Đức Tin và văn hóa Quan Họ
ĐỨC TIN VÀ VĂN HÓA QUAN HỌ
Lâm Văn Trung
Khi nói đến Đức tin và Văn hóa Quan họ, ta nhớ đến huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Đức tin và văn hóa như sau: “Đức tin và văn hóa là hai yếu tố liên kết không thể phân ly. Đức tin đã hiện diện trong suốt lịch sử, và luôn luôn là muối là men cho văn hóa, là ánh sáng cho trí tuệ, là sự thúc đẩy cho việc phát triển mọi khả năng tích cực cho lợi ích chân chính của nhân loại.”[1] Năm nay (2019), người dân vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc[2] đang kỷ niệm 10 năm Văn hóa Quan họ[3] được UNESCO[4] công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại.” Đây là một dấu chấm lớn trên chặng đường thời gian của Văn hóa Quan họ trong nhân loại. Chúng ta – những con người đang sống trên vùng đất có nền văn hóa đặc biệt này chứng kiến nền văn hóa này cống hiến gì cho nhân loại, và nó đã phát triển và thăng tiến thế nào?… Công Đồng Vaticanô II đã kêu mời người tín hữu Công giáo “hãy khám phá với niềm vui và trân trọng những hạt mần của Lời Chúa đang tiềm ẩn” (AG 11) trong các nền văn hóa và trong truyền thống dân tộc cũng như tôn giáo nơi mình đang sống. Ở bài viết này, người viết xin không đề cập đến phương diện hội nhập văn hóa giáo phận đã và đang thực hiện, nhưng theo phương diện quan sát những tương tác của Đức tin Công giáo (hay rộng nữa là Đức tin Ki-tô Giáo) đối với Văn hóa Quan họ, quan sát những giá trị và hình thức tích cực trong Văn hóa Quan họ đối với Đức tin, cũng như quan sát nền văn hóa này đã nhờ Đức tin soi sáng dẫn lối vượt lên trên bình diện tự nhiên, tìm đến với siêu nhiên như thế nào.
- Những nét hay nét đẹp trong Văn hóa Quan họ đối với Đức tin
Vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc có nền Văn hóa Quan họ. Trong đó, Văn hoá Quan họ là một tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật dân gian khác nhau: những quan niệm trong sáng về tình yêu, về tình cảm đẹp đẽ chất phác và trữ tình được thể hiện trong lối sống, thể hiện trong những làn điệu dân ca. Thí dụ trong lối sống: thường nhật người Quan họ gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm, gắn kết với nhau trong việc kết nghĩa kết chạ, gắn kết với nhau trong sinh hoạt hội hè… Họ luôn khát vọng “thương người như thể thương thân”, vượt lên gian khó. Chẳng hạn:
“Hôm nay tứ hải giao tình, (Đương Quan họ ơi!)
tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà.
Hôm nay sum họp giao hòa,
nguyện xin nguyệt lão giăng già se duyên. (Đương Quan họ ơi!)
Trai anh hùng sánh gái thuyền quyên,
phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên Châu Trần”
(bài Tứ Hải Giao Tình, dân ca Quan họ).
Hay:
“Chuông vàng gác cửa tam quan,
đêm nằm tưởng đến người ngoan em phiền.
Người về em vẫn khóc thầm,
đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa.
Người về em những trông theo,
trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi.
Người về em dặn nhời này,
sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua.
Người về em dặn người rằng,
đâu hơn người kết, đâu bằng người đợi chúng em.”
(bài hát Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan, dân ca Quan họ)
Cũng chính những khát vọng tốt đẹp này đã hoá thân thành những làn điệu Quan họ kỳ diệu: “lời thì giao duyên, tình thì anh em”, vừa thực vừa mơ, vừa giãi bày vừa khúc chiết, vừa tình tự lại vừa sâu sắc… phản chiếu những giá trị thật gần gũi với Tin Mừng: “hãy yêu tha nhân như chính mình”.
Đối với những sinh hoạt tôn giáo của người Công Giáo, nhìn từ phương diện văn hóa ta thấy rằng: Văn hóa Quan họ như cống hiến những âm hưởng của nhiều làn điệu Quan họ để người tín hữu se-dệt thành những bài thánh ca đậm đà sắc thái dân ca Quan họ, cống hiến những kiểu mẫu độc đáo và màu sắc tươi đẹp để trang điểm cho những bộ quần áo tươi tắn và đẹp mắt, đang được sử dụng trong việc tôn thờ Thiên Chúa, cũng như trong những sinh hoạt của người tín hữu.
Dưới đây xin lược trích và so sánh mấy câu thánh ca mang âm hưởng dân ca Quan họ, và trưng dẫn mấy hình ảnh về trang phục Quan họ trong sinh hoạt của người tín hữu Công giáo để gợi tả điều đang nói.
– Thí dụ về mấy câu thánh ca mang đậm đà âm hưởng dân ca Quan họ:
Thí dụ 1:
Từ nguyên bản lời Kinh Thương Xót trong Bộ lễ Công giáo:
“Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.”
Chuyển thành ca từ trong giai điệu bài thánh ca Kinh Thương Xót, Bộ lễ Quan họ Bắc Ninh:
Xin Chúa, xin Chúa thương xót chúng con, i…í…i…i…ì…ố mấy là thương.
Xin Chúa, xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con, i…í…i…i…ì…ố mấy là thương.
Xin Chúa, xin Chúa thương xót chúng con, i…í…i…i…ì…ố mấy là thương.
Giống như lối trình bày ca từ trong giai điệu của bài Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan, dân ca Quan họ:
“1/ Chuông vàng gác i cửa í.. i… ì… í…i… í… i… này có mấy tam nay ớ ớ tam quan là, đêm í… ơ… nằm là a nằm song em tưởng đến, mà này cũng rằng người ngoan i, người ngoan í… i… em phiền, người ơi người ở đùng về.
2/ Người về em vẫn í… i… ì… í.. i… này có mấy khóc nay ớ ớ khóc thầm là, đôi í.. ơ… bên là đôi bên vạt áo mà này cũng có a… ướt đầm, ướt đầm như ư mưa, người ơi người ở đùng về.” Vv…
Phần kết hợp ca từ và nhạc bài thánh ca Kinh Thương Xót (Số 1)
Thí dụ 2:
Từ lời kinh “Thánh Thánh Thánh” trong Thánh lễ, dạng nguyên bản:
“Thánh! Thánh! Thánh!”
Chuyển thành ca từ cho giai điệu trong bài thánh ca Thánh Thánh Thánh của Bộ lễ Quan họ Bắc Ninh:
Thánh i…ì…ì…ì…i…Thánh i…ì.
Thánh i…ì…ì…ì…i…Thánh ì…i
Giống như lối trình bày ca từ trong giai điệu của bài Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan, dân ca Quan họ:
“1/ Chuông vàng gác i cửa í.. i… ì… í…i… í… i… này có mấy tam nay ớ ớ tam quan là, đêm í… ơ… nằm là a nằm song em tưởng đến, mà này cũng rằng người ngoan i, người ngoan í… i… em phiền, người ơi người ở đùng về.
2/ Người về em vẫn í… i… ì… í.. i… này có mấy khóc nay ớ ớ khóc thầm là, đôi í.. ơ… bên là đôi bên vạt áo mà này cũng có a… ướt đầm, ướt đầm như ư mưa, người ơi người ở đùng về.” Vv…
Phần kết hợp ca từ và nhạc thành câu thánh ca Thánh Thánh Thánh của Bộ lễ Quan họ Bắc Ninh (Số2)
Thí dụ 3:
Trích câu hát dâng hoa trong bài Bảy Hoa, Ca Vãn Cổ Truyền Dâng Hoa Đức Bà giáo phận Bắc Ninh:
Từ lời thơ:
“Đức Bà thờ Chúa một bề.
Hoa quỳ chăm chắm hướng về thái dương…”
Tội nguyên không nhiễm khác thường.
Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầm”.
Chuyển thành ca từ trong giai điệu bài Bảy Hoa:
“1/ Thờ Chúa i…một i…bề, Đức i… Bà thờ Chúa i… một i… bề. Hoa i… quỳ chăm chắm i… i… i… i… hướng về là về thái dương i… i… i… i…”.
2/ Không nhiễm i… khác i… thường, tội i… nguyên không nhiễm i.. khác i… thường. Hoa sen trên nước i… i…i… i… chẳng i… vương là vương bùn lầm i… i… i… i…”.
Giống như lối trình bày ca từ trong giai điệu của bài Chuông Vàng Gác Cửa Tam Quan, dân ca Quan họ:
“1/ Chuông vàng gác i cửa í.. i… ì… í…i… í… i… này có mấy tam nay ớ ớ tam quan là, đêm í… ơ… nằm là a nằm song em tưởng đến, mà này cũng rằng người ngoan i, người ngoan í… i… em phiền, người ơi người ở đùng về.
2/ Người về em vẫn í… i… ì… í.. i… này có mấy khóc nay ớ ớ khóc thầm là, đôi í.. ơ… bên là đôi í bên vạt áo mà này cũng có a… ướt đầm, ướt đầm ư như ư mưa, người ơi người ở đùng về.” Vv…
Phần kết hợp ca từ và nhạc bài Bảy Hoa
của Ca Vãn Cổ Truyền Dân Hoa Đức Bà của giáo phận Bắc Ninh (Số 3)
– Về nét đẹp trang phục Quan họ trong sinh hoạt của người tín hữu Công giáo:
Về nguồn gốc trang phục Quan họ có nghiên cứu cho rằng: các cụ bà ngày xưa đi chùa đi lễ thường mặc áo dài thắt lưng bao tượng, đeo xà tích, đầu chít khăn mỏ quạ[5], các trang phục này được các “liền chị”[6]Quan họ tiếp thu, vận dụng, nhưng có nâng cao hơn. Đó là vận áo dài “mớ ba mớ bảy” hay gần đây nữa là áo tứ thân…. Còn các cụ ông khi đi lễ hội, tiệc tùng… thường đóng khăn xếp và mặc áo thụng. Ngày nay, với trang phục này các “liền anh” Quan họ bắt chước gần như toàn bộ, có khác chăng chỉ là chất liệu tốt và vài đường nét đẹp hơn chút mà thôi.”[7] Qua dòng thời gian, những trang phục này trở thành trang phục Quan họ như tên gọi hiện nay.
Những trang phục Quan họ như áo “tứ thân” “mớ ba mớ bảy” với khăn mỏ quạ và nón quai thao đẹp đẽ đọc đáo, được người tín hữu Công giáo Bắc Ninh phô diễn trong những sinh hoạt tôn giáo như vừa để tạo nên vẻ đẹp duyên dáng cho mình và cộng đoàn, vừa để khi bày tỏ tâm tư tình cảm của mình với Thiên Chúa được thêm phần sốt sáng, để cầu mong Thiên Chúa ban hạnh phúc cho mình và xóm làng. Vậy, một mặt ta thấy Văn hóa Quan họ cống hiến[8] giá trị tốt và hình thức tích cực, độc đáo và đẹp đẽ vào việc tôn thờ Thiên Chúa, để các tín hữu làm phong phú Đức tin của mình. Mặt khác ta cũng thấy các giá trị tốt và hình thức độc đáo đẹp đẽ của văn hóa này nhờ Đức tin dẫn lối để vượt lên trên bình diện tự nhiên của văn hóa mà tìm đến siêu nhiên qua việc góp phần vào việc tôn thờ Thiên Chúa. Vì “ân sủng đòi hỏi văn hóa, và hồng ân của Thiên Chúa được nhập thể trong văn hóa.”[9] Đức tin vừa là ân ban của Thiên Chúa, vừa là sự đáp trả của con người[10].
Dưới đây là mấy hình ảnh trang phục Quan họ trong sinh họat của tín hữu Công giáo (Số4):
- Nhờ Đức tin soi sáng, nhiều lĩnh vực trong văn hóa Quan họ vượt lên trên bình diện tự nhiên – tìm đến siêu nhiên
Trong Văn hoá Quan họ người ta còn thể hiện niềm tin và tín ngưỡng của mình với thiên nhiên vạn vật, với các bậc thần linh, với trời với đất… qua những hành vi thờ phượng, qua những làn điệu dân ca Quan họ với lối chơi Quan họ có trình tự… Có thể nói người Kinh Bắc chơi Quan họ để nhắm đến những mục đích sau: “Giao lưu tình cảm, tiễn linh hồn người vừa khuất và thờ kính tổ tiên, cầu mưa, cầu may, cầu phúc, cầu thịnh, cưới xin, khao lão. Nếu quy vào những phạm trù rộng hơn thì người Kinh Bắc chơi Quan họ nhằm vào hai chức năng: Giao duyên và Nghi lễ.”[11] Nghi lễ mang tính tín ngưỡng của người Quan họ được thể hiện nơi đình chùa qua những chặng ca Lề Lối có trình tự… Ngoài ra người ta còn thể hiện những hành vi tín ngưỡng qua việc lễ bái cúng tế…
– Thí dụ về Đức tin đối với việc thờ kính tổ tiên trong vùng đất văn hóa Quan họ:
Trong văn hóa Quan họ, việc thờ kính tổ tiên là một nét độc đáo của văn hóa này. Theo cách nói bình dân người ta còn gọi là đạo thờ kính tổ tiên hoặc là Đạo Hiếu. Đạo Hiếu này được người Kinh Bắc coi trọng. Việc thờ kính ông bà cha mẹ đã khuất có nhiều dạng. Trong một số làng Quan họ xưa, việc thờ kính này còn được thể hiện qua những canh hát gọi là “Quan họ Hiếu.”[12] Nhưng ngày nay ít gặp những canh hát quan họ dạng này, dường như thay vào đó người ta thường sử dụng dạng (cách) cúng tế… theo kiểu tín ngưỡng dân gian[13] quen làm.
Xét việc thờ kính tổ tiên của người vùng đất Quan họ: nếu chỉ dừng lại trên bình diện văn hóa mà coi ông bà tổ tiên đã khuất (chết) như những vong hồn, có khi còn cúng tế để mong các ngài về ăn về uống thì chẳng ăn thua gì. Đức tin đến dạy cho người tín hữu nơi đây biết “hãy thờ cha kính mẹ,” (x. Mt 15, 4) và “khi các ngài chết thì không còn ăn uống nữa, vì linh hồn là thiêng liêng không cần gì, linh hồn các ngài ở trong tay Thiên Chúa.”[14] Vì Chúa Giêsu đã dạy: “ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Và Chúa Giêsu còn còn khẳng định: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Thánh vịnh 23 cũng diễn tả rằng:
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì,
trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ,
Người đưa tôi đến dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…”
(Tv 23, 1-3).
Đức tin chỉ cho biết chính Thiên Chúa là nguồn cội của ông bà tổ tiên, là Đấng đã dựng nên trời đất và sinh ra loài người chúng ta (x. St 1-2, 4a). Đã có Chúa chăm sóc ông bà tổ tiên nơi Thiên Đàng vĩnh cửu “chẳng thiếu thốn gì.” Như thế, nếu chỉ xét về mặt chức năng: một mặt Đức tin chỉ cho ta biết Thiên Chúa là cội nguồn của ông bà tổ tiên, cùng chỉ cho ta biết Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên mọi loài. Mặt khác, nhờ có Đức tin soi sáng nên người tín hữu Công giáo nơi đây biết thực hiện hành động của đạo hiếu đối với ông bà tổ tiên và những người đã khuất bằng cách xin lễ cầu nguyện cho các ngài. Qua thánh lễ và cầu nguyện, người tín hữu xin Chúa ban cho ông bà tổ tiên và người đã khuất được hưởng cuộc sống hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là Thiên Đàng vĩnh cửu. Vì “Đức tin còn là nhận biết và trông cậy.”[15]
– Thí dụ việc thờ thành hoàng[16], việc tín hữu Công giáo Bắc Ninh tôn kính các Thánh tử đạo và cầu xin các ngài bảo vệ gia đình xóm làng:
Các thánh tử đạo Bắc Ninh là những bậc hiển thánh. Việc tôn kính các ngài không những đem lại lợi ích thiêng liêng cho tâm hồn những người có lòng tôn kính, mà còn đem lại nhiều điều tốt lành cho gia đình xóm làng của họ. Ở đây người viết không dám đem việc tôn kính các Thánh tử đạo Bắc Ninh để so sánh với việc thờ cúng thành hoàng, và cũng không dám đem các ngài để so sánh với các thành hoàng nơi đây. Nhưng chỉ nói đến tục lệ thờ thành hoàng và mượn từ ngữ này làm ví dụ để minh chứng Đức tin đã giúp người tín hữu Công giáo vùng Kinh Bắc bỏ qua tục lệ cúng tế… để tôn kính các Thánh tử đạo như thế nào.
Trong số các thành hoàng mà người dân vùng Kinh Bắc thờ cúng có dạng là những nhân vật lịch sử có thật có công hộ nước giúp dân một thưở, chẳng hạn như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay các vua triều Lý… nhưng cũng có dạng được người ta hư cấu. Nếu các thành hoàng mà dân vùng Kinh Bắc thờ là những nhân vật lịch sử có thật và đã có công hộ nước giúp dân, thì việc thờ này phần nào là một nét văn hóa thờ kính tổ tiên của dân tộc Việt. Còn các Thánh tử đạo Bắc Ninh là những bậc tổ tiên đã tin vào Thiên Chúa. Các ngài đem Đức tin ấy cho dân cho làng của mình, hầu mong cho mọi người được ơn cứu độ, được chung hưởng phúc trường sinh sau cuộc sống trần gian này. Khi còn sống các ngài đã giúp đỡ dân làng cả về đời sống thể xác và đời sống linh hồn. Trong vùng Bắc Ninh, người tín hữu Công giáo đã tôn kính các Thánh tử đạo ở nhà thờ, ở những ngôi đền và gia đình… Ví dụ như đền thánh Đaminh Cẩm ở giáo xứ Lai Tê, hay đền 12 vị thánh ở giáo xứ Từ Phong, hay nơi kính thánh Phêrô Tự ở nhà thờ Trung Lai… Được biết rằng: ở xung quanh những ngôi đền thờ tôn kính các thánh này đã có không riêng gì người Công giáo đến cầu nguyện xin ơn, nhưng còn có rất nhiều anh chị em lương dân rất quý mến và trông cậy vào các thánh, cũng đến cầu nguyện xin ơn… Họ đến cậy nhờ các thánh cầu thay nguyện giúp, ban ơn che chở gia đình xóm làng của mình. Vì họ biết rằng khi xưa các vị thánh này đã phục vụ dân làng nơi các ngài sinh sống, cũng như nơi các ngài đến coi sóc cách hết mình. Thí dụ: Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh: khi còn sống Thánh Cảnh vừa làm trùm họ để giúp dân làng trong việc đời sống Đức tin, lại vừa đi bốc thuốc chữa bệnh và giúp đỡ mọi người, ngài đều tận tình giúp đỡ mọi người, không phân biệt lương hay giáo…. Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự: khi còn là cha xứ của giáo xứ Kẻ Mốt (Đức Trai) ngài đã dạy giáo lý và ban phát các bí tích, giúp mọi người sống Đức tin. Ngay cả khi cha Phêrô Tự thấy “con chiên bổn đạo lần lượt bước qua thập giá thì ngài kêu khóc xin Chúa và Mẹ hãy tha cho bổn đạo con….”[17] Thánh Giuse Đặng Đình Viên đã mạnh dạn bước ra nộp mình để cứu cháu bé khỏi bị quân lính đánh đòn ở Cầu Chay – Như Thiết[18]…, hay như thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh trước mặt quan quyền ngài đã tuyên tín niềm tin vào Chúa Ki-tô và như nói với dân làng của mình rằng “đạo Chúa Giêsu là đạo thật.”[19] Vv… Là những người đã được đón nhận Đức tin đón nhận Tin Mừng trước, các Thánh tử đạo Bắc Ninh đã đương đầu với khó khăn nguy hiểm để gìn giữ Đức tin cho dân làng. Các Thánh tử đạo đã đổ máu mình tuyên xưng lòng tin vào Thiên Chúa và để minh chứng cho dân làng của mình biết đâu là “Đường nẻo thật,”[20] đâu là “Đạo thật”[21] mà mà noi theo, để nhờ đó dân làng được Thiên Chúa cứu độ. Vì thế, đối với dân làng các Thánh tử đạo Bắc Ninh đã ở-đã đến, các ngài đã phục vụ và yêu thương hết mình. Mặc dù từ ngữ “thành hoàng” không gợi tả được công lao và sự kính trọng dành cho các vị tự đạo này, những theo cách nói bình dân xin mượn nó để diễn tả cho “giới bình dân” dễ hiểu là các Thánh tử Đạo Bắc Ninh không những không như các thành hoàng bình thường, mà các ngài còn là những Thành hoàng Đức tin vĩ đại của Chúa Kitô sai tới để phù hộ ta. Khi còn sống các Thành hoàng Đức tin này đã dám đứng ra phù giúp và bảo vệ mọi người, bảo vệ dân làng của mình. Nay được hưởng phúc trường sinh trên Thiên Đàng, chắc chắn các ngài luôn cầu nguyện và gìn giữ cùng ban ơn lành của Chúa cho chúng ta, cũng như ban cho những làng xóm biết tôn kính mến yêu các ngài.
Tóm lại, có thể nói Văn hóa Quan họ là một thực thể văn hóa sống động, nhưng chỉ nơi văn hóa tâm linh mới có sức sống bền vững.[22] Khi quan sát sự tác động của Đức tin đối với Văn hóa Quan họ ta thấy Đức tin và văn hóa này có nhiều nét liên kết chặt chẽ không tách rời. Đức tin đang như là “men trong bột[23]” làm cho nhiều giá trị và hình thức tích cực trong Văn hóa Quan họ “dậy men” niềm tin, “dậy men” men tôn kính đối với Đấng chủ tể muôn loài là Thiên Chúa. Ta thấy: một mặt Văn hóa Quan họ đã cống hiến những giá trị tốt đẹp và (những) hình thức tích cực giúp cho cách thể hiện Đức tin của người tín hữu thêm phong phú; mặt khác, Đức tin đã định hướng cùng nâng những giá trị và hình thức tích cực của văn hóa này lên tầm giá trị và ý nghĩa mới trong việc tôn thờ Thiên Chúa. Nhờ có Đức tin “là muối” “là men” “là ánh sáng” “là động lực để thúc đẩy” nên những nét hay nét đẹp trong Văn hóa Quan họ được mặc cho mình giá trị mới cao đẹp hơn. “Siêu nhiên đến thanh tẩy và biến đổi tự nhiên.”[24] Ước mong cả con người và nét hay nét đẹp trong nền Văn hóa Quan họ nhờ Đức tin mà tiến tới hoàn mỹ và hoàn thiện hơn nữa trong tương lai./.
Tháng hoa kính Đức Mẹ, 2019
————
[1] Trích bài huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại Đại Học Thánh Tâm Gemelli Rôma ngày 3-5-2012. Nguồn http://www.tinvasong.com
[2] Kinh Bắc xưa gồm 4 phủ (20 huyện), hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng).
[3] Hạn từ “Văn hóa Quan họ”: trước hết, về hạn từ Văn hóa: Văn hóa là một hạn từ mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Sự tồn tại của văn hóa giống như câu nói của văn hào người Pháp André Malraux (1901-1976): “văn hoá là những gì còn lại, khi tất cả đã mất đi”. Dưới đây xin đưa ra mấy định nghĩa về văn hóa để hiểu thêm về hạn từ này: Theo học giả người Pháp Brunschwig: “Văn hóa theo nghĩa đen là cái gì bồi bổ cho bản tính tự nhiên để nâng loài người lên trên trình độ cầm thú. Ấy là sự tinh tế trong phong tục, sự thanh cao trong tinh thần, lòng hiếu mỹ và trí thẩm mỹ.”(Toàn Ánh, Văn hóa Việt Nam những nét đại cương, nxb Văn học, 2002, tr12). Đối với tiến sỹ Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, xb 1997, 124). Công đồng Vatican II còn diễn tả rằng: “Văn hoá bao gồm tất cả những gì nhờ đó con người trau dồi và phát triển các năng khiếu đa dạng về tinh thần và thể xác; cố gắng chế ngự trái đất bằng tri thức và lao động; nhân bản hoá đời sống xã hội, cuộc sống gia đình cũng như toàn thể đời sống dân sự nhờ việc cải tiến các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, truyền thông và bảo tồn trong các tác phẩm những kinh nghiệm tinh thần và những hoài bão lớn lao của con người trải qua các thời đại, ngõ hầu giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.”Nên có thể định nghĩa Văn hoá Quan họ là một tổng thể hợp thành từ nhiều yếu tố văn hóa, nghệ thuật dân gian. Nó là một di sản văn hóa quý giá biểu hiện những quan niệm tình cảm đẹp đẽ, trong sáng, tin yêu, trữ tình, đằm thắm chất phác của người dân lao động sống trên mảnh đất Kinh Bắc xưa và nay.
[4] UNESCO là tên gọi của một tổ chức Quốc tế được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization. Dịch sang tiếng Việt là: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc.
[5] Nếu theo Trần Ngọc Thêm trong cuốn Tìm Về Bản Săc Văn hóa Việt Nam thì đây là trang phục truyền thống của Việt Nam vào thời đầu thế kỷ XIX trở đi (trag 179-179).
[6] “Liền anh” và “liền chị” là những lối nói mang tính biệt ngữ trong sinh hoạt hay hát dân ca Quan họ, dùng để chỉ để gọi từng thành viên nam hoặc nữ của một “bọn Quan họ”.
[7] Nguyễn, Quang Khải, Quan Họ Bắc Ninh Thực Trạng Và Giải Pháp Bảo Tồn, Sở Văn Hóa Và Thông Tin Bắc Ninh, 2006, 187.
[8] Trong Evangelii Gaudium Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: “Hội Thánh dẫn đưa các dân tộc , cùng với văn hóa của họ, vào trong cộng đồng của chính Hội Thánh, vì mỗi dân tộc cống cống hiến những giá trị và hình thức tích cực để làm phong phú cách thức mà Tin Mừng được rao giảng, hiểu và sống. Bằng cách này Hội Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hóa khác nhau và trở thành sponsa ornata moniti-bus suis «cô dâu được trang điểm lộng lẫy» (x.Isaia 61, 10)” (số 116).
[9] Phan-xi-cô, Evangelii Gaudium, 115.
[10] X.Youcat, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr 43.
[11] Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý, QUAN HỌ NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN, nxb KH&XH, Hà Nội, 1978, 63.
[12] Đôi nét về Quan họ Hiếu: trong việc thờ kính tổ tiên của một số làng Quan họ xưa có phần giống như ở một số dân tộc thiểu số xa xưa trong nước ta, “việc thờ kính tổ tiên phát xuất từ ý niệm về người sống, kẻ chết trong nội bộ gia đình, dần dần dẫn đến việc tổ chức tang lễ cho người quá cố. Đặc biệt đối với người Quan họ, việc tổ chức tang lễ cho người đã khuất được tiến hành như một lối chơi Quan họ. Lối chơi này dần dà hình thành với tên gọi: Quan Họ Hiếu” (x. Đặng, Văn Lung & Hồng, Thao & Trần, Linh Quý, QUAN HỌ NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN, nxb Hà Nội, 1978, 66).
[13] Về tín ngưỡng dân gian: “Tín ngưỡng dân gian là những hoạt động tôn giáo có liên quan đến phong tục tập quán của nhân dân và cũng là những hiện tượng tôn giáo của những hình thái nguyên thủy đã được phát sinh và phổ biến trong nước. Để cởi mở những khó khăn, thắc mắc trong lòng, những tranh chấp cãi cọ trong gia đình và xã hội, những khổ cực của hoàn cảnh tự nhiên và nhất thời, con người với tài năng và sự hiểu biết lại không sao giải thích nổi, nên họ buộc phải cầu xin sự giúp đỡ chỉ dẫn, bảo hộ của quỷ thần, phải dùng những biện pháp xin xăm, bói toán, lên đồng, gọi hồn, bói chim… nhằm mục đích là thông hiệp với quỷ thần… Tín ngưỡng dân gian thờ nhiều thần lẫn lộn… tín ngưỡng dân gian lấy sự ỷ lại mù quáng và hành vi thờ quỷ thần để đạt đến hy vọng của mình.” (Dương Hữu Tình, lm, Một Cái Nhìn Về Phật Giáo, 2007, tr 181.)
[14] Vũ Thành, Lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 201.
[15] X. Youcat, Nxb Tôn Giáo, 2013, tr 43.
[16] Cụm từ “thành hoàng” ban đầu xuất phát từ chữ Hán (城隍) , có nghĩa: thành là cái thành; hoàng là cái hào bao quanh cái thành. Và khi ghép chung lại thì nó trở thành một cụm từ dùng để chỉ về vị được cho là thần coi-giữ-bảo trợ cho thành, cho làng.
Thành hoàng mà dân vùng Kinh Bắc thờ cúng cũng giống như các thành hoàng ở nhiều nơi trên đất Việt, có hai dạng:
Dạng nhân vật lịch sử có thật: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, các vị vua triều Lý… các vị này là những con người có thật, khi sinh tiền các vị có công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua biểu dương công trạng mà lập đền thờ, hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bậc ấy đều có sự tích, công trạng và họ tên và sinh quán rõ ràng.
Dạng được hư cấu-không có thật: ví dụ như Vua Bà, Bà Mụ Ả, Bà Đống, hoặc Trương Hống và Trương Hát. Trong truyền thuyết dân gian gọi Trương Hống và Trương Hát là “Đức thánh Tam Giang”. Hai vị này được tín ngưỡng dân gian vùng Kinh Bắc phong cho là những vị thần vị thánh, nhưng không được nhắc tới trong chính sử, mà chỉ được nhắc tới trong dã sử và truyền thuyết. “Tam Giang” còn bắt nguồn từ cách gọi chung của ba con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Đuống. Ngoài ra còn có những thần khác như thần trẻ con, thần ăn xin, thần ăn cướp, thần rắn, thần rết…
Việc thờ cúng này có nhiều khi rất không bình thường: “có khi họ cúng tế, vàng mã, bùa phép vv… Sự tin tưởng của họ vào bùa phép nhiều khi đã biến thành mê tín dị đoan, vượt quá khuôn khổ tế tự.” (x. Nam Sơn, Tục thờ thành hoàng).
[17] Vũ Thành, lm, Dòng Máu Anh Hùng, tr 195
[18] X. Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, 43.
[19] X. Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, 29.
[20] X. Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, 11.
[21] X. Tòa giám mục Bắc Ninh, Các Thánh Tử Đạo Bắc Ninh, tr 11, 29.
[22] Nguyễn, Quang Khải, Quan Họ Bắc Ninh Thực Trạng Và Giải Pháp Bảo Tồn, Sở Văn Hóa Và Thông Tin Bắc Ninh, 2006, 187.
[23] Theo Từ điển Tiếng Việt: “men” là chất làm cho vật khác hầm hơi và đưa ra mùi nồng, lên men, như men rượu. Ở bài viết này mượn hình ảnh về tính năng xúc tác của men để diễn tả điều muốn nói.
[24] Thần học gia Hans Urs von Balthasar.