Giáo Xứ Vĩnh Ngọc Trước Viễn Ảnh TÂN PHÚC ÂM HÓA

                                                                                                                                

Sáng chúa nhật 21.10, công việc sửa soạn cho thánh lễ ban chiều tại giáo xứ Vĩnh Ngọc đã tạm ổn, từ lễ đài đến trang trí khuôn viên và phần âm thanh ánh sáng: tất cả là để từng thành viên trong giáo xứ hướng tới việc tân Phúc Âm hóa, để tất cả sống đức tin và lớn lên trong đức tin, đồng thời thông truyền đức tin cho những người chung quanh.

Trong bài giảng thánh lễ, cha tổng đại diện đã dẫn cộng đoàn dân Chúa mở lòng đón nhận Tin Mừng, để cho Tin Mừng đưa vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô ngay trong cuộc sống hôm nay, bởi lẽ, theo lời dạy của ĐGH Bênêdictô: “Làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao vời, nhưng là cuộc gặp gỡ với một sự kiện, một con người, một cuộc gặp gỡ đem đến một chân trời mới và một hướng đi quyết định”.  Vì thế việc cử hành khánh nhật truyền giáo chỉ có ý nghĩa  nếu tất cả cùng nhau cam kết, không phải một cam kết về một cuộc tái-phúc âm hoá, mà là một cuộc phúc âm hoá mới: mới về nhiệt huyết, mới về phương pháp và mới về cung cách biểu hiện, phù hợp với con người và sứ điệp của Đức Giêsu Kitô”

                “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Ðức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6). Như Thánh Phêrô Tông Đồ, Hội Thánh cũng tiếp tục trung thành loan báo Tin Mừng vì lợi ích của mỗi người. Đáp lại người què xin ngài cho gì đó để sống, Thánh Phêrô cho anh ta món quà Tin Mừng để chữa lành anh, và mở đường cho ơn cứu rỗi.

Ngược dòng thời gian, về lại vùng đất này, khi Chiêm Hóa còn hoang sơ, vào những năm 1940, nghĩa là khoảng 70 năm trước, cái xóm đạo bấy giờ chỉ là 5 cái thuyền nhỏ từ Nam Định lên đây sinh sống bằng nghề chài lưới, đêm về thường tụ họp ngay khúc sông Gâm, nơi có nhà thờ Vĩnh Ngọc hiện nay, để sớm hôm đọc kinh cầu nguyện. Thế hệ con cái của năm gia đình này cũng đã theo cha mẹ về với tiên tổ, chỉ còn sót vài cụ nay đã xấp xỉ 80, vẫn  còn vui vầy với con cháu. Thế là từ 5 gốc cổ thụ ấy, theo thời gian, đã nảy sinh thành hơn 40 gia đình. Cùng với một số gia đình di cư sau này, tất cả hợp thành giáo xứ Vĩnh Ngọc hôm nay.

Đời sống đạo truyền thống, qua bao đời, cứ câu kinh câu bổn: từ cái xóm đạo nhỏ bé trên sông Gâm đến khi lên bờ xây dựng họ đạo lớn hơn, cho tới ngày gây dựng giáo xứ với ngôi nhà thờ bé nhỏ bên sông. Số người đi thờ đi lễ mới đầu cũng đông lắm, nhưng xem ra ngôi nhà thờ theo thời gian cũng không đủ sức giữ chân người giáo dân. Mặc dù con số các gia đình trẻ mỗi ngày gia tăng, đáng lẽ ngôi nhà thờ mỗi ngày thêm đông thì ngược lại, càng ngày càng thưa dần. Lý do dẫn đến việc có thêm những người bỏ không đi nhà thờ, phải chăng vì hoàn cảnh và cuộc sống nay đã đổi thay, thêm  một số lớn thanh niên đi làm ăn xa, làm cho giới trẻ trong giáo xứ thưa thớt dần, đếm qua nhẩm lại chỉ thấy phần lớn là các ông, các bà và các cháu thiếu nhi…

Thực ra, có thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng đức tin của bà con suy yếu là bức tường rào vây quanh giáo xứ đã không còn nguyên vẹn. Cũng giống như cái lũy tre làng năm xưa đã giữ gìn kỷ cương và truyền thống Việt, thì hình ảnh ‘xóm đạo’ với kinh bổn cũng đủ nuôi dưỡng đời sống đức tin của người giáo dân, ngay cả cái xóm chài bên sông thuở nào, không nhà thờ, không linh mục hướng dẫn, nhưng hễ nhà nào sớm hôm kinh bổn là lòng đạo vẫn sáng ngời, cuộc sống có vất vả mấy thì gia đình vẫn êm ấm, không có chỗ cho những thứ dối trá và gian ác và gian tham.

Đời sống đức tin của bà con hiện nay ra sao?

Suốt tuần lễ sửa soạn cho ngày khánh nhật truyền giáo, tuy rằng tại nhà thờ giáo xứ lúc nào cũng tấp nập kẻ ra người vào, nhưng nhìn kỹ sẽ chỉ thấy mấy ông, mấy bà quen thuộc; khóa dẫn vào lời Chúa mỗi sáng cũng chỉ có một con số chưa đầy 20 người già với trung niên. Cứ cho là ban ngày nhiều người phải lao động làm ăn sinh sống, thế nhưng buổi tối ở giáo họ Tham Kha cũng không khá hơn gì, một số các chị đến sớm tập múa cho ngày lễ, trong khi chờ đợi, đâu có muốn vào nghe ông thầy chia sẻ, ngay cả mấy ông trong ban hành giáo cũng vậy. Con số giáo dân trong  giáo xứ là hơn một ngàn người, trong khi số người đến nhà thờ chưa quá hai phần ba, thậm chí chỉ hơn một nửa. Suốt tháng mân côi này, mỗi họ có một tượng Đức Mẹ luân phiên đi thăm từng nhà. Vâng, Mẹ đã nghe những khát vọng của con cái, xin Mẹ dẫn dắt tất cả đến với Chúa Giêsu con của Mẹ, để tất cả có được một con tim biết lắng nghe như Mẹ, từ đó có thể nhận được Lời ban sự sống.

Thực ra, khi nhận tổ chức ngày khánh nhật truyền giáo năm nay, cha quản nhiệm chắc chắn cũng nói rõ điểm nhắm và lộ trình, và tất nhiên, anh chị em giáo dân cũng đã đồng lòng hưởng ứng. Nhân cơ hội này, vực dậy đời sống đức tin trong giáo xứ, bằng việc khai mở công cuộc Tin Mừng hóa mới:

  • Mới về nhiệt huyết
    Nhiệt huyết đâu ra nếu không dìm mình trong Thần Khí: ‘nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước’ (Gl 5, 25)

Người loan báo Tin Mừng mà lại công bố một sứ điệp không đem lại sự sống, có nghĩa mới chỉ công bố một Đức Giêsu đã chết, chứ không có kinh nghiệm đã gặp Đấng Phục Sinh hiện ra ngay trong nấm mồ của đời mình và của lịch sử, thì làm sao có thể dõng dạc lớn tiếng loan báo như Phêrô trong ngày lễ ngũ tuần: « chính đức  Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng » (Cv 2, 32).

  • Mới về phương pháp

Đất nước theo thời gian, chỉ tính từ 1975 đến nay, đã trải qua thời kỳ bo bo đến ăn ngon mặc đẹp và rồi qua thời @ đến 4.0. Tương tự huấn giáo năm xưa là kinh bổn, thánh lễ bằng tiếng la tinh, cả một thời gian dài cấm không được lập bàn thờ tổ tiên, làm cho đời sống đức tin của người giáo dân đóng khung trong hàng rào giáo xứ. Bước tiếp theo, công đồng Vatican II khuyến khích và cho phép lập bàn thờ tổ tiên để dân mình không xa lạ với truyền thống ; thánh lễ được cử hành bằng tiếng Việt để mọi người có thể hiểu và tham dự, đồng thời khích lệ giáo dân đọc Thánh Kinh.

Thế là từ việc Tin Mừng hóa dân Chúa qua kinh bổn thì nay Tin Mừng hóa mới đưa dân Chúa nhìn về với tổ tiên, nhìn về ký ức xa xưa, theo lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: ‘Ký ức là một chiều kích của đức tin mà chúng ta có thể gọi là “đệ nhị luật”, tương tự như ký ức của dân Israel về chính mình’ (EG 13), đồng thời khích lệ nhà nhà có sách thánh, người người đọc Tin Mừng, để lời Chúa thúc đẩy lao mình về phía trước, trong khi buông mình theo hướng dẫn của Thần Khí, để không bị mắc lừa vì những thứ thuần nhân loại.

  • Mới về cung cách thể hiện

Thử hỏi tấm áo Giêsu năm xưa với chiếc áo của người môn đệ hôm nay có gì khác biệt ? 

Ăn mặc, nói năng, đi đứng, gặp gỡ, miễn sao phù hợp với cung cách Tin Mừng, để lộ khuôn mặt và tấm lòng Giêsu là đấng hiền lành và khiêm nhường, êm ái nhẹ nhàng. Thật vậy, tân phúc âm hóa chính là để cho lời Giêsu bén rễ, phát triển và lan tỏa trong cuộc đời của người môn đệ và giữa lòng cuộc sống hôm nay.

Ngày khánh nhật truyền giáo qua mau, chỉ cần một buổi sáng mọi người chung tay dọn dẹp là tất cả lại trở về nguyên trạng cũ. Tuy nhiên, những gì còn đọng lại trong lòng mỗi người thì không phai mờ: Lời Thiên Chúa mà tất cả đã lắng nghe và đã cảm nhận, làm trào lên trong lòng mọi người cơn khát được biến đổi – để từ nay, mọi suy nghĩ và hành động đều bắt đầu từ cái nhìn của Thiên Chúa, bắt đầu từ nơi Thiên Chúa làm việc: và chính từ đây mà mọi người trong giáo xứ Vĩnh Ngọc cũng như trong các giáo họ Tham Kha và Chinh biết mình phải làm gì cho vinh danh Thiên Chúa.

Công cuộc TÂN PHÚC ÂM HÓA cũng bắt đầu từ đây, để tất cả sống đức tin và thông truyền đức tin cho nhau và cho mọi người.

                                                                                                                        MM Tân, SJ.