CỬ HÀNH THÁNH THỂ: BÀI 25 – LỜI MỜI VÀ LỜI ĐÁP TRƯỚC LỜI NGUYỆN TIẾN LỄ


Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã 
thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 25: LỜI MỜI VÀ LỜI ĐÁP TRƯỚC LỜI NGUYỆN TIẾN LỄ

I/ NGHI THỨC

Sau khi rửa tay và trước khi đọc lời nguyện tiến lễ, linh mục trở vào giữa bàn thờ, quay về phía cộng đoàn, dang tay rồi chắp lại và nói: “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.”  Cộng đoàn đứng lên và thưa: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.” (NTTL 29)

II/ LỊCH SỬ & Ý NGHĨA

Vào thế kỷ thứ VIII, tại Pháp, sau khi chủ tế đem lễ vật riêng của mình đặt chung với lễ vật của giáo dân và giáo sĩ, ngài sẽ quay lại, giang tay và xin mọi thừa tác viên khác [chứ không phải dân chúng] đang hiện diện tại bàn thờ và trên cung thánh cầu nguyện cho mình: “Xin anh em cầu nguyện cho tôi, để lễ vật của tôi được chấp nhận.” Hành động và lời nói trên nhằm nhấn mạnh sự bất xứng của thừa tác viên khi được tách khỏi cộng đoàn và được đặt lên làm trung gian giữa cộng đoàn với Thiên Chúa. Chủ tế còn đấm ngực để tỏ lòng thành khẩn của mình.[1] Tuy nhiên sau lời mời gọi này thì không thấy có lời đáp nào cả hoặc đáp lại bằng câu thánh vịnh 19/20,3-5: “Từ thánh điện, cầu Chúa thương cứu trợ, từ Xi-on, nguyện Chúa đỡ nâng ngài. Mong Chúa hằng nhớ đến mọi lễ phẩm ngài dâng, và hoan hỷ chấp nhận lễ toàn thiêu của ngài. Xin Chúa ban như lòng ngài ước nguyện, và cho mọi điều ngài toan tính được thành công.

Tới thế kỷ IX, chủ tế mới quay xuống, đối diện với dân chúng và nói: “Anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi” (chứ không nói: “Anh chị em hãy cầu nguyện với tôi”) vừa nhằm nhấn mạnh sự bất xứng của thừa tác viên vừa chỉ ra tầm quan trọng của những điều sắp diễn ra sau đó và mời cộng đoàn hãy chăm chú.[2]

Theo Remigius thành Auxerre (thế kỷ X), sau lời mời của chủ tế, cộng đoàn sẽ đáp lại bằng lời thánh vịnh 19/20, 2-4 hoặc bằng câu: “Nguyện xin Chúa ở trong trái tim và trong môi miệng cha, và xin Ngài chấp nhận hy lễ từ miệng và tay cha hầu giúp chúng con và tất cả mọi người được ơn cứu độ. Amen.” Từ thế kỷ XI, chúng ta mới thấy xuất hiện lời đáp của cộng đoàn như hiện nay: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người.”[3]

Ngày trước, khi phong trào cải cách phụng vụ mới bắt đầu và Thánh lễ vẫn còn cử hành bằng tiếng La-tinh, lời mời gọi của chủ tế có một tầm quan trọng đặc biệt để nhắc nhở cho giáo dân biết họ phải tích cực tham gia vào cử hành phụng vụ: việc tế lễ không phải là chuyện của riêng linh mục mà cũng chính là của họ cho nên lời cầu nguyện của họ không được lang bang đây đó, hoặc chỉ chú ý đến vấn đề của mình, nhưng phải hiệp nhất với lời cầu nguyện của chủ tế.[4]

Lời mời gọi của chủ tế ngày nay “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận” (NTTL 29) không những đã trở thành lời hiệu triệu để bước vào hành động Thánh Thể, mà còn diễn tả tâm tình tha thiết nguyện xin của dân Chúa được quy tụ để cùng nhau dâng lên Thiên Chúa là Cha một của lễ duy nhất, mỗi người đều thông dự vào một hy lễ duy nhất.[5]

Ở đây, chúng ta lưu ý 2 điểm đặc biệt. Thứ nhất, Hội Thánh dùng cụm từ La-tinh meum ac vestrum sacrificium (hy lễ của tôi cũng là của anh chị em) (NTTL 29) chứ không phải sacrificium nostrum (hy lễ của chúng ta). Thứ hai, Hội Thánh sử dụng từ nối ac (cũng là) chứ không phải từ et (và). Có hai mục đích ở đây. (1) Một là nhằm nhấn mạnh rằng cả tư tế và giáo hữu đều dâng lễ, nhưng dâng theo hai cách khác nhau, nghĩa là có hai cách thức tham dự khác nhau vào một chức tư tế của Đức Kitô. (2) Hai là nhằm xác định chân lý thần học rằng: chỉ có một hy lễ là Hy tế Thánh Thể thì thuộc về toàn thể Hội Thánh, gồm cả tư tế lẫn dân chúng. Ý nghĩa của từ La-tinh ac (cũng là) ám chỉ rằng đây là hy lễ trước tiên đến từ tay linh mục mà dâng lên Thiên Chúa và do đó cũng là hy lễ của dân chúng chứ không ám chỉ hai hy lễ khác nhau.[6] Phân biệt ra hy lễ “meum ac vestrum – của tôi cũng là của anh chị em” vì chỉ tư tế thừa tác mới có thể dâng Hy lễ Mình và Máu Chúa Kitô vì ngài là thừa tác viên của hy lễ nhờ bí tích Truyền chức thánh đã lãnh nhận để hành động trong ngôi vị của Chúa Kitô, Đầu của Hội Thánh (x. Dominicae Cenae, số 9). Có thể nói thế này: trong cộng đoàn phụng vụ, chủ tế không đơn giản là một người trong chúng ta nhưng là người được Chúa chọn để dâng hiến hy lễ nhân danh chúng ta trong vai trò như là dụng cụ.[7] Đối với các giáo hữu, dù không hiến tế như linh mục, nhưng họ cùng với linh mục dâng tiến hy lễ thiêng liêng của mình, tượng trưng bằng bánh và rượu ngay từ lúc được dâng lên bàn thờ (Dominicae Cenae, số 9) mà sẽ được hòa nhập vào hy lễ duy nhất, hoàn hảo và đời đời của Đức Kitô trên đồi Canvê và được hiện diện một lần nữa khi linh mục dâng bánh trường sinh và chén cứu độ vào lúc sau truyền phép. Họ cũng tham dự vào một chức tư tế của Đức Kitô nhưng là chức tư tế phổ quát nhờ bí tích Thánh tẩy đã lãnh nhận (x. Kh 1,6; 5,9-10; 1Pr 2,5,9; GLCG 1546). Trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, họ không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài mà tập dâng hiến chính mình (x. PV 48). Tuy nhiên, đây không phải là hai hy lễ, mà cả chủ tế lẫn mọi người đều thông dự vào một hy lễ duy nhất, đều cùng nhau dâng lên Thiên Chúa một hy lễ duy nhất là hy lễ tạ ơn của Chúa Kitô.[8]

Lời thưa hiện nay: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha để ca tụng tôn vinh danh Chúavà mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người” trở thành một trong những câu tung hô của dân chúng. Lời đáp này xác định mối liên kết giữa cộng đoàn với vị tư tế và cũng để phân biệt hai mục đích của phụng vụ là: (1) tôn vinh Thiên Chúa và (2) thánh hóa các tín hữu. Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa bằng cách dâng lên Thiên Chúa “mọi danh dự và vinh quang” như sẽ được hát trong Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể. Thánh hóa các tín hữu là mang ơn cứu độ cho toàn thế giới qua việc đem lại lợi ích thiêng liêng cho những người tham dự cũng như cho toàn thể Hội Thánh.[9] Hành động của Thiên Chúa là cứu độ nhân loại bằng cách thánh hóa chúng ta; còn hành động thờ phượng của chúng ta là ca tụng vinh quang của Ngài.[10] Đang khi dân chúng đáp lại: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha…”, chủ tế thinh lặng chứ không đọc theo.[11]

Trong bản Latinh có chữ “thánh” (totiúsque Ecclésiæ suæ sanctæ) mà chúng ta không được bỏ. Bởi thế bản tiếng Việt dịch là “cùng toàn thể Hội Thánh Người”. Đây là Hội Thánh của Chúa Kitô chứ không phải chỉ là “Giáo Hội” dẫu rằng Hội Thánh trên trần gian gồm cả những thành viên thánh nhân và tội nhân. Làm sao có thể khác được? Làm sao Hội Thánh có thể là con tàu cứu rỗi chúng ta nếu như tội nhân không được phép lên tàu? Đúng vậy, chính Hội Thánh đã được thánh hóa bởi máu Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu nhìn Hội Thánh với cặp mắt đầy yêu thương và đón nhận Hội Thánh như chàng rể đón nhận tân nương của mình, thì chúng ta đừng bao giờ phủ nhận sự thánh thiện của tân nương. Trái lại, điều phải lẽ hơn là hãy cầu nguyện để Chúa Giêsu làm cho chúng ta cũng trở nên thánh thiện, không tì vết vì Ngài đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, đã chịu chết để thánh hóa Hội Thánh, “để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,27).[12]

[1] Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 337-38.

[2] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012)185; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 337-38.

[3] X. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 337-38.

[4] A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 57.

[5] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 206; Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể (Sài Gòn: ĐCV thánh Giuse, 2001), 114.

[6]  Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 88.

[7]  Ibid., 88; Anthony Esolen, The Beauty of the Word (New York: Magnificat, 2012), 222.

[8] X. Thông điệp Mediator Dei, 93; Cyprian Vagaggini, Theological Dimensions of the Liturgy, trans., Leonard J. Doyle and W.A. Jurgens (Collegeville: Liturgical Press 1976), 153-156.

[9] X. John D. Laurance (ed.), The Sacrament of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012)157.

[10] Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992), 121.

[11] X. James P. Moroney, The Mass Explained (New Jersey: Catholic Book Publishing Corp, 2008), 81.

[12] X. Anthony Esolen, The Beauty of the Word (New York: Magnificat, 2012), 222.