Đau khổ
Từ đêm Thứ Năm Tuần Thánh đến chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, đó là khoảng đau khổ tột cùng của Đức Kitô. Ngài là Con Thiên Chúa còn phải chịu đau khổ, huống chi chúng ta – phận bụi tro, kiếp tội nhân, loài rơm rác, loài sâu bọ!
Tại sao có đau khổ? Đó là một câu hỏi rất cũ mà vẫn hoàn toàn mới. Và chắc hẳn chẳng ai có thể trả lời “thấu tình đạt lý” để ai cũng khả dĩ “tâm phục khẩu phục”.
Đau khổ là Tứ Diệu Đế của Đức Phật: Sinh là khổ, Lão là khổ, Bệnh là khổ, và Khổ là khổ. Ông thấy có nhiều thứ đau khổ nên ông đã giác ngộ để có thuyết nhà Phật. Vấn nạn “tại sao có đau khổ?” là câu hỏi về lý do chúng ta chịu đau khổ, loại hàng đầu trong cuộc sống, vì ít nhiều gì thì ai cũng trăn trở suốt ngày thâu đêm, chỉ có người điên hoặc sống thực vật mới không trăn trở và không đau khổ. Nhưng nếu có thể “vắt chân lên trán” thì cũng không tìm ra nguyên nhân chính xác nhất. Theo ý nghĩa nào đó, tôn giáo là nỗ lực của con người muốn trả lời câu hỏi này và muốn giải quyết vấn nạn này.
Không ai lại không đau khổ. Sinh ra chưa biết gì đã khóc. Vui sao lại khóc? Phải chăng “khóc” là tiên báo đau khổ? Khóc giống nhau ở tình trạng “chảy nước mắt”, nhưng khóc vì vui sướng thì không “nức nở” và “nhức nhối” như khi khóc vì đau khổ. Và chúng ta thường nói câu cửa miệng: “Đời là bể khổ!”. Phải chăng khổ-ải-trần-gian là “phần cứng” đã được cài đặt mặc định như một định-luật-muôn-thuở?
Xét theo khoa học, nước mắt cũng có lợi là “làm vệ sinh” mắt, vì chất muối mặn giúp sáng mắt và chữa lành các tổn thương nhẹ của mắt. Người chịu đau khổ nhiều nhất là Chúa Giêsu, nên chính Ngài đã chúc phúc cho những người-chịu-đau-khổ: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5), và chính Ngài cũng đã thực sự phải chịu đau khổ nhiều (x. Mc 8:31; Lc 17:25). Đồng thời Ngài còn cảnh báo những người-sống-ung-dung-vui-sướng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6:25). Ngài đề cao sự đau khổ, vậy đau khổ không như chúng ta nghĩ. Rồi Ngài còn căn dặn và xác định: “Đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).
Vâng, ngày nào cũng có cái khổ của ngày đó – không thiếu, không thừa, mà luôn “vừa đủ”. Không ai có thể diệt khổ. Càng tránh khổ càng gặp khổ, càng cố diệt khổ càng thêm khổ. Cách thoát khổ tốt nhất là “đi xuyên qua đau khổ”, như kiểu “dĩ độc trị độc” vậy.
Nhưng đôi khi chúng ta thiếu hiểu biết, hiểu lệch lạc hoặc thiếu công bằng khi nhận định về đau khổ. Thấy một người chịu đau khổ – chẳng hạn bị tai nạn, nếu chúng ta quý mến người đó thì chúng ta nói là “thánh giá Chúa trao”, còn nếu chúng ta không ưa người đó thì chúng ta nói đó là “Chúa phạt”. Rõ ràng có sự thiên vị từ trong suy nghĩ của chúng ta. Nhưng tất cả là “để giữ vững kế hoạch Thiên Chúa đã tự do chọn lựa, mà chọn không dựa vào việc người ta làm, nhưng dựa vào ý muốn của Thiên Chúa” (Rm 9:10-12).
“Tại sao có đau khổ trên thế gian?” là câu hỏi cơ bản nhưng cũng rất trừu tượng. Nhưng đau khổ lại là một khái niệm cụ thể, vì hằng ngày chúng ta vẫn phải đối mặt với đau khổ ở nhiều dạng và nhiều mức độ: Bệnh tật, tai nạn, căng thẳng, vất vả lao động, lo lắng, bị hiểu lầm, bị chê trách, bị ghen ghét, thất nghiệp,… Không thể liệt kê hết đau khổ trong cuộc sống. Đau khổ hầu như vượt qua tầm hiểu biết của con người.
Thánh Ý Chúa quá mầu nhiệm! Đau khổ là một trong những kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta chấp nhận đau khổ không phải do “bị triệt buộc” mà do “đức tuân phục”, nhờ vậy mà đau khổ trở thành đường dẫn đến Ơn Cứu Độ. Chúa Giêsu đã khuyên người ta chịu đau khổ: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14).
Người ta coi đau khổ là điều phải tránh. Họ tránh đau khổ bằng cách nỗ lực tối đa, cố gắng tách mình ra khỏi thế giới, vì thế giới bị coi là nguyên nhân gây đau khổ. Người Công giáo coi đó là một trong ba đại thù. Người ta còn tránh đau khổ bằng cách làm ngược lại, bằng cách tích lũy của cải và tìm kiếm những niềm vui ở mức tối đa. Dù khác nhau, nhưng việc tránh đau khổ vẫn là nguyên lý tột đỉnh để chúng ta áp dụng.
Ở một góc nhìn khác thì đau khổ thuộc lĩnh vực đức tin Công giáo, đau khổ là thập giá. Chúa Giêsu nói: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38), và Ngài xác định: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Theo đó, đau khổ không là điều cần tránh. Thực sự là chúng ta cố gắng làm giảm đau khổ của người khác, nhưng giáo lý làm nên đức tin duy nhất thì đau khổ mang tính cứu độ. Đối với người Công giáo, đau khổ là phương thế để thánh hóa bản thân, là đền tội mình, cầu nguyện cho tha nhân và cứu các linh hồn, là cách tiếp cận Thiên Chúa và chia sẻ đau khổ của Chúa Giêsu Kitô – Đấng đã chịu chết vì toàn nhân loại.
Đau khổ là “chướng ngại vật” mà mọi người đều cố gắng tránh, giảm thiểu hoặc cách ly, nhưng chính đau khổ lại là “chìa khóa vạn năng” để mở cánh-cửa-cứu-độ. Phải có mức can đảm cao thì người ta mới khả dĩ chấp nhận và chịu đau khổ một cách ngoan cường – dù là đau khổ tinh thần hoặc thể lý. Chứ theo bản năng nhân loại thì không ai đủ sức chịu đựng. Thật vậy, theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng đã lo sợ đến toát mồ hôi trong Vườn Dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Con ngưới rất yếu đuối và luôn sợ đau khổ. Nhưng một lúc sau, Ngài đã vượt qua nỗi sợ nên thân thưa: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha” (Mt 26:42). Nỗi sợ vẫn đeo bám Ngài đến nỗi trước khi trút hơi thở, Ngài lại phải thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34). Đau khổ lúc đó lên tới mức tột đỉnh ở nơi Ngài, huống chi chúng ta!
Thật vậy, Giáo hoàng tiên khởi Phêrô cảm nhận: “Phúc thay ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô” (1 Pr 4:1).
Đôi khi chúng ta thiếu bản năng nhìn thấu nỗi đau khổ. Điều này có thể tạo ra “điểm mù” khi chúng ta nói về tình yêu, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, hoặc an tử (cách làm người khác chết êm dịu – mercy killing, euthanasia). Điều này rất quan trọng khi chúng ta cân nhắc mà không thấu hiểu nỗi đau khổ.
Những căn bệnh trầm kha ở giai đoạn cuối và các chứng rối loạn gen thường là cách biện hộ để áp dụng biện pháp an tử hoặc phá thai. Không vì mục đích của Chúa thì đau khổ trở nên vô nghĩa, hóa gánh nặng, là điều khủng khiếp, và đau khổ lại chồng chất thêm đau khổ. Do đó, cuộc đời càng trở nên ảm đạm!
Thực sự vấn đề đau khổ không thể nào có câu trả lời thỏa mãn theo lý lẽ của con người. Hiểu được và có thể chấp nhận đau khổ thì người ta phải nhờ ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa. Phúc Âm là Tin Mừng cho chúng ta. Chính những đau khổ chúng ta cố gắng chịu đựng có thể đem chúng ta đến với Ơn Cứu Độ. Thánh Gióp và nhiều vị thánh khác đã minh chứng hùng hồn về mối liên quan chặt chẽ giữa sự đau khổ và Ơn Cứu Độ. Trừ thánh Gioan, các Thánh tông đồ và các Thánh tử đạo càng minh chứng rõ ràng hơn về mối quan hệ đó khi các ngài hiên ngang chịu tan xương nát thịt. Như vậy, đau khổ là điểm son chứ không đáng nguyền rủa.
Đau khổ liên quan Đức Tin, nói theo người đời là lòng tin hoặc niềm tin.
Trong số những người không có niềm tin tôn giáo vẫn có những người có tính chịu đựng hoặc nhịn nhục. Nếu họ không tin vào cái gì đó cao hơn hoặc vô hình thì họ cần gì cam chịu như vậy? Với người có niềm tin tôn giáo thì rõ ràng hơn: Họ chịu đau khổ vì vâng lời dạy của Đức Kitô, để đền tội mình, để đền tội thay người khác, và để cứu các linh hồn. Đó mới là Đức Tin chân chính, chứ cứ “đường đường chính chính” thì chẳng ai sợ ai, chưa biết ai ăn ai, vì người khỏe ỷ sức mạnh thì người yếu cũng biết dùng mưu lược.
Lạy Thiên Chúa, xin ban Thần Khí Chúa để chúng con có thể hiểu giá trị của đau khổ mà can đảm đi xuyên qua đau khổ. Xin đừng bỏ mặc chúng con trong đau khổ, và xin cho chúng con được kết hiệp những nỗi đau khổ nhỏ bé của chúng con vời nỗi đau khổ quá lớn của Đức Kitô. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU