêu và sự tin tưởng vào nhau. Họ không còn biết tìm kiếm tình yêu và đánh mất tình yêu thuở ban đầu của mình dành cho nhau. Thay vì làm mới lại tình yêu vợ chồng mỗi ngày, họ làm cho tình yêu của mình dần thui chột để rồi thỏa mãn và khỏa lấp trong ngoại tình hay gian dối. Gia đình là gì nếu không được xây dựng trên nền tảng của tình yêu vợ chồng, gia đình là chi nếu không phải là nơi mọi người trong gia đình tận hưởng tình yêu và sự sống của người khác trao ban cho mình và của mình trao ban cho người khác. Nơi gia đình, mọi người được mời gọi sống cho nhau và vì nhau, thế nhưng chẳng may đâu đó vẫn có những gia đình vô tình hay hữu ý đã trở nên địa ngục cho con trẻ, nơi mà nạn bạo hành đã chiếm chỗ thay cho một nền giáo dục. Ước chi mỗi người chúng ta biết xây dựng gia đình của mình, cho dẫu bạn có địa vị nào nơi gia đình: bạn là con, là cha, là mẹ….. chúng ta cùng nhau trở nên những con người thân thiện, trở nên những con người tốt lành và thành gương mẫu cho thế hệ mai hậu.

Con rắn đã len lỏi vào đời sống của gia đình, xã hội và Giáo hội, thế nhưng hơn hết, chúng ta cần xét đến môi trường quan trọng của con rắn chính là nơi bản thân mỗi con người chúng ta. Cho dẫu là gia đình hay xã hội thì đều được cấu thành bởi từng thành viên của nó là mỗi người chúng ta. Con rắn đã không cắn chung chung, nhưng nó đã hướng nọc độc của nó vào mỗi người và từng người trong chúng ta. Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta đã chẳng thấy trong mình rạo rực tình yêu vào thế giới, tình yêu vào Thiên Chúa đó sao. Thế mà không ít những lúc chúng ta thấy chán chường, thất vọng, không ít lần chúng ta thấy mất niềm tin vào Thiên Chúa hay con người chung quanh. Con rắn thêm một lần nữa len lỏi vào con tim của chúng ta, chúng muốn cô lập chúng ta khỏi thế giới, cô lập chúng ta bằng cách ngăn cản chúng ta đến với sự hiệp thông với Thiên Chúa và Giáo hội. Con người hôm nay bị tha hóa bởi một thế giới tục hóa, một thế giới đề cao giá trị vật chất và nhu cầu hưởng thụ. Chính vì thế, chúng ta không muốn dành thời gian cho những công việc không có lợi trước mắt như cầu nguyện, thờ phượng, việc bổn phận như phụng vụ bí tích hay những việc hồi tâm, thinh lặng và hòa giải bị lãng quên và coi như vô bổ. Chúng ta mải chạy theo vòng quay của đồng tiền và thế lực của Mammon thao túng chúng ta. Thay vì là con Thiên Chúa và để Thiên Chúa làm chủ, chúng ta tự biến mình thành nô lệ của bạc tiền, của thú vui trần thế mau qua, chóng tàn. Con rắn tiếp tục kéo dài chiếc đuôi của nó trên cuộc đời chúng ta. Tiếp tục cơn cám dỗ ban đầu với Eva xưa, con rắn cũng bước vào cuộc sống chúng ta với một nửa sự thật về thế giới, về vật chất, về những đam mê… Chúng ta cần cầu nguyện trong lặng thinh để biện phân lại Thần Khí nào đang hoạt động nơi tâm hồn mình. Chúng ta cần định hướng lại cuộc sống và lối sống để tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống của mình.

* Con rắn trong sa mạc: Đoạn sách Dân số 21, 4-9 trình thuật rằng: “Từ núi Ho, họ lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Êđôm; trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Israel mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Aicập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.”  Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết. Dân đến nói với ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” Ông Môsê khẩn cầu cho dân. Đức Chúa liền nói với ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.”

Người Israel mất kiên nhẫn đã kêu trách Chúa, họ không tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa mà chỉ theo vì Thiên Chúa giải thoát, thế rồi họ lại tiếc nuối cảnh phù hoa nơi Ai Cập. Chính vì thế họ kêu trách Chúa đã mang họ ra khỏi cảnh im lìm nơi Ai Cập cho dẫu phải lao nhọc trong cảnh nô lệ. Giờ đây, họ bước vào đời sống mới trong tự do, thế nhưng tự do ấy cũng đồng nghĩa với sự bấp bênh của thiếu thốn và nguy hiểm bởi ngoại cảnh. Họ thấy sợ, sợ cảnh long đong dòng dã nơi sa mạc, họ sợ một Thiên Chúa quá quyền năng sẽ áp chế cả tự do của họ. Bởi chính Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi Ai Cập hùng mạnh, có lẽ Thiên Chúa cũng sẽ thế chỗ cho một Pharaon khác. Thiên Chúa họ đang đi theo là một vị Thiên Chúa không tài nào hiểu thấu được, bởi Thiên Chúa ấy không do quan niệm con người tạo nên. Họ đã quan niệm về một Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt, một Thiên Chúa độc tài và áp chế. Chính vì thế, họ đã mường tượng ra những thần linh khác nhau, những thần linh có thể thỏa mãn những yêu cầu của họ, những thần linh có thể hành động theo ý muốn mà họ yêu cầu. Con rắn Thiên Chúa dùng để cắn họ không giống như con rắn thời Sáng thế để cám dỗ con người, thế nhưng con rắn nơi đây để thanh luyện và giúp con người nhận ra mình và tìm về với Thiên Chúa. Con rắn đồng được treo lên để ai bị rắn cắn ngước lên và được cứu. Việc người Do thái ngước nhìn con rắn được treo lên cây gỗ này không chỉ ám chỉ con rắn đơn thuần, nhưng là hành động của lòng tin. Một hành động biết hướng về, nhìn lên và tìm về với điều Thiên Chúa muốn.

Thế nhưng, con rắn được treo lên và mọi người nhìn về đã giữ họ ở lại với hình ảnh đó mà không đi vào sâu hơn nữa. Họ đã dừng lại ở con rắn và coi đó như một thứ thần tượng. Con rắn được treo lên không phải để tôn thờ nó, nhưng là để hướng về với Thiên Chúa Tối Cao. Con người dễ thay thế Thiên Chúa bằng một thần tượng nào đó khác, một thần linh nào đó được dựng nên cho dẫu bản chất chẳng phải là thần. Ngày hôm nay, con người đang tôn thờ không phải Thiên Chúa nhưng chính là con rắn đích thực, con rắn được thể hiện ra bởi những khía cạnh và phương diện khác nhau. Đâu đó người ta tôn thờ thần mùa màng, thần sinh sản, thần tài, thần may mắn; nhưng xu hướng thời đại nói chung con người tôn thờ thứ thần của sự hưởng lạc, thần linh của bạc tiền và lòng tham. Con người đã tự tạo nên những vị thần và tôn thờ chúng như thể Thiên Chúa. Đó không phải việc thường tình nhưng là một tội, tội nghịch với Thiên Chúa mà theo tà thần. Con rắn đã xâm chiếm và chế ngự con người, nó dùng phương thế của mình hầu đưa con người mỗi ngày ra xa Thiên Chúa hơn.

Con rắn ấy đã thành công trong một thời gian dài khi con người không biết trông cậy vào điều gì và sự thật của thế giới dường như đã bị dấu kín hoặc đã bị đem đi nơi xa khuất. Cho đến thời gian đã được ấn định, Thiên Chúa đã đến. Ngài đem lại cho thế giới một niềm hi vọng, đem lại cho thế giới biết thế nào là sự thật và tỏ lộ về một Thiên Chúa biết yêu thương. Con rắn thời xa xưa đã bị “đạp nát đầu” bởi một Thiên Chúa đã làm người. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ lộ chính mình, nhưng hơn thế nữa, Ngài đã dạy cho chúng ta biết cách để chiến thắng con rắn xưa và nay. Đức Giêsu dạy chúng ta biết tôn thờ Thiên Chúa hơn là tìm đến với những ngẫu tượng hay những sản phẩm thần linh mà chúng ta tạo ra do lòng tham, sân, si của mình. Nhờ Ngài, chúng ta thoát khỏi cảnh si khờ của một con người dại dột mà bước vào đời sống mới, một đời sống tôn thờ Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Để từ nay, thay vì tôn thờ những khoái cảm bên ngoài, những tà thần và quyến rũ của nó, chúng ta tôn thờ một mình Thiên Chúa được tỏ lộ qua Đức Kitô. Chỉ có một Đấng duy nhất đã đạp nát đầu con rắn xưa và những cám dỗ của nó, chỉ một Đấng đã bị cám dỗ mà không phạm tội mới có thể cứu thoát chúng ta khỏi xích xiềng của nó. Con rắn đã bị thương tổn và thất bại. Chúng ta có quyền vui mừng và hớn hở vì đã được một thế lực mạnh hơn nó cứu thoát. Chính trong viễn tượng ấy, con người ngày hôm nay đã có một điểm tựa, một đường đi và một thứ vũ khí quan trọng để chiến thắng những cám dỗ. Nhưng vũ khí ấy là điều gì nếu không phải là biết tái thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa? Nhưng tái lập mối tương quan ấy bằng cách nào nếu Đức Kitô là Thiên Chúa đã không dạy chúng ta? Đức Kitô đã cho chúng ta một phương thế thật tuyệt vời để chúng ta đến với Thiên Chúa đó là chính Lời của Ngài. Lời của Chúa được chứa đựng trong Thánh Kinh và được lưu truyền cách nguyên vẹn qua truyền thống của Giáo hội. Với Lời Chúa, con người được kêu mời lắng nghe điều Thiên Chúa nói với mình trong chính giây phút hiện tại, bên cạnh đó, Lời của Thiên Chúa còn là lời mạc khải về chính Ngài, qua đó Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta biết Ngài là ai. Chính vì thế, Lời Chúa không chỉ là phương thế để chúng ta tạo mối tương quan với Thiên Chúa nhưng còn là cách thức Thiên Chúa nói với con người. Bên cạnh Thánh Kinh, Đức Kitô còn nối dài sự hiện diện của mình trong thế giới bằng cách thiết lập các bí tích được Giáo hội cử hành suốt hai mươi thế kỉ qua. Trong từng ngày và từng giờ, thánh lễ vẫn được cử hành trên thế giới, từng giờ, Thiên Chúa vẫn nhập thể và tiếp tục hành động của mình trong thế giới để “ở với con người cho đến ngày tận thế”.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm chủ tâm hồn con người, và cũng chỉ có Thiên Chúa mới có thể giải thoát tâm hồn con người khỏi những giam hãm của ác thần. Con rắn đã tấn công con người trong thế giới, nhưng chính Thiên Chúa đã đến để giải thoát con người. Con rắn đã thất bại.

* Con rắn thời đại: Bộ Thánh Kinh kết thúc với sách Khải Huyền. Chương 12 của sách Khải Huyền mô tả về con Mãng Xà rình rập trước người phụ nữ, để khi bà sinh con thì “nó sẽ nuốt ngay con bà”.

Cho dẫu Đức Kitô đã xuống thế làm người, đã cứu chuộc nhân loại và ban cho con người những phương thế để đến với Chúa, thế nhưng, con rắn vẫn rình rập để nuốt chửng con người khi thuận tiện. Con rắn ấy vẫn đây đó trong cuộc đời của chúng ta, nó không ở nơi nào xa xôi nhưng ở ngay chính trong tâm hôn và đi vào từng hoạt động sống đơn lẻ trong cuộc đời chúng ta. Con rắn đến với những người trẻ trong thế giới khi nó cám dỗ về một đời sống hưởng thụ mà ngại hi sinh, cám dỗ con người sống theo chủ nghĩa duy vật chất mà bỏ qua những giá trị tinh thần và tâm linh. Con rắn cũng đi vào đời sống gia đình với những cám dỗ đầy nhạy cảm trong đời sống chung thủy vợ chồng, trong việc thực hiện các mục đích căn bản của hôn nhân. Mọi người dường như coi hôn nhân như một phương thế để tìm kiếm những khoái lạc cách hợp pháp mà quên đi giá trị bảo vệ và thăng tiến đời sống tình yêu của cặp vợ chồng. Con rắn ấy cũng đi vào đời sống của Giáo hội ngay trong những hoạt động thánh thiện của mình. Bởi chưng, đâu đó vẫn có những người tham dự thánh lễ mà tâm trí vẫn đang toan tính những việc xấu xa, lòng vẫn ấp ủ những điều mà không thể nào chấp nhận được. Đâu đó vẫn có những con người tìm kiếm Thiên Chúa như một phương tiện để thăng tiến bản thân hay để tìm kiếm nơi Ngài những điều thực dụng. Phải chăng Thiên Chúa chỉ là một kho những ơn lành để chúng ta khai thác, phải chăng Thiên Chúa chỉ như một vị đại gia để chúng ta xin hết điều này đến điều khác, để khi không được chúng ta đâm ra chán chường hay giận hờn Ngài; và phải chăng Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ mà chỉ là một ngẫu tượng nào đó mà chúng ta hình dung hay tạo tác thành? Chúng ta ngày hôm nay vẫn bị sự rình rập của con rắn, nó vẫn thường trực bên đời của chúng ta để khi có dịp thuận tiện, nó sẽ cắn miếng chí tử và dẫn chúng ta đến với cái chết.

Cuộc sống con người hôm nay vẫn được bao quanh bởi các mối tương quan liên chủ thể. Con người liên hệ với mọi người trong xã hội, tương quan với thế giới vạn vật và tương quan với chính mình nữa. Hơn thế nữa, mối tương quan sâu xa giữa con người với Thiên Chúa được coi như nguồn mạch của mọi mối tương quan khác. Bởi chính trong mối tương quan với Thiên Chúa mà con người giữ vững và củng cố mọi mối tương quan khác. Chính vì vậy, con rắn thời đại đã đi vào và muốn phá vỡ tương quan sâu xa này. Bởi khi tương quan ấy bị rạn nứt, con người cũng sẽ bị chống đối bởi vạn vật và bởi chính mình. Vì vậy, để con rắn không còn gây họa nữa, để cuộc đời con người được bình an, thiết tưởng chúng ta cần xây dựng cho mình một mối tương quan sâu sắc với Thiên Chúa. Chỉ khi chúng ta biết cầu nguyện với Chúa thì chúng ta mới có thể đi vào trong tình yêu với Ngài; chỉ khi chúng ta biết hòa mình trong dòng chảy của thần linh qua đời sống phụng vụ, chúng ta mới có thể tìm kiếm Thiên Chúa là chân lý đích thật. Con rắn vẫn còn đó. Trong kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài đã không dạy chúng ta cầu xin để đừng có những cám dỗ, thế nhưng Ngài đã dạy chúng ta hãy cầu xin để mỗi người chúng ta không bị ác thần quyến rũ và sa chước những cám dỗ của nó. Chính vì vậy, chúng ta cùng nhau cầu xin Thiên Chúa cho chúng ta có đủ sức để lướt thắng những cơn cám dỗ, chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng ta để biết tìm và vâng nghe theo ý Ngài. Và sau hết, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta biết tin tưởng vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta trong mọi nỗi khốn khó vì chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có đủ sức mạnh để sống và vươn lên, bởi trong mọi trường hợp Thiên Chúa vẫn nói với chúng ta rằng: “Ơn của Thầy đã đủ cho con”. (2Cr 12,9)

Mục Đồng Nguyễn